Kĩ năng giao tiếp và kĩ năng tranh biện đang dần trở thành một phần không thể thiếu trên con đường thành công của mỗi người. Nhận thức được tầm quan trọng của kĩ năng này, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu nhà trường, câu lạc bộ Giao tiếp ROV tổ chức hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc NTT MUN vào hai ngày 14-15/5/2022 trên nền tảng Microsoft Teams.

Mở đầu chương trình ngày thứ nhất là lễ khai mạc. Tại buổi lễ, cô giáo Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành đã có phần phát biểu tràn đầy nhiệt huyết và truyền cảm hứng tới các đại biểu cùng các quan sát viên tham gia. Cô Thu Anh chia sẻ: “Hội nghị mô phỏng Liên hợp quốc không chỉ là cơ hội để những người tham gia giao lưu, đưa ra ý kiến cá nhân mà còn là cơ hội để học tập, khám phá tiềm năng của mình trong các lĩnh vực đàm phán, tranh luận, đưa ra quan điểm và góc nhìn với vai trò một quốc gia”.


giáo Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng nhà trường phát biểu mở đầu hội nghị đầy hứng khởi

Nối tiếp chương trình là phiên làm việc 0. Với một sự kiện lớn, một trong những điều quan trọng chính là sự giao lưu giữa các đại biểu và hội nghị lần này cũng vậy. Ở phiên họp số 0, các đại biểu tham gia một số trò chơi giao lưu. Các trò chơi đã tạo điều kiện cho các đại biểu gắn kết hơn với nhau, cũng như tạo tâm trạng thoải mái trước những vòng đối đầu căng thẳng sắp tới.

Sau khi kết thúc phiên làm việc 0, hội nghị bắt đầu đi vào những phần chính là bốn phiên họp diễn ra liên tục trong hai ngày. Ở hội đồng cao uỷ Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR), dưới sự dẫn dắt của các chủ tọa đầy tài năng, các đại biểu tham gia đã có cơ hội tham gia đàm phán về chủ đề “Bảo vệ hành lang nhân đạo trong các cuộc xung đột vũ trang”. Trên thế giới tại thời điểm hiện tại, các mâu thuẫn trở nên cao trào hơn bao giờ hết đã dẫn đến việc hàng loạt người dân phải tìm nơi ổn định, di chuyển sang các vùng lãnh thổ khác để đảm bảo an toan. Nhằm mục đích hạn chế tác động của chiến tranh tới nhân dân các nước, việc những người đại diện quốc gia tại hội nghị cùng bàn luận và đưa ra giải pháp để bảo vệ hành lang nhân đạo trong các trận chiến tranh là hoàn toàn cần thiết.


Các đại biểu tự tin trình bày, chia sẻ suy nghĩ của bản thân tại hội đồng UNHCR

Cùng với đó, tại hội đồng quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), những người tham gia đã có cơ hội tham gia trao đổi về chủ đề “Bảo vệ quyền lợi và sự sống còn của trẻ em”. Trẻ em là tương lai, là niềm tin, hi vọng của nhân loại. Tuy nhiên, trong thời kì hiện đại, nhiều đứa trẻ vẫn chưa được hưởng cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ toàn diện mà còn phải chịu nhiều bất hạnh. Những điều ấy đã cảnh báo, nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo vệ con trẻ. Trong hội nghị lần này, các đại biểu đã có cơ hội để tìm ra những giải pháp, hành động để bảo vệ trẻ em.


Phương hướng, giải pháp, suy nghĩ của các đại biểu về việc bảo vệ trẻ em được thảo luận sôi nổi tại hội đồng UNICEF

Sau hai ngày trao đổi và đàm phán, hội nghị đã kết thúc với kết quả tốt đẹp. Phần cuối cùng của hội nghị là lễ bế mạc. Tại buổi lễ, Tổng thư kí đã tuyên bố bế mạc, trao giải thưởng chụp ảnh lưu niệm. Ở cao uỷ Liên hợp quốc về Người tị nạn, giải thưởng đã được trao cho bạn Nguyễn Tường Quân (6A4), Nguyễn Vương Minh (10N3), Phạm Nhật Quang (11D2), Trương Hà Phương (11D1) và Phạm Minh Đức (11N3). Về phía hội đồng quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, các bạn Nguyễn Ngọc Mai (11N2), Đỗ Nguyễn Hoàng An (11N2), Nguyễn Nguyên Khôi (10A1), Hoàng Tuệ Minh (10D1), Phạm Ngọc Phương Linh (6A4) đã được nhận giải thưởng.



Giải thưởng được trang trọng trao tại lễ bế mạc cho các đại biểu xứng đáng

Hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc NTT MUN đã diễn ra thành công với sự tham gia nhiệt tình của các đại biểu và quan sát viên. Hội nghị đã tạo cơ hội cho các bạn học sinh trường Nguyễn Tất Thành giao lưu, chia sẻ những góc nhìn của bản thân về các vấn đề của thế giới dưới vai trò đại diện một quốc gia. Mong rằng, qua sự kiện, các bạn học sinh sẽ có được những trải nghiệm bổ ích, ý nghĩa, nâng cao tầm hiểu biết và vốn sống của bản thân, cũng như thêm tự tin, rèn luyện tốt kĩ năng tranh biện đàm phán của mình.

Bài viết: Nguyễn Anh Thư (10D2)

Ảnh: Đặng Yến Linh (10N1)