Tôi muốn viết về những người lính thời bình vẫn hi sinh thầm lặng cho cuộc sống ấm no của nhân dân, như truyền thống vẻ vang “vì dân” của Quân đội Việt Nam anh hùng.

Tôi sinh ra và lớn lên giữa thời đại hòa bình, lúc đất nước đã vượt qua thời bom đạn đầy đau thương mất mát và đi qua biết bao nhọc nhằn khó khăn của những ngày tháng bao cấp. Thời điểm mà những người lính tiếp tục cùng nhân dân xây dựng đất nước.

Hình ảnh người lính đem con chữ đến những bản làng nghèo xa xôi, thắp lên hi vọng và ước mơ cho những em nhỏ vùng cao, chia sẻ cùng nhân dân những nhọc nhằn, gian khó đã trở thành quen thuộc. Những chiến sĩ đang công tác nơi biên giới ấy, đa phần tuổi đời đều chẳng còn trẻ, vợ con chưa có, bố mẹ đã già, một năm được về phép vài ngày. Có những người mười mấy năm không còn biết đến không khí Tết nơi miền xuôi quê nhà, thoáng thấy những cánh đào lấm chấm nụ, lòng lại dâng lên nỗi nhớ nhà thao thiết.


Tuổi xuân của họ đã dành trọn cho Tổ quốc, nguy hiểm nơi rừng núi biên giới luôn rình rập, nhưng với họ, đáng sợ nhất lại là nỗi cô đơn. Sao tôi cứ hình dung về một nỗi buồn mênh mang khi chiều đông đến, có người lính đứng trên ngọn đồi nhìn xuống bản làng nhà cửa trù phú, khát khao một bữa cơm gia đình, một vòng tay yêu thương ấm áp.

Tôi biết đến những chiến sĩ đang ngày đêm miệt mài và âm thầm cống hiến. Dẫu bữa cơm còn đạm bạc, dẫu đêm đông giá buốt hay mưa gió sấm sét sáng lòa cả một vùng trời, họ vẫn vững vàng và kiên gan cống hiến. Ở nơi xa xôi ấy vẫn thấp thoáng màu hoa thược dược, đồng tiền, mười giờ rực rỡ. Họ trồng hoa, đun ấm chè như sẵn sàng cho bất kì người khách nào bất ngờ ghé thăm…


Ngoài trời đêm đã rất khuya, vẫn còn biết bao người lính đang thầm lặng bảo vệ và gìn giữ sự bình yên cho Tổ quốc. Là nơi đầu sóng ngọn gió ngoài biển Đông, là nơi địa đầu đất nước, là nơi biên giới xa xôi, vẫn có những người lính âm thầm đã ngã xuống, ngay cả trong thời bình. Không còn đạn lạc, chẳng có sốt rét rừng, có những người lính vẫn hi sinh vì cứu một em nhỏ giữa dòng nước lũ, vì bảo vệ một hòn đảo mỗi khi triều lên là chìm sâu trong nước, vì đuổi bắt tội phạm giữa đêm khuya… Trước đây tôi chưa bao giờ hình dung được hiện thực tàn khốc đến nhường ấy, mà giờ đây, khi đứng trước vong linh các chiến sĩ trẻ, lại cảm thấy như chạm vào nơi đau thương nhất của cuộc đời.


Tháng 12 nơi mùa đông miền Bắc gió lạnh tê người, tôi bắt gặp người phụ nữ trẻ, người trở dạ, bố mẹ ở quê xa chưa lên kịp, chồng là bộ đội, cô một mình tự bắt taxi đến bệnh viện. Nhìn ánh mắt cương quyết và nỗi đau cố kìm lại của người phụ nữ ấy, tôi bỗng hiểu đó là sự hi sinh. Có biết bao người phụ nữ đang hi sinh một cách thầm lặng như thế, như hậu phương vững chắc của những người chiến sĩ đang công tác xa nhà? Tôi cảm phục trước sự mạnh mẽ của những người phụ nữ ấy biết bao nhiêu, khi chứng kiến những giọt nước mắt lăn dài của người vợ trẻ mới cưới một anh lính hải quân, chăn gối chưa nồng đã cách biệt cả năm trời.

Nhưng tôi tự hào biết bao vì giờ đây, vẫn luôn có những thanh niên yêu thích các học viện của Quân đội, như niềm khao khát cống hiến cho Tổ quốc, như lòng yêu nước tràn đầy trong tim. Sự cống hiến ấy không hề nhỏ, là cách biệt gia đình, là nơi thao trường huấn luyện nắng đỏ lửa hay trời sương giá, là sẵn sàng chiến đấu khi có nhiệm vụ.

Tôi xúc động khi nghe từng lớp lớp các chiến sĩ hàng ngày hát vang bài ca Vì nhân dân quên mình của người chiến sĩ lục quân Doãn Quang Khải. Những người lính ấy học hát chẳng qua trường lớp đào tạo nào, là cán bộ đại đội dạy cho cán bộ trung đội, cán bộ trung đội dạy cho cán bộ tiểu đội, cán bộ tiểu đội dạy cho từng chiến sĩ, là người đi trước dạy cho người đi sau, là sự truyền lửa không bao giờ lụi tắt, như ý chí và sức mạnh bền bỉ của Quân đội nhân dân Việt Nam, vượt qua mọi gian khó để hoàn thành nhiệm vụ. Bài ca ấy là bài ca thuộc về mỗi người lính.

Lời cuối, xin trích lời bài hát ấy, một bài hát chứa đựng cả 12 điều kỉ luật, 10 lời thề của Quân đội, nói được cả những lời dạy của Bác Hồ và hơn hết là nói lên Quân đội là từ nhân dân, vì nhân dân:

Vì nhân dân quên mình

Vì nhân dân hy sinh

Anh em ơi, vì nhân dân quên mình


 

Bài: Nguyệt Hạ

Ảnh: Mai Thanh Hải