Trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa Thụy Điển - Việt Nam về giáo dục biến đổi khí hậu ở các trường phổ thông và sư phạm, vào lúc 14h30 chiều ngày 10 tháng 4 vừa qua, tại phòng Hội đồng 107 truờng THCS & THPT Nguyễn Tất Thành đã diễn ra hội thảo: “Tăng cường giáo dục biến đổi khí hậu vì sự phát triển bền vững tại các trường trung học tại Hà Nội”.

Đây là dự án do Trung tâm nghiên cứu giáo dục và Hỗ trợ giáo dục vì sự phát triển bền vững, trường Đại học Sư phạm Hà Nội phối hợp với Khoa giáo dục trường Đại học Tổng hợp Uppsala, Thụy Điển tổ chức. Buổi hội thảo nhằm phát triển năng lực giảng dạy và nghiên cứu giáo dục biến đổi khí hậu tại các trường bằng phương pháp hiện đại khuyến khích học sinh tìm tòi, sáng tạo.

Tham sự hội thảo lần này có sự góp mặt của chuyên gia về biến đổi khí hậu – Giáo sư Staffan Svanberg đến từ Thụy Điển cùng Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Tuấn – Giám đốc dự án. Về phía trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành có đại diện là Cô giáo Nguyễn Thị Thu Anh - hiệu trưởng nhà trưòng cùng nhiều các thầy cô giáo bộ môn, cán bộ công nhân viên trong trường.


Sự góp mặt của nhiều thầy cô giáo trong trường

Hội thảo được khai mạc bằng bài giới thiệu ngắn gọn của cô giáo Lương Bích Hằng về thành phần khách mời và đại diện tham dự. Tiếp theo là phần phát biểu của Hiệu trưởng nhà trường- cô giáo Nguyễn Thị Thu Anh. Cô đã nói lên niềm vinh dự của cán bộ, giáo viên trường Nguyễn Tất Thành - Trường Trung học duy nhất ở Thành phố Hà Nội được hai lần tổ chức hội thảo khoa học về Giáo dục biến đổi khí hậu. Cô trân trọng cám ơn sự tham gia nhiệt tình của Giáo sư Staffan, PGS.TS Trần Đức Tuấn, các vị khách mời cùng đông đủ các thầy cô giáo. Cô mong muốn buổi hội thảo sẽ là cơ hội quý giá để giáo viên nhà trường hiểu thêm về biến đổi khí hậu, đưa vấn đề mới mẻ này vào chương trình giảng dạy cho học sinh và học tập được các phương pháp giảng dạy rất hấp dẫn của Giáo sư Staffan.


Cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Anh

Tiếp sau đó, giáo sư Staffan đã mở đầu bài thuyết giảng của mình bằng cách đặt ra một vấn đề hết sức mới lạ và thú vị . Ông mang ra một chiếc bình lớn hoàn toàn được bịt kín nhưng khi nhìn xuyên qua lớp kính trong bên ngoài, tất cả đều có thể thấy được những cây leo đang lớn lên rất tốt, thậm chí cả những bông hoa nhỏ đang ngày một phát triển bên trong. Từ việc quan sát chiếc bình, các thầy cô được yêu cầu suy nghĩ cá nhân để trả lời ba câu hỏi:

1. Cây cối và động vật trong chiếc lọ sẽ tồn tại bao lâu ?

2. Phân bón, nước và không khí sẽ tồn tại bao lâu ?

3. Cân nặng của chiếc lọ sẽ là bao nhiêu trong một năm ?


Ba câu hỏi đặt vấn đề đầu tiên

Không hề ngại ngần trước vấn đề mới, các thầy cô giáo nhà trường đã mạnh dạn đưa ra câu trả lời theo suy nghĩ của riêng mình. Sau khi lắng nghe tất cả các ý kiến, giáo sư Staffan đã đưa ra câu trả lời chính xác cho từng câu hỏi, đồng thời ông cũng trình bày rõ hơn về cách thực hiện và cơ chế hấp thụ của loài cây trong bình. Ông giải thích : “CO2 và nước được hấp thụ từ chính cây và sau đó lại được thải ra từ chính cái cây đó. Yếu tố quan trọng nhất tạo nên vòng sự sống kì diệu này chính là ánh sáng mặt trời. Cây quang hợp qua lớp vỏ kính trong suốt để lấy ánh sáng, hút chất dinh dưỡng từ đất để sống và phát triển ngày qua ngày…”


Mô hình mô tả vòng trao đổi chất khép kín ở cây

Sâu xa hơn nữa, vòng tuần hoàn này không chỉ hiện hữu ở thực vật mà ngày càng được thực hiện hoá trong chính các nghành công nghiệp sản xuất và cuộc sống đờì thường. Ông đã đưa ra một ví dụ hết sức đơn giản: “Tại nhà tôi có một chiếc lò sưởi dùng nhiên liệu đốt nóng là củi và than đá. Sau quá trình đốt, một lượng CO2 nhất định đã được thải ra, lượng khí ấy lại được hấp thụ lại bởi cây xanh và sau đó thì tăng thêm số lượng cây gỗ được lấy làm chất đốt”. Tương tự như vậy, mô hình này đã được áp dụng ở nhiều nhà máy sản xuất giấy ở Anh.


