“Một ngày chúng ta được sinh ra, một ngày khác chúng ta sẽ chết đi, cùng một ngày, cùng một giây... Cửa sinh cũng là cửa tử, ánh sáng lóe lên một khoảnh khắc, và lần nữa lại là đêm.”
Cuốn
sách “Khi hơi thở hóa thinh không”
Bác sĩ – Tác giả “Paul Kalanithi”
Cuộc sống vội vàng, hối hả đôi lúc đã cuốn đi những dòng cảm xúc chân thực nhất của con người. Liệu rằng, đã bao giờ bạn dành ra một khoảng ngắn của thời gian bận rộn để tìm về với chính mình, để suy ngẫm về sự tồn tại, sự sống của mình đang hiện hữu... Một sự thật hiển nhiên đến mức tôi nghĩ quãng đời tuổi trẻ ta đã quên đi sự tồn tại hữu hạn của mình. Và rồi khi tôi tự thức tỉnh chính mình là lúc cầm trên tay cuốn “Khi hơi thở hóa thinh không” của Paul Kalanithi.
Tôi vẫn lẳng lặng chạy theo nhịp sống của mình, bị cuốn theo những ước mơ, hoài bão mà vô tình quên đi sự lắng đọng của cảm xúc và những nỗi lo lắng âm thầm nơi sâu thẳm tâm hồn. Tôi yêu sách không chỉ bởi vẻ đẹp ngôn từ và những giá trị sống cao cả mà còn bởi ánh sáng diệu kì của sách đã len lói vào từng góc khuất trong tâm hồn tôi, là một thước đo mẫu mực của chiều sâu cảm xúc. Trước kia, tôi thường tìm đến những cuốn truyện tranh để giảm áp lực cuộc sống hay những cuốn ngôn tình sướt mướt cho tới khi tôi vô tình bắt gặp cuốn sách “Khi hơi thở hóa thinh không”. Mọi thứ trước mắt tôi như nhòa đi, hơi thở như ngưng lại, suy nghĩ như lướt nhanh hơn trong tâm trí, tôi chỉ tập trung nhìn vào cuốn sách. Tôi bị thu hút bởi nó ngay từ nhan đề.
“Khi hơi thở hóa thinh không”- không phải một nhan đề quá trừu tượng nhưng người đọc cũng khó lòng phán đoán được hết ẩn ý của tác giả. Vì vậy mà chúng ta lại càng trở nên tò mò và muốn tìm hiểu cuốn sách. Và quả thực, Kalanithi đã không làm người đọc thất vọng, anh đã tái hiện lại câu chuyện của mình bằng chuỗi ngôn từ sống động nhất, anh viết cuốn sách bằng cả trái tim. Tôi chắc chắn rằng sẽ đọc nó một lần nữa. Cuốn sách này có rất nhiều tầng ý nghĩa và sự kết hợp hoàn hảo giữa sự sống và cái chết, bệnh nhân và bác sĩ, công việc và gia đình, đức tin và lý trí. Tôi biết mình sẽ hiểu sâu hơn thế giới xung quanh nhờ cuốn sách này.
Chỉ với nhan đề thôi cũng đã đủ mạnh mẽ cho một dòng nội lực có thể tác động sâu vào tâm tưởng người đọc. Thế nhưng, bìa sách còn mang theo biết bao ý nghĩa.
Mặt trước cuốn sách
Mặt sau cuốn sách
Từ một bác sĩ chuyên khoa thần kinh, Kalanithi đột nhiên trở thành một bệnh nhân được điều trị đặc biệt bởi căn bệnh nan y quái ác. Bìa sách đã truyền tải rõ điều đó. Hoàn cảnh thực tại của tác giả cũng giống như vòng tuần hoàn của cuộc sống. Có những khi cái chết đến quá gần mà con người khó lòng kiểm soát được. Tôi không biết làm thế nào Kalanithi tìm thấy sức mạnh thể chất để hoàn thành cuốn sách này trong khi bị suy nhược vì bệnh tật rồi sau đó phải dùng hóa trị liều cao. Nhưng tôi rất vui vì anh đã hoàn thành tác phẩm này. Anh đã dành cả cuộc đời ngắn ngủi để tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống – thông qua sách, viết lách, y khoa, phẫu thuật và khoa học. Tôi biết ơn rằng, bằng cách đọc cuốn sách này, tôi đã chứng kiến một phần nhỏ của cuộc hành trình đó.Tôi chỉ không muốn hành trình của anh trên trần thế ngắn ngủi như vậy.
