Anh là một công nhân lên thành phố làm việc cho một nhà máy từ khi con nhỏ, tuy lương không cao nhưng cũng phụ đỡ bố mẹ phần nào. Phải xa quê, xa nhà bao năm rồi nên mỗi khi có dịp, anh đều thu xếp được công việc, tiền bạc để về gặp bố mẹ.
Tết đến xuân về, anh cũng như bao người khác, đều trở về nhà, sum vầy bên gia đình. Có lẽ, đối với anh, dịp Tết này vui hơn các dịp khác vì số tiền anh dành dụm được cả năm trời đã đủ để cho chuyến tàu đi đi về về quê của anh. Anh có đủ số tiền để đặt chuyến tàu về quê nhưng vì đông khách mà anh đặt muộn nên chuyến tàu đó vào buổi chiều 30 Tết. Khi nghe tin con mình sẽ về sau bao Tết xa nhà vui lắm, bố mẹ anh ở nhà vui mừng và hi vọng đến ngày đó. Những ngày sát Tết, anh lo lắng chuẩn bị chăm chỉ làm việc và háo hức mua những gói quà cho người thân, trong khi mọi người trong công ty hầu như đã về hết, thành phố giáp Tết cũng vắng vẻ, lẻ bóng, mọi người như đã giảm dần, thành phố như chuyển mình từ nhộn nhịp, đông vui ngày nào thành vắng vẻ, tĩnh lặng, chỉ còn lác đác người trên phố.
Từ buổi trưa, anh đã có mặt sớm, ngồi chờ đợi đến chuyến tàu của mình. Chẳng mấy chốc, chuyến tàu đó đã khởi hành, anh vừa nôn nao vừa hồi hộp khi vừa mới đặt chân lên ga tàu. Ngồi cạnh anh là một cậu bé chừng 5-6 tuổi cũng lên thành phố mưu sinh, kiếm sống. Số tiền mỗi ngày cậu kiếm được cũng chẳng là bao, cả năm tiết kiệm được một số tiền để về quê. Vì nghĩ cùng chung hoàn cảnh nên anh mới liền hỏi thăm về bố mẹ, người thân của cậu. Cậu chẳng những không đáp lại một tiếng nào mà rất im lặng. Mãi cho đến lần thứ ba anh hỏi, khi ấy anh bực mình quá, cậu mới liền trả lời:
- Bố mẹ em mất từ khi còn nhỏ, em phải sống cùng ông bà, người thân của em cũng chẳng có mấy. Em phải lên thành phố đỡ đần ông bà ở nhà.
Anh chợt hiểu ra, cảm thấy thông cảm cho cậu bé và không hỏi thêm gì nữa. Chuyến tàu đó như càng lúc càng yên tĩnh hơn, bầu không khí có vẻ trầm hẳn xuống. Bỗng người nhân viên của tàu chạy hì hục đến báo phải chuyển tàu vì tàu đang bị hỏng nên nhanh chóng xuống tàu khác. Khi nghe được tin đó, không chỉ anh mà mọi người trên tàu hầu như hốt hoảng, vội vàng chuẩn bị, duy chỉ có mình cậu bé vẫn ngồi im vì vốn dĩ cậu chẳng có đồ gì để mang từ thành phố về quê biếu ông bà cả. Một lúc sau, đoàn tàu con đã xuất hiện, mọi người đều chen chúc đi lên mặc cho nhân viên thì luôn nhắc nhở phải nhường cho phụ nữ và trẻ em lên trước. Đoàn người đông đúc, chen lấn xô đẩy, các nhân viên buộc phải dừng lại, mời phụ nữ và trẻ em lên. Khi ấy, cậu bé bị che khuất sau bóng những người đang hối hả, không ai thấy cậu cả. Vì vậy mà nhân viên đoàn tàu đã phải mời một vài người đàn ông lên tàu. Trong số những người đàn ông may mắn lên được tàu trước, anh chàng kia đã phải vất vả mãi mới lên được tàu để về nhanh. Đang sung sướng ngồi chờ đợi thì tự dưng anh chợt