Nhâm Bảo Khanh trải nghiệm làm kĩ sư tàu con thoi

GD&TĐ - Tham gia chương trình Honeywell Leadership Challenge Academy (HLCA) là trải nghiệm chưa từng có trong đời của Nhâm Bảo Khanh - học sinh lớp 11D5 trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội).

Bảo Khanh cho biết, để được chọn tham gia chương trình, em phải trải qua vòng loại đơn với yêu cầu về thành tích, kinh nghiệm làm việc nhóm, kĩ năng lãnh đạo và 3 bài luận cá nhân. Nữ sinh Hà Nội đã xuất sắc vượt qua các ứng viên bởi hồ sơ ấn tượng và thành tích học tập đáng nể.

Màn chào hỏi 11 giờ đêm và trải nghiệm bay ngoài vũ trụ

Ngày đầu tiên đến trại vào 11 giờ đêm ở Mỹ, lúc này mọi người đã đi ngủ hết, Bảo Khanh nhớ như in cảm giác lo lắng vì sẽ không có cơ hội được làm quen với các bạn. Nhưng thật bất ngờ, dù đã muộn, Khanh vẫn được các bạn chào đón rất thân thiện và giúp em chuẩn bị các đồ dùng cần thiết trong kí túc xá.

"Em là 1 trong 4 trại viên đến từ khu vực Châu Á Thái Bình Dương (ngoài Việt Nam còn có Indonesia, Malaysia và Nhật Bản). Hầu hết học sinh tham gia chương trình đều là người Mỹ hoặc từ các nước nói tiếng Anh. Cảm giác đầu tiên khá hồi hộp vì đây là lần đầu tiên tham gia một Space Camp và lần đầu tiên đến nước Mỹ" - Khanh chia sẻ.

HLCA ra đời nhằm mục đích khuyến khích sự hứng thú và quan tâm đối với các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) ở các học sinh trong độ tuổi 16-18; gồm các hoạt động thực hành như chế tạo và thử nghiệm tên lửa, mô phỏng đào tạo phi hành gia, tàu con thoi và đi bộ trên mặt trăng. Chương trình được thiết kế nhằm giáo dục các học sinh về tầm quan trọng của STEM trong một thế giới kết nối và luôn thay đổi. 

Khanh kể lại: Em được phân vào nhóm 16 người, đến từ các nước Mỹ, Canada, Anh, Ireland, Ấn Độ và được thực hiện 5 thử thách chính, đó là chế tạo tên lửa; chế tạo tấm chắn nhiệt dùng cho vỏ tàu vũ trụ, ở nội dung này, nhóm em chế tạo được tấm chắn giữ được lâu nhất khi thử với nhiệt; mô phỏng các chiến binh và phi công, học cách điều khiển máy bay; mô phỏng thử thách vũ trụ, đóng vai phi hành gia - kĩ sư tàu con thoi; mô phỏng đội phản ứng cứu nạn, trong đó em là thành viên Logistic.

Đây đều là những hoạt động đòi hỏi cao kĩ năng hợp tác và lãnh đạo. Bên cạnh đó, em còn được tham gia các buổi thuyết trình, hoạt động ngoài trời về team building; gặp gỡ trò chuyện với khách mời là các phi hành gia, nhà lãnh đạo.

Ấn tượng đặc biệt nhất khi tham gia chương trình với Khanh là được đóng giả làm kĩ sư tàu con thoi (flight engineer), được mặc bộ phi hành gia để ra ngoài không gian sửa tàu trong môi trường không trọng lượng và lượng oxy đang cạn kiệt.

"Em được buộc vào một thanh thiết bị. Mỗi lần em cố chạm chân xuống đất là lại bị nhấc bổng lên, vừa phải tháo lắp kĩ thuật vừa phải đảm bảo thông báo qua bộ đàm với các thuyền trưởng" - Khanh chia sẻ cảm giác tuyệt vời mình đã trải qua.

