Giải Ba cuộc thi “Viết về thầy cô, mái trường mến yêu”
Ngay từ ngày theo chân mẹ bước vào ngôi trường này để nộp hồ sơ nhập học, tôi đã có một ấn tượng mạnh mẽ về nơi mình sẽ gắn bó trong suốt ít nhất là bốn năm học cấp II. Các anh chị khoá trên trong bộ đồng phục gọn gàng, sạch sẽ nhanh nhẹn kéo ghế mời người này ngồi rồi lại đưa giấy bút hướng dẫn người kia. Từng động tác đều rất khéo léo, chuyên nghiệp và nhanh thoăn thoắt. Lặng lẽ nhìn các anh chị ấy, tôi chợt hiểu ra lí do đơn giản tại sao mẹ và anh tôi lại khăng khăng muốn tôi vào học ở ngôi trường này.
Tôi quá chậm chạp, làm gì cũng vụng về, hậu đậu, lại chẳng bao giờ chịu động não suy nghĩ nên cho đến bây giờ vẫn không học nổi chương trình Toán nâng cao lớp Bốn. Vậy là nếu không nhờ có chứng chỉ TOEFL Primary 115/115 thì tôi sẽ phải ôn thi hàng tuần, có khi là hàng tháng trời, thức khuya đến nửa đêm và... không thể nào trúng tuyển vào trường.
Ngày đi nhận lớp, tôi vừa thấp thỏm lo sợ, vừa hồi hộp. Các bạn xung quanh tôi đều giỏi hơn tôi rất nhiều, nếu tôi không theo kịp được họ thì sao? Vả chăng, họ đều là những người xa lạ, liệu có ai giúp đỡ tôi? Thế nên tôi đã quyết định sẽ tập trung vào việc học để trở thành một học sinh giỏi chứ không phải một học sinh có nhiều bạn bè. Dẫu sao tôi thấy nghĩ ngợi nhiều về mấy đứa bạn thân cũng chỉ tự làm mình mệt mỏi hơn thôi...
Nhưng, hôm ấy, dưới khu vực dán sơ đồ lớp học và danh sách lớp, tôi đã gặp Vân Khánh, một cô bé bằng tuổi tôi nhưng thấp hơn tôi nửa cái đầu. Khánh có nước da ngăm ngăm đen và đeo một cặp kính khá là... không vừa vặn với khuôn mặt thon nhỏ của bạn ấy. Ôi chao, diện tích mỗi mắt kính chắc phải gấp ba, bốn lần đôi mắt của Khánh! Chúng tôi chào hỏi nhau vài ba câu xã giao và biết được hai đứa học cùng lớp. “Này, bọn mình lên lớp ngồi luôn đi!” Khánh đề nghị.
Lớp học 6A7 của chúng tôi là phòng 415, tức là ở trên tầng bốn! Tại sao lớp chúng tôi lại ở trên cao thế cơ chứ! Chúng tôi lên đến nơi, đã có vài bạn ngồi trong lớp. Để tiện nhìn bảng, tôi và Khánh ngồi xuống bàn thứ hai từ trên xuống. Một lúc sau, lớp đông hẳn lên. Chà, cô giáo chủ nhiệm lớp chúng tôi kia rồi, đúng lúc ghê! Cô cao tầm thước, khuôn mặt tròn, dáng phúc hậu lắm. Cô giới thiệu mình là Vương Thị Thanh Nhàn, dạy môn Ngữ văn. Nghe đến môn văn, lòng tôi có chút lo lắng. Nhưng nhìn qua ngoại hình thì cô Nhàn có vẻ trông không giống một giáo viên dữ dằn, khó tính lắm. Sau khi giải thích nội quy nhà trường khá lâu và tỉ mỉ, cô bắt đầu đề cập đến tổ chức lớp. Ngọc Linh là ứng cử viên duy nhất cho “trách nhiệm cao cả” là lớp trưởng, còn Chi đội trưởng là Hồng Anh. Rồi đến lớp phó học tập, chỉ có một cánh tay giơ lên. Và đó chính là Vân Khánh.
“Em thưa cô, em tên là L.T. Vân Khánh. Em học Tiểu học ở trường Lê Hồng Phong ở Hải Phòng và em đã làm lớp phó học tập trong bốn năm rồi ạ.” Nghe hai chữ “Hải Phòng”, cả lớp ồ lên (sau này tôi mới biết tiếng ồ đó không phải vì Khánh không học Tiểu học ở Hà Nội mà là vì con gái Hải Phòng rất đanh đá!). Khi ấy tôi mới để ý đến da của bạn ấy. Đen toàn tập! Và Khánh trở thành lớp phó học tập luôn.
