Họ tên học sinh: Chu Việt Dũng
Học sinh lớp : 11D2
“...Người Mỹ nhớ rất kĩ những gì mà người khác gây ra cho họ, nhưng lại quên rất nhanh những gì họ đã gây ra cho người khác...”
Cuốn sách “Không thể chuộc lỗi”
Trong suốt thế kỷ XX, nước Mỹ đã từng tham gia vào rất nhiều những cuộc chiến tranh trên toàn thế giới. Gần như bất cứ cuộc xung đột quân sự nào diễn ra trong khoảng thời gian này đều có sự xuất hiện, sự can thiệp của người Mỹ. Người Mỹ có thể rao giảng về chiến thắng quân sự của họ ở bất cứ đâu, nhưng chỉ có một nơi duy nhất mà họ không bao giờ có thể tuyên bố chiến thắng, mà thậm chí còn muốn quên đi nhất - đó chính là Việt Nam. Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh tai tiếng nhất của Mỹ trong suốt thế kỷ XX, là cuộc chiến duy nhất mà Mỹ thất bại một cách rõ ràng và là cuộc chiến mà nước Mỹ chẳng bao giờ muốn nhắc lại. Cuộc chiến ấy đã để lại những dư chấn sâu sắc trong lòng nước Mỹ, để đến tận bây giờ - tức là gần bốn mươi năm sau khi nó kết thúc - người Mỹ vẫn không thể nào quên được. Cuộc chiến ấy quay trở về ám ảnh nước Mỹ, ám ảnh những người lính Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam,không ít người trong số họ đã viết những cuốn hồi ký về sự thật cuộc chiến tại Việt Nam,về cái cách mà cuộc chiến đó ám ảnh họ, dằn vặt họ. Tôi có may mắn được đọc một cuốn hồi ký như vậy, và dù cho chiến tranh đi qua đã lâu, nhưng tôi như thấy mình được trở lại với quá khứ, một quá khứ đầy khốc liệt, đau thương, một quá khứ với những nỗi đau vẫn âm ỉ ngay trong cuộc sống hiện tại.
Cuốn hồi ký mà tôi may mắn được đọc có tên “Không thể chuộc lỗi”, được viết bởi tác giả Allen Hassan, một cựu bác sĩ người Mỹ đã từng tới làm việc tại Việt Nam trong những năm chiến tranh. Cuốn sách gồm có 20 chương và 2 phụ lục, là những ghi chép chân thực của bác sĩ Allen Hassan về quá trình làm việc của ông ở đất nước Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh cho tới các cuộc hành trình không ngừng nghỉ đi tìm công lý cho các nạn nhân chiến tranh. Allen Hassan sinh ra và lớn lên ở bang Iowa, Hoa Kỳ, ở một vùng đất mà chẳng ai biết đến Việt Nam. Hassan có lẽ cũng đã chẳng bao giờ biết tới Việt Nam, nếu như ông không đến nơi ấy với tư cách một bác sĩ tình nguyện. Trong suy nghĩ Hassan, việc ông đến mảnh đất xa xôi ấy để làm bác sĩ cũng đơn thuần là việc đi chữa bệnh cứu người như ở bao quốc gia khác thuộc thế giới thứ ba, hay đúng hơn chuyến đi này sẽ giúp ông thoát khỏi cảnh nhàm chán khi thực hiện công việc bác sĩ nội trú chuyên khoa thần kinh tại bệnh viện Mendocino. Tuy nhiên, có một điều mà Hassan không bao giờ nghĩ đến, đó là những chuyến đi tới Việt Nam sẽ để lại những ám ảnh triền miên, day dứt trong tâm trí vị bác sĩ này hàng thập kỷ sau khi cuộc chiến kết thúc.
