Một tiết học khiêu vũ thể thao của lớp 11A2 của Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội)
Ảnh: Nguyễn Khánh

Câu chuyện đặc biệt này mở ra cơ hội cho học sinh đang theo học tại Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, một trường thực hành của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Nếu học sinh có năng lực, sẽ được đặc cách lên lớp, thậm chí vừa học phổ thông vừa học ĐH.

Đây là trường đầu tiên triển khai thiết kế một chương trình giáo dục riêng cho mình, tạo cơ hội rộng mở cho thầy, trò chủ động, sáng tạo. Việc này đã gợi ý cho Bộ GD-ĐT quyết định nhân rộng mô hình “chương trình nhà trường” trên cả nước.

Học giỏi: được “vượt lớp”

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Văn Minh - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - cho biết Bộ GD-ĐT đã chấp thuận để nhà trường có thể chọn lọc những học sinh xuất sắc của từng môn học được học “vượt lớp”.

Theo đó, một học sinh có năng lực đặc biệt nổi trội về một môn học nếu qua được bài kiểm tra đặc biệt, có thể “nhảy” từ lớp 7 lên lớp 8, lớp 8 lên lớp 9... bằng cách học vượt khung chương trình với lớp cao hơn ở môn học sở trường.

Với những trường hợp xuất sắc, thậm chí nhà trường có thể tiến hành đánh giá, kiểm tra để xét cho một học sinh phổ thông được theo học các chuyên đề cụ thể cùng lớp với sinh viên tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Nội dung, cách thức kiểm tra thẩm định năng lực đặc biệt của học sinh để xét “vượt lớp” sẽ được thiết kế, xây dựng bởi đội ngũ giảng viên các khoa chuyên môn của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

“Để quyết định cho một học sinh “vượt lớp” ở từng môn học cần có sự đồng ý từ một hội đồng khoa học - trong đó có sự tham gia của các chuyên gia của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Sau khi hội đồng khoa học nhất trí, kết quả sẽ phải được báo cáo lên Bộ GD-ĐT để bộ phê duyệt.

Lấy ví dụ một học sinh giỏi toán, vượt qua kỳ sát hạch, được Bộ GD-ĐT chấp thuận, sẽ được “đặc cách” học các chuyên đề cùng sinh viên khoa toán Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Sau này, khi học sinh tốt nghiệp THPT, tiếp tục chọn học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thì sẽ được miễn những tín chỉ đã theo học cùng với các anh chị sinh viên trước đó.

Những học sinh này sẽ có cơ hội để rút ngắn thời gian học tập hơn so với bình thường” - ông Minh nói.

Thiết kế lại bài học

Để làm được điều này, “chương trình nhà trường” được triển khai tại Trường Nguyễn Tất Thành từ năm học 2013-2014 đối với 100% học sinh lớp 6 và lớp 10. Năm học này tiếp tục triển khai ở lớp 6-7 và lớp 10-11.

Toàn bộ nội dung chương trình học sẽ được thiết kế lại và thiết kế mới trên cơ sở chuẩn kiến thức - kỹ năng do Bộ GD-ĐT quy định.

Theo cô Nguyễn Thị Thu Anh - hiệu trưởng nhà trường: “Nội dung chương trình tổng thể được thiết kế nhất quán từ lớp 6 đến lớp 12 trên cơ sở rà soát lại chương trình hiện hành, cắt bỏ những nội dung trùng lặp, thông tin đã cũ, kiến thức lý thuyết, xa rời, chuyển từ những bài học cứng trong chương trình - sách giáo khoa sang các chủ đề có tính tích hợp liên môn, bổ sung các kiến thức có tính thực tiễn, các giờ học thực hành, trải nghiệm, các giờ học theo nhóm, học theo dự án, các hoạt động để hình thành, rèn luyện năng lực cho học sinh”.

Để thiết kế “chương trình nhà trường”, 100% giáo viên của các tổ bộ môn được huy động, không chỉ xây dựng chương trình của môn học riêng rẽ, các tổ bộ môn phải ngồi với nhau cùng tìm ra những phần kiến thức liên quan giữa các môn học, trên cơ sở các bài học trong chương trình - sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT.

