Trước khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, 29 học sinh trong một lớp của trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) đã trúng tuyển nhờ xét học bạ kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ.

Trước ngày Bộ GD&ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT đợt 1, cô Trần Thị Thúy, giáo viên chủ nhiệm lớp 12D4, trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành, đã nhận tin 29 học trò trong lớp trúng tuyển vào các đại học danh tiếng.

“Học sinh cứ nhận kết quả là báo lại với cô. Lần nào nhận tin nhắn như vậy, cảm xúc cũng quá tuyệt vời”, cô Thúy chia sẻ với Zing.

29 hoc sinh mot lop trung tuyen dai hoc anh 1

Tập thể lớp 12D4 trong buổi học online cuối cùng, khép lại 12 năm đèn sách.

15/29 em trúng tuyển Học viện Ngoại giao

Khi học bạ được hoàn tất, cô Thúy khuyến khích học sinh trong lớp nộp hồ sơ vào những trường có xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ và kết quả học tập. Cô cho rằng việc này sẽ giúp học trò giảm bớt căng thẳng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Quả thực, không ít học trò trong lớp cô đã bước vào kỳ thi quan trọng nhất trong 12 năm đèn sách với tâm lý thoải mái khi chỉ cần đủ điểm để tốt nghiệp, các em đã chắc suất vào những trường danh tiếng nhờ kết quả học tập ở trường tốt cộng với IELTS 7.0 hay 8.0.

Trước khi điểm thi được công bố, 29 trong tổng số 50 học sinh lớp 12D4 đã nhận kết quả trúng tuyển đại học. Trong đó, 15 em được nhận vào Học viện Ngoại giao, 4 em vào ĐH Sư phạm Hà Nội. Các em khác trúng tuyển ĐH Ngoại thương, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ĐH Luật Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ĐH Ngoại ngữ, Học viện Tài chính. Nhiều em còn trúng tuyển 2-4 trường.

29 hoc sinh mot lop trung tuyen dai hoc anh 5

29 hoc sinh mot lop trung tuyen dai hoc anh 4

29 hoc sinh mot lop trung tuyen dai hoc anh 3

29 hoc sinh mot lop trung tuyen dai hoc anh 2

29 trong tổng số 50 học sinh lớp 12D4 của cô Thúy chắc suất vào đại học trước khi biết điểm, thậm chí trước cả khi thi tốt nghiệp.

Trong đó, em Trần Hoàng Thái An (trưởng ban tổ chức sự kiện của lớp) được cô Thúy đánh giá là “có thành tích khủng”, IELTS 8.0., trúng tuyển Học viện Ngoại Giao. Cô nói thêm Thái An là trưởng câu lạc bộ M4U, từng viết nhiều kịch bản sự kiện cho lớp 12D4.

Nguyễn Xuân Cường chuyển lớp từ năm lớp 11. Ban đầu, Cường là học sinh khá. Dù vậy, em rất nỗ lực, kiên trì, tiến bộ từng ngày. Trong hai năm lớp 11 và 12, Cường là học sinh giỏi. Nam sinh trúng tuyển khoa Công nghệ Thông tin, ĐH Sư phạm Hà Nội.

Ngoài ra, dù không nằm trong danh sách 29 học sinh đã trúng tuyển trước khi biết điểm, em Mai Bích Ngọc (lớp trưởng) và Phạm Đăng Thành (bí thư chi đoàn) cũng là những học trò mà cô Thúy rất tự hào. Bích Ngọc từng nhiều lần nhận học bổng Nguyễn Tất Thành trong khi Đăng Thành là phó bí thư đoàn trường, cầu thủ xuất sắc của đội bóng trường và người gánh vác nhiều công việc của lớp.

Cô trò dìu dắt nhau 3 năm

Cô Thúy cho biết thêm năm học vừa qua, 49/50 học sinh của lớp là học sinh giỏi.

“Đây là dấu ấn trong sự nghiệp nghề giáo của tôi. Trong 26 năm công tác, tôi chưa thấy tập thể nào tròn trịa như thế này”, cô Thúy nói về tập thể lớp 12D4.

29 hoc sinh mot lop trung tuyen dai hoc anh 9

29 hoc sinh mot lop trung tuyen dai hoc anh 8

29 hoc sinh mot lop trung tuyen dai hoc anh 6

29 hoc sinh mot lop trung tuyen dai hoc anh 7

Cô Trần Thị Thúy đánh giá lớp 12D4 là tập thể tròn trịa nhất trong 26 năm cô làm giáo viên.

Cô kể cách đây 3 năm, cô nhận công tác chủ nhiệm lớp. Việc phân lớp căn cứ vào điểm, xếp từ D1 đến D5 và lớp cô là D4. Thời gian đầu, cô gặp khó khăn khi học sinh đến từ nhiều nơi khác nhau, phải mất công và chịu khó tìm hiểu từng em.

“Kết thúc học kỳ I lớp 11, tôi nhận thấy học sinh thay đổi rất nhiều so với lúc mới vào trường. Các em trưởng thành, tử tế, ngoan, chăm chỉ”, cô Thúy nhớ lại.

Cô cho hay trong 3 năm, học sinh luôn nỗ lực hết mình. Các em dồn công sức cho việc học của mình nhưng cũng không quên dành thời gian để hỗ trợ nhau. Ở trường Nguyễn Tất Thành, học sinh không có khái niệm nghỉ học vì dịch. Các em bắt nhịp việc học online nhanh.

