Kỉ niệm 25 năm thành lập Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành là một dịp đặc biệt để những cựu học sinh quay trở về thăm mái trường mang tên Bác. Đỗ Đức Hiệp, cựu học sinh lớp chuyên Toán A2 niên khóa 1999 - 2002, hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty Nguồn nhân lực Ưu Việt, đã có nhiều điều muốn tâm sự về nơi thân thuộc mang tên “Thanh xuân” sau 22 năm ra trường.

Hãy cùng CLB Phóng viên trẻ (YRC) trò chuyện cùng với cựu học sinh Đỗ Đức Hiệp trong Ngày trở về này nhé!

Chân dung cựu học sinh Đỗ Đức Hiệp (niên khóa 1999 - 2002)

PV: Chú đã có những năm tháng thanh xuân đẹp đẽ tại mái trường Nguyễn Tất Thành thân yêu. Vậy chú có thể chia sẻ về kỉ niệm đáng nhớ nhất trong ba năm học tập và rèn luyện tại trường không?

CHS Đức Hiệp: K niệm đáng nhớ nhất có lẽ là chương trình tiền thân của Sinh nhật tuổi 18 của các cháu bây giờ. Đó là chương trình ca nhạc bán vé đầu tiên của trường chúng ta do chính học sinh tổ chức và may mắn đã thành công tốt đẹp!

Đó là vào gần cuối năm học lớp 11, BTC do chính thành viên lớp chú là nòng cốt, do cô Hiền bí thư lớp chú đề xuất ý tưởng thực hiện. Các cô chú đã cùng nhau tranh thủ họp với nhau phân công, lên Nhạc viện mời nhóm nhảy Big Toe về biểu diễn, thiết kế kịch bản và chương trình, in và bán vé, lo dựng rạp và chuẩn bị âm thanh, hình ảnh… Cũng nhiều trận cãi vã và xung đột, cũng nhiều lo lắng và căng thẳng, nhưng đến đêm biểu diễn, không chỉ bán hết toàn bộ vé, thậm chí còn xuất hiện vé giả, và người dân ở xung quanh cũng kéo vào xem đứng ngập sân trường. Trong dự kiến ban đầu sẽ bán ra 300 vé nhưng đến đêm diễn, có hơn 2000 người xem kéo vào, và với chú, đó là một hình ảnh sẽ không bao giờ quên được.

PV: Thời niên thiếu luôn có nhiều kỉ niệm đẹp với những người bạn đồng trang lứa, với những ước mơ và hoài bão. Thời gian trôi qua, ai rồi cũng trưởng thành và chọn lối đi của riêng mình. Hiện tại, chú có còn liên lạc với những người bạn của mình, những cựu học sinh NTT không? Nếu có, chú có những dự định hay kế hoạch gì cùng các bạn đón tuổi 25 của mái trường mang tên Bác?

Bạn bè luôn là phần đặc biệt quan trọng trong cuộc đời, và bạn bè thời học sinh trung học phổ thông càng là nhóm bạn thân thiết nhất. Đó là độ tuổi mà chúng ta đã trưởng thành hơn về nhận thức, nhưng vẫn đang rất vô tư và trong sáng. Sẽ có những câu chuyện, có thể chúng ta không chia sẻ được với bố mẹ, nhưng chúng ta sẽ tâm sự với bạn bè. Ở cạnh các bạn, đó là lúc chúng ta có thể gạt đi những gánh nặng và vai diễn của cuộc sống, để làm những điều điên rồ nhưng được sống hết mình. Lớp chú may mắn có được một tập thể đoàn kết và chân tình, hiện nay vẫn thường xuyên liên lạc và khi có cơ hội, mọi người vẫn luôn tranh thủ để có thể gặp nhau, cũng không phải để làm điều gì to tát, chỉ là để có những phút giây thanh thản trong cuộc sống còn nhiều bộn bề của sự nghiệp, gia đình và những mối quan hệ khác.

Về kế hoạch với nhà trường, lớp chú luôn sẵn sàng trở về tích cực tham gia mọi chương trình, sự kiện trong điều kiện phù hợp.

PV: Tuổi trẻ có nhiều dự định, suy nghĩ về tương lai nên đôi khi có thể sẽ bỏ lỡ mất một trải nghiệm đáng quý nào đó. Chú có điều gì tiếc nuối khi chưa thể thực hiện tại trường Nguyễn Tất Thành không?

Chú không thấy có gì tiếc nuối, chú đã có những người bạn luôn bên mình trong cuộc sống, có những câu chuyện tự hào và xấu hổ, có những thành tựu và thất bại, có những người thầy, người cô và mái trường luôn chào đón để trở về, và chú nghĩ chú đã có một thời học sinh trung học phổ thông thật trọn vẹn.

PV: Là một cựu HS của trường Nguyễn Tất Thành, chú có điều gì mong muốn gửi gắm đến các thế hệ học sinh tiếp theo không ạ?

Chú có đọc được một điều rằng, người ta chỉ tiếc nuối khi chưa làm một việc gì đó, nhưng nếu là một thành viên của Chuyên Toán A2 Khóa 2, ở trong một tập thể dám chơi dám học như thế, cháu sẽ rất khó để sống một cuộc sống tẻ nhạt!

Vì thế với các cháu, chú mong rằng các cháu đã được ở trong một ngôi trường như thế, hãy sống hết mình, đừng lãng phí một phút giây nào cả!

PV: Cuối cùng, là một người từng trải, có kinh nghiệm, chú có thể đưa ra lời khuyên cho các bạn học sinh về vấn đề học tập không?

Theo chú, làm gì cũng phải trau dồi, học tập. Đây có thể không phải là con đường duy nhất giúp các cháu thành công trong cuộc sống, nhưng nếu các cháu chưa phát hiện ra một con đường nào khác thực sự của mình, thì học tập ít nhất sẽ giúp các cháu có quyền lựa chọn chứ không phải luôn luôn là người bị chọn trong xã hội.

Chú tin rằng các cháu đều nhận thức được mình sẽ được những gì nếu học tập tốt, chú chỉ muốn nhấn mạnh rằng, học tập không phải chỉ là điểm cao các môn học trong trường… Trên bức tường Nhà trường đã treo quan điểm về việc học tập của Unesco, và đó cũng là quan điểm của chú: Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống, học để khẳng định mình! Chúc các cháu hiểu được ý nghĩa mỗi việc làm của mình và kiên định theo đuổi những ước mơ và hoài bão.

Cựu HS Đỗ Đức Hiệp bày tỏ cảm xúc trong chương trình Ngày trở về - Giải chạy “Cung đường ký ức” của Nhà trường

Xin cảm ơn cựu học sinh Đỗ Đức Hiệp với buổi phỏng vấn cùng phóng viên YRC!

Dường như trở về không phải để nói đến những điều lớn lao và vĩ đại mà ta theo đuổi mà có lẽ, trở về là để tìm lại được những mảnh kí ức nhỏ đã từng là của chính mình. Mái trường Nguyễn Tất Thành đã trở thành ngôi nhà thân thương của nhiều thế hệ học sinh mà ai đi xa cũng nhớ, luôn hoài mong đợi quay về. Hi vọng rằng, các bạn học sinh sẽ luôn trân trọng những phút giây được ngồi trên ghế nhà trường với những kỉ niệm đáng quý cho đến sau này!

Bài viết: Phạm Huyền Trang (7A4)

Ảnh: NVCC