Khách mời là những chuyên gia uy tín của Bộ GD-ĐT, lãnh đạo các trường học nổi tiếng, các giáo viên giàu kinh nghiệm, bao gồm:
1. Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng.
2. Ông Trần Văn Kiên, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng.
3. TS Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội).
4. Thạc sĩ Phạm Thị Thu Phương – Giáo viên Tuyensinh247.com, Giáo viên Văn trường THPT Nguyễn Tất Thành thuộc Đại học Sư Phạm Hà Nội.
Đang diễn ra buổi giao lưu trực tuyến với các quan chức Bộ GD-ĐT và các chuyên gia về kỳ thi quốc gia 2015 |
- Như mọi năm chúng em sẽ có hai đề văn khối C, D khác nhau nhưng năm nay theo em được biết sẽ chỉ còn một đề. Hiện tại, em đang theo học văn khối D vậy làm thế nào để học tốt được môn Văn? (Phạm Khánh Huyền - Nam Định)
Cô Phạm Thị Thu Phương: Về cơ bản em nên học chắc kiến thức trên lớp, các thầy cô ngoài việc cung cấp kiến thức có thể cung cấp thêm các kỹ năng làm bài theo hướng ra đề mới, đây sẽ là nền tảng cơ bản. Ngoài ra em có thể học thêm, xem thêm trên các trang trực tuyến. Ví dụ như trang luyện thi trực tuyến Tuyensinh247.com.
- Thưa lãnh đạo Bộ GD-ĐT, tôi thấy việc tổ chức thi thành các cụm thi có nhiều thắc mắc. Đó là thi hai cụm đề sẽ giống nhau hay khác nhau. Bởi nếu giống nhau thì tại sao lại phân 2 cụm làm gì?
Ông Trần Văn Kiên: Đây là một kỳ thi quốc gia với tên gọi là kỳ thi THPT quốc gia, cho nên chỉ có một loại đề thi đối với tất cả các đối tượng thí sinh. Trong kỳ thi này, việc tổ chức thi thành các cụm thi tương tự như các cụm thi của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 và có mở rộng hơn; các cụm thi này do các trường ĐH, CĐ đủ năng lực chủ trì.
Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT không lấy kết quả thi tham giả tuyển sinh ĐH, CĐ. Bộ GD-ĐT sẽ thống nhất với UBND cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các sở GD –ĐT chủ trì.
- Khi nào bộ công bố “Quy chế tuyển sinh 2015” và năm nay bộ có phát hành cuốn “Những điều cần biết về Kỳ thi THPT quốc gia 2015” nữa không? Nếu có thì khi nào ạ? (Phạm Hùng)
Ông Trần Văn Nghĩa: Quy chế tuyển sinh 2015 hiện nay bên Cục khảo thí đang khẩn trương xây dựng và trình lãnh đạo Bộ ban hành, dự kiến vào đầu năm 2015. Về thông tin tuyển sinh, sẽ được các trường công bố công khai trên trang tin điện tử của trường, đồng thời các trường cũng sẽ báo cáo thông tin tuyển sinh về Bộ. khi có đầy đủ thông tin, thì Bộ sẽ công bố công khai trên trang web của Bộ.
- Em vẫn rất lo lắng về phần đọc hiểu trong đề văn? Xin cô chỉ cho em cách học và làm bài dạng này tốt nhất? (Nguyễn Quỳnh Chi)
Cô Phạm Thị Thu Phương: Phần đọc hiểu sẽ có các câu hỏi theo các mức độ từ nhận biết đến thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Văn bản đọc hiểu sẽ là một văn bản mới hoàn toàn nên cần trang bị các kĩ năng đọc hiểu. Em có thể tham khảo thêm các trang mạng.
Cô Phạm Thị Thu Phương đang trả lời độc giả VTC News |
Cô Phạm Thị Thu Phương: Nhiều khả năng sẽ vẫn là 3 câu theo như cấu trúc của đề thi đại học năm 2013-2014. Để làm tốt được bài thi cần phải trang bị kĩ năng đọc hiểu văn bản, cách làm bài văn nghị luận xã hội và những bài nghị luận văn học. Trong đó, nghị luận văn học sẽ đòi hỏi học sinh phải hiểu tác phẩm chứ không chỉ đơn thuần là ghi nhớ kiến thức do thầy cô truyền thụ.
