“Làm mẹ không phải là một công việc. Thậm chí nó cũng không phải là một nghĩa vụ. Đó chỉ là một quyền trong rất nhiều quyền”- câu nói đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho tôi ngay từ lần đầu tiên mở cuốn sách “Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra”. Cuốn sách tuy nhỏ nhắn, thiết kế đơn giản, không màu mè nhưng chính nhan đề đầy ý nghĩa đã thu hút sự chú ý của tôi bởi nó gợi ra nhiều suy ngẫm sâu sắc. Đứa trẻ còn chưa được sinh ra, còn chưa đầy đủ nhận thức và tư duy nhưng đã được trao gửi một lá thư – được viết bằng tất cả tình yêu thương và tấm lòng người mẹ. Có thể thấy tình mẫu tử được hình thành từ rất sớm, khi mà đứa trẻ còn chưa chào đời, nó nuôi dưỡng, lớn dần theo sự phát triển của sinh linh nhỏ bé, tạo thành sợi dây liên kết bền chặt giữa mẹ và con. Ngay cả bìa sách cũng đã nói lên được mối liên kết ấy qua hình ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh Maria bế một đứa bé trên tay.
Nhan đề cuốn sách đã nói lên phần nào ý nghĩa về nội dung và tư tưởng của tác phẩm, được viết ra từ chính câu chuyện cuộc đời tác giả. Tác giả của cuốn sách là nhà văn, nhà báo nổi tiếng Oriana Fallaci, sinh ngày 29 tháng 9 năm 1929 tại Frienze và mất ngày 15 tháng 9 năm 2006. Có thể thấy trong suốt sự nghiệp của mình, Fallaci giành được rất nhiều giải thưởng. Bà đã 2 lần nhận được giải thưởng St.Vincent cho báo chí năm 1967 và năm 1971.Vào ngày 30 tháng 11 năm 2005, tại thành phố New York, Fallaci nhận được giải thưởng Annie Taylor vì sự dũng cảm của Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa .Ngày 14 tháng 12 năm 2005 Fallaci được Chủ tịch nước Cộng hòa ý ,Carlo Azeglio Ciampi trao huy chương vàng cho những đóng góp văn hóa của mình.Oriana Fallaci đặc biệt nổi tiếng với vai trò nhà báo ,và được nhà viết tiểu sử Jill M.Duquaine tôn vinh là nhà báo chính luận xuất sắc nhất mọi thời đại.Cả cuộc đời,với vai trò là một nhà văn, nhà báo, Oriana Fallaci đã sử dụng ngòi bút làm vũ khí đấu tranh để đòi lại công bằng, bình đẳng cho phụ nữ trên toàn thế giới.
“Thư gửi đứa trẻ chưa từng được sinh ra” được viết như quyển nhật kí mà trong đó người mẹ viết ra hết tất cả suy nghĩ, tình cảm, cái nhìn của mình về cuộc đời và con người khi bắt đầu cảm nhận thấy mình đã mang thai. Cách xưng hô “con - ta” cho thấy những gì người mẹ viết ra cũng chính là lời tâm sự dành cho với đứa con bé nhỏ trong bụng, thể hiện được khát khao, niềm hạnh phúc khi biết mình sắp được làm mẹ. Nhưng bối cảnh tác phẩm được viết vào năm 1975, khi mà ở các quê hương của tác giả, mọi người đều có những suy nghĩ, thái độ coi thường những người phụ nữ có con mà không có chồng, Chính vì vậy người mẹ đang phải đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan - trao sự sống cho đứa trẻ trong bụng hay chối bỏ nó, nhất là khi mọi người đều khuyên cô từ bỏ, từ người bạn thân nhất đến bố mẹ, hay thậm chí cả người chồng cũ sau khi nghe tin cô có thai đã hỏi rằng mất bao nhiêu tiền để bỏ con của họ đi,như thể nó chỉ là một món hàng hỏng. Dường như lúc này phá thai là một công cụ đơn giản, phổ biến mà mọi người nghĩ đến đầu tiên khi họ muốn loại bỏ kết quả của những ‘sai lầm’. Điều này được tác giả nhắc đến, lên án một cách gay gắt, bởi với