Những sách đầy ám ảnh
Những trang viết là hình ảnh thu nhỏ về sự tàn khốc của chiến tranh, được nhìn nhận và đánh giá thông qua lăng kính của một người bác sĩ từng trực tiếp tham gia vào cuộc chiến. Chuyến đi tới Việt Nam không đơn thuần chỉ là một chuyến đi tình nguyện, một chuyến công tác mà còn là một cơ hội bất ngờ để Allen Hassan có thể trực tiếp chứng kiến và cảm nhận cuộc chiến tranh đang diễn ra, điều mà nhiều người Mỹ ở cách ông nửa vòng trái đất không có được. Làm việc ở tỉnh Quảng Trị, nơi mà các cuộc giao tranh diễn ra khốc liệt nhất, những cảnh tượng khủng khiếp mà chiến tranh gây ra đập vào mắt vị bác sĩ này hàng ngày. Khi chứng kiến bom đạn đang hủy diệt dần cuộc sống, hủy hoại các làng mạc, giết chết rất nhiều sinh mạng con người ngày này qua ngày khác, Allen Hassan ban đầu thậm chí còn không tin những gì xảy ra trước mắt mình là sự thật. Ông không thể tin được là Hợp chủng quốc Hoa Kì lại có thể tiến hành một cuộc chiến tranh ở một đất nước xa xôi như Việt Nam, đem nhân lực và vũ khí vượt Thái Bình Dương để bắn giết những người dân vô tội, để hủy diệt đất nước nhỏ bé này.
Tận mắt chứng kiến cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam, Allen Hassan nhận thấy rằng cuộc chiến này thực sự là một hành động vô nghĩa, một tội ác thật sự, khi mà bất cứ dân thường nào cũng bị quy là Việt Cộng, là kẻ thù và có thể bị lính Mỹ bắn giết tự do khi mà họ thậm chí còn không biểu hiện bất cứ một sự chống đối nào, đến cả một tấc sắt trong tay cũng không có; bất cứ làng mạc nào cũng có thể trở thành “vùng bắn phá tự do”, nơi mà người dân và nhà cửa của họ có thể bị bắn phá một cách tùy ý, trở thành những tấm bia tập bắn “sống” cho lính Mỹ. Chẳng có ranh giới nào giữa “kẻ thù” và “thường dân”, cuộc chiến dần dần trở thành một trò chơi “đếm xác người” không hơn không kém, khi mà quân đội Mỹ tuyên bố mỗi chiến thắng của họ thông qua số xác chết mà họ đếm được. Đáng buồn thay, trong số những xác chết ấy, chẳng ai biết có bao nhiêu người thực sự là kẻ thù, nhưng có một điều mà ai cũng biết: đa phần những người chết kia đều là thường dân! Những binh sĩ Thủy quân lục chiến Hoa Kì được tung hô như là đại diện cho thứ tự do kiểu Mỹ, nhưng thông qua hành động bắn giết người không ghê tay, họ đã tự khiến mình trông chẳng khác nào những tên diệt chủng Đức Quốc xã thời Đệ nhị Thế chiến.
Chiến tranh đem lại những hậu quả vô cùng thảm khốc và Allen Hassan là người hiểu rất rõ điều đó. Hàng ngày ông phải thực hiện vô số những ca phẫu thuật cho hàng trăm người dân bị thương tích do các cuộc bắn phá của quân đội Mỹ. Dù rất cố gắng, nhưng bác sĩ Hassan đã không ít lần phải tuyệt vọng nhìn những bệnh nhân của mình chết dần chết mòn trong đau đớn mà không thể làm gì để cứu giúp họ. Mọi việc lên tới đỉnh điểm khi Allen Hassan phải đau đớn nhìn 40 em nhỏ lần lượt chết trên tay ông - tất cả các em đều là nạn nhân của một vụ tra tấn dã man được thực hiện bởi Thủy quân lục chiến Mỹ. Việc phải nhìn các em nhỏ lần lượt chết trong tay mình - một bác sĩ mang trên mình lời thề Hippocrates cao cả, đã trở thành ám ảnh kinh hoàng, đau đớn nhất trong lòng vị bác sĩ ấy không chỉ vài năm mà là suốt cuộc đời ông. Trong Hassan lúc ấy không còn sự hứng khởi, nhiệt huyết như những ngày đầu tiên, mà chỉ còn lại sự căm giận, căm phẫn, chán ghét đối với hiện thực cuộc chiến mà ông buộc phải đối mặt hàng ngày.
