Nhân dịp chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tại ngôi trường mang tên Bác, không chỉ học trò được tham gia vào các hoạt động nhằm để thể hiện tấm lòng tri ân với những người thầy, người cô, mà cả các thầy cô giáo cũng được thể hiện tâm huyết, đam mê với nghề của mình thông qua phong trào thi đua “Giờ dạy tốt”. Là sân chơi lớn để thể hiện năng lực chuyên môn, tinh thần sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, cũng như học tập, nâng cao trình độ của bản thân, phong trào đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của tất cả các thầy cô trong Nhà trường.

Để từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy, nhà trường đã phát động phong trào thi đua tới toàn thể cán bộ, giáo viên và các em học sinh mà trọng tâm là phong trào thi đua “Giờ dạy tốt”. Đây được xem là một trong những phong trào thi đua của thầy và trò nhà trường trong chuỗi hoạt động hướng về chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Không ngừng cải thiện, đổi mới phương pháp dạy học, đa dạng về hình thức tổ chức dạy học, các giờ học tại ngôi trường mang tên Bác càng đạt chất lượng cao.


Thể hiện bài học dưới nhiều hình thức là một phương pháp vô cùng hiệu quả


Làm việc nhóm - bước đệm cho kĩ năng làm việc nhóm trong tương lai

Để chào mừng ngày 20/11, đã có rất nhiều giờ học tốt được đăng kí trải đều ở cả cấp THCS và THPT. Chỉ tính riêng từ ngày 6/11 cho đến ngày 19/11 đã có hơn 50 “Giờ dạy tốt” được đăng kí với đa dạng các bộ môn: Ngữ văn, Tiếng anh, Toán, Sinh - Công nghệ,…

Năm nào cũng vậy, cứ đến 20/11thì các thầy cô trong trường đều rất háo hức. “Năm nay, tổ Tiếng anh đã có nhiều đổi mới theo hướng nghiên cứu bài học, một bài dạy được đề suất từ một nhóm trong tổ và mọi người cùng nhau đóng góp ý kiến. Qua đó,cô thấy rằng mọi người học hỏi được nhau rất nhiều điều mới mẻ”, cô Nguyễn Thùy Dương – tổ trưởng tổ Anh chia sẻ.


Những giờ học truyền cảm hứng của các thầy cô trường Nguyễn Tất Thành

Nói về sự khác nhau giữa tiết học đăng kí là giờ học tốt và các tiết học bình thường, cô Thùy Dương cũng cho biết thêm: “Theo cô thì các tiết học có người dự giờ phải có sự chuẩn bị chặt chẽ hơn, cẩn thận hơn để làm sao mà cái thời lượng bài hợp lý và học sinh có thể làm việc thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, trách nghiệm của người dạy những tiết có dự giờ cũng rất là lớn để cho những người khác học được gì từ cái hay và rút kinh nghiệm được gì từ cái dở”.


Mỗi tiết dự giờ là một lần để các thầy cô học hỏi cũng như rút ra kinh nghiệm cho bản thân


Trong các tiết học, giáo viên luôn chuẩn bị rất chu đáo và luôn tổ chức cho học sinh các giờ học sáng tạo, vận dụng nhiều phương pháp mới. Tổ cô thì có hơn 80% giáo viên tham gia vào phong trào dạy tốt. Sau những giờ dạy thì bao giờ cũng có sự góp ý, trao đổi chuyên môn và mọi người rất là thiện chí trong việc học hỏi lẫn nhau cũng như là chia sẻ kinh nghiệm cho nhau” – cô Hà Song Hải Liên - Tổ trường tổ Văn THCS cho biết.

Ngoài ra, cô cũng chia sẻ thêm: “Vì đây là tháng cao điểm của phong trào ngày 20/11 nên học sinh ở các lớp đều tham gia rất sôi nổi, nhiệt tình. Đồng thời, qua các giờ học như vậy, học sinh có thể bày tỏ rất nhiều những tình cảm của mình qua sự ủng hộ đối với các giờ dạy của thầy cô”.



Các bạn học sinh hào hứng học tập.

Trường THCS&THPT đã và đang tạo ra một môi trường làm việc hiệu quả, chuyên nghiệp để qua đó, giáo viên có thể vận dụng hết khả năng, cũng như không ngừng cải thiện, nâng cao chuyên môn của mình trong việc truyền tải tri thức tới học sinh. Không chỉ riêng tháng 11 này, các giờ dạy tốt – học tốt vẫn tiếp tục được phát huy suốt cả năm học nơi mái trường mang tên Bác. Để rồi, không chỉ học sinh, mà các thầy cô giáo cũng luôn cảm nhận được “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Bài: Đặng Khánh Uyên  (11D5)

Ảnh: Nguyễn Mạnh Thắng (11N1)