Cuốn sách “Lũ trẻ đường tàu”
Cuộc sống cùng với biết bao nhiêu lo toan, vướng bận đôi lúc đã khiến người ta quên đi những thú vui tinh thần. Liệu rằng, đã bao giờ bạn dành ra cho mình một chút tĩnh tại trong tâm, một khoảng ngắn của thời gian bận rộn để suy nghĩ, để trái tim rung động yêu thương và thấy được cảm giác cay cay nơi khóe mắt… Hẳn là một trải nghiệm ý nghĩa phải không? Với tôi, sách là một “món ăn” không thể thiếu mỗi lúc rảnh rỗi. Nó mở ra một tâm hồn đẹp đẽ. Ánh sáng kì diệu của sách đã len lói vào từng góc khuất trong tâm hồn, khiến cho con người ta nhạy cảm hơn. Ấy là cảm giác đầu tiên tôi được trải nghiệm khi tôi đọc cuốn “Lũ trẻ đường tàu”- một tác phẩm kinh điển của nhà văn người Anh - Edith Nesbit.
Ngay từ nhan đề, cuốn sách đã gợi cho tôi cảm giác vô cùng tò mò: Liệu rằng lũ trẻ sống ở đường tàu hay nhan đề chỉ mang tính chất mô phỏng? Và quả thực, khi đã bị lôi cuốn vào mạch nguồn câu chuyện, tôi không thể dứt ra được. Bên cạnh sự hào hứng và phấn khích với những chuyến phiêu lưu của lũ trẻ còn là nỗi niềm trăn trở, xót xa và vô cùng cảm động trước hoàn cảnh của chúng. Tác giả xâu chuỗi khéo léo những tình tiết tưởng như tách rời nhau nhưng hóa ra lại hội tụ ở kết thúc đầy bất ngờ nơi cuối truyện.
Không chỉ mang một nhan đề độc đáo, mới mẻ, cuốn sách còn lôi cuốn người đọc bởi trang bìa được thiết kế bắt mắt. Không quá cầu kì hoa mĩ, bố cục trang bìa hết sức đơn giản với hình ảnh của đoàn tàu cùng ba đứa trẻ. Dường như ở đây, bức tranh đang dần gợi mở cho người đọc tình tiết trong truyện. E. Nesbit đã tạo nên một sự tương tác tuyệt vời trong việc kết hợp hiệu ứng hình ảnh và nhan đề, góp phần truyền tải rõ hơn nội dung của truyện cũng như mục đích sáng tác của mình.
"Lũ trẻ đường tàu" là cuốn sách có nội dung xoay quanh cuộc sống của một gia đình có ba đứa trẻ: Bobbie, Peter và Phyllis. Chúng đang sống hạnh phúc cùng bố mẹ và có mọi thứ mình muốn trong ngôi biệt thự xinh xắn ở London. Tưởng rằng cuộc sống hạnh phúc ấy lặng lẽ trôi qua không chút muộn phiền, thế nhưng tai ương chợt đổ ập xuống ngôi nhà nhỏ ấm áp ấy: Một ngày nọ, cha chúng bí ẩn rời khỏi nhà cùng hai người đàn ông lạ và mãi không trở về. Mẹ thì lại không chịu giải thích cho chúng biết sự thật. Sau đó không lâu, bà âm thầm đưa ba chị em đến sống tại một vùng quê hẻo lánh, lặng lẽ và buồn tẻ như thể một vùng đất đang ngủ quên. Dù vậy nhưng lũ trẻ với tâm hồn vốn lạc quan, trong sáng, thánh thiện và ham khám phá đã không để cuộc sống của mình rơi vào im lặng, chúng luôn tự mình khai phá ra những điều kỳ thú, mới lạ xung quanh. Và đặc biệt hấp dẫn chúng là đường tàu cùng những chuyến tàu ngày ngày xuôi ngược. Trải dọc suốt tác phẩm, người đọc như bị cuốn vào những "phi vụ" liều lĩnh quá tầm của lũ trẻ. Nhưng đôi khi những việc chúng làm không hề mạo hiểm, đó chỉ là những điều nhỏ nhặt, đơn giản nhưng lại khiến người khác vô cùng cảm động. Càng đọc kĩ những tình tiết ấy, ta càng thêm cảm phục tấm lòng cao cả cũng như nhân cách sáng ngời của ba đứa trẻ. Đồng thời, nó cũng như một hồi chuông rung lên cảnh tỉnh những con người vô cảm trước cuộc đời. Những tình huống truyện hết sức dung dị nhưng lại vô cùng thấm thía về lòng nhân ái và có sự tác động mạnh mẽ lên tâm thức con người. Có thể những người lớn vì phải lăn lộn với cuộc sống bên ngoài, chịu nhiều sự tác động của ngoại cảnh mà vô tình không quan tâm tới những người xung quanh mình. Nhưng ở ba đứa trẻ, lòng nhân ái như một thứ bản năng nguyên sơ chưa bị những lo toan trong cuộc sống mưu sinh hủy hoại.
