Bài dự thi: Thầy cô trong mắt em
Nhóm tác giả: Nguyễn Thị Thanh Mai, Nguyễn Quỳnh Hoa
Đơn vị: Lớp 7A5- trường Nguyễn Tất Thành
TIẾT HỌC ĐẶC BIỆT
Thời gian trôi qua như một cơn gió, nhẹ nhàng lướt qua, để rồi cho đến khi chúng ta kịp nhận ra thì cơn gió đã qua tự bao giờ. Thoáng chốc, nhìn lại những bức ảnh kỷ niệm trong album thời tiểu học, tôi ngỡ ngàng nhận ra mình đã là học sinh lớp Bảy, không còn là cô bé lớp Một như bao năm trước. Nhiều thay đổi mới đã đến với tôi và các bạn. Chúng tôi được tiếp xúc với nhiều thầy cô giáo hơn, được học nhiều môn học mới, kiến thức cũng thênh thang rộng mở...
Và tôi biết, mình đang lớn hơn, dần trưởng thành hơn so với chính mình của ngày xưa...
Trong tuổi mơ mộng này, như một lẽ giản đơn, khó có thể thiếu những tình cảm tuổi mới lớn trong chúng tôi trào dâng, gắn với hình bóng bâng khuâng của “người ấy”. Ai đã từng, hay đang mang trong mình những tình cảm đó, điều hiểu cảm giác chỉ cần cùng trò chuyện những điều đơn giản, nhận được sự quan tâm của “người ấy” là trái tim ta cảm giác như có thể bay lên chín tầng mây...
Tiết học tâm lý học đường?
Nhìn cô bạn thân đang trong tâm trạng háo hức, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy có ngày cậu ấy lại nói chuyện này với tôi.
Phải đó, là tiết học tâm lý lứa tuổi. Tớ nghe ngóng được là sẽ có cô Hằng ở Phòng Tâm lý học đường đến chia sẻ với lớp mình vào tiết tự học chiều mai. Háo hức quá đi!
Vậy à..? - Tôi thờ ơ đáp lại. Thú thật, tôi chẳng quan tâm mấy chuyện như thế này lắm. - Dù sao đó cũng chỉ là một tiết học bình thường thôi, việc gì phải hào hứng như thế?
... Nhưng để tiếp chuyện với bạn, tôi miễn cưỡng hỏi một câu:
Vậy thì tiết học đó có cái gì?
Lên lớp 7 rồi, chắc chắn có bạn sẽ “cảm nắng” ai đó đúng không? Chao ôi, cậu làm sao mà hiểu được! Các cô sẽ... kiểu là... tư vấn “tình yêu” cho tụi mình ý! Hào hứng lắm ấy nhá, vì mấy chuyện này không phải lúc nào cũng nói cho bố mẹ được đâu!
Cô bạn thân của tôi e thẹn, nét mặt đỏ bừng, nói lý nhỉ, đáp lại câu tôi hỏi.
Tôi không hứng thú lắm về tiết học này. Chuyện tình cảm là chuyện riêng tư của mỗi người mà, sao mình lại phải quan tâm quá? Nhưng dù sao thì các bạn của tôi đều ngóng chờ tiết học này mà, nên tôi cũng đâm ra tò mò, xen lẫn mong đợi...
Cuối buổi chiều một thứ tư đầu tháng 10...
Bầu trời trong xanh, nhiều gợn mây trắng nhẹ bay dưới ánh nắng mặt trời rạng rỡ. Hôm nay là cái ngày mà nhỏ bạn tôi mong chờ vô cùng
Ngày hôm qua, chính lúc này, tôi và nhỏ bạn thân đang nói chuyện về tiết học tâm lý học đường nghe có vẻ đầy hay ho ấy. Bây giờ thì, chỉ còn năm phút nữa là tiết học đó sẽ bắt đầu.
Cô Tú - Giáo viên chủ nhiệm lớp tôi bước vào. Đi cùng cô là một cô giáo nhỏ nhắn với nụ cười hiền lành, mặc chiếc váy liền màu xanh lục và mang theo một tập tài liệu. Cô Tú nhẹ nhàng giới thiệu:
Đây là cô Hằng ở Phòng Tâm lý học đường trường ta. Hôm nay cô sẽ cùng lớp chúng ta tham gia tiết sinh hoạt với chủ đề vô cùng thú vị!
Dường như mọi sự chú ý đổ dồn lên bục giảng.
Trước mắt chúng tôi, đứng cùng cô Tú là một giáo viên có vẻ ngoài nhỏ nhắn, khuôn mặt tròn, cặp kính cận dày và mái tóc ngắn. Cô đem theo một tập túi tài liệu, mặc chiếc váy dài màu lam tối giản và đi đôi giàu thể thao trắng đơn giản, nhưng không kém phần phong cách.
