Bài dự thi: Thầy cô trong mắt em

Nhóm tác giả: Khương Thị Hà Vi, Trần Bảo Ngọc, Nguyễn Anh Thư lớp 11D2

ĐÓA LIÊN HOA TRONG MẮT TÔI

Người ta thường nói đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, tôi cũng nghĩ vậy. Mỗi ngày thức dậy tôi đều cảm thấy hạnh phúc vì tôi có thể mở cửa tâm hồn mình để ngắm nhìn thế giới, con người xung quanh. Thế giới xung quanh tôi bây giờ chính là những năm tháng học trò ồn ào, sôi nổi và trôi nhanh như cơn mưa rào mùa hạ. Bởi vậy tôi - một cô học trò lớp 11 luôn mở rộng cửa sổ tâm hồn để cảm nhận và lưu giữ những điều đẹp đẽ nhất khi cơn mưa đang rơi. Cũng chính vì ý niệm ấy mà chỉ vỏn vẹn hơn một năm qua dưới mái trường Nguyễn Tất Thành thân yêu, tôi luôn cố gắng lưu lại trong mắt mình, khắc ghi trong tâm trí mình những vùng sáng tràn ngập ánh ban mai trên sân trường và coi đó là hành trang cuộc đời. Tôi yêu trường tôi. Mỗi ngày tôi không thể không ngừng biết ơn vì mình đã được theo học tại ngôi trường thật tuyệt vời - ngôi trường mang tên Bác kính yêu. Và hạnh phúc hơn nữa khi tôi được là học trò của Cô- người mẹ, người thầy, người dẫn đường chỉ lối có một cái tên thật đẹp: Hà Song Hải Liên.

Tôi nhớ mãi ấn tượng của mình giây phút lần đầu tiên nhìn thấy cô trong buổi họp lớp đầu năm lớp 10: “Trông cô thật quyền lực!”. Tôi trầm trồ và cảm thấy tự hào chút chút vì những gì mình nghĩ lúc đó thật chính xác! Cô luôn biết làm cách nào để mọi thứ trở nên tốt nhất, chu toàn nhất mọi việc cho lớp, và nhiều lúc điều đó khiến tôi ngạc nhiên. Thế nhưng điều đó không có nghĩa cô bao bọc chúng tôi quá mức mà cô luôn để chúng tôi tự do sáng tạo, tự lên kế hoạch cho các hoạt động của lớp sau đó đưa ra ý kiến đóng góp giúp chúng tôi hiểu được mình còn thiếu sót điểm nào, đã làm tốt ở đâu. Những lời khuyên ấy luôn xoáy sâu vào trọng tâm, khiến chúng tôi hiểu ra vấn đề, thậm chí khiến chúng tôi ngỡ ngàng và kinh ngạc. Có những khi lời nhận xét của cô quá thẳng thắn và nghiêm khắc khiến một vài người trong chúng tôi thấy tủi thân, nhưng chúng tôi hiểu việc làm đó của cô là muốn chúng tôi mạnh mẽ hơn, cải thiện và tiến bộ hơn trong những lần tới. Tôi vô cùng biết ơn về điều đó. Nếu như không có cô thì có lẽ tôi vẫn sẽ chỉ là một người tầm thường, dậm chân tại chỗ vì sự thiếu sót trong nhiều kỹ năng. Chưa dừng lại ở đó, cô biết rõ lũ học trò chúng tôi muốn làm gì và muốn nhận được điều gì vì vậy tuy bên ngoài gai góc nhưng tôi cảm nhận được bằng mắt và bằng tim rằng cô luôn dành cho chúng tôi những quyền lợi xứng đáng nhất, ưu ái nhất mà chúng tôi có thể có. Cô quý trọng sự đoàn kết và quan tâm tới từng học sinh do đó lúc nào cô cũng nỗ lực để không ai bị bỏ lại phía sau, không ai trở thành người cô độc. Với những bạn tự tin, có khả năng làm tốt nhiều việc, cô luôn tận tình góp ý, chỉ dạy nhằm giúp các bạn phát huy hết khả năng. Với những bạn nhút nhát, hay e ngại, cô luôn chủ động phân việc và động viên hết mình, nhờ các bạn khác kèm cặp. Chính những điều cô đã làm khiến lớp chúng tôi thực sự là một lớp học đoàn kết, ấm áp, hạnh phúc. Chính vì vậy mà tôi dám chắc rằng mọi người trong lớp đều quý trọng, biết ơn cô từ sâu thẳm đáy lòng, dẫu những cảm xúc ấy ít khi được nói ra thành lời. Và tôi biết, mọi người đều đang cố gắng để trở nên tốt hơn, dù theo cách này hay cách khác.