Giáo sư Staffan hăng say trong suốt bài thuyết giảng

Bên cạnh việc thuyết trình về vòng hoạt động khép kín, ông còn hướng dẫn từng bước để các thầy cô giáo có thể thực hiện bài học trồng cây trong hộp kín cũng như định hướng cách thức áp dụng bài học với học sinh.


Những tấm poster vô cùng ấn tượng

Sau khoảng hơn một tiếng đồng hồ chăm chú lắng nghe và đóng góp ý kiến, toàn bộ thành viên tham gia hội thảo đã dành ra 15 phút nghỉ giải lao. Sau giờ nghỉ, hội thảo được tiếp tục với phần thuyết trình đến từ ba học sinh đại diện cho khối THPT về vấn đề “Giờ Trái Đất”. Tất cả đều bị thuyết phục và hết sức ấn tượng trước sự tự tin cũng như khả năng trình bày lưu loát của học sinh trường Nguyễn Tất Thành.


Bài thuyết trình về Giờ Trái Đất của nhóm học sinh

Bài thuyết trình đã được các bạn xây dựng trong một tiết học về kĩ năng thuyết trình, và cũng đã được các bạn mạnh dạn mang đi thuyết trình trong tiết sinh hoạt của một số lớp vào trước Giờ Trái Đất diễn ra vừa qua. Luôn gắn liền với hành động để đạt hiệu quả thuyết phục cao nhất- đó là tiêu chí hàng đầu của nhóm, cho nên các bạn đã kết thúc bài thuyết trình của mình một cách thật ấn tượng: tắt bớt một số bóng đèn thừa trong căn phòng đang diễn ra Hội thảo. Bài thuyết trình đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình bằng những tràng pháo tay giòn giã.

 Giáo sư Steffan đã làm nóng không khí bằng một phần thảo luận nhóm vô cùng hấp dẫn. Câu hỏi được đặt ra là: “Cách tốt nhất để phòng chống bão nhiệt đới là gì?”

1. Đê điều

2. Hệ thống cảnh báo sớm

3. Rừng ngập mặn

4. Những toà nhà chắn bão


Phần tranh luận sôi nổi

Các nhóm đã chọn ra nguời trình bày ngẫu nhiên là người trẻ nhất. Tuy lúc đầu những người trình bày còn có chút rụt rè nhưng cuối cùng phần thảo luận đã diễn ra hết sức sôi nổi. Mỗi nhóm đều đưa ra những ý kiến xác thực để bảo vệ quan điểm cá nhân đồng thời đặt ra những câu hỏi phản biện sắc bén.


Cùng nhau thảo luận sôi nổi

Sau khi tranh luận, mọi người đã cùng nhau tìm hiểu thêm về những tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu lên chính cuộc sống qua đó cùng tìm ra các biện pháp phòng chống tối đa sự nóng lên của toàn cầu như sử dụng năng lượng năng lượng Mặt Trời,… Đồng thời, qua đó, tất cả đã cảm nhận được rõ tầm quan trọng của giáo dục biến đổi khí hậu cho học sinh ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

Kết thúc ngày thứ nhất của Hội thảo, cô giáo Nguyễn Thị Thu Anh đã đại diện nhà trường gửi lời cảm ơn sâu sắc tới giáo sư Steffan và các đại biểu tham dự. Cô nói : “Dự án Giáo dục vì sự phát triển bền vững đã tạo điều kiện cho thầy và trò nhà trường có cơ hội hiểu thêm về tác động của biến đổi khí hậu đối với môi trường xung quanh từ đó giác ngộ ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái Đất cho tất cả mọi người. Điều đặc biệt quan trọng là các thày cô giáo đã học tập được những kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia về kĩ thuật dạy học, cách trình bày bài giảng bằng hình ảnh một cách hiệu quả cũng như phương pháp thu hút sự tìm tòi, kích thích sự khám phá của học sinh”.


Chụp ảnh kỉ niệm khi kết thúc Hội thảo

Hội thảo kết thúc trong tràng pháo tay giòn giã của những người tham dự, có lẽ sau buổi hội thảo bổ ích và thú vị này, mỗi thầy cô sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm để thiết kế những bài giảng mới hấp dẫn và thú vị hơn dành cho học sinh thân yêu của mình.

Lê Minh Huyền – lớp 8A5