Vào sáng thứ Bảy (09/11/2024) vừa qua, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đã tổ chức buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Cha mẹ học sinh khối 6 và 7 với chủ đề "Kết nối yêu thương - Hiểu và giao tiếp với con cái tuổi mới lớn". Đây là một hoạt động quan trọng trong chương trình giáo dục học sinh và kết nối với gia đình, nhằm thắt chặt mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, đặc biệt trong giai đoạn tuổi mới lớn - thời kì mà trẻ thường gặp nhiều thay đổi về tâm sinh lí.
Thấu hiểu tâm lí trẻ mới lớn
Đến với chương trình, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành vinh dự được đón hai chuyên gia về lĩnh vực Tâm lí học đường: TS. Ngô Thị Thanh Mai - Giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam và TS. Nguyễn Thị Mai Hương - Giảng viên khoa Công tác Xã hội (Đại học Sư phạm Hà Nội).
Cha mẹ học sinh thường gặp nhiều khó khăn khi đồng hành cùng con, đặc biệt ở độ tuổi 11, 12, khi trẻ em có nhiều thay đổi về mọi mặt. Vì thế, buổi sinh hoạt CLB mong muốn có thể giúp cha mẹ thấu hiểu thêm và có những biện pháp kết nối với các con nhiều hơn. Tại buổi sinh hoạt, TS. Phạm Sỹ Cường - Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cha mẹ hiểu và giao tiếp được với con cái ở độ tuổi dậy thì.
TS. Phạm Sỹ Cường - Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định tầm quan trọng của việc kết nối giữa phụ huynh và học sinh
Đến với chương trình, cha mẹ được thực hiện một bài khảo sát nhanh về những khó khăn của con ở độ tuổi này, phần lớn học sinh thường gặp trở ngại về giao tiếp, học tập, hành vi, giới tính và cảm xúc của mình. Có kinh nghiệm trong lĩnh vực tâm lí học đường, hai diễn giả Thanh Mai và Mai Hương đã giúp các bậc phụ huynh hiểu thêm về những thay đổi của con, để từ đó, chính cha mẹ cũng có thể đưa ra phương pháp giao tiếp, điều chỉnh hành vi của con sao cho phù hợp. Theo hai tiến sĩ, điều quan trọng nhất là cha mẹ biết giữ bình tĩnh, tránh nổi nóng, luôn phải nhẹ nhàng và động viên con thường xuyên.
Cha mẹ tích cực chia sẻ những khó khăn và những biện pháp giao tiếp với con ở độ tuổi 11 và 12
Học cách chấp nhận và thay đổi
Những đứa trẻ mới lớn thường rất nhạy cảm, chúng thường dễ có những cảm xúc tiêu cực khi phải nhận những lời nói, hành động gây tổn thương. Hiểu được điều đó, một trò chơi đã được tổ chức cho các phụ huynh, để hiểu được những câu nói cha mẹ thường nói với con cái đã có sức tổn thương như thế nào. Đôi khi cha mẹ không kiểm soát được lời nói của mình, nhưng những đứa con lại là những người tổn thương nhất. Trò chơi không chỉ mang lại tiếng cười, mà sâu xa hơn, nó khiến các bậc phụ huynh nhận ra lời nói và hành động của mình có thể ảnh hưởng sâu sắc tới con và học cách thay đổi.
Những con búp bê giấy không còn lành lặn sau những lời nói gây tổn thương
Hiểu được những khó khăn khi nuôi dạy con cái, cha mẹ đã thay đổi để cùng đồng hành và hỗ trợ con bằng phương pháp thiền - yêu thương và bình an. Thiền là một cách giúp ta tập thở, bình tĩnh hơn để giải quyết vấn đề. Phương pháp này rất hữu dụng với cha mẹ học sinh, đặc biệt là những lúc chuẩn bị “sôi máu” với con. Một phụ huynh chia sẻ: “Sau khi tập thiền, tôi cảm thấy rất thư thái và có lẽ tôi sẽ áp dụng bài tập này mỗi khi stress trong công việc, cuộc sống và khi cáu với con”.
Khoảng không gian tĩnh lặng, thả lỏng tâm trí với bài tập thiền
PGS.TS Lê Thị Mai Oanh, Th.S Lê văn Cường - Phó Hiệu trưởng Nhà trường gửi lời cảm ơn chân thành tới hai diễn giả
Buổi sinh hoạt diễn ra thành công với sự hướng dẫn của hai diễn giả tâm huyết, sự đồng hành của BGH Nhà trường và các GVCN
Buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Cha mẹ học sinh khối 6 và khối 7 với chủ đề “Kết nối yêu thương - Hiểu và giao tiếp với con cái tuổi mới lớn” đã mang lại những kiến thức bổ ích về giáo dục và làm bạn với con cái, đồng thời truyền cảm hứng cho cha mẹ học sinh trong quá trình đồng hành cùng con trên chặng đường phát triển. Nhà trường cũng cam kết sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều buổi sinh hoạt có giá trị để hỗ trợ phụ huynh trong việc nuôi dạy con cái. Buổi sinh hoạt đã kết thúc trong sự hào hứng và kì vọng của tất cả phụ huynh về những thay đổi tích cực trong mối quan hệ gia đình.
Bài viết: Nguyễn Thanh Mai (11D1)
Ảnh: Nguyễn Bảo Linh (10D4)