Kể từ khi cha rời nhà đi, mẹ bận rộn hơn với công việc viết truyện để trang trải cuộc sống, còn bọn trẻ thì hằng ngày vẫn luôn mải mê với đường tàu và xả thân vào những cuộc phiêu lưu liều lĩnh khiến mẹ tưởng chúng đã quên cha rồi. Thế nhưng mẹ không biết ngày nào chúng cũng ra đứng trên hàng rào vẫy tàu Rồng xanh để nhờ Rồng xanh mang tình yêu tới cha, chỉ là chúng không dám nhắc tới cha trước mặt mẹ vì sợ mẹ buồn, còn trong lòng chúng luôn âm thầm tự hỏi: Sao cha mãi chưa trở về? Có thể đó là những hành động quá đỗi vô tư của trẻ con nhưng nó cũng bộc lộ rất cảm động về suy nghĩ, nhận thức và tình cảm thầm kín ẩn sâu trong mỗi đứa trẻ.
Câu truyện với lời văn giản dị, trong sáng, cốt truyện gần gũi đã mô phỏng chân thực về xứ sở sương mù. Đó là vẻ đẹp của miền thôn quê với những mái nhà lợp rạ phủ rêu phong, với những cánh đồng trải dài vô tận. Đó là vẻ đẹp trong văn hóa ứng xử giữa con người với nhau: có sự chuẩn mực trong tôn ti trật tự đấy song vẫn rất mực cởi mở, chân thành. Xuyên suốt câu truyện là hình ảnh rất sinh động của ba chị em: Chị cả Roberta, anh hai Peter và em út Phyllis. Tuy xuất thân từ tầng lớp trí thức thành thị nhưng các em không quản khó khăn vất vả, biết vượt lên số phận, nén lại những buồn phiền của cuộc sống cá nhân để thích nghi với cuộc sống nông thôn mộc mạc giản đơn bên những người dân lao động nghèo nhưng giàu lòng nhân ái và tự trọng. Với bản tính trong sáng hướng thiện, các em đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân nơi đây. Sự hồn nhiên, tò mò đến tinh nghịch hay bản chất ngây thơ, trong sáng, giàu lòng vị tha của ba đứa trẻ sống cạnh đường tàu đã cuốn người đọc vào cái hồn của truyện. Có thể nói, hoàn cảnh truyện, tình huống truyện, nhân vật trong truyện đã cảm hóa được những người lớn, làm những trái tim tưởng như chai sạn vì năm tháng trở nên mềm mại trở lại. Vẫn là những đứa trẻ ngây thơ, cãi nhau vì những điều vụn vặn, ngây ngô khi ngộ nhận việc lấy than trong đống than của nhà ga chỉ là đi khai thác than…, chúng vẽ lên một không gian trẻ thơ vô cùng trong sáng và vui vẻ. Sự nghèo khổ về vật chất chẳng thấm tháp gì khi được đặt cạnh niềm vui khi tìm ra bao điều thú vị của tự nhiên, của tình yêu thương giữa những người bạn xa lạ. Sự ngây thơ, chân thực, dũng cảm và tình yêu con người của chúng khiến cuộc sống của chúng luôn tràn ngập niềm vui, giúp chúng ta nhận ra giá trị sống đích thực và cái đích mà con người ta cần phải hướng tới, những triết lí vị nhân sinh….
Bằng một tâm lí am hiểu trẻ thơ, cùng với sự tài năng và nhiệt huyết của mình, E. Nesbit đã xây dựng nên một câu chuyện tưởng chừng là khó có thể xảy ra trong cuộc sống hiện thực nhưng nó lại chính là những mảnh ghép về số phận của trẻ thơ trong đất nước Anh, trong xã hội châu Âu cũ và trên toàn thế giới. Thông qua truyện, tôi có thể cảm nhận được sự tươi đẹp của cuộc sống, tâm hồn trong trẻo, ngây thơ chan chứa đầy nhân ái của trẻ thơ, cũng đồng thời nhận ra được điều mình cần phải làm để cuộc sống thêm phần tốt đẹp.