những người phụ nữ trưởng thành, suy nghĩ đã chín chắn thì việc đưa họ đến với quyết định phá thai lúc bấy giờ nguyên nhân xuất phát từ định kiến của xã hội về người phụ nữ, về vị trí, vai trò, khả năng của phụ nữ trong xã hội. Đơn giản nếu như người phụ nữ mang thai mà đã có chồng hoặc một người đàn ông mang về một đứa con riêng – đặc biệt là con trai ,đây sẽ trở thành một điều hết sức bình thường. Nhưng khi người phụ nữ không có chồng mà lại có con,trước hết trong gia đình,mọi người sẽ lo lắng rằng cô ta không thể nuôi được đứa trẻ ,không có khả năng dạy dỗ đứa trẻ nên người,rằng đứa trẻ sẽ trở thành gánh nặng; sau đó, trong con mắt vô cảm, phiến diện của người đời cô trở thành kẻ phiền toái, đáng trách thậm chí lẳng lơ.Trong tác phẩm cũng vậy, khi cô báo tin cho mọi người rằng mình có thai, tất cả những gì cô nhận được là sự tức giận của cô bạn thân, sự lo lắng của bố mẹ và chồng cũ (lo rằng cô sẽ quay trở lại và đòi tiền ông ta với lí do nuôi dưỡng đứa trẻ), thái độ khó chịu, thiếu thiện chí của bác sĩ khoa sản khi biết cô là mẹ đơn thân. Những điều mà người mẹ nói với đứa con trong bụng đã khắc họa rõ xã hội lúc bấy giờ: người phụ nữ bị đối xử bất công, bình đẳng nam nữ lúc ấy là điều hoàn toàn xa xỉ, suy nghĩ trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào suy nghĩ con người, điều này đã được tác giả nói đến khá nhiều, với giọng điệu mỉa mai mà vô cùng sâu sắc: “Ta biết thế giới chúng ta là một thế giới do đàn ông và vì đàn ông, chế độ độc tài của họ cổ xưa đến nỗi thậm chí đã đi vào cả ngôn ngữ… Trong các truyền thuyết đàn ông nghĩ ra để giải thích về sự sống, cá thể đầu tiên của loài người không phải đàn bà, mà là một người đàn ông có tên Adam… Trong các bức tranh trang trí nhà thờ, Chúa là một ông già có râu, chứ không bao giờ là một bà già tóc trắng. Và tất cả các anh hùng đều là đàn ông: từ Prometheus – người tìm ra lửa tới Icarus – người tìm ra cách bay, rồi tới cả Jesus, người mà họ gọi là Con của Chúa và các Thánh Thần, cứ như thể người đàn bà sinh ra ông ta chỉ là một cái lồng ấp hoặc vú em” – khi người phụ nữ không có tiếng nói trong xã hội, cho dù họ có làm được những việc lớn lao ngang những người đàn ông thì người đàn ông vẫn luôn được nhắc đến đầu tiên và duy nhất. Những điều làm cô trăn trở là đúng và có căn cứ, nó cũng xuất phát từ tình yêu thương sâu sắc ,tình mẫu tử thiêng liêng mà cô dành cho con, đứa con mà cô chưa gặp mặt bao giờ. Cô làm việc đến kiệt sức, quyết tâm sau này sẽ không để con có một cuộc sống thiếu thốn bất hạnh, bởi cuộc đời gắn với nỗi lo cơm áo gạo tiền, cô không thể chỉ nuôi con bằng tình thương. Nhưng cũng chính lí do ấy dẫn đến việc cơ thể suy nhược và cô bị sảy thai. Điều này như một cú đánh mạnh vào tâm trí của cô, sự bất công trong xã hội đã lấy đi điều đẹp đẽ nhất trong cuộc đời cô.Lúc này ,những dằn vặt trong cô được tác giả khác họa vô cùng rõ nét ,bởi nó cũng giống như hoàn cảnh của nhà văn, cũng đã trải qua một lầm sảy thai nên Oriana Fallaci hiểu cảm giác của một người mẹ mất con đau khổ và bất lực đến như thế nào. Quá sốc trước sự ra đi của đứa bé, không thể tha thứ cho bản thân,cô đã tự kết tội mình là kẻ sát nhân trong phiên tòa nội tâm chính mình. Phiên tòa này một lần nữa cho thấy tình yêu thương và trách nhiệm nơi người mẹ ,đồng thời là nỗi đau đớn tuyệt vọng khi mất con. Trong những giằng xé nội tâm ấy, hình ảnh đứa con hay chính là suy nghĩ trong sâu thẳm của cô đã xuất hiện và kết tội . Nhưng đến cuối cùng, đứa bé trong tâm trí đã tha thứ cho cô “Con tha thứ cho mẹ mà. Mẹ đừng khóc. Đừng quay về hư không với con. Một lúc nào đó, con sẽ được sinh ra.”