Thiết kế chương trình nhà trường với các môn học, đồng thời giáo viên cũng bắt buộc phải đổi mới, áp dụng nhiều phương pháp dạy học đa dạng.

Ý tưởng về mô hình trường học đi sâu vào phát triển năng lực từng học sinh được PGS.TS Nguyễn Văn Minh ấp ủ từ khi ông chưa nhận công tác quản lý.

“Tìm hiểu mô hình giáo dục các nước tiên tiến trên thế giới nói chung và các quốc gia phát triển châu Á nói riêng như Hàn Quốc, Singapore, thì thấy rõ họ đã dạy học phân hóa từ lâu rồi. Trong khi đó, các kết quả nghiên cứu cho thấy hiện nay nhà trường VN còn coi trọng “văn hóa dạy học truyền thống” với vai trò trung tâm thuộc về giáo viên, không tính đến sự khác nhau của người học về tư chất, thiên hướng, trình độ...” - ông Minh chia sẻ.

Theo ông Minh, thực trạng dạy học theo “chủ nghĩa bình quân” đã ngăn trở giáo dục VN một thời gian dài chưa thực hiện được sứ mạng đích thực của giáo dục hiện đại là giúp trẻ em trở thành chính mình, mang lại hạnh phúc.

Phá vỡ không gian lớp học truyền thống

Với chương trình do Trường Nguyễn Tất Thành thiết kế, nhiều chủ đề được xây dựng trên cơ sở liên môn, kết hợp nhiều phương pháp dạy học khác nhau, chú trọng nhiều tới việc cho học sinh hoạt động, trải nghiệm, tự đúc kết, nhận xét.

Ví dụ tổ sinh học - địa lý - giáo dục công dân xây dựng chủ đề “Tìm hiểu đa dạng sinh học tại vườn quốc gia Ba Vì, khu du lịch sinh thái Đầm Long” (học sinh  lớp 6); tổ sinh học, địa lý, lịch sử - ngoại ngữ thiết kế chủ đề “Bảo tồn cốm làng Vòng - Hà Nội”.

Cô giáo Hà Thị Thúy, tổ giáo dục - sinh và công nghệ, cho biết: các em học sinh phải tự thuyết phục những người dân ở làng nghề để học trao đổi, cung cấp thông tin, trên cơ sở kiến thức liên môn và thực tiễn để viết bài thuyết trình (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) trình bày về lịch sử làng nghề, đặc điểm của sản phẩm cốm làng Vòng, lý do khiến cốm ở đây trở thành đặc sản.

Nhiều nhóm học sinh còn có những đề xuất tạo nguyên liệu nhuộm xanh cốm thay cho hóa chất mà người dân sử dụng, xây dựng khu trồng nguyên liệu gần làng nghề, quảng bá sản phẩm...

“Lớp học” của học sinh Trường Nguyễn Tất Thành có thể ở làng nghề, ở di tích văn hóa, lịch sử, có thể trong các xưởng sản xuất, cụm dân cư...

Trong nhiều phương pháp được vận dụng, phương pháp dạy học theo dự án được nhiều tổ bộ môn của Trường Nguyễn Tất Thành áp dụng.

Khi được giao triển khai một “dự án”, các nhóm học sinh phải học cách hợp tác, học cách tiếp cận vấn đề, phải làm quen cả với các thủ tục hành chính, biết tháo gỡ khó khăn để tiếp cận, khai thác, chọn lọc thông tin, vận dụng kiến thức để giải thích về thực tiễn.

“Hứng thú và thấy bổ ích” là nhận xét chung của nhiều học sinh Trường Nguyễn Tất Thành khi nói về các chủ đề học tập đặc biệt mà các em được trải qua.

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ


ĐH Quốc gia Hà Nội:

Học sinh chuyên được tích lũy tín chỉ cho bậc ĐH

Ngày 21-8, ĐH Quốc gia Hà Nội công bố trong năm học 2014-2015 tới đây, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ chính thức áp dụng một số chính sách đặc thù dành cho hai trường THPT chuyên khoa học tự nhiên và THPT chuyên ngoại ngữ.