Quãng thời gian làm bác sĩ tình nguyện của Allen Hassan tại Việt Nam chỉ kéo dài hai tháng, nhưng đã đem lại những ám ảnh không bao giờ phai mờ đối với vị bác sĩ này. Tội ác mà lính Mỹ gây ra tại Việt Nam đã thức tỉnh lương tri của vị bác sĩ này, để sau đó ông hoàn toàn phản đối và căm ghét cuộc chiến mà chính quyền đất nước ông đang thực hiện tại Việt Nam. Lần thứ hai trở lại Việt Nam không lâu sau đó, Allen Hassan đã đi tới rất nhiều vùng đất ở miền Nam Việt Nam. Những điều ông chứng kiến chẳng khác là bao so với những gì ông đã thấy ở Quảng Trị, và điều đó càng làm tăng thêm sự phản đối của Hassan với chiến tranh. Ông đã quyết định đóng góp sức mình vào việc xoa dịu nỗi đau chiến tranh cho người dân Việt Nam những năm sau đó, nhưng có một điều vẫn luôn ám ảnh Hassan mãi mãi, đó chính là hình ảnh về tội ác mà lính Mỹ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam và suy nghĩ về việc ông cũng như nhiều người Mỹ khác sẽ không bao giờ có thể chuộc đủ những lỗi lầm mà nước Mỹ đã làm với con người, với đất nước Việt Nam.
Mặt sau của cuốn sách
Cho dù chiến tranh đã kết thúc, tuy nhiên những ám ảnh về cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn luôn đeo bám dai dẳng trong tâm trí của Allen Hassan. Những hình ảnh tàn khốc và đáng sợ của cuộc chiến ấy đi theo Hassan cả vào những giấc ngủ, và biến những giấc mơ hàng đêm của ông trở thành những cơn ác mộng triền miên không dứt từ ngày này qua ngày khác. Đã không ít lần vị bác sĩ ấy phải thức giấc trong đêm với sự thảng thốt,sợ hãi khi mà những hình ảnh về vụ thảm sát trẻ em kinh hoàng năm xưa hiện về trong từng cơn mơ. Lương tâm của con người ấy như bị giày vò, giằng xé, và khi cuộc chiến qua đi, Allen Hassan đã có nhiều lần quay trở lại Việt Nam, quay trở lại vùng đất mà một thời ông đã gắn bó, để đi tìm công lý cho những nạn nhân của chiến tranh.
Cuộc chiến đi qua đã hàng thập kỷ, nhưng di chứng mà nó để lại trong lòng nước Mỹ thì vô cùng khó phai mờ. Giống như Hassan, rất nhiều cựu binh Mỹ trở về từ Việt Nam đã phải gánh chịu những chấn động tâm lý, những ám ảnh kinh hoàng về cuộc chiến tranh mà họ đã trải qua. Rất nhiều người trong số họ cảm thấy cắn rứt lương tâm, bị trầm cảm nặng nề; không ít người đã từng chịu những khủng hoảng tâm lý sau chiến tranh nặng nề tới nỗi họ đã có ý định tự tử. Đáng buồn thay, xã hội Mỹ đã không có cùng suy nghĩ như họ. Những câu chuyện mà các cựu binh kể lại thường bị cho là thiếu chân thực, rằng người Mỹ không muốn nghe những câu chuyện như thế, và người dân Mỹ không tin rằng đất nước họ lại có thể làm những chuyện khủng khiếp như vậy. Nhiều cựu chiến binh Mỹ bị xã hội xa lánh, thậm chí còn bị đưa vào trại thương điên vì những câu chuyện của họ. Còn về phía bác sĩ Hassan, ông cũng đã không ít lần bị chính quyền theo dõi, bị gây cản trở trong công việc và cuộc sống chỉ vì lý do ông đã dám kể lại những câu chuyện về hiện thực cuộc chiến tranh Việt Nam. Dù gặp phải nhiều khó khăn trở ngại, nhưng Allen Hassan vẫn luôn cố gắng đóng góp sức mình vào việc tìm lại công lý cho các nạn nhân chiến tranh và xoa dịu nỗi đau mà cuộc chiến đem lại với cả những người Mỹ và người Việt Nam. Allen Hassan đã dành quãng thời gian còn lại của đời mình để làm những công việc nhân đạo đầy ý nghĩa đó, bởi ông biết chắc chắn một điều rằng: người Mỹ và nước Mỹ sẽ KHÔNG BAO GIỜ có thể chuộc hết những lỗi lầm mà họ đã gây ra cho đất nước và con người Việt Nam,đúng như nhan đề mà tác giả đã đặt cho cuốn hồi ký của mình.