Ngoài ra, trải nghiệm khi được đặt trong tình huống có một trận bão lớn vào thành phố, với Bảo Khanh cũng rất đặc biệt. Nữ sinh trường Nguyễn Tất Thành nhớ lại: Bọn em phải thực hiện các nhiệm vụ sơ tán, tìm kiếm cứu nạn trước, trong và sau trận bão để giảm thiệt hại nhiều nhất.

Em thuộc Logistic team (hậu cần), phải cung cấp đồ dùng cho các medical team, search and rescue team và incident commander (người chỉ huy), tính toán thời gian và số lượng được cung cấp. Em thực sự học hỏi được nhiều điều từ trải nghiệm này.

"Em rất may mắn vì được tham gia vào chương trình đặc biệt này. Các hoạt động trong chương trình đều là những cách tiếp cận mới và hiệu quả đến khoa học vũ trụ - một bộ môn em chưa được tìm hiểu nhiều ở Việt Nam, và ngành STEM. Tham gia chương trình, em cũng học hỏi được cách hợp tác, giao tiếp trong hoạt động tập thể, nhất là giữa các bạn từ các nước khác nhau; đó là chưa kể những thu nhận thú vị về văn hoá các nước" - Bảo Khanh cho hay.

http://static.giaoducthoidai.vn/uploaded/nhungnt/2017_05_12/1_vrjw.jpg?width=500

Nhâm Bảo Khanh (hàng trước, ngoài cùng bên phải) tham gia hoạt động phóng thử tên lửa

Ước mơ du học Mỹ

Là một học sinh giỏi Tiếng Anh với khá nhiều thành tích, Nhâm Bảo Khanh đang trong thời gian chuẩn bị hồ sơ để du học Mỹ. "Đó là ước mơ gần của em. Chị gái em cũng đang học đại học ở Mỹ" - nữ sinh Hà Nội chia sẻ.

Kinh nghiệm học của Khanh cũng rất đơn giản. Được học tiếng Anh từ năm lớp 1, ngay lập tức Khanh thích bộ môn này và nâng dần trình độ bằng việc làm nhiều bài tập với các dạng khác nhau, hay nghe nhạc, xem phim, đọc sách Tiếng Anh, thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Anh chị gái.

Ngoài học tốt Tiếng Anh, Bảo Khanh còn là học sinh giỏi toàn diện, chơi được piano và guitar.

Nói về học trò của mình, cô PhạmThị My - giáo viên chủ nhiệm lớp 11D5 - cho biết: Bảo Khanh là học sinh lễ phép, thân thiện, hòa đồng; có tinh thần tương thân, tương ái; rất thông minh, năng động, nhiệt tình và trách nhiệm cao trong các hoạt động tập thể.

Ngoài các thành tích đạt được trong các kì thi Tiếng Anh, Bảo Khanh còn giỏi đều các môn. Năm lớp 10, em đạt trung bình tất cả các môn 9,2 và là 1 trong 3 học sinh của lớp được nhận học bổng Nguyễn Tất Thành tại lễ báo công dâng Bác. Kì I lớp 11, Khanh đạt trung bình tất cả các môn là 9,1.

Học kì II chưa có kết quả, nhưng chắc chắn Bảo Khanh cũng đạt trung bình các môn trên 9,0. "Khanh là điểm sáng để các bạn trong lớp phấn đấu. Tập thể lớp và cô chủ nhiệm vô cùng tự hào về Bảo Khanh!" - cô chủ nhiệm tự hào nói về cô học trò nhỏ.

“Honeywell Leadership Challenge Academy được thiết kế nhằm truyền cảm hứng cho các em học sinh trở thành những nhà lãnh đạo tương lai trong lĩnh vực khoa học, toán học và kỹ thuật. Chúng tôi mong muốn mang lại cho các em học sinh niềm đam mê để truyền lửa cho những đóng góp về công nghệ của thế hệ này cho thế giới.”

Ông Michael A. Bennett - Chủ tịch Honeywell Hometown Solutions, sáng kiến trách nhiệm cộng đồng của tập đoàn.

Hải Bình

 

Nguồn:
Link bài viết gốc