Luôn quan tâm đến đời sống của các công đoàn viên là đặc điểm nổi bật dễ nhận thấy của Công đoàn trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành. Ngày 22 và 23/2/2014 vừa qua, Công đoàn trường kết hợp với Ban Giám hiệu đã tổ chức chuyến du xuân đầy ý nghĩa, vừa là đi lễ chùa cầu may theo tín ngưỡng dân tộc vừa là du ngoạn thăm thú các thắng cảnh quê hương và lật giở lại những trang sử vàng của cha ông.
Cô Thu Hà đang hướng dẫn các thành viên lên xe
Đúng 14h30, xe xuất phát từ cổng trường, mang theo bao nhiêu niềm hân hoan, háo hức… Ngày thứ nhất, đoàn đến thăm Đền Cửa Ông- nằm trên một ngọn đồi ở phường Cửa Ông, tại Thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đền là nơi thờ phụng Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng (con trai của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn) cùng nhiều nhân vật nổi tiếng thời nhà Trần. Khu vực Cửa Ông (xưa gọi là Cửa Suốt) là nơi Trần Quốc Tảng đóng quân đồn trú bảo vệ tuyến biên giới và lãnh hải phía đông bắc Việt Nam, lập nhiều công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông.
Đền Cửa Ông
Lăng mộ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng
Sau một đêm nghỉ lại ở Thành phố Uông Bí- tỉnh Quảng Ninh, đúng 5h00 xe lại chuyển bánh đưa đoàn đến thăm Đền Trình rồi vào khu di tích danh thắng Yên Tử. Núi Yên Tử cao 1.068 m nằm trong dãy núi Đông Triều vùng đông bắc Việt Nam. Vốn là là một thắng cảnh thiên nhiên, ngọn Yên Tử còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử với mệnh danh "đất tổ Phật giáo Việt Nam". Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa tu hành và thành lập một dòng Phật giáo đặc trưng của Việt Nam, đó là dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử và trở thành vị tổ thứ nhất với pháp danh Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308). Ông đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo.
Đường đi thật gian nan nhưng phong cảnh đẹp quá!
Dưới chân tượng Phật Hoàng
Dưới làn mưa xuân lất phất, chuyến hành hương lên chùa Hoa Yên và chùa Đồng tuy có vất vả nhưng không ai bỏ cuộc. Nhờ có sự trợ giúp của hai chặng cáp treo, hành trình lên đỉnh Yên Tử cũng bớt gian nan hơn. Bỏ lại những bậc đá “mỏi gối chồn chân” lại phía sau, mỗi bước đi lại tiến gần hơn tới đích.
Tranh thủ lưu lại hình ảnh trên cáp treo
Niềm vui chiến thắng- chế ngự đỉnh thiêng Yên Tử
Rạng ngời khi xuống núi!
Đúng 11h30 chuyến xe lại tiếp tục chuyển bánh về thăm đền thờ và lăng mộ của thầy giáo Chu Văn An nằm trên dải núi Phượng Hoàng thuộc xã Văn An, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Tìm hiểu thêm về thân thế và sự nghiệp, lại càng thấy tôn thờ và ngưỡng mộ hơn người thầy của muôn đời ấy. Là người chính trực, đã từng đỗ Thái học sinh nhưng Chu Văn An không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch, có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo vào Việt Nam. Vua Trần Minh Tông (1300–1357) mời ông ra làm tư nghiệp Quốc tử giám, dạy cho Thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông tương lai. Đến đời Dụ Tông, ông thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng Thất trảm sớ xin chém 7 tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Ông chán nản từ quan về ở núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương), lấy hiệu là Tiều ẩn (người đi ẩn hái củi), dạy học, viết sách cho tới khi mất.
Đến thăm viếng đền thờ và lăng mộ ông tổ của ngành giáo dục Việt Nam, xin chữ đầu xuân để gửi gắm ước mơ, nguyện vọng của mình là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Soi lại tấm gương của ngày hôm qua, để mỗi thầy cô của ngày hôm nay thấy cần phải có trách nhiệm hơn với nghề nghiệp cao quý của mình…
Chụp ảnh lưu niệm tại đền thờ thầy Chu Văn An
17h30 xe dừng bánh tại cổng trường Nguyễn Tất Thành. Cả đoàn xuống xe không tránh khỏi cảm giác mệt mỏi sau một chặng đường dài, nhưng hơn thế là niềm phấn chấn, hứng khởi tràn ngập trong những nụ cười rạng rỡ.
Một lần nữa xin chân thành cảm ơn Công đoàn và Ban Giám hiệu nhà trường đã dành cho những công đoàn viên sự quan tâm thiết thực và đầy ý nghĩa trong những ngày đầu xuân năm mới!