Những dòng hồi ức của Allen Hassan trong từng trang sách của ông như đưa tôi trở lại với quá khứ của một cuộc chiến tranh với đầy những sự tàn khốc và đau thương. Phải thấy được sự khốc liệt, khổ đau mà chiến tranh đem lại thì người ta mới nhận ra hòa bình quý giá đến nhường nào. Chiến tranh có lẽ là thứ vô nghĩa nhất mà Thượng đế đã tạo ra trên trái đất này. Chiến tranh chẳng đem lại bất cứ điều gì ngoài những mất mát và khổ đau. Chiến tranh đem đến cho con người những nỗi đau âm ỉ kéo dài hàng chục năm trời. Chẳng nơi đâu trên thế giới này phải hứng chịu nhiều nỗi đau do chiến tranh gây ra như ở Việt Nam. Đất nước nhỏ bé ấy đã phải gồng mình chống trả sự xâm lăng của các thế lực ngoại bang trong suốt thế kỷ XX, và những nỗi đau mà chiến tranh gây ra vẫn chưa bao giờ kết thúc trong suốt hàng chục năm sau khi chiến tranh kết thúc. Hàng triệu những người con ưu tú đã chiến đấu và hi sinh để giữ vững nền độc lập tự do cho dân tộc, sự hi sinh của họ là mất mát to lớn với đất nước và là nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai trong lòng người thân họ. Chiến tranh đã để lại những thứ di sản đáng sợ như hàng vạn tấn bom mìn còn chưa phát nổ nằm rải rác trên khắp cả nước,trở thành mối hiểm họa thường trực cướp đi mạng sống con người. Chiến tranh với thứ “chất độc màu da cam” đã trở thành nỗi đau triền miên trong lòng nhân dân Việt Nam, hậu quả khủng khiếp mà nó đem lại không chỉ ở trong quá khứ, mà vẫn còn tiếp diễn ở hiện tại và tương lai. Nhiều thế hệ người Việt Nam đã phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng mà loại hóa chất độc hại ấy gây ra; rất nhiều người khi mới sinh ra đã trở thành dị dạng, mang trên cơ thể những khiếm khuyết khủng khiếp; thứ chất độc hóa học ấy đã tước đi của bao thế hệ người Việt Nam quyền cơ bản nhất của con người: quyền được sống. Chất độc màu da cam vẫn tiếp tục tồn tại trên đất nước ta nhiều năm sau chiến tranh, và một câu hỏi đầy trăn trở khó có lời giải đáp vẫn được đưa ra: liệu sẽ có thêm bao nhiêu con người nữa phải hứng chịu những khổ đau từ chất độc màu da cam? Chiến tranh đã đem lại quá nhiều khổ đau cho đất nước ta, cũng như bất kì nơi đâu mà nó đã từng càn quét qua. Chiến tranh là một thứ đầy đáng sợ, đáng ghê tởm và đáng bị lên án.
Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được sinh ra và lớn lên trong những năm tháng đất nước hòa bình và tiếng súng đã im từ lâu. Tuy nhiên, tôi nhận thức được rằng, bóng ma chiến tranh vẫn chưa bao giờ thôi rình rập, thôi ám ảnh đất nước tôi cũng như là cả thế giới. Là một con người của thời đại mới, tôi cảm thấy mình cũng cần phải đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào những nỗ lực bảo vệ hòa bình, phản đối chiến tranh hay hàn gắn vết thương chiến tranh. Cuốn sách “Không thể chuộc lỗi” đã làm thức tỉnh trong tôi những sự phản đối mãnh liệt với chiến tranh và những hậu quả mà nó gây ra. Làm gì để tội ác của hôm qua, bi kịch của hôm nay không còn lặp lại? Một câu hỏi đầy trăn trở và cũng là nhiệm vụ không của riêng ai, trong đó có cả những người trẻ như tôi. Tôi hy vọng rằng trong tương lai, trên khắp thế giới này sẽ không còn những tiếng súng, tiếng bom, sẽ không còn những cuộc xung đột, những cuộc chiến tranh; thay vào đó tất cả mọi dân tộc, mọi quốc gia đều có thể cùng chung sống hòa bình. Đó có lẽ không phải chỉ là ước muốn của riêng tôi, mà còn là mong ước của rất nhiều người trên khắp thế giới và tôi tin rằng, nếu như mỗi chúng ta đều cùng cố gắng nỗ lực thực hiện mong muốn đó, thì ước mơ về một thế giới hòa bình hoàn toàn có thể trở thành sự thật trong một tương lai không xa.