Nhưng cố gắng không đồng nghĩa với thành công, có lúc chúng tôi mắc lỗi làm cô phật lòng và thất vọng. Những khi đối diện với cô, với lời nhắc nhở rất nghiêm khắc hay nhẹ nhàng, chúng tôi dù sợ, dù e ngại nhưng đều tự nhủ rằng: Mình phải làm gì để điều này không lặp lại? Phải làm gì để trở thành một người học sinh khiến cô có thể cười tươi mỗi lần nhắc đến? Đó là một chặng đường dài và gian nan, nhưng tôi, tất cả chúng tôi đều biết rằng, thứ cô cho chúng tôi không chỉ là những lời khuyên và kinh nghiệm mà còn là niềm tin, một sự hy vọng rằng bản thân sẽ thay đổi, rằng chúng tôi có thể tự “cải tiến” chính mình.

Không chỉ là một người đem đến cho chúng tôi những kiến thức và kinh nghiệm sống, kinh nghiệm học tập cô còn là người đem lại tiếng cười cho cả lớp trong mỗi tiết sinh hoạt. Cô hài hước và dí dỏm, luôn biết cách khuấy động bầu không khí, giúp chúng tôi buông bỏ được gánh nặng trên lưng, trở về làm những đứa trẻ 16,17 tuổi với tiếng cười giòn và hạnh phúc. Cô biết chúng tôi có những áp lực riêng và muốn nhân cơ hội khiến chúng tôi thư giãn và thả lỏng tinh thần. Được là học sinh của lớp mà cô chủ nhiệm, tôi được trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, ngạc nhiên có, buồn có, vui cũng có và hơn hết là những kỉ niệm lưu lại trong tâm trí như một thước phim tua lại. Tất cả những điều ấy khiến chúng tôi mỗi lần gặp cô, ríu rít chào cô lại ùa lên trong lòng một niềm vui mới lạ.

Chúng tôi luôn thấy ở mình những cảm xúc mới lạ từ cô giáo chủ nhiệm vốn đã thân quen. Đó là những khi “tình huống có vấn đề”- khi chúng tôi đi học kì quân sự, đến học tập, sinh hoạt ở một nơi xa, môi trường sống lạ dài ngày và giây phút ngắn ngủi cô xuất hiện cùng chúng tôi vào đêm cuối kì học quân sự. Ngay từ giây phút đầu tiên thấy cô, mọi người từ hai khu nhà ở của lớp đã vội vàng í ới gọi nhau, nhanh chóng tụ tập lại tại nơi có bóng dáng cô, chạy tới và ôm chầm tới cô, giống như bầy chim non được gặp lại mẹ sau dài ngày. Rồi tranh nhau kể chuyện, cả những chuyện “tế nhị” như vệ sinh, tắm gội.. .Cảm giác lúc ấy thật ấm áp làm sao! Lúc này, cô không còn nghiêm khắc như mọi ngày mà ân cần hỏi thăm từng đứa học trò, rồi lại nhẹ nhàng lắng nghe, thi thoảng kể thêm vài câu chuyện đầy giải trí xua tan vất vả, mệt nhọc ngày qua.

Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã ấn tượng với câu nói: “Có tâm ắt có tầm” và khi gặp cô, tôi càng thấm thía ý nghĩa câu nói ấy hơn bao giờ hết. Cô luôn quan tâm từng học sinh của mình không chỉ trong học tập mà cả trong cuộc sống thường ngày bằng những lời hỏi thăm ấm áp biết bao: Con có mệt không? Con có chuyện gì buồn đúng không? Con có muốn chia sẻ với cô không?... Không chỉ đối với chúng tôi - những học sinh mà cô đang dạy mà tấm lòng nhân ái, yêu thương của cô còn dành cho những con người kém may mắn. Trong hành trình về thăm các em nhỏ khiếm khuyết ở Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, đôi mắt tôi rưng rưng xúc động khi chứng kiến cô nhiệt tình chăm sóc, giao lưu và trò chuyện với nhiều em nhỏ, rồi cô dặn chúng tôi nỗ lực để học ngôn ngữ đặc biệt của các em để giao tiếp với các em nhiều hơn.

