Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng, một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi.

Đảng đã đem về tuổi xuân cho nước non, vang tiếng hát ca chứa chan niềm yêu đời.

Bao năm khổ đau đất nước ta không mùa xuân, cuộc đời tăm tối chốn lao tù bao hờn căm.

Vừng dương hé sáng khi khắp nơi ta có Đảng, bóng tối lui dần tiếng chim vui hót vang.

Và rồi từ đây ánh dương soi đời mới. Tiến theo cờ Đảng là thấy tương lai sáng tươi.

Đảng đã cho ta cả mùa xuân của cuộc đời.

Đảng truyền cho ta một niềm tin ở tương lai.

Đảng đã mang lại tình yêu thương khắp nơi.

Thế giới quanh ta hân hoan ngàn tiếng cười.

Tôi xin được bắt đầu bài viết bằng những câu ca trong bài hát Đảng cho ta mùa xuân của nhạc sĩ Phạm Tuyên trong những ngày Hà Nội và Sài Gòn tràn ngập sắc đỏ của cờ và hoa. Đã có cả ngàn trang viết về ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975. Bốn mươi năm qua đi, người ta vẫn nhắc về nó, nhiều vui mừng những cũng nhiềi lắm những mất mát thương đau.

30 – 4 không thiếu những giọt lệ lặng thầm rơi bên những con phố của Sài Gòn. Hơn 3 triệu người con từ hai miền Nam Bắc chung một Mẹ Việt Nam đã bỏ mình hiến dâng cho lí tưởng của đất nước. Trên 600 ngàn người chết không một nấm mồ vùi sâu dưới biển Đông và hải tặc, cho những khát vọng khôn cùng của tự do. Nhìn lại 4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước, con số này vẫn còn dài, rất dài, vượt xa cả những con số tàn độc của Tần Thủy Hoàng hay có một không hai của phát-xít Hitler.

Chiến tranh qua đi để lại nhiều cảm xúc khó nói thành lời, nhiều nỗi đau mãi mãi không thể xóa mờ. Mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất bố, nỗi đau làng xóm tan hoang nhuốm màu bom đạn, là thịt nát xương tan, gia đình li biệt, là những di chứng mà qua biết bao nhiêu thế hệ vẫn hành hạ những tâm hồn trẻ thơ, là biết bao tuổi thanh xuân ngủ vùi trong đất, là máu trộn lẫn với bùn non, là hình ảnh xác người chất thành đống bên những bờ sâu ruộng cạn.

Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.

Gần nửa thế kỉ qua đi, ta vẫn đứng người sững sờ trước những hậu quả mà chiến tranh để lại, là những cơn đau hành hạ thân xác về đêm của những người thương bệnh binh, là những ám ảnh kinh hoàng đầy chết chóc về tinh thần, là những tháng ngày “tồn tại” mà không nhớ nổi tên họ và quê hương, là cuộc sống của con cháu đời sau với cơ thể tật nguyền. Tại các trung tâm điều dưỡng trên khắp cả nước, tôi chứng kiến biết bao giọt nước mắt xúc động của những người lính thậm chí không nhớ nổi mình là ai, mình đã hi sinh cho cái gì và sống một cuộc đời như thế nào, có những cái bắt tay và nụ cười vẫn còn ám ảnh tôi mãi. Tôi run người khi nhìn những căn nhà xập xệ nghèo đói mà ở trong đó không ai có nổi một cơ thể lành lặn vì tàn dư của chất độc màu da cam. Rất nhiều nhọc nhằn, đau đớn vẫn còn đó khi những người lính trở về cuộc sống thời bình. Họ vẫn đang dũng cảm vượt qua những khắc nghiệt của cuộc đời để tiếp tục sống và chiến đấu với bệnh tật và đói nghèo.

Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều.

Quá khứ là nỗi đau, tương lai là niềm tin. Ta nhắc lại quá khứ đau thương, nhắc lại những tháng ngày chiến tranh không chỉ để tưởng nhớ công lao của những người đã đổ máu, đã hy sinh để cho chúng ta có cuộc sống ngày hôm nay mà còn để nhắc nhớ những người trẻ chúng ta hôm nay, phải sống làm sao để có thể xứng đáng với quá khứ ấy.


