Dạy học truyền thống chủ yếu chú ý đến việc trả lời câu hỏi học sinh cần biết điều gì, còn chương trình giáo dục mới được thiết kế theo hướng người học làm gì từ những điều đã biết

TrườngTHCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) là một trong 8 trường trong cả nước được điều chỉnh cấu trúc nội dung dạy học của chương trình hiện hành, đồng thời xây dựng kế hoạch mới theo hướng phát triển năng lực học sinh theo Công văn số 791 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).

Thực tế, gần gũi

Giờ giáo dục công dân lớp 6A2 của Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành hết sức sôi nổi, khác hẳn những tiết giáo dục công dân khô cứng trong suy nghĩ của nhiều người. Bài học Tiết kiệm được cô giáo Vũ Anh mở rộng, liên hệ với những ví dụ sinh động, cụ thể khiến học sinh thích thú về cách tiết kiệm thời gian, sức khỏe, tiền bạc… Không còn tình trạng thầy đọc trò chép, các học sinh lớp 6 dù mới bỡ ngỡ bước vào trường đã sôi nổi thảo luận về bài học tiết kiệm gắn với cuộc sống hằng ngày của mình.

Không chỉ riêng giờ học của lớp 6A2, môn giáo dục công dân của Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành đã được các thầy cô tổ chức dạy theo dự án với nhiều phương pháp và hình thức mới để thúc đẩy sự hứng thú cũng như sáng tạo của học sinh.

Học sinh Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành trong giờ mỹ thuật Ảnh: Tuấn Sơn
Học sinh Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành trong giờ mỹ thuật Ảnh: Tuấn Sơn

Cô Nguyễn Thu Hà, giáo viên tổ giáo dục công dân, cho rằng giáo dục đạo đức nếu chỉ dừng lại ở nhận thức, khái niệm thì sẽ nửa vời và xa rời cuộc sống. Chính vì vậy, môn này đã được các giáo viên tổ chức thành dạy học theo dự án nhằm tạo điều kiện để học sinh được thuyết minh về sản phẩm của mình, biết bảo vệ quan điểm bản thân, lắng nghe ý kiến của người khác…

Cô Hà ví dụ: Các chủ đề của môn giáo dục công dân lớp 6 như sống cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; sống tự trọng và tôn trọng người khác; sống có kỷ luật; sống nhân ái, vị tha… được sáp nhập thành dự án tổng thể mang tên Sống đẹp. Từ đây, các giáo viên triển khai thành các bài học gần gũi như: Có chí thì nên - đức tính siêng năng kiên trì; Tôi thấy yêu mình - tự chăm sóc, rèn luyện thân thể; Bạn đã thực sự biết nói lời cám ơn - xin lỗi?; Sống trong đời sống cần có một tấm lòng - lòng nhân ái, vị tha; Thiên nhiên - người bạn lớn…

Dạy học theo chủ đề

Theo bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành, để dạy theo định hướng phát triển năng lực học sinh, nhà trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục mới ở từng môn. Các tổ bộ môn của trường xây dựng chương trình tổng thể nhất quán từ lớp 6 đến 12. Nội dung chương trình các môn học được xây dựng theo hướng tinh giảm, cắt bỏ những thông tin cũ, kiến thức lý thuyết xa rời thực tế; bổ sung những nội dung có tính thực tiễn để học sinh được khám phá, trải nghiệm và thực hành, rèn luyện khả năng tự học cũng như làm việc theo nhóm.

Từ năm học 2013-2014, chương trình môn học lớp 6 và lớp 10 của trường được xây dựng thêm các môn nghệ thuật (guitar, organ, hội họa tạo hình, dancesport) và thể thao (bóng đá, bóng rổ, cầu lông, bóng bàn, yoga, võ thuật). Học sinh được đăng ký môn học và học theo thời khóa biểu buổi 2 ở trường với hình thức câu lạc bộ.

Bà Thu Anh cho biết các tổ chuyên môn của trường còn phối hợp với nhau xây dựng các chủ đề liên môn, tích hợp các nội dung trùng hoặc gần nhau ở nhiều môn thành một chủ đề. Ví dụ, nhóm sinh - địa - giáo dục công dân tổ chức chủ đề Tìm hiểu đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Ba Vì cho học sinh khối 6; nhóm sinh - địa - sử xây dựng và tổ chức cho học sinh khối 10 chủ đề Bảo tồn cốm làng Vòng, Hà Nội…

Sau một năm thí điểm điều chỉnh cấu trúc nội dung dạy học trong chương trình hiện hành và xây dựng kế hoạch giáo dục mới ở từng môn theo hướng dẫn thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông của Bộ GD-ĐT, Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành đã tạo được một môi trường trường học hấp dẫn, năng động với những học trò tích cực, tự tin, sáng tạo.

Bà Nguyễn Thị Thu Anh nhấn mạnh thành công nhất của nhà trường là đã hình thành được mô hình trường thực hành sư phạm và thực nghiệm khoa học giáo dục hiện đại của nhà nước; đồng thời xây dựng mô hình trường phổ thông tổ chức dạy học phân hóa nhằm phát huy tối đa năng lực của học sinh. Bà Thu Anh cho hay 60% học sinh của trường đạt học lực giỏi, rất nhiều em đạt giải tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi và thủ khoa các trường ĐH.

Nhân rộng mô hình

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đánh giá việc đổi mới “chương trình nhà trường” của Trường Nguyễn Tất Thành ngay trong năm đầu tiên thí điểm đã thu được những hiệu quả ngoài mong đợi của bộ. “Chương trình đi đúng hướng đổi mới giáo dục hiện nay và cần được nhân rộng” - ông Hiển nhấn mạnh.

Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo đánh giá việc triển khai thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường vào ngày 29-8 tại Tuyên Quang. Hiện có 8 trường tham gia thí điểm chương trình này.

 

Yến Anh
Nguồn:
Link bài viết gốc