- Nếu học sinh học trung bình – yếu lúc đầu chỉ nghĩ thi để đậu tốt nghiệp nên thi ở cụm trường phổ thông. Đến khi điểm cao thì không có cơ hội để đăng ký vào trường CĐ, ĐH nữa. Coi như cánh cổng đại học năm đó bị khép lại, mà phải chờ năm sau mới thi tiếp được? (xuanquanspt@gmail.com – Nguyễn Xuân Quân)
Ông Trần Văn Kiên: Những thí sinh tại các cụm thi địa phương chỉ thi bốn môn tối thiểu để xét công nhận tốt nghiệp THPT vẫn có thể được xét tuyển vào ĐH, CĐ phụ thuộc vào quy định của các trường ĐH, CĐ; các trường ĐH, CĐ được quyền tuyển sinh riêng theo đề án tuyển sinh của trường không sử dụng kết quả kỳ thi tuyển sinh.
Vì vậy, các em cần theo dõi thông tin tuyển sinh của các trường để tham gia tuyển sinh vào những trường này, phù hợp với nguyện vọng, năng lực cá nhân và điều kiện gia đình; nên cân nhắc thật kỹ trước khi đăng ký tham dự kỳ thi để phù hợp với nguyện vọng và năng lực cá nhân.
- Em thấy Bộ có nói với những học sinh, học viên không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học thì không bắt buộc phải thi môn Ngoại ngữ, thí sinh tự chọn môn thay thế trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.
Cho em hỏi vậy như thế nào là trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dậy và học ạ? Em sống ở vùng nông thôn điều kiên học ngoại ngữ chưa bằng thành phố. Rất mong Bộ GD- ĐT cho phương án sớm để chúng tôi chuẩn bị. Mong là được chọn môn khác thay thế như trên. Xin cảm ơn! (thetoan010198@gmail.com – Thế)
Ông Trần Văn Kiên: Với môn Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, thí sinh phải thi một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung, Tiếng Đức, Tiếng Nhật. Những học sinh Giáo dục trung học và học viên Giáo dục thường xuyên không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học thì không bắt buộc phải thi môn ngoại ngữ, thí sinh được chọn môn thi thay thế trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.
Cụ thể là: Giáo viên dạy môn Ngoại ngữ thiếu hoặc chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo, năng lực dạy học yếu; việc thực hiện chương trình không liên tục; học sinh là người dân tộc thiểu số, khả năng tiếp thu Ngoại ngữ yếu hoặc do chuyển trường nên phải học đổi môn Ngoại ngữ; các điều kiện về trang thiết bị dạy học, thực hành tiếng chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học,.v.v. Những thí sinh này được thi thay thế môn Ngoại ngữ do Giám đốc Sở GD-ĐT quyết định.
- Bộ có thể thông tin về quy định dành cho thí sinh liên thông (chưa đủ 36 tháng sau khi tốt nghiệp) như thế nào? Các bạn ấy muốn thi đại học thì sẽ phải thi như thế nào? Có ưu tiên gì không cho nhóm này?
Ông Trần Văn Nghĩa: Thi liên thông được quy định trong thông tư 55/2012/TT-BGDĐT ngày 25/12/2012 và để cập nhật thay đổi trong kỳ thi năm nay, Bộ sẽ có điều chỉnh trong thông tư này. Những em đăng ký thi để học liên thông, thì phải tuân thủ quy định trong thông tư này.
Còn trường hợp thi như một thí sinh tự do bình thường, em chỉ cần đăng ký thi những môn cần thiết để xét vào các ngành của trường đại học. Hiện nay chưa có quy định cụ thể về vấn đề ưu tiên cho thí sinh thuộc nhóm này.
Ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục khảo thí Bộ GD-ĐT |
- Làm thế nào để hạn chế việc luyện thi vào các trường đại học, đặc biệt là các đại học lớn khi Bộ GD-ĐT không bắt buộc tất cả các trường phải sử dụng kết quả của kỳ thi chung?
Ông Trần Văn Nghĩa: Những trường không sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia để xét tuyển thì cần phải xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh, đáp ứng các yêu cầu được quy định trong quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy.
Một trong những yêu cầu đặt ra là không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo của nhà trường tổ chức luyện thi.
- Với tư cách là một hiệu trưởng, thầy đánh giá như thế nào về đổi mới thi cử này? Theo thầy thay đổi này có giúp biến đổi quá trình dạy và học? (Trần Hùng)
Thầy Nguyễn Tùng Lâm: Hiện nay có ý kiến đổi mới chương trình sách giáo khoa sau mới đổi mới thi cử, nhưng khoa học đánh giá cho phép dùng kiểm tra, đánh giá tác động dạy và học nên Bộ đang công tác đánh giá chứ không chờ đổi mới sách giáo khoa.
