Trong cuộc hội thảo "Vật lý hiện đại với văn hoá và phát triển" - do tạp chí Tia Sáng và Ban vận động thành lập trường Đại học Phan Châu Trinh, Quảng Nam, do nhà văn Nguyên Ngọc làm trưởng ban - được tổ chức ở Hội An, nhiều nhà vật lý đã có dịp ngồi với nhau, mạn đàm về nhiều vấn đề tưởng khô khan nhưng lại hết sức lý thú.
Nhà Phật có câu "Vạn pháp do tâm tạo", có nghĩa là mọi thứ trên đời này, từ ngọn núi Everest cho đến những người quanh mình, đều do tâm mình tạo ra! Hay nói cách khác, bởi vì có ta nên mới có mặt trời! Rõ ràng đó là một khái niệm vô cùng duy tâm, để hiểu nó và chấp nhận nó cần nhiều chiêm nghiệm, thậm chí niềm tin nữa.
Nhưng nói thật, tôi đã nổi gai ốc, khi nghe các nhà vật lý nói rằng, bắt đầu từ thuyết tương đối của Einstein, và cả những quan sát cũng như lý thuyết mới nhất về vật lý vĩ mô cũng như vi mô, đều ngày càng cho thấy, hình như không có một thực tại khách quan, chỉ có một thực tại được quan sát, có nghĩa là phụ thuộc rất nhiều vào vị trí quan sát, con người quan sát mà ta có những thực tại khác nhau, nó phản ánh những tình huống nhất định của nhận thức!
Theo thuyết Einstein, Từ Thức có chuyển động với vận tốc 300.000 km/giây thì chiếc xe máy anh ta chạy cũng vẫn cứ 50km/giờ
Thuyết tương đối, được Einstein công bố vừa đúng 100 năm trước, cũng được các nhà vật lý giới thiệu lại một cách dễ hiểu như sau. Tôi cao 1,7 mét, bạn đo được tôi cao 1,7 mét là vì bạn và tôi cùng trong một hệ quy chiếu. Nếu bạn đứng dưới đất và tôi đứng trên tàu hoả thì khi bạn đặt thước vào đầu tôi thì chân tôi đã di chuyển đi chỗ khác rồi, và khi bạn đặt thước vào chân thì tôi đã không còn 1,7 mét nữa. Nói cách khác, sẽ không có sự đồng thời trong hai hệ quy chiếu. Thời gian cũng vậy, Từ Thức lên tiên 3 năm bằng với trần gian 300 năm là vì cái cảnh tiên ấy so với trần gian nó không đứng yên. Trong hệ quy chiếu đó, giả thử, Từ Thức có chuyển động với vận tốc 300.000 km/giây thì chiếc xe máy anh ta chạy cũng vẫn cứ 50km/giờ (chứ không phải là 300.000km/giây cộng với 50km/giờ). Và vì thế chiếc đồng hồ ở đó cũng chạy khác với ở ta, mặc dù Từ Thức thấy nó vẫn bình thường.
Bộ óc của con người ta có thể tưởng tượng và hình dung nên những điều kỳ diệu như vậy ư? Thì ra mọi chuyện không đến nỗi khó đến mức là chỉ dành cho thiên tài! Điều quan trọng nhất đối với tư duy và khoa học là biết thoát ra khỏi cái hệ thống đang có (có thể hiểu cả trong tự nhiên lẫn trong tư tưởng), thoát ra khỏi các chuẩn mực của hệ quy chiếu đã thâm căn cố đế từ ngàn đời, đứng trên một hệ thống khác thì ta mới có thể nhận ra: Thì ra mọi chuyện không phải như ta nghĩ.
Ở đây ta lại gặp một lời khuyên trong Kinh Kim Cang "Ưng vô sở trụ", có nghĩa chỉ khi cái tâm ta không đứng trên bất cứ một chuẩn mực nào, một định đề, một khái niệm có sẵn nào thì ta mới có thể tiếp cận được với thực tại một cách triệt để nhất. Hoặc nói như các bà già trầu thường nói: "Đừng có chấp", có nghĩa là đừng để mình ràng buộc vào các chuẩn mực có sẵn. Và khi đó, sự sáng tạo sẽ là cao nhất, đơn giản chỉ là vì nó không giống ai nhưng lại đúng một cách tổng quát nhất. Bởi, GS Phan Đình Diệu nói đi nói lại rất nhiều lần rằng Goedel đã chứng minh rằng không thể có một hệ thống nào xây dựng trên tư duy duy lý có thể chứa đầy đủ trọn vẹn các chân lý, vì bao giờ cũng còn những chân lý ngoài nó mà nó không thể chứng minh được. Và như vậy, sự buông xả các khái niệm, chuẩn mực, lại có một ý nghĩa thực tiễn vô cùng lớn cho sáng tạo khoa học và nghệ thuật. Đó là chưa nói, GS Huệ Chi đã đem Đạo Đức Kinh ra để hiểu vật lý và Thuyết Tương đối qua câu nói "Đạo khả đạo, phi hằng đạo. Danh khả danh, phi hằng danh", có nghĩa là: Chân lý không phơi bày ra cho giác quan chúng ta bám lấy. Thế nên thay vì giác quan, con người phải dùng đến thứ siêu giác quan là lương năng để mặc khải chân lý. Mà lương năng thì không có ý thức, phải cùn lụt các giác quan đi thì mới có thể tiệm cận được chân lý.
Vẫn còn rất nhiều điều khoa học chưa biết tới. Vẫn còn rất nhiều cách để tiếp cận, để khám phá thế giới. Vào thời Einstein, "Thượng Đế" tạo nên vũ trụ và chỉ cho con người cái chìa khoá là ánh sáng để tìm hiểu thế giới vi mô và cả vĩ mô. Những bước tiến gần đây cho thấy còn một cái chìa khoá nữa mà con người chưa biết cách dùng, sự tồn tại của nó là có thể cảm thấy được, nhưng cho đến nay con người vẫn hiểu biết rất ít về nó, đó chính là trường hấp dẫn. Chưa thể tiên đoán được điều gì thế nhưng những câu hỏi lớn nhất, những tính toán đều bị kẹt khi chạm đến trường hấp dẫn, hay tương tác hấp dẫn. GS Phạm Duy Hiển thì không cảm thấy lạc quan trong "giấc mơ" Đại thống nhất các tương tác, trong khi đó GS Đào Vọng Đức thì tin rằng cái ước mơ của các nhà vật lý đang có dấu hiệu cho thấy sắp thành hiện thực. Liệu sẽ có người Việt Nam nào của chúng ta đóng góp vào cái thành tựu vô cùng đẹp ấy của nhân loại?
Hồ Trung Tú - Báo Sài Gòn tiếp thị
Chuyện kể, Có lần Edouard, con trai của Einstein hỏi bố: Vì sao mà bố nổi tiếng đến vậy? Einstein trả lời: “Khi một con gián mù bò trên vỏ một cành cây cong, nó không để ý rằng cái vết mà nó để lại trên đó là cong. Bố có cái may mắn là đã chú ý đến điều mà con gián mù không chú ý đến đó".