“LÀM THẾ NÀO – LÀM THẾ NÀY”

Ngày 17.8 vừa qua trường Nguyễn Tất Thành đã có buổi tập huấn thú vị và hữu ích về nội dung “Đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học”. Tác giả của báo cáo là PGS. TS Trần Trung Ninh – tổ trưởng tổ Phương pháp của Khoa Hóa trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tham gia đông đủ, không khí sôi nổi, hỏi đáp thẳng thắn giữa báo cáo viên và giáo viên trường Nguyễn Tất Thành là ấn tượng nổi bật của buổi tập huấn.


PGS. TS Trần Trung Ninh – tổ trưởng tổ Phương pháp của Khoa Hóa trường ĐHSPHN

Buổi tập huấn bao gồm các nội dung sau: Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học là gì? Cơ sở lí luận và thực tiễn của vấn đề này. Vì sao phải đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học? Nhất là phần nói về chu trình của sự đổi mới đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của toàn thể giáo viên trường Nguyễn Tất Thành.

Qua nội dung báo cáo của PGS. TS Trần Trung Ninh, chúng tôi lĩnh hội được bản chất của sự đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học là xóa bỏ cách sinh hoạt chuyên môn truyền thống, hình thành thói quen và cách sinh hoạt chuyên môn mới trên các phương diện sau: triết lí sinh hoạt chuyên môn, vấn đề quan tâm và thời lượng thảo luận. Cụ thể là: từ chỗ chủ yếu quan sát giáo viên sang quan sát học sinh là trọng tâm, từ đánh giá trình độ, cách dạy của giáo viên sang suy ngẫm và chia sẻ về việc học của học sinh, cùng suy đoán các nguyên nhân và đưa ra những cách giải quyết khắc phục. Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học là một quá trình với nhiều khâu, nhiều bước  chứ không còn đơn thuần chỉ là một buổi các thành viên trong tổ đến để bàn bạc về một đơn vị kiến thức khó dạy nào đó trong chương trình nữa.

Từ chỗ thay đổi đặc điểm, tính chất thì mục đích và ý nghĩa của sinh hoạt chuyên môn cũng sâu sắc, đúng nghĩa hơn: Hiểu rõ hơn về cách học sinh học, về tác dụng của phương pháp dạy học đến việc học tập của học sinh để nâng cao hiệu quả tối đa. Đồng thời cũng cần hướng đến phát triển năng lực chuyên môn của giáo viên thông qua sự tương tác có hệ thống với các giáo viên khác trong trường hoặc cụm trường. Cần chú ý đến việc tạo ra bầu không khí thân thiện trong cộng đồng học tập và cùng chịu trách nhiệm chứ không phải tạo ra chiến tuyến. “Không bỏ rơi học sinh, không phê phán đồng nghiệp, tạo ra một cộng đồng học tập” là những cụm từ thể hiện triết lý sinh hoạt chuyên môn mới theo nghiên cứu bài học.


Nội dung của buổi tập huấn đã nhận được sự quan tâm của đông đảo GV trong nhà trường

Đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học có cơ sở lí luận và cơ sở thực tiễn rất cụ thể. Thực trạng chất lượng giáo dục thấp là nguyên nhân thôi thúc, bức xúc các nhà trường phải đổi mới. Tính hiệu quả của nó đã được các nền giáo dục tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Sigapore… kiểm chứng và không đâu xa sự thành công của tỉnh Bắc Giang đáng để cho các trường phổ thông học tập. Tuy vậy, để tiến hành đổi mới sinh hoạt chuyên môn trong một nhà trường, hơn nữa là trên diện rộng thì có không ít khó khăn và rào cản, lớn nhất chính là tâm lí hoài nghi, thiếu tin tưởng từ cấp lãnh đạo, quản lí đến giáo viên. Có lẽ để thực thi được đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học đây là điều chúng ta phải dám nhìn thẳng. Hơn bao giờ hết góc nhìn, quan niệm, thói quen sinh hoạt chuyên môn trước đây cần phải thay đổi.