Nhưng sau cùng, thứ còn đọng lại mãi mãi luôn là hình ảnh của tình yêu tha thiết và niềm tự hào không gì sánh bằng. Làm sao có thể diễn tả được thành lời cảm xúc niềm vui mừng khôn xiết vỡ òa trong tim khi anh em Bắc Nam đoàn tụ sum họp, đất nước trọn ngày thái bình. Chiến thắng 30/4 là chiến thắng của nội lực bền bỉ, là chứng minh cho lòng kiên cường của dân tộc Việt Nam, của truyền thống văn hoá Việt, của sự lãnh đạo tài tình, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, đồng thời là sự ủng hộ giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế, của các nước XHCN anh em, của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ. Là chiến thắng mà chúng ta đã phải đánh đổi bằng biết bao nhiêu mạng người.

40 năm qua đi, ta nào đâu có thể quên được những hình ảnh cứ sống động như hiển hiện trước mắt, những chiếc xe tăng tiến về Dinh Độc Lập, những cờ hoa tung trời trên những con phố Hà Nội xưa, những nụ cười vỡ òa nước mắt, cờ Tổ Quốc tung bay trên nóc nhà của Dinh Độc Lập. Đất nước Việt Nam thống nhất.

Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng
Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng.
Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông,
Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công.
Việt Nam Hồ Chí Minh.
Việt Nam Hồ Chí Minh.
Việt Nam Hồ Chí Minh.
Việt Nam Hồ Chí Minh.

Đêm ngày 28 tháng 4 năm 1975, sau khi nghe bản tin cuối cùng của đài có tin phi công Nguyễn Thành Trung ném bom sân bay Tân Sân Nhất, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tiếng đồng hồ từ 9 giờ 30 phút tối đến 11 giờ, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết xong bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng. Sáng ngày 30 tháng 4, nhạc sĩ được ban biên tập đài triệu tập và bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng đã được chọn để phát vào chương trình thời sự đặc biệt lúc 17h chiều khi Việt Nam chính thức công bố tin giải phóng miền Nam trước toàn thế giới.

Cả nước đã đổ ra đường trong khoảnh khắc linh thiêng ấy, rất nhiều người đã khóc khi hát vang những câu ca mà đến giờ, những thế hệ trẻ chúng ta nghe lại vẫn còn rạo rực niềm hạnh phúc.


Những ngày này, trăm ngàn người con lại đổ về Thủ đô thăm Bác. Ngày đất nước thống nhất Người đã đi xa nhưng ngọn lửa của tình thương và lòng can đảm sẽ mãi chẳng bao giờ tắt trong tim mỗi người con đất Việt.

Đại văn hào Victor Hugo từng nói: Hòa bình là đức hạnh của nhân loại. Chiến tranh là tội ác”. Chiến tranh chỉ đem tới đau thương và mất mát, và không có điều gì phi lí hơn là ngã xuống vì chiến tranh. Việt Nam là một dân tộc độc lập, nhưng những tàn dư của chiến tranh sẽ vẫn mãi còn ám ảnh hàng thế kỉ sau nữa mà không biết liệu có ngày kết thúc hay không. Nhân dân toàn thế giới yêu hòa bình, trái đất của chúng ta yêu sự nhân ái và tình yêu thương. Vì vậy, xin đừng bao giờ để những cuộc chiến phi lí nổ ra, không gì hơn ngoài cái chết, đớn đau và bệnh tật.

“Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đất nước ta đang đứng trước nhiều thách thức, nhưng nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ quên lời dặn của Bác. Mỗi đất nước đều có chủ quyền riêng và Việt Nam kiên quyết bảo vệ lãnh thổ và tự do của mình.

Chúc mừng 40 năm ngày non sông liền một dải!

Nguyễn Thị Ngọc Ánh  (CLB Phóng viên)

Ảnh: Nguồn Internet