Đây cũng chính là người mẹ tự tha thứ cho bản thân: cô biết mình đã sai,nhưng không phải cô chưa nỗ lực hết sức để chống lại những định kiến xã hội và giữ lại đứa bé. Chỉ là trong giai đoạn khó khăn cuối cùng, cô đã không thể đứng vững. Đau đớn nhất, khi cô quyết định vượt qua nỗi đau tinh thần để sống tiếp,vượt lên trên những rào cản định kiến,những lề thói khắt khe,cổ hủ,vô nhân tính của miệng đời thì cái chết lại tiến gần hơn tới sinh mệnh của cô:”Trí óc mẹ như có mây bao phủ…Mí mắt mẹ nặng như chì… Đó là giấc ngủ hay là sự kết thúc?Mẹ không được đầu hàng giấc ngủ,đầu hàng sự kết thúc”,”Cái giá lạnh biến mất khi mẹ nói cuộc sống tồn tại,trạng thái mê mê tỉnh tỉnh của mẹ biến mất,mẹ cảm thấy mình chính là cuộc sống” và rồi kết thúc cuộc đời trên bàn phẫu thuật khi tách đứa bé ra khỏi cơ thể cô “Nhìn kìa, ánh sánh lóe lên.Mẹ nghe thấy những tiếng nói…Ai đó đang chạy,gào lên tuyệt vọng…Cuộc sống không cần con hay ta.Con chết rồi. Giờ mẹ cũng chết theo.Nhưng điều đó không quan trọng. Bởi vì cuộc sống không chết”.Nhưng sau tất cả, cô đã ra đi với một trạng thái hoàn toàn bình tâm và thanh thản.
Tác phẩm được nhà văn đa phần miêu tả nội tâm nhân vật, suy nghĩ, tình cảm, nhận thức của các nhân vật, để từ đấy làm làm nổi bật lên tất cả các cung bậc cảm xúc: niềm vui, sự âu yếm, nỗi tuyệt vọng, cơn thịnh nộ, nỗi buồn, sự lo âu và niềm hy vọng. Tác giả đã trải qua nỗi đau đớn tương tự, nên từng cung bậc cảm xúc đều được miêu tả rất rõ nét, khắc sâu vào tâm trí người đọc, khiến người đọc phải suy ngẫm giống như nếm trải được từng cảm xúc của nhân vật. Tên của các nhân vật đều không cụ thể, giống như là một câu chuyện không chỉ về một người mẹ mà là hàng trăm người mẹ, hàng trăm hàng nghìn những hoàn cảnh tương tự, những số phận tương tự, những đứa trẻ tương tự.
“Thư gửi đứa trẻ chưa từng được sinh ra” đề cập đến nhiều vấn đề trong cuộc sống, đặc biệt là về tình mẫu tử thiêng liêng cao đẹp, vấn nạn nạo phá thai bừa bãi, sự công bằng trong xã hội và niềm tin, hy vọng của con người.Với ngòi bút sắc sảo, châm biếm và mỉa mai, Oriana Fallaci đã lên án những bất công trong xã hội, những bất công đã tước đi hy vọng vào cuộc sống,tước đi những điều tốt đẹp nhất của con người. Cuốn sách này đã truyền cảm hứng cho hàng triệu con người, đặc biệt là những người phụ nữ dám đứng lên đấu tranh giành lấy hạnh phúc cho mình, phá bỏ những định kiến ,lề thói cổ hủ mà xã hội đặt lên vai họ. Điều ấy cũng đã thể hiện mong ước của Oriana Fallaci về một xã hội công bằng bình đẳng. Chính vì vậy mà dù đã xuất bản được hơn 40 năm, nhưng những giá trị nhân văn mà nó mang lại sẽ luôn được nhắc đến , trở thành một món quà quý giá mà tác giả dành tặng cho mọi người phụ nữ trong xã hội này- món quà từ một người phụ nữ dành tặng mọi người phụ nữ .
Tác giả: Nguyễn Hoàng Anh - Đinh Thị Quỳnh Trang (10D4)