Trường THCS &THPT Nguyễn Tất Thành thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội là ngôi trường trên địa bàn Hà Nội từ đầu mùa dịch đến nay học sinh và giáo viên chưa từng có một ngày nghỉ. Mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường như thời khóa biểu thông qua internet.
Học sinh Trường THCS &THPT Nguyễn Tất Thành hàng ngày vẫn học tất cả các môn từ Văn, Toán, Ngoại ngữ đến Âm nhạc, Giáo dục công dân,…bằng phương pháp dạy học trực tuyến.
Trong đó, Thể dục là môn học rất đặc thù. Nếu nói dạy trực tuyến môn Thể dục có thể mọi người sẽ thốt lên “sao mà dạy được?”.
Thế nhưng những tuần qua, thầy và trò trường THCS &THPT Nguyễn Tất Thành vẫn học môn học này đúng theo khung chương trình mà Bộ GD&ĐT yêu cầu như những ngày dịch bệnh chưa diễn ra.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Anh – Giáo viên môn Giáo dục Thể chất (Trường THCS &THPT Nguyễn Tất Thành, ĐHSP Hà Nội) cho hay: “Từ đầu tháng 2, khi nhiều trường khác trên địa bàn Hà Nội cho học sinh nghỉ học thì thầy và trò trường THCS &THPT Nguyễn Tất Thành vẫn duy trì và phát triển hoạt động dạy và học. Với môn Thể dục, cô giáo cũng lên lớp dạy theo Thời khóa biểu, học sinh tiếp thu được kiến thức, tích cực luyện tập và tương tác cùng cô qua mạng internet”.
Bài dạy thể dục trực tuyến của cô giáo Nguyễn Thị Hồng Anh
Cô Hồng Anh kể, dạy Thể dục thì phần chạy xa và cầu lông gặp khó vì việc thực hành cần phải có không gian và dụng cụ. Muốn bám sát được chương trình môn học cô Hồng Anh phải tự thiết kế những video hướng dẫn, đó là các bài tập bổ trợ hay còn gọi là phương tiện dạy học môn Giáo dục thể chất.
“Bắt đầu tiết học, tôi điểm danh học sinh theo danh sách, ổn định lớp và giới thiệu lý thuyết thông qua các slide bài giảng giống như dạy trực tiếp trên lớp để học sinh dễ theo dõi các kỹ thuật. Với nội dung nhảy xa khó có thể thực hiện được 7 bước chạy đà nên khi dạy trực tuyến giáo viên sẽ làm mẫu bước cuối bật nhảy để học sinh dễ hình dung.
Tôi tăng cường tương tác bằng việc yêu cầu các học sinh thực hành ngay các động tác trong giờ học, cố gắng để học sinh nào cũng phải tập luyện. Tôi có thể dùng công cụ để ghim (chiếu) riêng 1 học sinh lên màn hình để tôi và các học sinh khác có thể thấy em đó đã thực hiện đạt yêu cầu chưa, học sinh nào chưa làm đúng giáo viên sẽ hướng dẫn thêm”, cô Hồng Anh chia sẻ.
Để dạy môn Thể dục thành công rất cần sự hỗ trợ của cha mẹ học sinh giúp con sắp xếp khoảng không gian trong nhà đủ rộng để đảm bảo an toàn, trang bị camera để giáo viên có thể dễ dàng quản lý, quan sát hoạt động của học sinh.
Ngoài việc học cách quản lý học sinh học trực tuyến thì cô giáo Hồng Anh còn phải chuẩn bị rất nhiều học liệu để sử dụng trong tiết học và các video hướng dẫn để học sinh có thể tự học sau giờ học.
“Với những giáo viên “có tuổi” như tôi khi sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy trực tuyến đôi khi gặp phải những trở ngại như thao tác không nhanh, phải sử dụng đồng thời nhiều công cụ trên internet để tổ chức giờ học.
May mắn là tôi có hai con, một bạn lớp 11 sử dụng rất tốt công nghệ thông tin nên hỗ trợ tôi phần tải học liệu, tạo hiệu ứng để các bài giảng đẹp mắt và hấp dẫn với học sinh, còn cô con gái lớn học lớp 12 cũng hỗ trợ mẹ rất nhiều trong việc quay video giúp mẹ làm học liệu.
Dạy học trực tuyến giáo viên vất vả hơn bình thường do vừa soạn giáo án vừa chuyển hóa bài học thành slide để học sinh dễ dàng xem trên máy tính và quan trọng là động viên để học sinh nào cũng tích cực học”.
Các tiết học Thể dục của cô giáo Hồng Anh, học sinh luôn có mặt rất đầy đủ, tỏ ra thích thú và tham gia tích cực. Được biết, với tốc độ như hiện nay thì thầy và trò trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành có thể kết thúc chương trình vào tháng 6 chứ không cần kéo dài đến 15/7 như kế hoạch lùi chương trình năm học của Bộ GD&ĐT. Với học sinh lớp 9 và lớp 12 các em sẽ có nhiều thời gian hơn để ôn thi vào lớp 10 hay thi THPT quốc gia.
Chia sẻ về việc học trực tuyến tại nhà trường hiện nay, TS Nguyễn Thị Thu Anh – Hiệu trưởng THCS&THPT chuyên Nguyễn Tất Thành cho biết: “Tất cả các giáo viên trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành đều đang nỗ lực học cách sử dụng các công cụ của Office 365 để nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến. Họ phải dành nhiều thời gian để chuẩn bị slide bài giảng, chuẩn bị học liệu để dễ dàng tương tác và thu hút sự chú ý của học sinh.
Chúng tôi thường xuyên chia sẻ với nhau về những tiết học thú vị, những kinh nghiệm hay để phát huy, nhân rộng. Đồng thời cũng phát hiện những khó khăn để đề xuất các giải pháp khắc phục nhằm hỗ trợ giáo viên vượt qua những thách thức của việc sử dụng công nghệ, phối hợp với cha mẹ học sinh để quản lý học sinh học nghiêm túc.
Nhờ đó, khó khăn giảm dần sau mỗi tuần học, kỹ năng sử dụng công nghệ của giáo viên ngày càng được cải thiện, hiệu quả dạy học tăng lên rõ rệt. Đó là cách rất riêng mà những người làm giáo dục chúng tôi chống “giặc” COVID-19. Tất cả chúng tôi cùng hạnh phúc vì nhìn thấy học sinh trường Nguyễn Tất Thành nỗ lực học tập”.
Hoàng Thanh