Trường Đinh Tiên Hoàng cũng phải lấy kiểm tra đánh giá làm hàng đầu. Bộ thay đổi là tích cực, chúng ta phải hưởng ứng. Thầy không bám sát sách giáo khoa, trò tự động sáng tạo.
- Trước đây các học sinh đã quen với việc thi đại học theo khối, và các trường cũng phân ra các lớp theo ban A, B, C, D nhưng đổi mới này sẽ không còn điều đó nữa, các trường sẽ phải tổ chức lại việc dạy và học như thế nào, thưa thầy? (Nguyễn Thị Mai)
Thầy Nguyễn Tùng Lâm: Thi đại học so với thế giới là lạc hậu nên việc thay đổi này là cần thiết. Suy ra việc học phải toàn diện, gắn thực tiễn để giải đáp vấn đề xã hội.
- Tôi có con đang học lớp 12 và đã theo học khối A từ lớp 10 để chuẩn bị thi đại học, sau khi biết được thông tin này cháu rất hoang mang, không biết phải tiếp tục ôn tập như thế nào? (Nguyễn Thảo)
Thầy Nguyễn Tùng Lâm: Với tư cách là chuyên gia tâm lý, mong thầy cho tôi lời khuyên để giúp cháu ổn định tâm lý. Không có gì trở ngại cả, Bộ dựa vào các khối là chính. Văn là yêu cầu tối thiểu nên học văn là không thừa, phát huy lý, hóa sang môn tự chọn.
- Sau khi thi THPT quốc gia các trường có thể dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. Xin Bộ giáo dục cho về chất lượng đầu vào của thí sinh Bộ có giám sát hoặc đưa ra “mức sàn” không hay hoàn toàn do trường tự quyết? (Hoàng Hà)
Ông Trần Văn Nghĩa: Cũng như kỳ thi “3 chung” trước kia, đối với kỳ thi THPT quốc gia, để đảm bảo chất lượng đầu vào, sau khi có kết quả thi, Bộ cũng sẽ đưa ra ngưỡng chất lượng đầu vào làm căn cứ để các trường xét tuyển.
- Làm sao để Bộ Giáo dục biết rằng thí sinh sau khi thi ở địa phương lại không tham gia xét tuyển vào các trường đại học, và liệu các trường đại học có từ chối hay không khi học sinh đó cũng vừa thi cùng đề, cũng tốt nghiệp? Mong Bộ nghiên cứu kỹ. (Mạnh Dũng)
Ông Trần Văn Nghĩa: Thứ nhất, các thí sinh thi ở các cụm thi khác nhau có các mã khác nhau, hoàn toàn có thể phân biệt được thí sinh thi ở cụm thi nào.
Thứ hai, trong kỳ thi quốc gia chủ yếu sẽ là tổ chức thi ở các cụm do trường đại học chủ trì, việc tổ chức thi ở các cụm địa phương chỉ thực hiện khi có những học sinh ở địa phương không có nguyện vọng sử dụng kết quả của kỳ thi quốc gia để xét tuyển vào các trường đại học, và tự nguyện đăng ký thi ở cụm địa phương.
Thực tế trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2014 có khoảng gần 20% số học sinh chỉ thi tốt nghiệp. Và như vậy, việc không sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào trường đại học là do thí sinh tự nguyện.
- Em muốn hỏi thi môn tự chọn thứ 4 có chịu ảnh hưởng của khối thi không? Ví dụ e chọn địa lí là môn thứ 4 và trường em thi là khối A thì em có được chọn địa lý nữa không hay phải chọn hoá là môn thứ 4 và lý là môn thứ 5 ạ? Em cảm ơn ạ. (Nguyễn Đức Trường)
Ông Trần Văn Nghĩa: Thứ nhất, em có thể chọn số môn thi nhiều hơn 4 môn để tăng cơ hội xét tuyển vào đại học. Nếu em có nguyện vọng xét tuyển vào một ngành mà sử dụng kết quả của môn toán, lý, hóa và môn thứ tư em đã chọn là địa lý bắt buộc em phải thi thêm vật lý và hóa học.