Còn nữa, cô Nhàn nhắc đến việc chia tổ. Tôi xung phong làm tổ trưởng tổ hai, cái chính là để giúp mình tự tin hơn một chút. Thực ra chưa bao giờ tôi được phân công làm cán bộ lớp, chỉ có tự ứng cử thôi.
Hôm sau, ngày thứ Tư, tiết đầu là tiết Âm nhạc của thầy Quý, một người mà bây giờ chúng tôi thích gọi là “người thầy của nhân loại”. Suốt bốn mươi lăm phút, tôi không nhớ nổi lớp tôi đã cười vang lên “đã” bao nhiêu lần, chỉ nghe thấy những tiếng rộ lên nắc nẻ và đến cuối tiết, bụng tôi đau lên vì... cười nhiều quá. Có lẽ vì thầy tự xưng là “giáo viên đẹp trai nhất trường” và vì câu nói “bất hủ” dường như đã trở thành danh ngôn “Mỗi ngày đứng trước gương, thầy đều tự nhủ thầm rằng nếu đẹp trai là một cái tội thì chắc tôi đã bị xử tử hình hoặc tù chung thân” của thầy mà bốn mươi tư đứa học sinh 6A5 cứ cười mãi, cười mãi cho đến khi đứa nào đứa nấy bắt đầu ho sặc sụa, rồi ôm bụng, mặt vẫn cứ nhăn nhở...
Trong tuần học thứ nhất, người mà tôi yêu quý và đã để lại dấu ấn khó phai nhạt trong bộ não chẳng-có-mấy-nếp-nhăn của tôi chính là cô giáo có danh xưng “Võ Hải”. Cô phụ cả hai môn là Sinh học và Công nghệ. Bởi vậy, cứ hôm nào có tiết học Công nghệ liền sau tiết Sinh học là hai mắt tôi lại tít lên vì được học cô tận chín mươi phút! Không biết từ lúc nào, tôi thích mê chất giọng đặc biệt, cách dạy và biểu cảm ấn tượng của cô, ngay cả giọng cười của cô cũng đủ khiến tôi thích thú.
Chỉ bốn ngày ấy thôi, tôi đã nhớ tên và làm quen được vài bạn như Khánh Linh, Phương Ngọc hay Nguyễn Hà Phương. Sở dĩ tôi nhớ tên Phương là vì tôi và bạn ấy có chung một điểm khiến việc gọi tên trở nên hơi khó khăn: tôi là Tống Nguyễn Hà Phương, còn Phương thì có tên gần tên tôi một cách... bất đắc dĩ. Bạn ấy là một cô bé nhỏ nhắn có làn da hơi cháy nắng một tẹo và khuôn mặt trông rất giống... cô Lan Phương dạy Toán lớp tôi. Còn Linh và Ngọc, đó là hai cô bạn ngồi bàn đầu, tức là ngay phía trên tôi và Khánh! Linh sở hữu một làn da màu bánh mật giống như Khánh, nhưng thân hình thì hơi... mũm mĩm một tẹo. Gương mặt cậu ấy luôn tươi vui và rạng rỡ, còn tôi lại chẳng bao giờ có được điều ấy. Cậu ấy và Khánh cao gần bằng nhau, tôi và Ngọc cũng vậy. Nhắc đến Ngọc, tôi xin phép được nói rằng đó là một cô gái cực kì xinh đẹp! Làn da Ngọc trắng hồng tươi tắn, thân hình thon thả và cân đối, cằm thì chuẩn V-line, nói tóm lại, đều là những nét đẹp mà tôi có mơ cũng không thể có được. Không những đẹp ở ngoại hình, Ngọc còn rất dịu dàng và hiền lành với nụ cười duyên luôn nở trên đôi môi hồng thắm. Ôi, giá như tôi có thể cười được như bạn ấy! Nhưng mãi mãi, đó chỉ là “giá như” mà thôi! Cả ba cô bạn ấy đều thông minh, học giỏi, đẹp từ ngoài vào trong, tôi chẳng thể nào sánh nổi được. Ấy vậy mà họ vẫn chấp nhận tôi, chơi thân với tôi và đối xử với tôi rất tốt. Những lo sợ ban đầu khi đến học ở ngôi trường mới dần dần tan biến mặc dù tôi mới chỉ quen Linh, Ngọc và Khánh.
Một lần, trong giờ nghỉ, trong lúc gọi tên nhau khi tán chuyện gẫu, chúng tôi chợt nhận ra một điều: tên Khánh là đệm cho tên Linh, tên tôi là đệm cho tên Ngọc. Âu cũng là một cái tình cờ, phải không? Cả ba còn phát hiện ra mỗi khi cười, Khánh đều để lộ hết răng và lợi ra, trông cũng “duyên”!