Những khó khăn, vất vả, sự hỗn độn của cuộc sống hay những mưu cầu, đó là điều luôn tồn tại song hành mà mỗi chúng ta đều không thể tránh khỏi. Nhưng điều quan trọng nhất là ta phải biết chấp nhận, vượt qua và khuất phục chúng. Bởi, nếu biết khát vọng và chinh phục, tất cả mọi thứ thuộc phạm vi thực tế ta đều có thể đạt được. May mắn, hạnh phúc hay yêu thương, chúng đều tồn tại ngay ở đời thực này thôi. Đến với “Lũ trẻ đường tàu”, ta có thể thấy được trọn vẹn điều đó.
Câu chuyện về ba đứa trẻ nghèo sống bên đường tàu đã cuốn độc giả vào một thế giới tinh nghịch, trong trẻo mà cảm động tha thiết. E. Nesbit kể câu chuyện bằng giọng điệu vui tươi hóm hỉnh, song ẩn sau đó là sự đồng cảm với nỗi niềm nhân vật và sự am tường tâm lý trẻ thơ, nhờ đó tạo nên sức lay động và ám ảnh lòng người. "Ôi! Cha của con, cha của con!" - tiếng Bobbie thống thiết gọi cha sau bao ngày mong ngóng cha trở về được xem là dòng văn xúc động nhất trong văn học thiếu nhi Anh bởi nó chạm tới cả những miền u khuất trong tâm hồn bao thế hệ độc giả. Nó như xé tan đi bầu không khí và xé cả gan ruột mọi người.
Hình ảnh hai cha con Bobbie gặp lại nhau
Được xuất bản lần đầu vào năm 1906, sau hơn một thế kỉ ra mắt, “Lũ trẻ đường tàu” của E. Nesbit vẫn luôn là một tượng đài tác phẩm thiếu nhi kinh điển không thể bỏ qua, một viên ngọc sáng mãi trong kí ức nhiều độc giả thế giới. Từng chi tiết cứ như đường ray tàu rẽ ra nhiều lối, làm người đọc không khỏi hồi hộp, và có cả những pha thót tim. Tính nhân văn được đề cao và được hướng ra từ tác phẩm một cách nhẹ nhàng, tinh tế, không hề bị gán bởi thuyết giáo hay gượng gạo. Cách kể cũng như cách tả khiến người đọc từ từ hình dung và đi vào câu chuyện, cảm nhận nó một cách thấm thía. Để rồi chìm đắm, say sưa bởi tâm hồn vô cùng đáng yêu và tinh nghịch của lũ trẻ với nỗi niềm ngập tràn hạnh phúc. Tôi cảm thấy ấm áp biết bao khi đọc được kết truyện. Nó làm tôi lặng mình suy nghĩ bởi những ngôn từ cô đọng và ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Hẳn là độc giả nào cũng phải mỉm cười mãn nguyện khi gấp cuốn sách lại.
Nó không bi kịch, đau đớn như nỗi buồn mà hằng ngày bọn trẻ đã thầm chịu đựng mà mở ra một hướng kết khiến người đọc thỏa lòng. Bao nhiêu ước mơ bọn trẻ gửi gắm bấy lâu nay hay sự mong chờ được gặp cha đều được hội tụ ở kết truyện đầy ý nghĩa. Tôi chắc chắn rằng, khi đọc xong tác phẩm, các bạn sẽ thay đổi suy nghĩ của mình về cuộc sống và con người thực sự ở xung quanh. Nó cũng là bài học giáo dục con người ta cách sống đẹp, sự cho đi và nhận lại vẫn luôn tồn tại đồng thời. Chỉ là ta chưa nhận ra hết và thông suốt mà thôi. Những thông điệp từ truyện cũng giúp chúng ta tìm lại cách sống bản năng của mỗi con người: chấp nhận, yêu thương và tin tưởng dẫu rằng có gặp phải lắm biến cố đến thế nào. Vấp ngã, khổ đau đâu phải để xóa bỏ sự tồn tại của con người mà nó là tiền đề, là điều kiện để chúng ta có thể trưởng thành và chín chắn hơn trong cả suy nghĩ và hành động. Tôi và bạn, tất cả chúng ta đều cần điều đó. Nó cũng là lí do tôi khuyên bạn nên thử trải nghiệm cuốn sách này. Chắc chắn đó sẽ là trải nghiệm thú vị.
Dương Thị Vân Thanh - Lớp 10D1