Bài dự thi cuộc thi Sách và Tôi

Người dự thi: Nguyễn Minh Hiếu, Lớp 11N1, Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành

Cuốn sách Tony buổi sáng - Cà phê cùng Tony là tập hợp những bài viết trên mạng xã hội của tác giả Tony về những lời khuyên, kinh nghiệm, định hướng, chia sẻ mà anh tự rút ra trong cuộc sống qua những bức bối, thói quen xấu, tư tưởng nhỏ nhoi mà người Việt Nam hay mắc phải. Anh chia sẻ từ những chuyện nhỏ nhặt, tưởng chừng như đơn giản như ăn mặc, vệ sinh, giao tiếp, ứng xử, chuyện ngủ… sao cho văn minh, lịch sự đến những chuyện lớn lao trong cuộc đời mỗi người như học tập, kinh doanh, giải quyết thất nghiệp, đạo đức làm người…


Cuốn sách được xuất bản ra với mục đích khuyến khích văn hóa đọc ở nhiều người, vào thời đại mà văn hóa nghe nhìn đang ngày càng chiếm ưu thế. Anh không muốn chỉ dừng việc chia sẻ những điều anh tâm đắc và đúc kết được chỉ trên mạng xã hội. Anh muốn mở rộng thêm phạm vi tiếp xúc của cuốn sách tới những người không có điều kiện tiếp xúc với Internet ở những vùng quê hẻo lánh, vẫn có cơ hội nghĩ mới, làm mới và đổi đời. Câu chuyện của Tony có lúc vô cùng dí dỏm, hài hước, mang đậm giọng điệu trào phúng thông qua những câu chuyện kể về những con người còn tồn tại những thói quen, suy nghĩ nhỏ nhoi, hẹp hòi, có lúc lại vô cùng thiết tha qua những câu chuyện miêu tả về vẻ đẹp của quê hương. Lối kể của anh cũng rất đa dạng, từ tự chuyện cá nhân tới viết thư, từ miêu tả cho đến biểu cảm. Ngôn ngữ được sử dụng cũng vô cùng phong phú, đa dạng. Nhiều điểm của tác phẩm không như chuẩn mực của văn viết thông thường. Văn phong đôi lúc còn đậm tính khẩu ngữ, ngôn từ của các cư dân mạng. Những từ tiếng Anh được sử dụng để nâng cao tính dí dỏm, hài hước cũng như để độc giả trẻ có thể dễ dàng nhận ra cái xấu, cái sai trái để phòng tránh và tiếp thu cái tốt đẹp để ứng dụng vào trong cuộc sống, sự nghiệp sau này. Tác giả cũng tự nói, hãy đọc đến cuối chuyện và tự cảm nhận, bởi có lẽ những câu chuyện được kể cũng là của chính bạn nhưng qua cách hành văn của một người khác. Tất cả những ưu điểm ấn tượng trên đã làm cuốn sách trở nên đặc biệt nhưng kkhông hề mất đi sự gần gũi, mang lại nhiều lợi ích cho tương lai của thế hệ trẻ -  những chủ nhân của đất nước sau này.

Bài học được rút ra từ cuốn sách vô cùng lớn lao và có ích cho người đọc, đặc biệt là các bạn đọc trẻ. Có chung ý nghĩa như những cuốn sách dạy làm giàu của các doanh nhân thành đạt trên thế giới nhưng cuốn sách “Cà phê cùng Tony” lại đặc biệt hơn cả bởi tính gần gũi và truyền cảm, dễ tiếp thu hơn bao giờ hết.

Cuốn sách có hai phần chính là “Chuyện của Tony” và “Tony và bạn trẻ”. Phần một là những câu chuyện về tiểu sử, kinh nghiệm, trải nghiệm trong cuộc sống của Tony, phần hai là những kĩ năng cần thiết cho đời sống, công việc thường ngày, từ đó đúc rút ra những triết lí của riêng anh và cả những lời khuyên vô cùng ý nghĩa. Chỉ đọc qua vài câu chuyện đầu, ta đã có thể thấy được cách hành văn độc đáo cũng như sự hài hước, dí dỏm, mang theo bao thông điệp giá trị mà không hề khô khan, giáo điều. Ta thấy được bao điều mà đã là thói quen, lối sống cổ khó bỏ của người Việt, dẫn đến sự kém phát triển của đất nước trên nhiều mặt so với lối sống hào sảng, văn minh, nghĩa tình, quý trọng từng giây phút cuộc đời của người dân bao cường quốc trên khắp năm châu. Trích một đoạn trong cuốn “Cà phê cùng Tony” nói về chuyện chửi, là một ví dụ thiết thực:

“Xã hội mình làm ăn ngày càng khó, nhiều vấn đề bất cập như trong giao thông, y tế, giáo dục... khiến mọi người căng thẳng và sẵn sàng nói những lời thô lỗ cho nhau. Nhưng mình cố gắng khác biệt nhé, cố gắng mở miệng ra là nói những từ đẹp đẽ, thơm tho, hay ho cho nhau...