Lớp học bùng nổ
Cô Hằng nở một nụ cười thân thiện với chúng tôi. Cô tự giới thiệu bản thân, rồi mời một số bạn cán sự lớp giới thiệu về các bạn. Phần giới thiệu có vẻ sôi nổi hơn tôi nghĩ rất nhiều. Cô luôn lắng nghe theo dõi chúng tôi một cách từ tốn.
Cả lớp đã sẵn sàng chưa nào? Tiết học hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu một chủ đề vô cùng đặc biệt: Những rung động tuổi học trò. Đầu tiên, chúng ta cùng đến với phần 1: Nguyên nhân và biểu hiện. Chúng ta sẽ cùng khởi động với trò chơi nhỏ: Một cuộc đuổi hình bắt chữ khá đơn giản nhé!
Cô nói với một chất giọng vô cùng nhỏ nhẹ và dịu dàng. Tôi bỗng cảm thấy hào hứng hơn khi nghe thấy thế, màn hình máy chiếu hiện lên những hình ảnh sinh động khiến cả lớp cười ồ lên, hăng hái giơ tay xin trả lời. Tôi bắt đầu bị cuốn vào những hình ảnh gợi ý, tò mò tìm đáp án. Rồi cô Hằng mời một bạn nam ở gần cuối lớp học đứng lên trả lời:
Chính xác! Bạn nào có thể cho cả lớp biết trong trường hợp này, điều gì khiến chúng ta vui vẻ nào?
Không chần chừ, cô bạn thân của tôi giơ tay xin được phát biểu ngay:
Theo con, ở đây chúng ta có thể cảm thấy vui khi ở gần hoặc thể hiện được điểm mạnh của mình trước mặt người khiến mình “rung động” đó ạ!
Rất đúng. Đây là một trong các điểm tốt của “rung động” đấy các con.
Những từ được khám phá ra tiếp theo cũng vô cùng quan trọng và ý nghĩa. Cả lớp dần trở nên tích cực và sôi nổi hơn, tôi cũng mau chóng bỏ đi sự ngại ngùng của mình để tham gia cùng các bạn. Tôi đã cố gắng suy nghĩ và rất nhanh nhận ra được nhiều từ ngữ ẩn sau những bức hình cô đưa ra. Có vẻ không chỉ tôi mà tất cả đều dần phần nào hiểu được sâu hơn về bài học thực tế lần đầu này.
Rồi khi trò chơi nhỏ kết thúc, ai nấy đều có vẻ hẫng hụt, nhưng cũng có phần hồi hộp mong đợi hoạt động tiếp theo.
Để tiếp tục bài học, chúng ta cùng đến với phần Tình huống thực hành nhóm. Sau đây cô sẽ chia cả lớp thành 4 nhóm theo 4 tổ, 2 nhóm sẽ xử lý tình huống khi “Mình thích bạn” và 2 nhóm còn lại sẽ xử lý tình huống khi “Bạn thích mình” nhé các con. Đây là một hoạt động nhóm nên tất cả thành viên hãy cùng tham gia thảo luận để tìm được câu trả lời đúng nhất nào!
Tổ trưởng của chúng tôi bước lên nhận những tờ giấy mà cô đã chuẩn bị sẵn cùng vài mảnh giấy in với cỡ chữ lớn đã được cắt nhỏ, trên đó có ghi một số từ, cụm từ như: lợi dụng bạn, thật lòng, lịch sự, giữ khoảng cách thân thể, tìm sự hỗ trợ từ gia đình,...
Chúng ta sẽ chia tờ giấy A3 cô đã phát làm hai cột, một cột là những việc nên làm, một cột là những việc không nên làm nhé!
Theo chỉ dẫn chi tiết của cô và của tổ trưởng, cả nhóm đã cùng hăng hái thảo luận, hầu hết cả nhóm đều gần như có chung suy nghĩ và chỉ ra được những điều đúng, những điều sai, những điều nên làm và không nên làm. Dù có vài bạn vẫn còn băn khoăn, chưa chắc chắn về các hành vi cần thảo luận được giao, nhưng đến cuối vẫn được các thành viên khác giúp đỡ để hiểu rõ hơn về những vấn đề còn thắc mắc ấy.
Hết giờ rồi các con! - Cô nói một cách rõ ràng.
Nghe thấy tiếng thông báo của cô, cả nhóm ngẩng lên và thấy quả thật, thời gian trôi qua rất nhanh. Các thành viên nhóm dần tản ra, quay về chỗ, lớp học mau chóng trật tự trở lại. Rồi đại diện cho nhóm, tổ trưởng, tổ phó nhóm tôi bước lên bục giảng gắn sản phẩm làm đã được hoàn thành lên giữa bài làm của 3 nhóm còn lại. Không rõ có phải vì tôi và các bạn trong nhóm đã cố gắng và rất hứng thú với bài cô giao, nên đều cảm thấy bài làm của nhóm mình là hoàn thiện và tốt nhất. Hẳn các bạn nhóm khác cũng hào hứng nghĩ vậy. Nhiệm vụ tưởng chừng khá đơn giản nhưng lại gắn kết chúng tôi hơn, nhấn mạnh được trọng tâm của buổi học đặc biệt này, khiến chúng tôi ấn tượng sâu sắc và như vô tình bị cuốn vào dòng xoáy của tư duy, cảm xúc và sự kết nối rất hào hứng giữa các thành viên trong nhóm, cũng như giữa cô và trò. Đứng trước bục giảng, cô nhận xét cẩn thận từng câu trả lời của các nhóm, và với sự ân cần ấm áp nhất, cô đã mau chóng giúp chúng tôi giải đáp được những khúc mắc của tuổi mới lớn với những rung động đầu đời.