- Em là học sinh khối A từ năm lớp 10, nhưng bây giờ đổi mới em phải thi thêm môn Văn, trước giờ em học văn rất kém. Hiện tại em đang rất lo lắng không biết bắt đầu ôn tập cũng như có phương pháp học tập như thế nào để đạt hiệu quả? Mong cô tư vấn. (Hoàng Tuấn Anh)
Cô Phạm Thị Thu Phương: Thứ nhất, em không cần quá lo lắng bởi môn văn vẫn chỉ dùng để xét tốt nghiệp chứ không xét đại học nếu em thi khối A. Em cần dành nhiều thời gian hơn vào môn văn và bám vào kiến thức thầy cô truyền thụ trên lớp.
- Bộ Giáo dục có nói đề thi sẽ ngày càng mở và khó hơn, có lẽ sẽ có các văn bản ngoài sách giáo khoa. Không biết khi gặp những văn bản chưa học bao giờ chúng em sẽ làm bài như thế nào? (Nguyễn Linh Chi)
Cô Phạm Thị Thu Phương: Bạn cũng không cần quá lo lắng vì việc này, chủ yếu kiểm tra kĩ năng đọc hiểu và bạn sẽ được các thầy cô rèn luyện thêm trong năm lớp 12. Văn bản ngoài sách giáo khoa thường chỉ dùng làm ngữ liệu cho câu hỏi đọc hiểu như năm 2013 chỉ chiếm 2/10 điểm. Những câu hỏi đọc hiểu thường không quá khó.
- Em thấy như đổi mới năm nay, đề văn thi tốt nghiệp sẽ khó tương đương với đề văn thi đại học. Như vậy, đối với những bạn học khối A như chúng em, không có ý định xét tuyển vào những trường đại học có môn Văn mà chỉ cần đủ điểm tốt nghiệp thì nên ôn những phần kiến thức nào? (Phạm Đức Huy)
Cô Phạm Thị Thu Phương: Đề thi sẽ có sự phân hóa từ thấp đến cao, em vẫn cần phải ôn hết các dạng bài đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học.
- Qua đài báo, tôi được biết những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Tôi nghe thì thấy dường như những thay đổi này chỉ có lợi cho học sinh khối D. Con tôi đang học theo khối C thì bất lợi quá. (Trần Thị Thanh Tâm)
Thầy Nguyễn Tùng Lâm: Đổi mới này dựa vào yêu cầu cơ bản. Toán, Văn, Anh là 3 môn cần thiết không chỉ trong nhà trường mà còn được áp dụng triệt để ngoài cuộc sống. Học khối C tức là thêm môn xã hội thôi, không nên lo lắng. Cần tập trung vào học, cần thay đổi cách học, không nên học thuộc lòng, không học máy móc.
Cô Phạm Thị Thu Phương: Tất nhiên học sinh khối D sẽ có lợi hơn nhưng học sinh khối C cũng không hẳn bất lợi. Bởi các em sẽ bắt buộc thi môn Văn và đăng kí thêm 1 môn tự chọn là Sử hoặc Địa và chỉ còn lại 1 môn phải thi thêm. Nền tảng toán, anh sẽ giúp ích cho các cháu sau này.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý Hà Nội đang trả lời độc giả VTC News các vấn đề của kỳ thi quốc gia 2015 |
Thầy Nguyễn Tùng Lâm: Bộ có 2 phương án thi, thi theo cụm hoặc thi tại địa phương, Điều này, Bộ đang điều chỉnh. Đề thi thì vẫn phải có khó và dễ, vẫn có sự phân hóa, vẫn có nâng cao để các trường đánh giá, chọn học sinh tốt cho trường mình.
- Khi biết được thông tin Bộ GD tổ chức một kì thi chung, em cùng các bạn trong lớp rất lo lắng cho kì thi sắp tới. Chúng em không biết nên ôn tập, chuẩn bị như thế nào cho kì thi? Mong nhận được những lời khuyên từ thầy. (Trần Thị Kim Ngân)
Thầy Nguyễn Tùng Lâm: Ngoài 3 môn văn, toán, anh các em phải chọn môn có sở trường. Vì Bộ cho phép chọn môn thứ 4. (Đối với trường Đinh Tiên Hoàng, trong những giờ học cơ bản phải nâng giờ cho học sinh để giúp các em ôn tập môn tự chọn của mình)
- Em được biết năm 2015 khác năm trước là việc đăng ký ngành học là sau khi thi THPT quốc gia chứ không đăng ký trước như mọi năm. Vậy cho em hỏi mỗi học sinh sẽ có bao nhiêu nguyện vọng xét tuyển và các trường công bố điểm xét tuyển trước hay sau khi học sinh nộp vào. Nếu trường hợp học sinh nộp vào trường trường công bố điểm xét tuyển sau thì sao học sinh biết trường nào điểm xét tuyển thế nào thì phù hợp với điểm của mình? (Phạm Hoa)
Ông Trần Văn Nghĩa: Quy định về công tác xét tuyển sẽ được đưa vào Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Về nguyên tắc, quy trình xét tuyển phải đảm bảo quyền lợi cho học sinh (cố gắng đảm bảo những học sinh có kết quả cao sẽ không bị trượt), đồng thời đảm bảo để các trường không gặp quá nhiều khó khăn trong công tác xét tuyển. Và Bộ sẽ nghiên cứu áp dụng công nghệ thông tin trong công tác xét tuyển để giảm khó khăn cho trường cũng như học sinh.