Nội dung bên trong cuốn sách kể về một sinh viên khoa y với niềm đam mê nghiên cứu. Kalanithi có nhắc tới cái chết, thứ làm cho những cơ thể sống dừng hoạt động suy cho cùng lại có ý nghĩa rất lớn và mang lại vẻ đẹp cho cuộc sống. Anh kể về quãng thời gian học tập khoa thần kinh tại Stanford, thứ hình thành nên mỗi con người, nơi lưu giữ kỉ niệm. Là một bác sĩ tài năng – một bác sĩ phẫu thuật thần kinh chính tại Stanford, Paul Kalanithi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối khi đang trên đỉnh cao sự nghiệp. Ung thư được xem là căn bệnh thế kỷ ở giai đoạn này và không chừa bất cứ ai. Ở tuổi 36, từ một bác sĩ điều trị cho những người sắp chết, nay anh trở thành một bệnh nhân đang phải vật lộn để mà sống. Vì lẽ đó, tác phẩm đưa ta đi đến ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Kalanithi đối mặt với cái chết trong sự trần trụi và yếu ớt của con người, tại nơi mà trí tuệ và địa vị cũng như sự nghiệp không còn là lợi thế của riêng ai. Khi đối mặt với tử thần, dù là một bác sĩ có tiếng từng dùng trí tuệ và sự khéo léo của mình để giành giật mạng sống cho bệnh nhân thì Kalanithi giờ đây đã thành ra lo sợ, tức giận và tuyệt vọng, cũng trải qua đầy đủ những giai đoạn phát triển tâm lý như một bệnh nhân ung thư thông thường. Anh cũng là một nhà văn. Trước khi vào trường y khoa, anh đã có hai tấm văn bằng văn học Anh từ trường Stanford và đã suy nghĩ nghiêm túc việc theo đuổi nghiệp viết lách. Nhờ cuốn sách này, người đọc hiểu rõ hơn về Kalanithi rất nhiều. Cảm xúc của tôi càng trở nên đặc biệt sâu sắc sau khi biết Kalanithi và vợ- Lucy, quyết định có con bất chấp hoặc thậm chí là vì nguyên nhân đó- việc chẩn đoán căn bệnh của anh. Kalanithi đã có mặt bên cạnh vợ khi cô sinh, nhưng lúc đó anh quá yếu ớt và lạnh lẽo vì hóa trị để có thể bế cô con gái trên tay mình. 8 tháng sau, Kalanithi qua đời chỉ cách nơi con gái anh bước vào thế giới vài trăm mét, cũng tại bệnh viện đó.
Kalanithi cùng vợ và con, ảnh được
chụp vào năm 2014,
khoảng thời gian anh biết tin mình chỉ còn 22 tháng để sống.