Tôi rất ấn tượng trước những câu thơ của nhà thơ Đinh Văn Nhã từng ngợi ca về những người lái đò tri thức bởi nó khiến tôi nghĩ ngay tới cô, tới người mẹ cần mẫn chăm bẵm và bồi dưỡng tri thức cho chúng tôi:

“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay

Ta vẫn gọi là nghề cao quý nhất

Có một nghề không trồng cây vào đất

Mà cho đời những hoa thơm ”.

Trong mắt tôi, cô là người lao động trí thức gieo mầm trồng người tần tảo suốt bấy nhiêu năm cuộc đời với tấm lòng yêu nghề thuần khiết, trong sạch nhưng mãnh liệt vô cùng. Ngoài đảm đương vai trò của một giáo viên chủ nhiệm mẫu mực đầy trách nhiệm và yêu thương, cô Hải Liên còn là người lái đò tri thức Ngữ văn trong những năm tháng THPT của tôi. Tiết Văn đầu tiên bậc THPT sẽ là kỷ niệm tôi chẳng thể nào quên. Đó là tiết học online. Chỉ với 45 phút ngắn ngủi, cô đã thay đổi nhận thức và suy nghĩ của tôi về một giờ học văn thông thường. Một tiết học thành công là một công trình nghệ thuật được bồi đắp nên từ sự chỉnh chu đến hoàn hảo. Từng trang Ppt bài giảng, từng dòng chữ đều được cô trình bày cẩn thận mà cũng rất đỗi bắt mắt. Đến sau này chúng tôi mới hiểu hóa ra sự tận tâm của một người thầy nằm ở những gì nhỏ nhất: đó là cỡ chữ mà cô chọn, là họa tiết trên trang bài giảng phải phù hợp nội dung và cách mà cô tô đậm những ý chính của bài,... Thị lực chúng tôi không tốt, cô chọn cỡ chữ để tất cả đều có thể nhìn thấy mà không phải nheo mắt nhìn dù ngồi ở cuối lớp. Thay vì nhìn một trang bài giảng chỉ toàn màu trắng nhàm chán, cô đã cẩn thận lựa chọn những chủ đề phù hợp với bài học để biến những giờ học Văn trở thành một giờ học xã hội - nghệ thuật, tiếp nhận nghệ thuật tổng hợp.

Không những vậy, cách truyền tải kiến thức văn học của cô là thứ chúng tôi ấn tượng hơn cả. Tôi vốn rất tự tin về khả năng học văn của mình. Thế nhưng, cô đã khiến tôi hiểu: Học văn thật sự là thế nào. Cách cô hướng dẫn chúng tôi tiếp cận một câu thơ hay một trích đoạn truyện ngắn khác xa với cách chúng tôi từng được dạy ở bốn năm bậc THCS. Chúng tôi không được phép bỏ qua yếu tố nào dù chỉ là nhỏ nhặt từ tác giả cho đến từng câu chữ, hình ảnh, chi tiết.. .trong tác phẩm. Một sự cẩn thận và tôn trọng nghệ thuật trong cô và sau này là cô mang đến cho chúng tôi đã hình thành một thái độ học văn, tiếp nhận văn học mà không phải là người thầy nào cũng làm được. Cô tựa như thuyền trưởng trên con thuyền tri thức, chèo lái và dẫn dắt chúng tôi đi đến vùng biển khơi vô tận tri thức một cách trơn tru, cuốn hút. Điều tôi thích nhất trong tiết học của cô là khoảnh khắc mà tất cả học sinh trong lớp đều ồ lên cảm thán “Hóa ra là thế! ”. Cô không chỉ dạy chúng tôi kiến thức mà hơn cả là cách tư duy, khám phá văn học, cảm thụ cái đẹp nghệ thuật để rung ngân cảm xúc tâm hồn và để hình thành nhân cách, thái độ sống.

