Ngày 14/11/2023 vừa qua, sinh viên K70 khoa Lịch sử - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tham gia hoạt động nghiên cứu bài học cùng Tổ Lịch sử của Trường Nguyễn Tất Thành. Tiết Thực hành Lịch sử số 2 với chủ đề “Các nền văn minh thế giới thời cổ - trung đại” do thầy giáo Trần Thanh Quang thực hiện tại lớp 10D4 không chỉ giúp học sinh củng cố kiến thức về các nền văn minh, thêm yêu và có ý thức khám phá lịch sử mà còn giúp sinh viên K70 hiểu rõ hơn về cách tổ chức hoạt động và áp dụng các phương pháp dạy học tích cực trong thực tiễn.

Được thành lập với mục tiêu xây dựng một cơ sở thực hành sư phạm cho sinh viên của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành luôn nỗ lực phối hợp với các khoa tổ chức những hoạt động, chương trình hướng dẫn sinh viên thực hành nghề tại trường phổ thông. Điều này đã giúp sinh viên Sư phạm tự tin hơn, bồi đắp thêm nhiều kiến thức bổ ích và các kĩ năng cần thiết để trở thành giáo viên trong tương lai.

Trong tiết dạy nghiên cứu bài học vừa qua, thầy giáo Trần Thanh Quang đã tổ chức các hoạt động dạy học khác nhau, giúp bài học trở nên thú vị và sinh động hơn. Mở đầu buổi học, hoạt động khởi động trên Kahoot không chỉ giúp lớp học thêm sôi nổi mà học sinh còn được củng cố kiến thức về các nền văn minh trên thế giới trong thời cổ, trung đại.


Các nhóm tích cực tham gia vào phần trò chơi khởi động


Sinh viên K70 khoa Lịch sử tập trung theo dõi tiến trình dạy học

Lấy cảm hứng từ chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”, phần 2 của giờ học tiếp tục với hoạt động “Vượt chướng ngại vật”. Có tổng cộng 7 từ hàng ngang, cũng là 7 gợi ý để tìm ra các chữ trong một thông điệp lịch sử. Trò chơi yêu cầu tư duy logic và giúp học sinh trau dồi thêm nhiều kiến thức thú vị về các nền văn minh thế giới.

Thầy Thanh Quang còn tổ chức hoạt động “Tăng tốc” nhằm giúp học sinh sẵn sàng chia sẻ ý kiến của bản thân về một vấn đề lịch sử. Mỗi nhóm sẽ dành 3 phút chuẩn bị và 1 phút 30 giây cho phần thuyết trình về hai nhận định: “Sự rực rỡ và sức lan tỏa của nền văn minh Ấn Độ” và “Văn hoá Việt Nam là bản sao của văn hoá Trung Hoa”.

Các nhóm tích cực thảo luận, chuẩn bị cho bài thuyết trình


Đại diện các nhóm trình bày ý kiến về các nền văn minh trên thế giới


TS. Lê Thị Thu - Tổ trưởng tổ Lịch sử đưa ra nhận xét và điểm số cho các nhóm

Cuối buổi học, để giúp học sinh củng cố, khắc sâu kiến thức, thầy giáo đã tổ chức hoạt động luyện tập với trò chơi “Tranh tài đoán ý”. Trong trò chơi này, có một người đoán từ được diễn tả qua lời nói của ba thành viên còn lại trong nhóm, các từ đều gắn liền với chủ đề “Các nền văn minh thế giới thời cổ - trung đại”.


Những từ khóa thử thách vốn hiểu biết và khả năng truyền đạt của các học sinh

Tiết dạy nghiên cứu bài học đã mang đến cho sinh viên K70 khoa Lịch sử nhiều kiến thức bổ ích và kĩ năng tổ chức, các phương pháp dạy học. Một sinh viên chia sẻ: “Bài giảng hôm nay rất sinh động với nhiều phương pháp giảng dạy hay. Có lẽ điều ấy đã giúp các bạn học sinh tích cực tham gia hoạt động của thầy đề ra. Qua tiết dự giờ này, mình đã tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm về phương pháp dạy học và cách thức truyền đạt kiến thức đến các bạn học sinh một cách hấp dẫn nhất.”

Có thể nói, những phương pháp tổ chức dạy học giáo viên áp dụng trong tiết Thực hành lịch sử đã chú trọng đến sự gần gũi, mới mẻ, gắn liền với cuộc sống thực tiễn, giúp học sinh “dễ nhớ, khó quên”. Xin cảm ơn tổ Lịch sử trường Nguyễn Tất Thành, thầy giáo Trần Thanh Quang đã mang tới một tiết dạy vô cùng hấp dẫn và thú vị. Hi vọng rằng, sau tiết dạy nghiên cứu bài học “Các nền văn minh trên thế giới thời cổ - trung đại”, sinh viên K70 khoa Lịch sử sẽ tự tin hơn với những kĩ năng, kinh nghiệm giảng dạy đã học hỏi được từ các thầy cô đi trước và thêm yêu, gắn bó với nghề “trồng người” đầy thiêng liêng và cao quý!

Bài viết: Đoàn Ngọc Yến Nhi (10D4)
Ảnh: Nghiêm Đức Minh (11A5)