Cô cũng vạch ra nhiệm vụ cụ thể cho từng năm học với cả phụ huynh lẫn học sinh. Trong hai năm đầu, cô khuyến khích học sinh không học thêm bên ngoài. Đến năm lớp 12, các em có thể học thêm để chuẩn bị cho chặng đường kế tiếp.

Gần sát kỳ thi, giáo viên bộ môn còn cho các em học cả buổi tối, chia lớp thành nhóm nhỏ. Cô chủ nhiệm cũng ghé qua các lớp để nắm tình hình. Cuối mỗi buổi, cô cùng giáo viên bộ môn trao đổi, ghi lại có em nào gặp vấn đề như mic hỏng, không bật được camera rồi liên lạc với những em đó và đề nghị phụ huynh hỗ trợ nếu cần.

Cô Thúy còn có sổ để ghi lại quá trình học tập của từng em. Mỗi lần khảo sát, nếu học sinh sa sút, cô trò cùng ngồi lại để tìm hiểu nguyên nhân rồi cùng nhau khắc phục. Cô chia sẻ điều may mắn lớn với cô là học trò sẵn sàng tiếp thu và chịu khó cố gắng để tiến bộ. Cô cũng có điều kiện để dồn tâm huyết, năng lượng, say mê với việc chăm lo cho “50 đứa con ở trường”.

Cũng có lúc, học trò chểnh mảng ở một số môn hay học tối muộn quá dẫn đến ngày mai vào học muộn hoặc vắng học. Nhưng chỉ cần cô nhắc nhở, học sinh sửa đổi luôn. Các em cũng học cách sống có trách nhiệm, không chỉ với bản thân mà với cả tập thể.

Học nỗ lực, chơi bài bản

Cô chia sẻ thêm hồi mới nhận lớp, trong buổi họp đầu tiên, cô nói với phụ huynh cô không biết “sản phẩm đầu ra” như thế nào nhưng hứa với họ sẽ chăm những đứa trẻ cả phần tri thức và nhân cách để đến lớp 12, cô sẽ trả con hộ về bằng từ “trưởng thành” trong cả ý thức và trí tuệ.

“Vừa rồi, họp phụ huynh cuối năm lớp 12, tôi cũng nói lại câu đó, khẳng định ‘50 cục vàng đã trưởng thành’. Phụ huynh vỗ tay và tôi nhận thấy mình đã hoàn thành trách nhiệm”, cô Thúy kể.

29 hoc sinh mot lop trung tuyen dai hoc anh 15

29 hoc sinh mot lop trung tuyen dai hoc anh 14

29 hoc sinh mot lop trung tuyen dai hoc anh 13

29 hoc sinh mot lop trung tuyen dai hoc anh 12

29 hoc sinh mot lop trung tuyen dai hoc anh 11

 29 hoc sinh mot lop trung tuyen dai hoc anh 10

Không chỉ học tốt với thành tích 49/50 em là học sinh giỏi, 29 em trúng tuyển nhờ chứng chỉ ngoại ngữ, học sinh lớp 12D4 còn năng động trong các sự kiện.

Cô Thúy luôn tâm niệm dạy học là nhiệm vụ chính của nghề. Nhưng để thành công, nhà giáo không thể chỉ dạy chữ. Lúc mới nhận lớp, cô đã dặn học trò việc đầu tiếp là phải đoàn kết, làm người tử tế, trách nhiệm rồi mới học chữ nghĩa. Cô cũng tin học trò phải nhiều năng lượng, hạnh phúc, thấy niềm vui ở trường rồi mới có động lực học.

Không khí lớp học luôn thoải mái. Học trò phạm lỗi, cô Thúy chỉ tranh thủ giờ ra chơi nhắc nhở. Giờ sinh hoạt lớp được dành cho các hoạt động vui vẻ. Thậm chí, cô còn nhờ phụ huynh không mắng nếu con điểm kém vì cô đã nhắc ở lớp.

Cô rất tự hào khi giáo viên bộ môn khen học sinh lớp 12D4 ngoan, nhiều năng lượng, biết chia sẻ. Cô đánh giá đây là tập thể “học nỗ lực, chơi bài bản”.

Trong suốt 3 năm, bên cạnh việc học, các em còn tổ chức nhiều sự kiện như sinh nhật theo từng quý, GirlDay, BoyDay… Quá trình chuẩn bị có thể kéo dài cả tháng. Trong thời gian ấy, các em kết nối, đoàn kết, sẻ chia hơn.

Kết quả 29/50 em trúng tuyển trước khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT khiến cô tự hào song là người đồng hành suốt 3 năm, cô Thúy vẫn còn một chút tiếc nuối.

Vì dịch Covid-19, cô còn nợ lớp một buổi sinh nhật dành cho các em sinh tháng 4, 5, 6. Bên cạnh đó, năm nay, truyền thống sinh nhật 18 tuổi toàn khóa của trường Nguyễn Tất Thành cũng phải dừng lại dù khâu chuẩn bị đã xong xuôi.

Phụ huynh lớp cũng dự định tổ chức dã ngoại, giúp các con xả stress song kế hoạch lùi lại, chưa biết đến bao giờ mới tổ chức. Cô kỳ vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát để tập thể “học tốt, chơi giỏi” được đi chơi thoải mái sau chặng đường dài nỗ lực.

Nguyễn Sương


Nguồn:
Link bài viết gốc