Vào thứ 7 ngày 09/04/2022, phụ huynh học sinh Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đã được tham gia Câu lạc bộ Cha mẹ học sinh (CLB CMHS) với chủ đề: “Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ vị thành niên” trên nền tảng Microsoft Teams. Buổi sinh hoạt giúp CMHS nhận biết sớm những dấu hiệu cho thấy con mình đang gặp khó khăn về vấn đề tâm lí và cách thức trợ giúp con.

Độ tuổi vị thành niên có thể nói là một độ tuổi với nhiều sự thay đổi đột ngột về cả tâm sinh lí của học sinh, đặc biệt là trong và sau thời gian giãn cách xã hội. Vì đại dịch Covid-19, học sinh không được đến trường học tập trực tiếp, sự kết nối với thầy cô và bạn bè, với thế giới bên ngoài dần trở nên xa cách. Vào năm 2021, theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc rằng cứ 7 trẻ thì có hơn 1 trẻ vị thành niên từ 10-19 tuổi trên toàn cầu đã bị chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần và mỗi năm đã có gần 46.000 trẻ vị thành niên tử vong do tử tử. Đây là những con số biết nói và để giảm thiểu số lượng, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, Trường THCS và THPT đã mời đến buổi tọa đàm các chuyên gia của khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để tư vấn cho CMHS. Các chuyên gia có mặt tại buổi tọa đàm là TS. Ngô Thị Thanh Mai, TS. Nguyễn Thị Ánh Nguyệt và Th.S Nguyễn Thị Mai Hương.


Các chuyên gia và thầy cô tư vấn trong buổi sinh hoạt CLB CMHS


Nội dung chia sẻ được thiết kế dựa trên nhu cầu của CMHS đã khảo sát trước buổi tọa đàm

Mở đầu buổi tọa đàm, TS Ngô Thị Thanh Mai đã đặt ra câu hỏi cho bố mẹ: “Bố mẹ có những băn khoăn, lo lắng gì với con của mình?”. Rất nhiều những câu hỏi thắc mắc được đưa ra như “Làm thế nào để có thể kết nối được với con?” hay “Sau đại dịch, tôi cảm thấy con của tôi có rất nhiều sự thay đổi. Vậy tôi phải làm gì để kết nối với con?”, “Sau dịch Covid, khi các con quay lại trường học, các con có nhiều sự bỡ ngỡ. Tôi phải làm gì để giúp đỡ con?”,...




Các bố mẹ tích cực, sôi nổi trao đổi và đặt nhiều câu hỏi cho các chuyên gia

Từ những thắc mắc của cha mẹ, các chuyên gia đã giải thích cặn kẽ và chi tiết: sức khỏe tinh thần là trạng thái sức khỏe có thể ở dạng trạng thái sức khỏe khỏe mạnh hoặc có thể ở dạng trạng thái có vấn đề như ốm đau, có những cảm xúc tiêu cực, buồn, lo lắng,... hoặc có thể ở những cái dạng liên quan đến bệnh lí. Để có thể ảnh hưởng tới trạng thái này thì đó là sự cộng hưởng giữa nhiều yếu tố và những yếu tố mang tính tích cực để bảo vệ, để năng cao sức khỏe tinh thần của các con. Đó có thể là cơ thể, thể chất tốt hoặc có chế độ ăn uống, dinh dưỡng, tập thể dục thể thao, có thời gian vui chơi kết hợp với thời gian học tập, nghỉ ngơi một cách hợp lí,…



Những yếu tố tác động đến sức khỏe tinh thần của trẻ vị thành niên


Ứng xử của cha mẹ khiến con bị tổn thương


Các chuyên gia đã nêu ra những “nỗi lòng” của con mà mỗi cha mẹ nên thấu hiểu



Một số hình ảnh trong phóng sự được các chuyên gia sử dụng nhằm giúp các bậc cha mẹ suy ngẫm về những giải pháp hỗ trợ tâm lí cho con

Sau khi xem phóng sự, TS. Ngô Thị Thanh Mai đã đặt ra những câu hỏi đáng để các bậc phụ huynh suy ngẫm như “Chúng ta có yêu thương con vô điều kiện không hay chúng ta đang đặt một số điều kiện nào đó với con. Chúng ta đã thật sự lắng nghe con chưa? Hay là khi con nói thì chúng ta ngăn chặn? Chúng ta đã thực sự tôn trọng con, chấp nhận con chưa? Chấp nhận rằng cảm xúc của con bây giờ là như thế? Hay trong một gia đình, nơi mà mọi người gọi là tổ ấm thì con đã cảm thấy thực sự là ấm áp chưa, đã cảm thấy an toàn chưa? Hay là chính lời nói của cha mẹ đã làm mất sự an toàn của con về mặt tâm lí. Hay là trong gia đình, con đã cảm thấy con là một người có giá trị chưa?...”. Từ đó, chuyên gia đã gợi ý một số biện pháp bố mẹ có thể áp dụng để hỗ trợ tâm lí cho các con.


Một số gợi ý của chuyên gia để tạo sự kết nối, tạo mối quan hệ tin cậy giữa bố mẹ và con cái


Những chia sẻ đầy tâm huyết của TS. Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Nhà trường về những giải pháp hỗ trợ tâm lí cho con

Cuối buổi tọa đàm, phụ huynh của học sinh Lương Khánh Ngọc - lớp 10D1 chia sẻ: “Sau khi lắng nghe chia sẻ của các chuyên gia, tôi tự nghiệm thấy một số vấn đề của mình trong đó và rất may mắn, tôi được tham gia buổi tọa đàm để nhìn nhận lại bản thân. Tôi sẽ cố gắng hoàn thiện bản thân, lắng nghe con nhiều hơn, để con luôn cảm thấy an toàn, hạnh phúc khi có gia đình ở bên”.

Có lẽ hơn hai giờ đồng hồ của buổi sinh hoạt không thể giải đáp hết những thắc mắc, băn khoăn của các bậc làm cha, làm mẹ. Nhưng qua buổi trò chuyện, các bậc phụ huynh của Trường Nguyễn Tất Thành đã phần nào an tâm hơn và chuẩn bị cho mình những kĩ năng, kiến thức để chia sẻ, tương tác với con mình, giúp các con vượt qua những khó khăn ở lứa tuổi vị thành niên. Hi vọng sau buổi sinh hoạt CLB CMHS, các bậc phụ huynh có thể phần nào hiểu được những áp lực tâm lí của con và có những giải pháp hỗ trợ con hiệu quả nhất.

Toàn bộ nội dung, quý vị có thể xem lại tại đây

Bài viết: Đặng Minh Thu (8A2)

Ảnh: Phùng Nhật Minh (10N1), Đặng Minh Thu (8A2)