Để chào mừng ngày 20/11 và cũng là để cả lớp 8A2 có cơ hội được gần gũi nhau hơn, chúng tôi đã có một chuyến đi đầy thú vị đến làng gốm Bát Tràng.
Ai nấy đều háo hức. Trên chuyến xe đến Bát Tràng, gia đình 8A2 chúng tôi hào hứng tham gia bao trò chơi do bạn Tuấn và bạn Quang Anh khởi xướng. Chúng tôi đã cùng nhau hô thật to lời chúc dành cho cô giáo chủ nhiệm Hà Phương Dung: “Chúc cô có một ngày 20/11 tuyệt vời”. Xe chầm chậm đưa chúng tôi đi qua những con phố nườm nượp người xe, qua cánh đồng êm đềm thơm mùi bùn đất. Và đây rồi, cổng làng đã hiện ra trước mắt.
Bát Tràng từ lâu đã nổi tiếng là làng gốm cổ truyền. Bát Tràng nằm bên sông Hồng. Phải chăng dòng sông Mẹ này đã làm nên chất đất, làm nên màu men mà không một làng gốm nào có? Lớn lên cùng gốm, những nghệ nhân của làng luôn cố gắng tìm tòi, sáng tạo cái mới mẻ, độc đáo, vừa giữ gìn nét văn hóa cổ truyền, vừa phát huy chút duyên ngầm đã và đang làm say lòng biết bao người.
Đặt chân đến mảnh đất gốm xa lạ mà gần gũi này, bạn sẽ được tận hưởng một cảm giác vô cùng thú vị khi bắt gặp những bình hoa, con giống được trưng bày khắp ngõ ngách con đường. Chúng tôi được ghé thăm một gia đình làm gốm, khi đó, tôi và các bạn có cơ hội được quan sát tất cả những gì chúng tôi chưa hiểu trong công đoạn tạo nên một sản phẩm gốm. Lớp chúng tôi không chỉ thỏa sức ngắm những sản phẩm điêu luyện mà còn được tìm hiểu về các công đoạn để tạo ra sản phẩm gốm, từ cách luyện đất tạo hình đến cách phối màu và vẽ hoa văn trên đất rồi nung… Thì ra, để làm ra một sản phẩm gốm đẹp mắt, mỗi người thợ cần tập luyện rất kỳ công.
Say sưa tạo nên những sản phẩm gốm của riêng mình
Bạn muốn thử sức với công việc mới mẻ này? Hãy ngồi xuống và tự làm ra một sản phẩm gốm cho riêng mình. Chưa một lần ngồi bên bàn làm gốm, tự tay nặn những sản phẩm handmade by “chính bạn” - dù đó chỉ là những sản phẩm đơn giản như chiếc cốc, lọ hoa... thì coi như bạn chưa từng đến Bát Tràng. Bạn sẽ còn vô cùng ngạc nhiên trước sự cởi mở và thân thiện của những người dân nơi đây. Các bác vừa làm vừa tươi cười giải đáp những câu hỏi đầy tò mò của chúng tôi về gốm, về chất đất, màu men, về căn lửa sao cho chuẩn để sản phẩm ra màu cho đẹp.
Trong lúc chờ sản phẩm của mình hoàn thành, 8A2 chúng tôi đã cùng nhau đi làm vòng, tặng mẹ, tặng cô, tặng bà và tặng bản thân. Chọn những chữ cái được viết trên mấy viên gốm nhỏ, rồi cùng kết lại với nhau, chỉ một chút thời gian thôi, chúng tôi đã có ngay một chiếc vòng thật đẹp, và còn ý nghĩa nữa!
“Uống chung một chén
Bát Tràng
Rồi mai em có sang ngang cũng đành
Áo hồng, men ngọc, tóc xanh
Dòng sông quê mãi long lanh mộng vàng
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây…”
Qua chuyến đi này, chúng tôi đã nhận được nhiều hơn những hiểu biết về làng nghề truyền thống, chúng tôi đã tìm ra kho kiến thức Việt và cuộc sống bình dị của người dân vùng quê sông Hồng, chúng tôi đã hiểu và yêu quý nhau nhiều hơn. Kết thúc cuộc hành trình, chúng tôi bước lên chiếc xe quen thuộc, nhưng vẻ mặt ai cũng đượm buồn; buồn vì vẫn chưa có đủ thời gian để ngắm Bát Tràng, ngắm những bình gốm, chiếc cốc, chiếc vòng rồi chuông gió… Nhưng bản thân mỗi người đã tự làm được một sản phẩm gốm: tự nặn rồi tự tô màu. Cầm trên tay chiếc cốc do mình tự làm ra, mỗi thành viên lớp tôi chắc sẽ có một kỉ niệm khó có thể quên.
Cô giáo Hà Phương Dung của chúng tôi
Chúng tôi biết ơn cô giáo Hà Phương Dung – một cô giáo tận tâm luôn đồng hành cùng chúng tôi trong mọi hoạt động. Cô đã cho chúng tôi không chỉ tri thức sâu sắc mà còn cho chúng tôi rất nhiều sự quan tâm và chia sẻ. Và chúng tôi biết rằng, sự Đoàn kết của lớp 8A2 sẽ là món quà vô giá chúng tôi tặng cô bằng tất cả yêu thương mà cô sẽ không quên.