Theo đó, có một sự thay đổi đột phá khi ĐH Quốc gia Hà Nội cho phép học sinh của hai trường được học và tích lũy trước tín chỉ một số môn ở bậc ĐH.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội - cho hay theo chính sách mới này, những học sinh của hai trường chuyên nếu theo tiếp bậc ĐH tại hệ thống khoa, trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ không phải học lại một số nội dung kiến thức thuộc các môn chuyên mà các em đã được trang bị ở bậc phổ thông.

Như vậy, học sinh có thể sẽ được giảm bớt một số tín chỉ và rút ngắn thời gian học ĐH. Theo GS Đức, những thay đổi này nhằm phát huy thế mạnh liên thông từ bậc phổ thông đến ĐH, tạo nguồn và phát triển khối sinh viên tài năng chất lượng cao của bậc ĐH, đồng thời khuyến khích học tập đối với học sinh giỏi tại khối phổ thông chuyên.

N.HÀ

* Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển:

Rất cần sự thay đổi nhận thức

Năm 2013, khi PGS.TS Nguyễn Văn Minh đề xuất với bộ cho phép thực hiện mô hình phát triển năng lực học sinh, tôi thấy đây là mô hình hay, có thể triển khai rộng rãi ở nhiều trường phổ thông.

Vì thế Bộ GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn thí điểm thực hiện “chương trình nhà trường” nhằm phát huy tính chủ động sáng tạo của các nhà trường, giáo viên trong việc thiết kế chương trình giáo dục trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng của Bộ GD-ĐT.

Chương trình của trường rất tốt, đi đúng hướng đổi mới giáo dục hiện nay và năm đầu tiên đã thu được những hiệu quả ngoài sự mong đợi của bộ.

Tuy nhiên, với “chương trình nhà trường”, không phải trường nào cũng áp dụng cứng nhắc một cách làm mà tùy theo điều kiện, đối tượng người học của mỗi trường, có thể thiết kế chương trình riêng phù hợp.

Để “chương trình nhà trường” triển khai rộng rãi, rất cần sự thay đổi nhận thức của các cấp quản lý, trong đó có vai trò của giám đốc sở GD-ĐT và các hiệu trưởng.

Tuy nhiên, đây không phải việc nóng vội, áp dụng đồng loạt mà phải thay đổi dần dần.

* Thầy Đỗ Danh Bích (phó hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành):

“Một môn học 7-10 giáo viên”

Để đáp ứng được nhiều nhất sự lựa chọn của học sinh, chỉ riêng bộ môn giáo dục nghệ thuật và giáo dục thể chất, trường đã tuyển từ 7-10 giáo viên/môn. Không phải một hoặc hai giáo viên thể dục, nghệ thuật đảm nhiệm dạy tất cả các môn thể dục thể thao hay nghệ thuật mà có giáo viên riêng dạy cầu lông, bóng bàn, bóng rổ, yoga, võ thuật, dạy ghita, hội họa tạo hình, dance sport...

Không có những lớp học cố định bắt buộc phải học một môn thể thao, nghệ thuật mà chỉ có các câu lạc bộ hình thành theo nhu cầu, sở thích của học sinh, trong đó có cả phụ huynh cùng tham gia với giáo viên sinh hoạt, trao đổi, hướng dẫn học sinh.

* Bà Nguyễn Thu Hà (phụ huynh của Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành):

“Con tôi ít phải học thuộc lòng”

Tôi có một cháu vừa học xong lớp 12 và một cháu đang học lớp 8 tại trường này.

Môi trường giáo dục của ngôi trường này không chỉ giúp các con tôi thay đổi mà chính phụ huynh chúng tôi cũng đã thay đổi về nhận thức trong việc đồng hành cùng nhà trường giáo dục học sinh.

Tôi cảm động vì các thầy, cô là những người giàu nhiệt huyết, hết lòng vì học sinh, thân thiện với cha mẹ học sinh.

Các con tôi được học một chương trình không quá tải, ít phải học thuộc lòng mà được thực hành, được trải nghiệm từ thực tế, được tham gia các hoạt động đa dạng, một chương trình học không khô cứng và khiến các con tôi cảm thấy thích thú, tự tin hơn.


Nguồn:
Link bài viết gốc