Người có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Để trở thành một công dân tốt, có ích cho xã hội, chúng ta không chỉ cần cố gắng  học tập mà còn phải tu dưỡng đạo đức” – Đó là lời dạy mà cô giáo Nguyễn Thị Thu Hoài đã dặn dò lũ học sinh “nhất quỷ nhì ma” chúng tôi ngay từ tiết học Giáo dục công dân đầu tiên. Câu nói ấy đã luôn khắc sâu trong tâm trí chúng tôi đến tận bây giờ và có lẽ sẽ chẳng thể nào quên.


Không hiểu sao ngay khi cô bước chân vào lớp, từ dáng đi, ánh nhìn hay cử chỉ của cô, chúng tôi đã cảm  thấy sự gần gũi và trìu mến toả ra từ con người ấy. Cô Hoài khá tâm lí, hiền dịu nhưng cũng rất cá tính. Cá tính ấy thể hiện trong cách nói chuyện, cách truyền đạt kiến thức cho học sinh và cả trong những câu chuyện, những ví dụ mà cô kể. Thuộc về hai thế hệ nhưng chúng tôi cảm nhận từ cô thứ gì đó rất thân mật, gần gũi, cô như một người bạn có thể dễ dàng để chia sẻ mọi chuyện. Dạy bộ môn Giáo dục công dân đồng nghĩa với việc dạy học sinh cách làm người, cô rất chú trọng rèn luyện đạo đức cho chúng tôi. Hơn thế, cô còn hiểu tâm lí của tuổi mới lớn, tuổi nửa chừng “dở dở ương ương” này. Cô biết rằng lũ “nhất quỷ nhì ma” ấy thích thể hiện, lòng tự trọng cao vì vậy mỗi khi có mắc lỗi gì, cô không hề quát mắng hay khiển trách chúng tôi, cô chỉ nhẹ nhàng, từ từ phân tích đúng sai rõ ràng cho chúng tôi hiểu, sau đó học cách sửa chữa để không tái phạm thêm một lần nào khác. Tôi xin trích những lời tâm sự từ lá thư của “một học trò ngoan” gửi cô “Con luôn nhớ những ngày đầu tiên gặp cô. Hồi đấy con còn nghịch ngợm, bướng bỉnh, không chịu học tập, không chịu nghe lời bất kể một ai cả. Nhưng cô ít khi mắng con, con làm sai cô luôn nhắc nhở nhẹ nhàng, chỉ từng li từng tí cho con phải làm như thế nào. Con rất ngạc nhiên, ngay từ lúc đó và kể từ đó con nhận ra rằng cô sống rất tình cảm với học sinh, yêu thương học sinh hết mực!”. Giáo dục bằng tình yêu thương là cách mà cô dùng để cảm hoá biết bao thế hệ học trò.

Làm nghề giáo vất vả, nhưng tình yêu đối với học trò trong cô vẫn luôn như ngọn lửa sáng rực chưa bao giờ tắt. Tôi cảm nhận được tình cảm của cô dành cho học sinh không hề lãng phí, bởi cô cũng nhận được rất nhiều tình yêu thương và nhiều hơn nữa những nụ cười đáp lại. Khi chúng tôi hỏi các anh chị khóa trước về cô, câu trả lời thường gặp là: “Cô tâm lí lắm em ạ! Cô hay cho bọn chị đi chơi, nói chuyện hay và hiểu học sinh cực. Cô giảng Giáo dục công dân dễ nhớ nữa. Bọn chị yêu cô lắm!”. Bình Minh lớp 11D5  - một trong số rất nhiều học trò của cô đã chia sẻ với chúng tôi như vậy.


Cô giảng dạy tại trường từ năm 1998- năm đầu thành lập, và sau mười lăm năm, tôi tin rằng, cô đã không chỉ chinh phục riêng chúng tôi, mà là tất cả những thế hệ học sinh bằng nhiệt huyết và tấm lòng yêu thương hết mực.

Cô yêu nghề giáo, cô dành nhiều thời gian của mình để tìm hiểu và nghiên cứu về đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy môn Giáo dục công dân theo hướng hiện đại, giúp học sinh hiểu nhanh hơn. Với tấm bằng thạc sĩ, kinh nghiệm lâu năm trong nghề, sự say mê công việc và quan trọng hơn là cả một đại dương bao la tình cảm yêu thương dành cho học sinh, cô đã thực sự có được một vị trí đặc biệt trong mỗi trái tim cô cậu học trò chúng tôi.

Một tuần chỉ có một tiết học Giáo dục công dân, vì vậy mà chúng tôi luôn trân trọng từng giây từng phút để chú tâm nghe cô giảng. Bốn mươi lăm phút trôi qua nhẹ nhàng và đầy lí thú. Cách cô dạy cũng rất hiệu quả: trước một vấn đề hay khái niệm nào đó, cô luôn lấy một số các ví dụ rất sinh động, gần gũi ngay ở cuộc sống, xã hội xung quanh chúng tôi. Áp nội dung đó vào rồi suy nghĩ ở nhiều khía cạnh, phương pháp đó không chỉ khiến các khái niệm triết học trở nên bớt mông lung, trừu tượng, mà nó còn giúp chúng tôi có một cái nhìn rộng mở hơn về thế giới xung quanh. Từng câu chuyện mà cô kể, cùng giọng nói ấm áp và ánh mắt sáng rực, tất cả như “hớp hồn” chúng tôi, từng lời dạy của cô đã in sâu vào mỗi cái đầu nhỏ chúng tôi từ khi nào chẳng hay.

Cỗ xe thời gian cứ vô hình lăn bánh trên chặng đường đời mỗi con người, rồi chúng ta cũng sẽ phải lớn lên và cố gắng để thành công. Một ngày nào đó, khi nhớ lại những người lái đò đã đưa chúng tôi qua con sông tri thức, có lẽ bóng hình cô sẽ in đậm hơn cả - bởi cô đã trao cho chúng tôi những bài học làm người hết sức quý giá. Và chúng tôi hứa với cô rằng “Chắc chắn chúng con sẽ trở thành những công dân tốt!

Lê Thùy Linh, Trần Thị Ngọc Quỳnh 10D4