Câu chuyện dự giờ trong nghề dạy học (tập trung chủ yếu ở cấp mầm non đến cấp trung học phổ thông) là câu chuyện xưa như trái đất. Có lẽ nghề dạy học ra đời từ khi nào thì cũng có lịch sử dự giờ cũng gần như vậy. Tất nhiên tính chất của nó cũng đi từ đơn giản đến phức tạp, tự phát đến trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với công việc dạy học. Với bài viết nhỏ này, người viết xin được đặt ra một vấn đề để cùng mọi người suy ngẫm – đó là văn hóa dự giờ.
Cơ bản là có hai loại dự giờ: loại thứ nhất bất ngờ không báo trước, loại thứ hai là có lịch sẵn. Dự giờ đồng nghiệp và đồng nghiệp đi dự giờ mình là chuyện phải làm, là hoạt động chuyên môn thường xuyên của người giáo viên, bởi những ý nghĩa to lớn mà việc dự giờ mang lại cho một giáo viên, đặc biệt giáo viên trẻ mới vào nghề. Bản chất tốt đẹp của nó là được học và học được nhiều thứ sau khi tự trải nghiệm hoặc từ đồng nghiệp. Mỗi lần có người dự giờ dạy của mình hay mỗi lần đi dự giờ thầy cô giáo khác, bản thân sẽ nhận ra một số chỗ, ngộ ra một số vấn đề mình được và chưa được, điểm mạnh yếu của mỗi người để khắc phục hay phát huy, học hỏi rồi rút kinh nghiệm cho chính mình từ nội dung kiến thức đến kĩ năng, tác phong điệu bộ đứng lớp, đến hình thức tổ chức dạy học… Với sự cọ sát thực tiễn đó, dự giờ chắc chắn làm cho người giáo viên ngày càng tự tin và vững vàng hơn về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm.
Dự giờ tốt như vậy, lẽ ra ai cũng muốn được đồng nghiệp dự giờ, thế nhưng thực tế khá nhiều người ái ngại, thậm chí lo lắng và căng thẳng khi có người dự giờ dạy của mình. Vậy điều gì cản trở họ? Phải chăng họ ngại vì chuẩn bị bài chưa kĩ hoặc phải chuẩn bị bài kĩ mất nhiều thời gian và công sức hay họ ngại phải rút kinh nghiệm? Có lẽ lý do chính là mỗi giáo viên đều cảm thấy chưa hoàn toàn thoải mái khi nghe nhận xét từ các đồng nghiệp của mình. Chỉ ra thế mạnh hay thiếu sót của bài dạy, cái hay cái dở của người dạy là cần thiết và nên làm. Nhưng điều chúng ta băn khoăn chính là thái độ góp ý. Có thể nhận thấy một số kiểu nhận xét như sau: một là chân thành, thiện chí, thẳng thắn chỉ ra các ưu điểm hay nhược điểm rõ ràng và cụ thể, hướng dẫn cách khắc phục một cách có trách nhiệm; hai là qua quýt, xong chuyện rất đại khái, chung chung; ba là chỉ trích, vạch lá tìm sâu, soi mói khuyết điểm … Không phủ nhận thực tế rất nhiều thầy cô nhiệt tình, cởi mở và thiện chí với đồng nghiệp của mình, nhiều người còn bảo ban, chỉ dẫn tận tụy, không ngần ngại chia sẻ những gì mình biết cho đồng nghiệp. Song cũng không thiếu kiểu góp ý thứ hai, thứ ba. Hệ quả này xuất phát từ quan niệm đã thành lối mòn, xem dự giờ là quan sát cách dạy của giáo viên, đánh giá trình độ giáo viên. Điều nay đã thể hiện sẵn ở các mục đặt ra định lượng hiệu quả giờ dạy trong phiếu dự giờ rồi. Có lẽ đó là lí do tại sao nhiều người không muốn có người dự giờ. Nếu chúng ta vẫn giữ lối tư duy và thói quen dự giờ thứ 2, thứ 3 thì bầu không khí giữa đồng nghiệp với nhau sẽ né tránh, khó chia sẻ, làm cho sự kết nối, tương trợ giữa các thành viên trong mỗi tổ bộ môn và rộng ra là trong toàn trường sẽ lỏng lẻo và yếu ớt. Bất kì là ở đâu, môi trường làm việc nào con người cũng cần bầu không khí lành mạnh và chỉ khi có bầu không khí đó con người mới có cơ hội phát triển và hạnh phúc với công việc mình làm. Vậy ai tạo ra nhân tố thúc đẩy này – chính chúng ta, những đồng nghiệp cùng làm, cùng hưởng niềm vui trong một ngôi trường. Vô hình chung chúng ta từ chối và biến một hoạt động có ý nghĩa thành áp lực.
Đã đến lúc chúng ta cần phải đổi mới văn hóa dự giờ. Ngày nay người ta nói nhiều đến sự cải tiến phong cách dự giờ của các nước có nền giáo dục phát triển, phổ biến là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Thay đổi bắt đầu từ quan niệm chuyển từ quan sát giáo viên là chính sang quan sát học sinh là trọng tâm. Tiếp đến là thay đổi thái độ góp ý sau giờ dạy là thời gian thảo luận với tinh thần xây dựng tình cảm đồng nghiệp qua đối thoại tôn trọng, chia sẻ tối đa. Nên chăng điều mà chúng ta cần học tập ở họ là cách nghĩ và cách làm trong việc dự giờ đồng nghiệp. Họ đến không phải là xem đồng nghiệp mình dạy gì, dạy như thế nào mà đến quan sát năng lực nhận thức và cảm xúc của từng học sinh lớp đó học ra sao? Với một mục đích duy nhất là hỗ trợ, cùng đồng nghiệp của mình “không bỏ rơi học sinh”, phát hiện những học sinh gặp khó khăn khi tiếp nhận đơn vị kiến thức đó để kịp thời giúp đỡ.