Điều mà chúng ta băn khoăn, cảm thấy khó nhất đó chính là chu trình thực hiện đổi mới. Chuyên gia đưa ra 4 bước tiến hành sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học như sau: Bước 1: Chuẩn bị bài dạy nghiên cứu; bước 2: Tiến hành dạy minh họa và dự giờ; bước 3: Suy ngẫm và thảo luận giờ học; bước 4: Ứng dụng. PSG. TS Trần Trung Ninh nhấn mạnh: “Thước đo sự thành, bại của giờ dạy là ở thái độ, hành vi, phản ứng của học sinh trong giờ học đó. Đây là nguyên tắc đầu tiên khi tiến hành nghiên cứu bài học”.

Khái niêm “Nghiên cứu bài học” không quá lạ lẫm với giáo viên Nguyễn Tất Thành, tuy nhiên đây là lần đầu tiên toàn thể giáo viên nhà trường được tập huấn bài bản và hiểu sâu sắc về nội dung này. Thực tế, ở trường Nguyễn Tất Thành sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học đã được khơi mào và tiến hành từ hai năm nay. Trong đó, tổ Lịch sử đi tiên phong. Ý tưởng này bắt đầu từ thầy giáo Trần Quốc Vương – một thầy giáo trẻ du học ở Nhật về, là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhận được sự khích lệ, động viên của cô giáo Nguyễn Thị Thu Anh – Hiệu trưởng nhà trường, thầy Quốc Vương cùng với cô giáo Lê Thu- tổ trưởng tổ bộ môn Lịch sử và các thành viên trong tổ đã áp dụng đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học. Thời gian đầu, thầy Quốc Vương cũng như  tổ Lịch sử gặp không ít trở ngại nhưng đến nay đã có những giờ dạy thực nghiệm hiệu quả, thu hút sự quan tâm của giáo viên các tổ chuyên môn khác trong trường, đặc biệt nhận được sự phản hồi tích cực từ học sinh. Không dừng lại ở đó, từ bài học thành công của tổ Lịch sử, các tổ chuyên môn khác trong trường cũng học tập cách làm này. Năm nay Bộ Giáo dục mới triển khai phương thức đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học và tập huấn cho các trường trên toàn quốc song trường Nguyễn Tất Thành đã tự tìm tòi, mày mò lặng thầm làm từ trước nên cũng đã có khá nhiều kinh nghiệm. Trong đợt tập huấn vừa rồi của Bộ Giáo dục & Đào tạo tại Cửa Lò, cô giáo Lê Thu – tổ trưởng tổ bộ môn Lịch sử của trường đã được mời chia sẻ về những thực tế khi cô và tổ Lịch sử làm nghiên cứu bài học. Điều này chứng tỏ sự nhạy bén, tinh thần học hỏi, cầu thị cái mới, nhiệt huyết với nghề, cũng như sự cấp tiến trong nhận thức của lãnh đạo và giáo viên trường Nguyễn Tất thành. Nắm bắt được đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học là một phương thức hiệu quả để bồi dương chuyên môn giáo viên, chứng tỏ nhà trường Nguyễn Tất Thành đã dám nghĩ, dám làm. Mặc dù chưa có hệ thống và chưa thể triển khai đồng bộ, đồng loạt trong toàn trường, nhưng những bước đi ban đầu của tổ Lịch sử nói riêng và trường Nguyễn Tất Thành nói chung đã phần nào khẳng định và nuôi dưỡng hơn nữa niềm tin rằng đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học sẽ đạt được kết quả khả thi. Ngay từ bây giờ Ban giám hiệu nhà trường đã coi đây là một đòi hỏi cấp bách và chính thức phát động, giao nhiệm vụ cụ thể cho các tổ bộ môn khác tiếp nối cách làm của tổ Lịch sử. Sau buổi tập huấn của PGS. TS Trần Trung Ninh chúng tôi nhận thấy quyết tâm và thiện chí rất cao của tập thể giáo viên Nguyễn Tất Thành. Và sự ủng hộ tối đa và tâm huyết của ban lãnh đạo nhà trường là nhân tố quan trọng khích lệ và củng cố niềm tin ấy thêm vững chắc.