- Xin chào bộ GD-ĐT, nếu gộp chung 2 kỳ thi tuyển sinh thì tiêu chí để xét vào đại học sẽ như thế nào? VD: Một trường đại học từ trước tới nay chỉ tuyển sinh khối A, vậy nếu gộp chung thì có lấy điểm của 2 môn văn, anh hay không? Công tác tổ chức tuyển sinh sẽ như thế nào? Thi ngay tại tỉnh mình đang ở hay theo cụm? Cảm ơn Bộ GD-ĐT đã trả lời câu hỏi của tôi. (Đoàn Xuân Tiến)
Ông Trần Văn Nghĩa: Về tổ chức thi, nếu em có nguyện vọng sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, em phải đăng ký dự thi ở một cụm thi do trường đại học chủ trì (tại trường đại học đó).
Các trường đại học sẽ công bố phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi quốc gia (công bố môn thi sử dụng để xét tuyển vào từng ngành). Nếu một trường đại học những năm trước tuyển sinh khối A thì năm nay bên cạnh việc có thể sử dụng các tổ hợp môn khác để xét tuyển, trường vẫn phải sử dụng tổ hợp ba môn là toán, lý, hóa để xét tuyển.
- Các trường được phép tự chủ về tuyển sinh như tổ chức các kì kiểm tra bổ sung bên cạnh kết quả của kì thi quốc gia (hình thức phỏng vấn, kiểm tra năng khiếu, bài viết luận, xét học bạ ở bậc phổ thông....). Vậy xin Bộ giáo dục cho biết các trường có được phép tổ chức thi các môn mà Bộ có tổ chức thi trong kỳ thi THPT quốc gia hay không? (Hà Trung)
Ông Trần Văn Nghĩa: Các trường hoàn toàn có quyền tự chủ trong tuyển sinh, tuy nhiên, để thực hiện tự chủ tuyển sinh thì các trường cần phải xây đựng đề án tự chủ tuyển sinh, và trong đề án phải chứng minh được năng lực thực hiện phương án mà mình đề ra.
Ông Trần Văn Kiên, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng (Bộ GD-ĐT) |
Ông Trần Văn Kiên: Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia bắt đầu từ năm 2015 nên năm 2016 vẫn được giữ ổn định. Nhưng sẽ có những đổi mới về nâng cao chất lượng đề thi: Công tác đề thi được tiếp tục đổi mới theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở, các câu hỏi vận dụng kiến thức tổng hợp liên môn từ dễ đến khó.
- Cách đánh giá tốt nghiệp và xếp loại bằng tốt nghiệp THPT năm 2015 sẽ như thế nào vì kỳ thi còn đảm nhiệm 2 mục đích?
Ông Trần Văn Kiên: Kế thừa những thành công và những ưu điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 kết hợp sử dụng kết quả bốn môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích nếu có để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Đây là một kỳ thi cho tất cả đối tượng dự thi. Vì vậy, học sinh Giáo dục trung học và học viên Giáo dục thường xuyên được công nhận tốt nghiệp đều được cấp một loại bằng tốt nghiệp THPT.
- Với các đối tượng ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng (đạt giải quốc gia, quốc tế…) như mọi năm vẫn phải tham dự thi tốt nghiệp, năm nay có cần tham dự kỳ thi chung này không?
Ông Trần Văn Kiên: Kỳ thi THPT quốc gia kế thừa những thành công và ưu điểm của các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây, nhất là năm 2014.
