Bài tham dự: CUỘC VẬN ĐỘNG VIẾT VỀ THẦY CÔ VÀ MÁI TRƯỜNG NGUYỄN TẤT THÀNH THÂN YÊU
Ở Hà Nội có một ngôi trường được vinh dự mang tên của Bác Hồ kính yêu. Mang trong mình trọng trách của một trường thực nghiệm những phương pháp tiên tiến trong giáo dục, hơn một thập kỉ qua, trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành đã thực sự tạo ra một chỗ đứng, một bản sắc riêng của mình.
Nguyễn Tất Thành không phải là ngôi trường chuyên hướng học sinh tới mục đích học tập mang tính hàn lâm. Nó cũng không giống như bao nhiêu ngôi trường khác, chỉ biết chạy theo thành tích. Nơi này là điểm hội tụ của biết bao nhiêu tính cách và hoài bão khác nhau, nhưng đều hướng đến một mục đích cao quý. Ngôi trường trẻ trung này, một sản phẩm của trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, đã thực hiện theo đúng lời dạy của Bác Hồ 50 năm về trước:
“… Làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước…”
Nói cách khác, đây là một lò lửa để rèn luyện học sinh thành những công dân toàn diện về kiến thức, kĩ năng và nhân phẩm- những “Con Người” như Các Mác đã viết hoa.
Cách mà mỗi thầy cô dẫn dắt học sinh tiếp cận kiến thức rất đa dạng. Dường như mỗi giáo viên đều đã đạt đến sự thuần thục của một nghệ sĩ trong từng bài giảng của mình để mài giũa những magnum opus – học sinh/di sản của mình. Với cách dạy rất nhanh, gọn, hiệu quả của thầy Nghiêm, thầy Toản; sự giải thích cặn kẽ và gắn chặt với cuộc sống của thầy Thiện; hay một tiết học đầy tính gợi hình của cô Võ Hải; mỗi học sinh có thể tìm thấy những phương pháp tiếp cận kiến thức phù hợp với mình. Điều đó cũng là một biểu hiện của phương châm “phát triển năng lực” của nhà trường.
Nhưng cái riêng của ngôi trường còn bao gồm một điều nữa, đó là những kỉ niệm riêng mà mỗi học sinh thu nhặt được. Hãy lấy tôi, một học sinh năm cuối, làm ví dụ:
Ba năm trước, tôi lần đầu tiên bước qua ngưỡng cửa ngôi trường này. Đó là một chiều đầu thu đẹp lắm: lá bàng chưa rụng, nhưng cái nắng gắt thì đã qua và gió đã thổi. Bước chân tràn đầy hào hứng của sự đổi mới, chen lẫn với một chút choáng ngợp trước một cái gì to lớn. Một thằng học sinh như tôi – sức học, tài năng, ngoại hình, gia cảnh đều bình bình – được nhận vào một ngôi trường có tiếng ở Hà Nội, nên sự choáng ngợp là không thể tránh khỏi. Tuy thế, tôi vẫn tin rằng sẽ có nhiều điều tốt đẹp sẽ đến...
Trong ba năm qua, tôi đã hoà mình vào học tập, hoạt động ngoại khoá và các quan hệ bạn bè. Tất cả mọi chuyện thật đẹp làm sao! Tuy không phải là hoàn toàn thành công, nhưng tôi cảm thấy cái mình của ngày hôm nay tiến bộ so với ngày xưa nhiều lắm. Được giáo dục trong một môi trường luôn luôn đổi mới, chính tôi cũng phải tự lột xác khỏi lớp vỏ cũ. Các thầy cô dạy dỗ tôi với một phương châm dân chủ và khuyến khích sự sáng tạo, và điều đó đã thúc đẩy tôi biết dũng cảm cố gắng đứng lên để tự chứng tỏ.
Quên làm sao được phong thái đặc trưng của từng thầy cô. Thầy Thiện với dáng đứng hơi ưỡn ra sau, hai tay chắp lại đầy nghiêm nghị; thầy Nghiêm lưng thẳng, đầu ngẩng cao với một chút tự kiêu,… Chất giọng nam cao của thầy Toản cùng với tiếng giảng bài sang sảng của cô Nhung vẫn còn văng vẳng bên tai tôi. Rồi sau những trò đùa với đám bạn, cuộc vui đi qua, tôi còn nhớ đến khuôn mặt phiền lòng của cô Huệ - cô giáo chủ nhiệm đầy tâm lí, chu đáo và có tấm lòng nhân hậu của một người mẹ. Ôi, cô ơi, chúng em thật là có lỗi biết bao!
Tôi tự hào khi được làm học sinh Nguyễn Tất Thành.
“Vi nhân gian” – làm người khó lắm. Thế mới cần những ngôi trường như Nguyễn Tất Thành để giáo dục thế hệ trẻ thành những cá nhân ra dáng con người. Chính vì vậy mà ngôi trường chúng ta mới được vinh dự mang tên của chủ tịch Hồ Chí Minh – hình mẫu lí tưởng của thanh niên Việt Nam.
Tác giả: Lê Công Vũ – Lớp 12A5 (CLB Phóng viên)