Tạo văn hóa dự giờ mới không phải là cái gì to tát, ghê gớm mà thực chất là thay đổi đối tượng quan sát từ đó thay đổi cách quan sát và thái độ thảo luận sau giờ dạy. Nói như vậy không có nghĩa từ trước đến giờ chúng ta không quan tâm đến đối tượng học sinh khi dự giờ. Chúng ta nhìn nhưng chưa quan sát kĩ và không coi là đối tượng nhận xét chính mà thôi. Bây giờ chúng ta tập trung vào quan sát học sinh. Có thể đứng xung quanh lớp quan sát bằng mắt hoặc dùng máy quay lại ghi lại từng khoảnh khắc và cả quá trình hoạt động của học sinh. Và thực tế, sự quan sát này đem đến nhiều thông tin thú vị, quan trọng cho người giáo viên. Hay nói cách khác, biểu lộ cảm xúc trên từng khuôn mặt của học sinh, sự tương tác, cách làm việc của học sinh trong giờ học đó là phản hồi chính xác, chân thật tính hấp dẫn của kiến thức bài học và hiệu quả cách dạy của giáo viên hay không?
Gắn với sự chuyển đổi đối tượng và vị trí quan sát, văn hóa dự giờ rất quan tâm đến thái độ góp ý. Từ chỗ chúng ta thiên về đánh giá, bây giờ chúng ta thảo luận, trao đổi, chia sẻ. Với tinh thần này mọi thành viên trong tổ, người dự và người được dự đều trưởng thành, đều được cho đi và nhận lại những hiểu biết quý báu, những cách thức tổ chức dạy học hay, những tư liệu cần thiết phục vụ thiết kế bài học. Hạn chế và xóa bỏ thói quen phê bình là bước đầu tiên cho hình thành văn hóa dự giờ văn minh. Xác lập thiện chí, hợp tác, xây dựng là tiêu chí của bầu không khí thảo luận. Điều này không mới, không lạ, thật ra nó là cái vốn có trong suy nghĩ, mong muốn và cũng là cách nhiều giáo viên thể hiện với đồng nghiệp. Song vấn đề là chúng ta phải biến nó thành văn hóa sinh hoạt chuyên môn, thành nếp nghĩ, nếp làm ở người giáo viên, mọi nơi và mọi lúc.
Từ chỗ chúng ta thay đổi cách nhìn, chúng ta sẽ chuyển đổi thói quen dự giờ, từ đó tinh thần dự giờ sẽ biến đổi theo và tất yếu đương nhiên ý nghĩa của nó cũng được nâng lên gấp bội. Sự đổi mới là một biểu hiện của nền giáo dục tiến bộ và văn minh. Dẫu biết rằng, thay đổi nếp nghĩ và văn hóa dự giờ trong các nhà trường hiện nay không hề đơn giản. Cần có thời gian và lộ trình từng bước một, cần có nhiều chương trình tập huấn để thông suốt tư tưởng từ cấp bậc quản lí đến đội ngũ giáo viên. Nhưng có lẽ cần nhất là quyết tâm và thiện chí thay đổi trong mỗi con người, trong nhận thức của mỗi giáo viên. Chúng ta có sẵn sàng cởi bỏ một thói quen cũ để bắt tay vào tạo dựng thói quen mới hay không là vấn đề đáng bận tâm nhất. Phải khẳng định sự đổi mới văn hóa dự giờ vừa là yêu cầu của đổi mới sinh hoạt chuyên môn tại các trường học hiện nay vừa là quy luật vận động nội tại của sự phát triển mối quan hệ giữa giáo viên trong nhà trường. Chính tinh thần nhân văn và hiêu quả thực tiễn đã thuyết phục chúng ta thấy thay đổi văn hóa dự giờ là một nhu cầu tự thân, sáng suốt và hợp lí. Để kích thích và phát huy khả năng của từng thành viên trong tổ, để tạo nên sức mạnh tổng hợp cho các tổ bộ môn trong nhà trường có lẽ việc nhân rộng, hiện thực hóa tinh thần này thành nét văn hóa sinh hoạt chuyên môn là điều giáo viên nào cũng mong muốn.
Sự thay đổi văn hóa dự giờ đã trở nên cấp thiết bởi giá trị to lớn mà nó mang lại cho mỗi cá nhân giáo viên nói riêng và cả tập thể tổ bộ môn, rộng hơn là nhà trường nói chung. Một mặt vừa nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên, mặt khác thiết lập được mối quan hệ thân thiện, tích cực giữa giáo viên với nhau. Muốn phát triển nhà trường bền vững rõ ràng đây là yếu tố phải được ưu tiên. Hiệu ứng lan tỏa từ một người đến nhiều người, từ một tổ đến toàn trường, từ trường này qua trước khác và cứ như thế tạo dựng nền giáo dục lành mạnh. Một ngôi nhà lớn bắt đầu từ viên gạch nhỏ, cải cách nền giáo dục có lẽ cũng khởi nguồn từ những việc làm cụ thể, thiết thực và đơn giản như vậy thôi. Việc nhỏ nhưng ý nghĩa không hề nhỏ.