HỘI THẢO “TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG BẬC TRUNG HỌC TẠI HÀ NỘI”

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề có tính toàn cầu, đã và đang tác động to lớn đến cuộc sống của mỗi người nói riêng và nhân loại nói chung. Trong các biện pháp ứng phó với những thách thức của BĐKH, tăng cường giảng dạy và nghiên cứu giáo dục BĐKH được coi là một trong những “chìa khóa” hiệu quả. Đồng thời đây cũng là một trong những nội dung của giáo dục vì sự phát triển bền vững. Để làm được điều này, trước hết, ngành giáo dục cần nâng cao nhận thức của giáo viên – những người có tác động rất lớn đối với thế hệ trẻ - về BĐKH toàn cầu. Ban giám hiệu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Ban Giám hiệu trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận thức được điều này.

Nằm trong khuôn khổ dự án hợp tác Thụy Điển – Việt Nam về giáo dục BĐKH trong các trường phổ thông và sư phạm, trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ vì Phát triển bền vững thuộc trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã phối hợp với cơ quan hợp tác Phát triển Quốc tế SIDA và Trường Đại học Tổng hợp Uppsala, Thụy Điển mời các chuyên gia đầu ngành tập huấn cho một số trường Trung học của Việt Nam những kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy về BĐKH tập huấn cho cán bộ - giáo viên một số trường phổ thông trong cả nước. Là bộ phận trực thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và luôn đi đầu trong phong trào giáo dục BĐKH trong những năm gần đây, trong đợt hội thảo – tập huấn này, Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành đã được chọn là đơn vị được tổ chức đầu tiên.

Đến dự hội thảo lần này có sự góp mặt của các chuyên gia GS David Kronlid, TS Iann Lundergard đến từ Thụy Điển, PGS.TS Trần Đức Tuấn – Giám đốc dự án, đại diện các tổ chức có liên quan cùng một số thầy cô giáo đến từ các trường trong địa bàn Hà Nội. Về phía Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành có đại diện là ThS Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng nhà trường và TS Đỗ Danh Bích - Hiệu phó nhà trường cùng đông đảo các thầy cô giáo tham gia.

Có rất nhiều phương pháp giảng dạy đã được nghiên cứu và ứng dụng. Mỗi phương pháp lại có những ưu điểm và hạn chế riêng. Trong phần đầu hội thảo, TS Iann Lundergard đã trình bày phương pháp sử dụng tranh ẩn dụ trong nghiên cứu và giáo dục BĐKH. Với các giáo viên trường Nguyễn Tất Thành, sử dụng tranh ẩn dụ trong giảng dạy không phải là điều quá mới mẻ, tuy nhiên, cách vận dụng phương pháp này vào hoạt động giáo dục biến đổi khí hậu đem lại kết quả thật bất ngờ. Sau khi dẫn ra rất ngắn gọn nguồn gốc cũng như tác dụng của phương pháp này, TS Iann Lundergard đã giao cho các thầy cô giáo một bài tập nhóm: Tham gia chuyến du hành vũ trụ 6000 năm trên một chuyến tàu rộng 5km, các thầy cô giáo sẽ phải hình dung về những vấn đề mình phải đương đầu và chuẩn bị hành trang cho chuyến đi dài ấy. Tất cả nội dung thảo luận ấy sẽ được các thầy cô thể hiện qua một bức tranh lớn.

Bài tập nhỏ ấy đã tác động đến các giáo viên tham dự nhận thức lớn về vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự sống, đối với hiện tại và tương lai, không chỉ với tư cách một cá nhân mà còn với tư cách một nhà giáo dục. Chính các thầy cô, chứ không ai khác, cần là người tiên phong trong giảng dạy và nghiên cứu giáo dục BĐKH, rồi từ đó tác động hiệu quả đến từng học sinh. Cũng qua bài tập này, các thầy cô giáo đã ý thức được một cách rõ ràng hơn, sâu sắc hơn về tác động của phương pháp sử dụng tranh ẩn dụ trong giảng dạy và nghiên cứu giáo dục BĐKH.

Trong phần tiếp theo của buổi tập huấn, các thầy cô giáo đã nghe GS David Kronlid - một trong những chuyên gia đầu ngành về BĐKH của Thụy Điển - trình bày những nghiên cứu của ông về BĐKH nói chung và phương pháp nghiên cứu - giáo dục BĐKH nói riêng. GS David Kronlid nhấn mạnh đến vai trò của việc hướng học sinh đến việc tự nhận thức và hành động thay vì áp đặt học sinh điều gì nên làm, điều gì không… Muốn học sinh hành động, trước hết phải bắt nguồn từ việc tác động đến nhận thức, đặc biệt là nhận thức về các giá trị.

Các thầy cô giáo Trường Nguyễn Tất Thành đã lắng nghe và tham gia vào buổi hội thảo với tinh thần học hỏi và xây dựng cao. Mong rằng, những buổi tập huấn như thế này sẽ tiếp tục được tổ chức, nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy BĐKH trong nhà trường.

Một số hình ảnh của buổi hội thảo – tập huấn:


TS. Iann Lundergard giới thiệu phương pháp sử dụng tranh ẩn dụ
trong nghiên cứu và giảng dạy Biến đổi khí hậu


GS David Kronlid trình bày những nghiên cứu chuyên sâu về nghiên cứu và giảng dạy Biến đổi khí hậu


Các em học sinh dùng tranh vẽ thể hiện nhận thức về Biến đổi khí hậu


Tinh thần nhiệt tình và ham học hỏi của các thầy cô giáo Trường Nguyễn Tất Thành


Các thầy cô giáo chụp ảnh cùng các chuyên gia Thụy Điển

Cô giáo Đinh Lưu Hoàng Thái