Bên cạnh những điều trên, thứ làm nên “thương hiệu” trong mỗi tiết học chính là giọng văn không thể nào trộn lẫn của cô. Chắc hẳn mỗi đứa học trò từng được nghe cô giảng đều phải cảm thán “Sao cô biết được nhiều thứ vậy nhỉ?”. Lời giảng của mỗi người giáo viên đều phản ánh con người họ. Cô cũng không ngoại lệ. Những gì tinh túy được cô góp nhặt trong cuộc đời đều được cô đưa vào lời dạy. Đó là giọng nói truyền cảm có thể trầm bổng, ngân dài hay pha một chút xót thương đối với những người phụ nữ có số kiếp bạc như vôi. Đó là những từ ngữ đẹp nhất trong tiếng Việt mà có thể chúng tôi chưa bao giờ nghe tới. Đó là những câu văn, câu thơ mà cô liên hệ trong quá trình phân tích tác phẩm. Những điều đó kết hợp với chữ viết nắn nót, uốn lượn trên nền bảng xanh cùng cách cô “ngôn ngữ” cơ thể để truyền tải hết những gì mà cô biết đã tạo nên một giờ văn độc nhất, một người giáo viên độc nhất mà có lẽ tôi đi hết cuộc đời này cũng chẳng thể nào tìm thấy ai khác. Cô giống như một người làm nghệ thuật thực thụ. Bục giảng chính là sàn diễn, viên phấn chính là chiếc bút để cho người nghệ sĩ mang con chữ đến với đời. Con chữ ấy chẳng hề thoát ly hiện thực mà ngược lại nó luôn bám chặt lấy mảnh đất hiện thực giống như văn học. Từng con chữ là từng lời dạy, từng giá trị sống mà cô đúc kết từ những câu văn, lời thơ. Hơn cả một tiết học bộ môn, đó chính là bài học cuộc sống.

“Tùng... tùng... tùng”. “Các bạn... Đứng”. Tiếng trống trường vang lên, báo hiệu giờ học Ngữ văn đã kết thúc.

Tôi đứng dậy, chỉn chu lại trang phục của mình để nghiêm trang chào cô với một thái độ đầy tôn trọng. Đôi mắt của tôi hướng theo từng bước chân của cô. Với một đứa trẻ 17 tuổi có một đôi mắt rộng mở, thích ngắm nhìn nên những điều tôi quan tâm về cô không chỉ là những thứ gói gọn trong trường học, mà tôi thích dáng vẻ của cô trong các hoạt động ngày thường hơn. Dù ít khi được thấy, nhưng những điều ấy vẫn để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi, và dễ hiểu thì có thể gói gọn vỏn vẹn trong hai từ “Tuyệt vời”. Tôi không thể nào quên được sự sang trọng nhưng không kém phần tối giản trong phong cách ăn mặc của cô, dường như cô là một chuyên gia thiết kế thời trang thật sự. Cô khoác lên mình bộ trang phục chỉn chu, nhưng vẫn toát lên một cái thần thái rất riêng chỉ cô mới có.

“Cô ơi!” không chỉ là một tiếng gọi đơn thuần, khi cất lên tiếng gọi ấy, có trời mới biết chúng tôi nghẹn ngào và tự hào đến thế nào khi được làm học sinh của lớp cô chủ nhiệm. Từ những tháng ngày đầu tiên, tôi đã biết ba năm học sắp tới của mình sẽ không hề dễ dàng, nhưng có lẽ tâm hồn tôi đã được xoa dịu, vì tôi biết mình đã trở thành học trò của một người tuyệt vời đến thế. Khi nghĩ đến điều này, tôi thầm cảm ơn bản thân trong quá khứ vì đã nỗ lực để trở thành một mảnh ghép trong ngôi trường mang tên Bác, đến với một mái ấm mới mang tên D2, trở thành một trong những người con của người mẹ mang tên Hà Song Hải Liên. Những cảm xúc này không thể viết ra đủ bởi tôi biết nó sẽ còn nhiều hơn nữa, phong phú và mới lạ hơn nữa. Tôi chắc chắn nếu ai đó nhìn lại chính mình người bạn ấy sẽ thật bất ngờ khi thấy mình trở thành một người trưởng thành, tinh tế, khéo léo và sống có ý nghĩa hơn từ khi được sống trong những lời dạy của cô Hải Liên. Những gì tôi có thể làm là nói một lời cảm ơn sâu sắc tới cô, người mà tôi thực lòng kính trọng. Cảm ơn cô đã luôn đồng hành cùng chúng con trong suốt những chặng đường vừa qua. Cảm ơn cô vì đã đưa ra lời khuyên khi chúng con cần. Chúng con biết ơn biết bao bởi cô đã luôn là một người tuyệt vời mà lớp có thể dựa vào những lúc khó khăn cần định hướng, tháo gỡ. Hi vọng bài viết này đến với cô để cô hiểu được rằng học sinh chúng con trân trọng cô đến nhường nào.

Xin cảm ơn các thầy giáo, cô giáo đã đọc bài viết này của chúng con!