nhớ đến cậu bé mưu sinh ngồi cạnh mình trên chuyến tàu kia. Hình như cậu bé chưa lên tàu mà cậu còn đang đứng lấp ló ở đâu đó sau lưng của mọi người. Anh ta nhanh chóng ra khỏi tàu, khẩn trương đi tìm cậu bé. Tìm mãi thì anh mới phát hiện ra cậu và bế cậu lên đoàn tàu kia. Lúc đó, tàu như chật kín người, chỉ còn một chỗ duy nhất mà thôi. Mặc dù anh rất muốn lên đó để cùng đón giao thừa với gia đình nhưng thật sự trong lòng anh lại cảm thấy áy náy, hối tiếc nên anh đã quyết định nhường cho cậu bé kia lên chuyến tàu sớm còn mình thì sẽ lên chuyến tàu sau. Sau một hồi suy nghĩ, đắn đo, anh lại trở về nơi bao người đang đứng đợi chuyến tàu sau dù biết rằng phải đến sáng mai mình mới về được. Hành động, việc làm của anh ấy đã khiến cậu bé có chút chạnh lòng, có chút buồn, có chút bất ngờ, có chút biết ơn và có chút hạnh phúc. Cậu bé cảm thấy mình thật may mắn khi được anh chàng dành chỗ cho. Trước khi tàu khởi hành, cậu bé có ngoảnh đầu lại, nói với anh chàng kia:
- Sao lúc nãy có chỗ mà anh không ngồi lại phải nhường cho em làm gì? Anh không muốn được đón giao thừa bên gia đình trong đêm nay luôn sao? Người thân của anh chắc hẳn lo lắng, chờ mong anh lắm đấy!
Chưa đợi cậu nói hết, anh chàng chỉ nháy mắt cho cậu ta. Cậu ấy cũng hiểu nên nói tiếp:
- Cảm ơn anh rất nhiều. Cảm ơn vì đã giúp đỡ, nhường chỗ cho em. Chúc anh ăn Tết vui vẻ bên gia đình. Nếu có duyên, chúng ta sẽ gặp lại nhau, khi ấy, em sẽ không quên mời anh một bữa cám ơn đâu.
Đoàn tàu khởi hành cũng là lúc cậu vừa nói dứt câu. Cậu tạm biệt anh rồi ngồi ngay ngắn trong khoang tàu đó. Nhưng khi đoàn tàu vừa đi, cậu liền quay đầu ra khỏi cửa sổ tàu, hét thật to câu: “Tạm biệt anh. Hẹn gặp lại” và vẫy tay chào anh chàng tốt bụng đó với giọt nước mắt không cầm được. Anh chàng tuy hơi tiếc nuối, buồn bã nhưng anh vẫn vui vẻ, hài lòng vì mình đã làm được một việc tốt, anh cũng giơ tay vẫy chào. Hai người họ vẫy tay chào mãi đến khi đoàn tàu của cậu bé đã đi khá xa. Rồi, đêm 30 Tết, anh ngồi đón giao thừa với những người đàn ông khác trên chuyến tàu cuối cùng trong dịp Tết. Sáng Mùng 1 Tết, anh cũng đã được gặp bố mẹ mình sau bao năm xa cách. Chuyến tàu đặc biệt đó tuy trôi qua rất ngắn ngủi thôi nhưng nó vẫn là một kỉ niệm đẹp đẽ, ý nghĩa mãi trong tâm trí của cậu bé và anh chàng đó. Từ hai người xa lạ, không quen biết nhau, chỉ là hai người ngồi cạnh nhau trên chuyến tàu mà anh chàng đó đã nhường lại điều kiện tốt nhất cho cậu bé để cậu được sum vầy bên gia đình sớm hơn.
Câu chuyện mang đến cho người đọc thông điệp về tình người, không chỉ là những người thân mà còn là mọi người xung quanh ta, chúng ta cũng nên giúp đỡ, hỗ trợ họ. Đôi khi sự tốt bụng, sự nhường nhịn không quá xa vời, viển vông hay bao la mà từ những hành động nhỏ trong mỗi chúng ta.
Truyện ngắn: Tạ Nguyễn Đăng Anh (6A7)
Ảnh: Sưu tầm