Những đổi mới của kỳ thi này chủ yếu ở mục đích kỳ thi, cách thức tổ chức coi thi, chấm thi và sử dụng kết quả thi vào xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của thí sinh, các chế độ ưu tiên đã quy định trong quy chế thi tốt nghiệp THPT và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành về chế độ ưu tiên thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế sẽ được tiếp tục áp dụng đối với kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015, cụ thể: Các thí sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2015 và những thí sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi năm 2014 (được bảo lưu) được ưu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ theo đúng quy định trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hiện hành.
Những thí sinh này vẫn phải tham dự kỳ thi THPT quốc gia; chỉ trừ những thí sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực năm 2015 thì không phải tham dự kỳ thi THPT quốc gia.
- Năm học 2014 – 2015, Bộ Giáo dục quyết định tổ chức kỳ thi Quốc gia (2 chung) như thế thì Bộ có hướng ra đề như thế nào để giáo viên và học sinh có hướng dạy, học và ôn tập (nhất là đối với các học sinh tốt nghiệp năm học 2013 - 2014)? Toàn bộ các câu hỏi trong đề thi (chẳng hạn môn Toán) ra nội dung theo kiến thức SGK 12 hay có thể ở SGK 10 và 11 (Ví dụ: Hình học phẳng, lượng giác…)? Các học sinh đã tốt nghiệp năm học 2013 – 2014, nếu năm nay quyết định xét tuyển vào các ngành khối A chẳng hạn thì có cần thiết phải thi lại các môn bắt buộc Văn và Ngoại ngữ không hay chỉ thi 3 môn (Toán, Lý, Hoá). (Hồ Tấn Thoại)
Ông Trần Văn Nghĩa: Đề thi của kỳ thi quốc gia sẽ bám sát chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Cấu trúc đề thi sẽ gần tương tự đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng 2014. Các học sinh tốt nghiệp năm 2013, 2014 nếu có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ngành yêu cầu kết quả thi môn toán, vật lý, hóa học thì các em chỉ cần đăng ký thi 3 môn là toán, vật lý, hóa học.
- Tôi là phụ huynh có con đang học lớp 12. Đề nghị các chuyên gia của bộ GD-ĐT cho tôi được biết năm 2015 các cháu có phải đăng ký nguyện vọng trường đại học, cao đẳng hoặc ngành học trước kỳ thi chung hay sau khi có kết quả thi mới đăng ký? Và nếu đăng ký thì đăng ký như thế nào? Xin cảm ơn các chuyên gia! (Phạm Thành Nam)
Ông Trần Văn Nghĩa: Trong năm 2015, các em sẽ đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng (sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia) sau khi có kết quả thi. Quy trình xét tuyển cũng như cách thức đăng ký xét tuyển sẽ được quy định trong quy chế tuyển sinh, dự định sẽ công bố vào đầu năm 2015.
- Em xin chào tất cả các thầy cô trong ban tư vấn ạ! Em muốn hỏi là : Em sinh năm 1996, năm ngoái em thi không đậu, năm nay em có nhu cầu muốn thi lại vào các trường của Bộ Công an thì sẽ làm đề thi của Bộ ra hay đề thi của trường đó ạ? Cách thức tuyển sinh, thời gian, địa điểm thi có thay đổi gì không ạ? Em rất mong sớm nhận được lời tư vấn từ ban tuyển sinh. Em xin cảm ơn! (Trần Thị Thùy Dung)
Ông Trần Văn Nghĩa: Theo quy định, trước ngày 1/1/2015 tất cả các trường đại học phải công bố phương án tuyển sinh. Nếu trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi chung để xét tuyển, thì em cần phải đăng ký thi ở kỳ thi quốc gia. Nếu trường tổ chức tuyển sinh riêng, thì em đăng ký thi ở trường.
- Em rất thắc mắc ở vấn đề gộp 2 kì thi làm một. Đối với chúng em thi tốt nghiệp là để có điều kiện xét thi đại học. chúng em tập trung ôn vào ban thi của mình. Em thi ban C đồng nghĩa với việc thi văn, sử, địa giờ Bộ đưa ra quyết định như vậy là để vào Đại học chúng em phải tập trung ôn tập ít nhất là năm môn trong khi chúng em đã xác định khối thi trước. Giờ phải thi thêm toán và anh chúng em không đủ thời gian để phân chia lịch học và về toán và anh lực học cũng chỉ đạt mức trung bình. Vậy em rất mong nhận được lời tư vấn. (Hà Ngọc Thủy Tiên)
Ông Trần Văn Nghĩa: Em hình dung, nếu thi như năm ngoái thì em phải thi 4 môn để xét tốt nghiệp và sau đấy em phải thi 3 môn để xét tuyển đại học, cao đẳng, như vậy em phải thi tổng cộng 7 môn. Còn năm nay em chỉ cần thi 5 môn và em có nhiều cơ hội xét tuyển hơn.