Cô giáo Lê Thu - Tổ trưởng tổ Lịch sử phát biểu ý kiến

Thành phẩm cụ thể của cách làm nghiên cứu bài học đó chính là giáo án dùng chung. Đương nhiên có nhiều quan điểm về việc sử dụng giáo án chung. Nhưng một điều chúng ta phải thông suốt đó chính là tính linh hoạt và mềm dẻo trong việc dùng giáo án chung. Nó là khung nội dung kiến thức, là tư liệu và các phương pháp cụ thể áp dụng ở bài học đó. Và điều quan trọng  thành phẩm này là kết quả trí tuệ và tâm huyết của mọi thành viên trong tổ chuyên môn. Từ nội dung kiến thức đến phương pháp, cách thức tổ chức giờ dạy… trong giáo án chung đã được tổ chuyên môn suy ngẫm, thảo luận cùng xây dựng, thiết kế và kiểm chứng tính hiệu quả của nó sau khi dự giờ giờ dạy minh họa. Cái mà chúng ta đều nhìn thấy và nhất trí là quá trình tạo ra thành phẩm này chính là quá trình cọ sát thực tiễn và kết nối thân thiện giữa các thành viên trong tổ. Cả hai nhân tố này là con đường thiết thực để nâng cao chất lượng chuyên môn cho mỗi giáo viên. Cách làm này không đơn thuần và dễ dàng, ngược lại nó đòi hỏi sự đầu tư thời gian, công sức và trí tuệ của mọi giáo viên. Để tạo ra được một giáo án chung – đòi hỏi cả tổ phải có một tinh thần và lộ trình làm việc rõ ràng, thậm chí làm đi làm lại, mới rút ra được một phương án dạy học phù hợp, hiệu quả. Chính sự trải nghiệm trong mỗi lần trao đổi, suy ngẫm và dự giờ đánh giá trong tổ về bài dạy sẽ làm cho mỗi giáo viên trưởng thành và cứng cáp. Tất nhiên, khi vận dụng giáo án chung đó, mỗi giáo viên tùy thuộc vào thực tế giờ học, đối tượng học sinh từng lớp mà có những điều chỉnh hợp lí, không cứng nhắc. Trước đây mạnh ai nấy dạy, độc lập tác chiến bây giờ có cả một cộng đồng học tập và tương tác để cùng nghĩ, cùng làm, rõ ràng chất lượng và tính khả thi của một bài dạy được nâng cao hơn rất nhiều.

Lí thuyết là thế, nhưng bắt tay làm thực không dễ. Làm thế nào luôn là câu hỏi đầy bức xúc và lo lắng của giáo viên. “Làm thế nào? Làm thế này!” Đó là một câu nói dí dỏm nhưng rất sâu sắc của PGS. TS Mai Văn Hưng. Ông nói:  “Xưa nay ta chỉ chăm chăm hỏi, dù rằng biết hỏi tức có nghĩ đến, đã trăn trở nhưng chỉ hỏi thôi thì cũng chỉ vậy thôi. Đừng hỏi làm thế nào mà phải nói làm thế này. Nghĩa là chúng ta phải bắt tay vào làm, làm thật, làm sẽ vỡ ra, sẽ quen, quen rồi tự nó biến thành kĩ năng của mỗi người giáo viên”. Thiết nghĩ, việc vạch ra chu trình 4 bước tiến hành  cũng có nghĩa bày đường chỉ lối cách đổi mới sinh hoạt  chuyên môn theo nghiên cứu bài học rồi. Như vậy, vấn đề cốt yếu của sự đổi mới nằm ở quyết tâm, tính kiên trì và tuân thủ với cách làm này ở mỗi thầy cô giáo và nhà trường.

Khi  nghe chuyên gia trao đổi, thật ra nhiều giáo viên chưa hình dung được bức tranh toàn cảnh của sự đổi mới này là như thế nào và đi đến đâu, nếu không nói là cảm thấy mơ hồ chung chung. Nhưng một thông điệp đã được gióng lên đó là: đừng hỏi làm thế nào mà hãy nói làm thế này. Hãy làm đi, làm theo chu trình các bước như vậy. Dĩ nhiên ban đầu, không tránh khỏi sự lúng túng, bỡ ngỡ, nhưng sau dần trở thành phản  xạ tự nhiên, thành nếp quen. Quan trọng là chúng ta phải thay đổi lối mòn tư duy trước đây từ cách nghĩ, cách làm, đến cách đánh giờ giờ học. Triết lí dạy học mới “Không bỏ rơi học sinh, tạo cơ hội tối đa để trò được nghĩ nhiều hơn, làm nhiều hơn” sẽ được thực thi khi chúng ta đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học. Nhà trường Nguyễn Tất Thành, với một đội ngũ giáo viên trẻ, năng động, tâm huyết đã, đang và sẵn sàng tinh thần đổi mới!

Cô giáo Lê Thị Cẩm Tú