Qua hơn một tuần, vì có lớp tiếng Anh học thuật do trung tâm IIG liên kết với nhà trường mà sự phân chia lớp học có ít nhiều thay đổi. Linh và Ngọc không đăng ký nên chuyển sang lớp khác, một số bạn trong lớp cũng vậy. Rồi Khánh trở thành lớp trưởng vì Ngọc Linh đã chuyển đi mất rồi. Sau đó, lấp đầy chỗ trống trong những hàng ghế này là các bạn đến từ các lớp 6A2, 6A3, 6A5 - những người có đăng ký lớp tiếng Anh. May sao cô chủ nhiệm vẫn là cô Nhàn, phòng chúng tôi học vẫn là 415, chứ không thì tôi thấy khó chịu lắm, vì tôi vốn ghét thay đổi mà. Mặt khác, tôi đã quen với các bạn ở 6A7 cũ rồi nên làm quen lại từ đầu khó lắm, cũng may tôi vẫn còn Khánh bên cạnh (cả nghĩa đen và nghĩa bóng luôn, chúng tôi ngồi cạnh nhau mà!). Hôm chuyển lớp diễn ra, tôi buồn lắm. Mới gặp và quen nhau chưa đầy hai tuần mà đã phải xa nhau rồi, chán ghê! Lớp mới của Linh và Ngọc lại ở dưới tầng ba nữa, nên cứ đi thăm là lại phải co giò lên chạy. Này nhé, giờ nghỉ chỉ có năm phút, nhiều lắm thì mười phút, nói chuyện được dăm ba câu lại phải chạy lên chạy xuống đến mệt, thế là số lần như vậy ít hẳn đi...
Ở lớp mới, tôi cũng không đến nỗi cô đơn lắm. Ngẩng đầu lên, quay đầu xuống, nhìn trái, nhìn phải, đâu đâu tôi cũng có người mà tôi gọi là “bạn”. Có Minh Châu nhỏ nhắn đáng yêu ngồi cùng dãy bàn. Có tổ phó Khánh Ngân cùng tôi làm nhiệm vụ kiểm soát các tổ viên siêu quậy. Có Nguyễn Hà Phương và Mai Chi trò chuyện với tôi mỗi giờ nghỉ, có Hà Vy và Ngân tôi hay ngồi ăn trưa cùng. Và thế là tôi không còn cảm thấy xa lạ với các bạn. Tôi đang dần cảm nhận được rằng quyết định nhập học của mẹ là đúng, bởi nơi đây có các thầy cô giáo thú vị, vui tính, và luôn có những người bạn mà tôi đã, đang và sẽ làm quen, chơi thân cùng.
Hôm nay, mọi thứ đã thay đổi. Nếu hôm ấy mẹ tôi không đến nộp hồ sơ thì mọi chuyện sẽ tồi tệ và đáng tiếc đến thế nào?
Nhưng thật may mắn, mẹ đã không làm như vậy. Vậy nên tôi không còn là một đứa to xác mà suy nghĩ chỉ như một đứa trẻ ba tuổi. Tôi không còn nhút nhát, lo sợ về ngôi trường này. Tôi không còn cảm thấy tự ti về bản thân đến mức phải sống khép mình, độc lập hoàn toàn với thế giới xung quanh, như ngồi im lặng cả ngày bên những trang sách và quên hết đi bao thú vui đang chờ đợi mình ngoài kia. Tôi không còn e dè, sợ hãi hay xấu hổ mỗi khi tiếp xúc với bạn bè đồng trang lứa. Bởi tôi... đã là học sinh lớp Sáu của trường Nguyễn Tất Thành.
Tôi biết mình không đơn độc. Tôi không chỉ có một mình, xung quanh tôi giờ đây là những người luôn sẵn sàng giúp đỡ tôi, những người dù tôi chỉ mới quen nhưng luôn tin cậy, những người vừa có chút tinh quái, nghịch ngợm, lại vừa đáng yêu và dễ mến vô cùng. Những người ấy... chính là 6A5 của tôi. Chỉ mới gặp được hơn ba tháng, nhưng sẽ nhớ mãi cả phần đời còn lại.
Tập thể lớp 6A5 (năm học 2018-2019)
Cảm ơn nhé, mái trường Nguyễn Tất Thành thân yêu, nơi đã thực sự cho tôi biết thế nào là trải nghiệm một cuộc sống thật ở bên ngoài sách vở. Có thể, ban đầu tuy bỡ ngỡ chưa quen nhưng dần dần, theo sự xoay chuyển của vạn vật xung quanh, của thời gian và không gian, mọi thứ sẽ in sâu vào trong trái tim bạn như một phép màu kì diệu nào đó. Ồ, không đâu, chỉ là một lúc nào đó, bạn sẽ thảng thốt nhận ra: “Mình đã trở nên quen thuộc với nơi này rồi ư?”
Bài viết: Tống Nguyễn Hà Phương (6A5)
Ảnh: Sưu tầm