- Kính gửi cô Phạm Thị Thu Phương - Giáo viên tuyensinh24/7.com: Việc đổi mới của Bô Giáo dục trong kì thi chung 2015 như vậy, tuyensinh24/7.com có đổi mới phương pháp dạy và học trực tuyến không? Nếu đổi mới, phương pháp đó như thế nào để tạo điều kiện cho chúng em học tập và có kết quả cao trong kì thi 2015 này? (Nguyễn Cao Đạt)
Cô Phạm Thị Thu Phương: Việc thi chung không ảnh hưởng nhiều đến cách ra đề, cấu trúc đề thi về cơ bản vẫn như năm 2013, nhiều khả năng giống đề thi đại học năm trước. Phương pháp đổi mới vẫn đang được áp dụng trên trang trực tuyến 247, chúng tôi sẽ đưa ra những bài dậy hướng dẫn cụ thể kỹ năng và phương pháp làm các dạng bài trong đề văn. Nếu các bạn theo dõi trang 247.com thì sẽ thấy những thay đổi đang được tiếp tục.
- Môn Văn thi ĐH năm nay, phần Văn học nước ngoài, kiến thức trong chương trình lớp 11 có trong đề thi hay không? (Hoài Anh)
Cô Phạm Thị Thu Phương: Nội dung thi vẫn như trước, bao gồm toàn bộ chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12.
Từ trái qua phải là các khách mời: Ông Trần Văn Nghĩa, cô Phạm Thị Thu Phương, ông Trần Văn Kiên |
Ông Trần Văn Kiên: Năm 2014 để xét công nhận tốt nghiệp: Kết quả bốn môn thi (50%) + kết quả điểm trung bình cả năm lớp 12 (50%) + điểm khuyến khích (nếu có); Năm 2015 để xét công nhận tốt nghiệp vẫn giữ ổn định như năm 2014.
- Thưa lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Tôi thấy trong Quyết định số 3538 Phê duyệt Phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015 có thông tin về việc Đề thi sẽ bao gồm 4 cấp độ: Nhận biết, Thông hiểu, Vận dụng và Vận dụng cao. Là một giáo viên đang trực tiếp giảng dạy và đang có con chuẩn bị thi Đại học năm nay xin Bộ trưởng có thể giải thích rõ như thế nào là "Vận dụng cao" để bản thân tôi và con cháu mình có một định hướng khi giảng dạy và học tập. Xin cảm ơn! (Nguyễn Thị Quỳnh Mai)
Ông Trần Văn Kiên: Trong đề thi THPT quốc gia, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Đề thi phải đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh và phải đạt được 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Vì vậy, đề thi phải được đánh giá thí sinh ở cá bốn mức độ: Nhận biết, Thông hiểu, Vận dụng và Vận dụng cao.
- Bản thân là một giáo viên cấp 3 dạy môn Sử nhưng trước những thay đổi này tôi cũng khá lo lắng vì không biết học sinh liệu có quay lưng với môn học của tôi hay không? Nếu ít học sinh lựa chọn Lịch Sử và Địa lý thì liệu chúng tôi sẽ dạy như thế nào? Đời sống của giáo viên Sử chúng tôi vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn phải không thầy? (Phạm Hoàng Hương)
Thầy Nguyễn Tùng Lâm: Lo lắng này rất đúng. Hiện nay, Bộ đi theo hướng tích hợp nhưng số học sinh theo học môn xã hội được gom cụ thể nên không lo không có học sinh lựa chọn Lịch sử. Tuy nhiên, giáo viên dạy môn Sử phải dạy học sinh phương pháp tự học, cố gắng cho học sinh thấy kiến thức lịch sử rất cần thiết. Thầy phải biết tạo hứng thú cho học sinh.
- Tôi hiện đang công tác tại một trường cấp 3 khá nhỏ bé ở tỉnh lẻ. Tôi muốn xin hỏi cụ thể với những thay đổi lần này, trường Đinh Tiên Hoàng thầy đang làm hiệu trưởng có thay đổi gì về cách dạy và học không? (Phạm Đức Dũng)
Thầy Nguyễn Tùng Lâm: Chúng tôi đang thay đổi và thay đổi nhiều. Đề thi hiện nay mở, học sinh ngoài năm kiến thức cơ bản phải biết vận dụng. Hiện tại trường Đinh Tiên Hoàng đang giúp học sinh xây dựng sơ đồ tư duy ở tất cả các bộ môn, nhưng chủ yếu vẫn là 3 môn cơ bản.