Nhiều người cứ nghĩ rằng tiền tài, danh vọng là tất cả nhưng đến khi đổ bệnh mới nhận ra sức khỏe và mạng sống mới là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc đời. Có thể cuốn sách này không phải quá văn chương bay bổng hay giàu chiều sâu kiến thức nhưng đây đích thực là cuốn sách hứa hẹn mang đến cho bạn những giây phút trầm tư để suy nghĩ về cuộc đời, về ý nghĩa, về giá trị, về trách nhiệm, về nỗi sợ hãi và lòng dũng cảm, về mối quan hệ con người… Chỉ khi con người giã từ sự sống để hòa vào vòng tay cõi chết thì chúng ta mới đứng tại lằn ranh đó để nhận ra ý nghĩa cuộc đời, mới vứt bỏ mọi phù phiếm, đi sâu vào nội tâm mình và sống trọn vẹn khi còn có thể. Kalanithi không hô hào hay thuyết giáo, mà chỉ thuật lại câu chuyện của mình theo một phong cách mượt mà, dung dị và đầy cảm xúc. Anh đã lựa chọn thành thật với người đọc khi mà anh đang đối mặt trực tiếp với cái chết. Qua từng câu chữ, bạn sẽ phải ngẫm nghĩ rất nhiều về việc làm sao cho cuộc sống trở nên đáng sống khi đối mặt với cái chết? Mình sẽ làm gì khi tương lai không còn những mục tiêu để phấn đấu? Đời còn có ý nghĩa gì khi mình sắp phải ra đi? Câu chuyện hết sức cảm động này sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi đó.
Sự quan tâm của người đọc đối với vấn đề ung thư ngày nay là rất lớn. Đọc để biết cách con người vượt qua chính bản thân khi đối diện với cái chết. Đọc để hiểu đến tận cùng ý nghĩa của cuộc sống và cái chết. Đọc để biết trân trọng từng phút giây sống trên cõi đời này. Tử thần không bỏ sót bất kì một ai, chỉ là chúng đến với ta sớm hay muộn. Kalanithi là một bác sĩ, anh hiểu và phải luôn sẵn sàng đối mặt với cái chết của bệnh nhân, anh cũng là người quyết định giữa ranh giới mong manh của sinh- tử. Tôi luôn ấn tượng sâu sắc trước những lời trần tình của vị bác sĩ trẻ: “ Một que diêm bập bùng mà không cháy. Người mẹ vẫn đang rền rĩ trong phòng 543, vành mắt đỏ khô héo của người cha, vệt nước mắt khẽ rơi trên khuôn mặt anh: cái phương diện đối nghịch của niềm vui, sự hiện diện bất ngờ, phi lý và không thể chịu đựng nổi của cái chết.... Còn thể lí giải cho nó thế nào đây, lời lẽ nào có thể an ủi?” Hẳn là trong lòng anh luôn đau đáu một nỗi niềm về bệnh nhân, và giờ đây về cả chính mình nữa. Anh phải tập làm quen với cái chết để sau mỗi ca phẫu thuật không phải là sự tuyệt vọng đến nát lòng. Chúng ta- những người chưa phải trải qua những biến cố lớn, hẳn là vẫn đang lạc lối trong mảnh đất hoang vô dạng về sự hữu hạn của cuộc đời mình.
Paul Kalanithi đã sống một cuộc đời mẫu mực. Đột ngột mắc bệnh ung thư, bầu trời gần như sụp đổ trước Paul cho đến khi anh chấp nhận quay lại cuộc sống với tinh thần mới, con người mới: một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Sau khi vợ chồng Paul quyết định có con ở thời điểm khối u chưa di căn, anh hoàn thành nốt chương trình bác sĩ nội trú với tinh thần thép. Dù trước đó chưa bao giờ chuẩn bị đối mặt với nghịch cảnh tương tự, anh tự nhủ: "Có phải căn bệnh hiểm nghèo là món quà hoàn hảo cho chàng trai trẻ, người hằng mong thấu hiểu cái chết sao?”. Kết nối với bệnh nhân trong vai trò bác sĩ, đồng thời cũng là một bệnh nhân chiến đấu với tử thần, Paul có thêm kinh nghiệm để cứu chữa người khác và giúp bản thân cải thiện bệnh tình. Hai năm trôi qua từ ngày mắc bệnh, Paul hiểu rằng cuộc sống giờ đây là những cuộc chạy đua. Cố gắng sống với năng lượng tích cực ở thời kỳ cuối của căn bệnh, tiếp tục đốt cháy những năm tháng sung mãn còn lại của cuộc đời mình, Paul nhẹ nhõm tận hưởng những ngày cuối đời bên gia đình và thực hiện những điều anh mong muốn xưa kia.