Buồn thay, buổi học đã sắp đến giờ kết thúc.
Cả lớp, bao gồm cả tôi - một người chán nản ban đầu, đều thấy luyến tiếc vô cùng vì tiết học vô cùng thú vị đang dần đến hồi kết...
Ngay lúc ấy, cả lớp im lặng nghe tiếp cô Hằng nói lời kết của bài giảng:
Rung động, các con ạ, là một cảm xúc vô cùng hồn nhiên, lạ lùng và cũng thật dễ để gặp rắc rối khi tiếp xúc với nó. Nhưng cũng bởi vậy mà Phòng Tâm lí học đường của trường mình được mở ra để giúp đỡ các con, khi bất cứ ai trong chúng ta cần đến sự giúp đỡ hoặc tư vấn đó. Ngoài ra, Phòng còn cung cấp sự trợ giúp với một số trường hợp gặp phải cảm xúc hoặc suy nghĩ có phần tiêu cực nữa các con ạ. Và sẽ luôn như vậy, cô vẫn hằng ngày chờ đợi, sẵn sàng tâm sự với các con nhé!
Lắng đọng cảm xúc
Nào, bây giờ có ai vẫn còn điều gì muốn chia sẻ không?
Nghe câu hỏi của cô, tôi bỗng khựng lại trong giây phút ngắn ngủi ấy. Nghĩ lại thì, lúc đầu tôi đã từng mang tâm lý chán nản với tiết học này. Nhưng thật kì lạ làm sao, tôi lại rất chăm chú và nhiệt tình trong suốt tiết. Tôi nhận ra, đây là một tiết học vô cùng đặc biệt, khi lòng tôi như lần đầu tiên có một cảm giác tựa mạch nước ngầm cảm xúc trào dâng. Tôi nhận ra và hiểu hơn về cảm xúc và lý trí của bản thân, của lứa tuổi mình qua những bài học mà tiết học này đem lại. Và ngay lúc này đây, tôi muốn nói ra một điều gì đó. Cánh tay tôi bất giác giơ lên...
“Cô mời bạn nữ đang giơ tay ở kia nhé!” Cô trìu mến nhìn về phía tôi.
Tôi cầm chiếc micro, người tôi run lên khi thấy xung quanh là ánh mắt của hơn bốn mươi bạn cùng lớp đang nhìn về phía mình...
Con cảm ơn cô vì bài giảng rất bổ ích ngày hôm nay. Bản thân con, và con tin là không ít bạn khác, cũng đã hoặc đang có những rung động này, giống như con vậy. Đây thực sự là một bài học rất thú vị, đối với con. Con cảm thấy may mắn và hạnh phúc vì mình được tiếp xúc với những kiến thức mà cô đã đem tới cho chúng con. Một lần nữa, thay mặt cả lớp, con xin vô cùng cảm ơn sự tận tình của cô giáo chủ nhiệm, của cô và các thầy, cô đối với chúng con. Và xin chúc các bạn trong lớp sẽ tìm ra cách xử lý phù hợp cho khó khăn của mình, đồng thời có thật nhiều kỷ niệm đẹp trong hồi ức tuổi học trò của bản thân các bạn!
Sau khi nói xong,tôi ngồi thụp xuống ghế vì xấu hổ. Tôi vì muốn phát biểu đôi chút nhưng có vẻ tôi đã làm lố rồi...
Không ngờ, sau lời nói đó của tôi, cả lớp và cô lại vỗ tay hưởng ứng nhiệt liệt.
Cảm ơn con. Đó cũng chính là điều cô muốn nói với các bạn lớp mình. Cảm ơn các con vì đã lắng nghe bài giảng của cô, đồng thời chúc các con sẽ có kí ức thật đẹp để không phải hối hận với tuổi trẻ của mình!
Và buổi học đáng nhớ của chúng tôi đã kết thúc như vậy đó. Buổi học, và cả cô Hằng, đã để lại ấn tượng sâu sắc không thể phai mờ trong trái tim tôi. Những ngày tháng được học tập, dần khôn lớn dưới mái trường Nguyễn Tất Thành, với bao thầy cô, bạn bè và cả buổi học tâm lý này nữa, tôi yêu lắm, và tôi sẽ không bao giờ có thể quên được!