- Hiện tại tôi cũng đang có con học lớp 12 tại Nam Định. Tuy nhiên học lực của cháu chỉ ở mức trung bình. Liệu tôi có nên có cháu thi theo cụm để lấy kết quả xét đại học hay chỉ thi tại địa phương để lấy kết quả tốt nghiệp. Nhiều thành viên trong gia đình tôi biết sức học của cháu nhưng vẫn muốn cháu cố gắng thi đại học. Như vậy liệu có quá sức cho các cháu không, thưa thầy? (Mai Hương)
Thầy Nguyễn Tùng Lâm: Chính bản thân cháu sẽ giải đáp được điều này. Giờ mới đầu năm, nếu có quyết tâm, biết cách tự học thì sẽ vượt qua. Không nên học thuộc lòng theo kiểu cũ.
- Tôi là một phụ huynh có con đang học lớp 12. Tôi cảm thấy rất lo lắng vì cháu dự định sẽ thi ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương. Không biết năm nay môn Văn của khối năng khiếu sẽ thi như thế nào? (Nguyễn Văn Thanh)
Cô Phạm Thị Thu Phương: Môn văn vẫn sẽ nằm trong đề thi THPT Quốc gia
- Em muốn đăng ký thi vào ĐH Quốc gia Hà Nội, được biết trường có đề án riêng thi theo bài. Nếu em đăng ký thi vào trường này có cần thi tốt nghiệp trong kỳ thi chung nữa không?
Ông Trần Văn Nghĩa: Để thực hiện tuyển sinh riêng, ĐHQG Hà Nội cần xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh. Trong đề án sẽ đề cập cụ thể về vấn đề này và Bộ sẽ hỗ trợ cho ĐHQG để hoàn thiện đề án.
- Em là thí sinh dự thi khối năng khiếu, như mọi năm chúng em sẽ thi môn Văn theo đề của khối C. Xin hỏi thay đổi này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các thí sinh như em?
Ông Trần Văn Nghĩa: Đối với các khối thi năng khiếu, ngoài việc phải thi các môn năng khiếu do trường tổ chức, em cần phải thi môn văn hóa của kỳ thi quốc gia hoặc xét tuyển môn văn hóa dựa trên kết quả học tập ở THPT, tùy thuộc vào quy định của trường trong đề án tự chủ tuyển sinh.
- Nếu học sinh thi khối A thì thêm lý, hóa. Vậy là thi được 3 khối sao? (A,A1,D1), dự là năm nay có người đậu 3 trường đại học?
Ông Trần Văn Nghĩa: Nếu em đăng ký thi môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ, lý, hóa để thi thì em có thể được xét không chỉ là khối A,A1,D1 như trước kia mà tùy theo yêu cầu cụ thể của trường đại học em có thể đăng ký xét tuyển vào các ngành sử dụng kết quả của các tổ hợp môn khác, ví dụ như toán, hóa, ngoại ngữ hoặc toán, văn, lý; toán, văn, hóa…
- Em hộ khẩu ở Huế và đã tốt nghiệp 2014 tại trường cấp 3 ở Huế. Cho em hỏi nếu em thi lại đại học năm 2015 thì sẽ thi ở cụm nào? Huế có phải là một cụm thi chính không? (Phạm Tâm)
Ông Trần Văn Nghĩa: Hiện nay Bộ đang thiết kế phương án tổ chức các cụm thi, và sẽ công bố công khai. Em sẽ sớm có thông tin về vấn đề này.
- Kỳ thi này, học sinh có phải đóng lệ phí không? Theo thông lệ là kỳ thi tốt nghiệp THPT thì không phải đóng phí. Đề nghị Bộ đăng tải lên website toàn bộ đề án, hoặc hướng dẫn chi tiết. (Lê Văn Khiêm)
Ông Trần Văn Nghĩa: Những học sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp sẽ không phải nộp lệ phí, còn những học sinh đăng ký dự thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng phải nộp lệ phí. Những nét chính về công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đã được Bộ công bố. Những vấn đề còn lại của kỳ thi quốc gia này sẽ được đưa vào quy chế và các văn bản hướng dẫn. Bộ sẽ công khai các văn bản này.
Nguồn:
Link bài viết gốc