Tôi chắc rằng khi nhắc tới cái chết, chúng ta đều rất mơ hồ, mông lung và cảm thấy nó quá đỗi xa vời. Chính vì vậy, nhiều khi con người ta đã vô tình đánh mất những giá trị quý giá nhất của sự sống, chợt biến cuộc sống của mình trở nên thụ động, nó chỉ lặp đi lặp lại trong một khuôn khổ vô vị và tẻ nhạt. Vì thế mà tôi khuyên bạn nên đọc cuốn sách này. Bạn sẽ tìm lại được những cảm giác thực, chính điều đó giúp bạn cảm thấy cuộc sống của mình đáng trân quý biết bao. Tôi và bạn- những người đang chợt nhận ra mình đã hoài lãng biết bao thời gian của tuổi trẻ để nhấn chìm mình trong vô thức và rồi giờ đây bàng hoàng, hoảng hốt và khao khát được làm lại chính mình.
Được ra mắt vào tháng 1 năm 2016, chỉ với khoảng thời gian ngắn như vậy nhưng cũng đủ để tác phẩm “Khi hơi thở hóa thinh không” chiếm được một hiệu ứng tình cảm tốt đẹp từ phía độc giả. Cuốn sách dài vẻn vẹn 235 trang hàm chứa những thông điệp tích cực về cuộc sống. Theo cách lý giải nào đó, thường mỗi cuộc đời trong chúng ta được bắt đầu từ những ước mơ - đam mê - kỳ vọng và mong muốn mọi thứ được tiếp diễn một cách êm đềm. Thế nhưng, nối tiếp sự kỳ vọng lại là khổ đau – sụp đổ - hy vọng. Với Kalanithi, điều chờ đợi anh là sự sụp đổ khi một ngày mỗi hơi thở, mỗi phản ứng của cơn đau trở thành thước đo cho sự sống của anh. Bằng ý chí và niềm tin, từ những trang viết chân thật, Paul Kalanithi đưa ra quan niệm sống: đôi khi con người có thể xoay ngược lại tiến trình không mong muốn nếu biết chấp nhận sự khởi đầu bằng "sụp đổ" để đến phút cuối cùng vẫn giữ lại được những ước mơ. Chính sự tâm huyết và những tình cảm dồn nén được tác giả gửi gắm trong tác phẩm mà khiến người đọc vô cùng trăn trở, suy nghĩ. Thật khó để đọc xong cuốn sách rồi quên nó đi. Phần vì sự uyên bác của người viết. Phần vì cách thức mà Kalanithi đã đối diện với cuộc đời. Những dòng văn chân phương tuyệt vời ấy đã cảm hóa được biết bao trái tim hóa đá và chai sạn vì thời gian. Đây là một câu chuyện có thật, nó vô cùng ý nghĩa và lắng đọng. Nó đã gắn kết con người lại với nhau để cùng cảm nhận cuộc sống một cách ngọt ngào nhất, nó cũng giúp con người ta tự kết nối những mảnh ghép rời rạc trong chính bản thân mình. “Khi hơi thở hóa thinh không” là một kỉ vật duy nhất, một món quà đầy ý nghĩa mà Paul Kalanithi để lại cho cuộc đời này. Đừng bao giờ đánh mất bản thân, hãy trân trọng, dựng xây và tận hưởng cuộc sống tươi đẹp bên những người thân yêu khi còn có thể, đúng với thông điệp dung dị nhưng vô cùng thấm thía mà cuốn sách hướng tới:
“Sống là gì anh kiếm tìm trong cái chết
Giờ nhận ra khi hơi thở hóa thinh không
Tên mới không hay, tên cũ không còn:
Cho tới khi thời gian ngừng xác thể,
Độc giả! Dành thời gian, khi còn có thể
Bước chân nhẹ về cùng cõi vô ưu."
Dương Thị Vân Thanh - Lớp 11D1