Trong những năm gần đây, vấn đề đổi mới dạy học môn Ngữ Văn luôn được các nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu. Nhiều phương pháp, biện pháp mới liên tục được đưa ra dù có khác nhau nhưng đều thống nhất khẳng định vai trò của người học phải là những chủ thể nhận thức tích cực trong quá trình học tập. Như vậy, dạy Văn là dạy cách tư duy, dạy cách đi tìm và tự chiếm lĩnh lấy kiến thức. Đó là một định hướng giáo dục quan trọng hiện nay và thiết kế tổ chức hoạt dộng nhóm trong tiết học Ngữ văn là một trong những cách tổ chức dạy học mang lại những hiệu quả nhất định. Học nhóm là một hình thức học hợp tác nâng cao chất lượng của HỌC SINH và có được những kết quả học tập tiến bộ về nhiều mặt. Theo cách này, học sinh có thể được tạo cơ hội tự đặt câu hỏi, thảo luận, trình bày quan điểm, và thực hiện học hợp tác. Từ đó, học sinh có thể phát huy được trí tưởng tượng, sáng tạo, độc lập trong suy nghĩ và hành động.

Để có thể phát huy được những lợi ích của việc học nhóm, giáo viên phải cung cấp kiến thức cho học sinh về lí thuyết nhóm. Do đó, giáo viên phải khơi gợi hứng thú học sinh bằng cách chọn những chủ đề thảo luận tương ứng với trình độ của học sinh.

Để khuyến khích học sinh học tập theo hình thức này, tôi đã chọn phương pháp sau và cũng đã có những thành công nhất định. Những tiết học Ngữ văn không còn sự đơn điệu, tẻ nhạt mà học sinh thực sự được là mình trong chính các tác phẩm văn học tưởng chừng rất xa lạ với các em.
Chia nhóm nhỏ cùng thảo luận: 

- Bước 1: Chia học sinh thành các nhóm nhỏ gồm 4 hoặc 5 học sinh để thảo luận về một khía cạnh xoay quanh một vấn đề nào đó.

- Bước 2: Sau 20 phút thảo luận, mỗi nhóm nhỏ cử một thành viên trình bày ý kiến của cả nhóm cho cả lớp.


Học nhóm môn Ngữ Văn tại lớp 8A2

Học nhóm hiệu quả

Để học nhóm có hiệu quả, giáo viên phải đảm bảo rằng trong nhóm có sự “phụ thuộc tích cực”, trao đổi trực tiếp, thảo luận trong nhóm và trách nhiệm của cá nhân cũng như của cả nhóm. “Phụ thuộc tích cực” nhấn mạnh tầm quan trọng và tính độc đáo sự đóng góp của mỗi thành viên trong nhóm trong khi thực hiện các hoạt động nhận thức và giao lưu giữa các cá nhân.

Trong khi học sinh giao tiếp với nhau, sẽ phải có một người làm trưởng nhóm. Người này phải có kĩ năng hòa giải xung đột, có khái niệm rõ ràng và khả năng thảo luận, có khả năng tháo gỡ những phức tạp trong quan hệ giữa mọi người.

Tuy nhiên, học nhóm có thể tạo điều kiện cho những học viên lười – những thành viên không hoàn thành trách nhiệm mà vẫn được điểm do thành tích của cả nhóm. Để hạn chế tình trạng này, giáo viên có thể cho áp dụng hình thức đánh giá theo nhóm để đánh giá đóng góp của từng thành viên trong nhóm, hoặc tổ chức một bài kiểm tra kèm theo. Vì vậy sẽ tồn tại hai mức độ trách nhiệm: cá nhân và nhóm.


Chụp ảnh kỉ niệm sau khi hoàn thành bài tập nhóm trong tiết học Ngữ Văn (lớp 8A2)

Qua giờ học, tôi thấy các em có được nhiều bài học bổ ích về:

(1) Xây dựng tinh thần đồng đội và sự liên kết các thành viên trong nhóm với nhau
(2) Nâng cao khả năng hòa nhập, kĩ năng giao tiếp và tính tự trọng tốt hơn trong mỗi học sinh của lớp.
(3) Kết quả và thành tích học tập cao hơn.


Sau mỗi bài tập nhóm, học sinh thấy gắn kết với nhau hơn

Tóm lại, với những ưu điểm riêng đặc thù, hình thức tổ chức dạy học theo nhóm có tác dụng gợi mở, kích thích quá trình tìm tòi kiến thức của học sinh. Làm việc tích cực trong các nhóm, học sinh sẽ biết cách tự mình vận động, khám phá, lĩnh hội tri thức một cách có hiệu quả.

Phương Linh