Vì chửi chính là một sự bất lực của trí tuệ. Tổng chưa thấy hai người phương Tây, hai người Nhật đứng chống nạnh chửi nhau bao giờ. Ngay cả ở Thai, Indo... cũng không thấy. Họ chỉ tranh luận đúng sai rồi thôi. Còn chửi tay đôi, chửi đổng, chửi móc méo, nói ngôn từ xấu xí mày là con vật này, cha mẹ mày là... thì chỉ thấy hết sức phổ biến ở Trung Quốc và Việt Nam

Mấy ông già thuộc hệ văn hóa cũ hay chửi lắm, không biết viết thì chửi đổng ngoài quán trà, biết viết thì chửi qua câu chữ, tưởng là hay nhưng thực chất là mình đang tiếp xúc với văn hóa chửi đấy, lâu dần cũng thấy bình thường. Mấy đứa trẻ mới tập viết cũng bắt chước mấy ông già, cái gì cũng chửi, cũng lên án, tưởng thế là già dặn, trưởng thành lắ…

“Mẹ! Mẹ ơi cô dạy

Cãi nhau là không ngoan

Cái miệng nó xinh thế

Chỉ nói điều hay thôi.”

Ví dụ vô cùng dí dỏm và cũng không kém phần thiết thực của tác giả cho ta thấy cái xấu của văn hóa cổ Việt Nam. Cách phê phán nhẹ nhàng, cùng lời khuyên răn qua cách hành văn hài hước của Tony khiến ai cũng phải bật cười, dù biết có thể mình cũng là người bị lên án trong bài viết. Đó chỉ là một ví dụ trong hàng trăm câu chuyện của Tony về thói quen xấu của người Việt.

Những câu chuyện ngắn của Tony còn làm ta bỗng cảm thấy cuộc đời ta đang sống sao mà nhạt nhẽo đến thế, vô nghĩa đến thế, so với cuộc đời vật lộn, sống và học tập, trải nghiệm hết mình mà Tony kể:

“Học nghiêm túc, không quay bài hay xin xỏ. Nhưng lúc nào cũng nghi ngờ thầy cô hiểu sai vấn đề rồi truyền bá lại cho mình trật, chưa tin thầy cô bao giờ, vì có phải của họ phát minh ra đâu. Nên phải coi lại sách. Buổi chiều là lên thư viện học đến 8h tối, đọc hầu hết các đầu sách có trong thư viện liên quan đến chuyên ngành. Nhưng cũng nghi ngờ người dịch dịch sai, nên mong ước sau này phải qua tận nước bản xứ, để từ miệng cái ông nghĩ ra vấn đề đó nói với mình, thì mới tin là đúng…

Ra trường, Tony làm việc quần quật, bất kể ngày đêm. Mua hàng Trung Quốc bán qua Nga, mua hàng của Pháp bán qua cho Mỹ…”

Không chỉ dừng lại ở đó, Tony còn đưa ra lời khuyên cho những bạn trẻ, giúp họ định hướng tương lai, qua những câu chuyện, kiến thức thực tế:

“Đời người như cái đồng hồ cát, tối đa 100 năm, một ngày sống là một ngày mình càng gần tới cái chết, mắc mớ gì mình lành lặn chân tay, biết đọc, biết viết mà sáng ngủ dậy, rồi ăn, rồi ngủ, rồi hết ngày, uổng vậy. Đừng đổ lỗi cho ai. Đâu có thể thay đổi chương trình gíao dục, cũng đâu có thể thay đổi thầy cô, chỉ có một giải pháp duy nhất là TỰ THAY ĐỔI MÌNH. Giờ các doanh nghiệp nước ngoài, các công ty tư nhân… không quan tâm tốt nghiệp trường nào cả, qua được bài test IQ, EQ, kiến thức xã hội và tiếng Anh là vô làm. Còn giỏi nữa thì xuất khẩu nước ngoài làm việc. Không thì mở cái gì đó tự làm. Bỏ mấy trăm ngàn làm vốn, xuống ngoại thành mua rau về đầu hẻm ngồi bán cũng được. Hỏi lí do thất nghiệp, đụng cái đám này là tụi nó đổ thừa xoen xoét. Tại nền giáo dục, Tại cái trường, Tại thầy cô, khởi nghiệp làm gì có vốn, thất nghiệp vì không có quen biết lớn, không ai xin cho mình đi làm. Toàn lí do của người khác chứ không bao giờ nói TẠI MÌNH. Nên các bạn mà gặp đám này, nói thẳng luôn: Thất nghiệp là tại mày LƯỜI chân tay và LƯỜI động não.”

Đó là những ví dụ vô cùng xác thực và ý nghĩa của cuốn sách Tony buổi sáng. Đây chắc chắn là cuốn sách cần thiết cho những bạn trẻ nào còn đang bị ru ngủ trong lối sống nhạt nhòa, còn tồn tại những thói xấu đầy tính toán, thiếu sự hào sảng, văn minh, cho những ai thực sự muốn thành công, muốn trở nên tài giỏi, muốn có một tương lai tốt đẹp, rộng hơn là muốn góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước ngày một phát triển, để đưa Việt Nam sánh vai cùng với các cường quốc năm châu trên toàn thế giới.