Nhật Bản được biết đến là một trong những quốc gia có nền giáo dục phát triển bậc nhất Châu Á. Với sự hợp tác quốc tế của trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành và trường THPT Omiyaki (Nhật Bản), học sinh của ngôi trường mang tên Bác đã có cơ hội trải nghiệm môi trường học tập hiện đại và tiên tiến của đất nước Mặt trời mọc.

Hai học sinh vinh dự được trường Nguyễn Tất Thành lựa chọn làm “sứ giả” đến Nhật Bản là bạn Trịnh Đình Minh (11N1) và bạn Chu Gia Khánh (11A1). Hai bạn đã có một chuyến đi kéo dài 5 ngày (23/12 - 28/12) đến tỉnh Miyaki (Nhật Bản). Ngoài hai đại diện của ngôi trường mang tên Bác, chương trình trao đổi học sinh lần này còn có thêm hai học sinh từ trường THPT Cao Bá Quát và hai học sinh đến từ trường KSHS (Đài Loan). Đây không chỉ là cơ hội để các học sinh giao lưu văn hóa, kết bạn quốc tế mà còn đem tới những kinh nghiệm thiết kế mô hình giảng dạy hiện đại và thực tiễn. Hãy cùng theo chân hai “sứ giả” của chúng ta để đến với không gian học tập hiện đại ở Nhật Bản nhé!


Chu Gia Khánh (trái), Trịnh Đình Minh (phải) và cô giáo Lê Thị Thanh Huyền
chụp hình cùng thầy Phó Hiệu trưởng của trường Omiyaki

Ngày đầu tiên đặt chân đến Nhật Bản, hai bạn đã được chào đón nồng hậu bởi các học sinh Nhật Bản qua chương trình “Welcome Ceremony”. Tại đây, đại diện từ các trường sẽ làm quen và giao lưu với nhau. Qua đó, các học sinh có cơ hội chia sẻ về đặc trưng văn hóa, xã hội của nước mình cũng như có thêm hiểu biết về nền văn hóa đặc sắc của các nước bạn. Để chương trình thêm sôi động, các học sinh còn tham gia trình diễn tài năng, Đình Minh hào hứng kể lại: “Các bạn học sinh Nhật Bản giỏi vô cùng! Ban đầu chỉ là một bạn chơi nhạc cụ truyền thống, lúc sau có thêm vài bạn nữa hát và nhảy những bài hát pop nổi tiếng. Một sự kết hợp tuyệt vời giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại!”. Bên cạnh đó, hai đại diện của trường Nguyễn Tất Thành cũng đã thể hiện những năng khiếu rất riêng trong buổi gặp mặt: “Bạn Gia Khánh đánh đàn, còn mình thì vẽ sơn mài trên nền nhạc ấy”.


Các học sinh Nhật Bản rất thân thiện tại buổi Welcome Ceremony

Trải nghiệm học tập đầu tiên của các học sinh là tham dự giờ giảng về quá trình lên men của vi sinh vật ở trường Đại học Miyazaki. Các học sinh có cái nhìn toàn diện về sự lên men từ lịch sử, cơ sở và cách phân biệt các loại thực phẩm lên men và không lên men qua sự giảng dạy tận tình của giáo sư Nhật Bản. Qua đó, các bạn cũng có thêm hiểu biết về văn hóa làm đồ ăn lên men của các hộ gia đình tại Nhật. Khép lại buổi học, các học sinh được ăn bữa trưa giao lưu với các sinh viên Việt Nam đang học tập và làm việc tại trường Đại học để chia sẻ những kinh nghiệm du học, làm việc tại Nhật Bản.


Buổi học về quá trình lên men tại Đại học Miyazaki


Các “tiền bối” tại trường Đại học rất cởi mở khi giao lưu với các em học sinh

Trong các buổi chiều, cùng với học sinh trường Omiyaki, đoàn học sinh trao đổi còn được tham gia các giờ học thực hành tại phòng thí nghiệm của trường. Tại đây học sinh được học cách tạo ra một môi trường phù hợp nhất để nuôi cấy các vi sinh vật sử dụng trong quá trình lên men đồ ăn. Đình Minh kể lại: “Ở Nhật, các học sinh được tự do sử dụng các loại thiết bị trong phòng thí nghiệm phục vụ cho quá trình học tập. Điều kiện cơ sở vật chất phòng thí nghiệm không bị hạn chế nên các tiết học thực hành giúp cho học sinh có cái nhìn thực tiễn về bài học”.

 

Giảng viên Đại học tận tâm hướng dẫn đoàn học sinh Việt Nam trong phòng thí nghiệm

Hai học sinh của Đoàn trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành vô cùng ấn tượng với nền giáo dục của Nhật Bản. Hai bạn chia sẻ: “Thay vì học rất nhiều các chương trình lí thuyết, các trường học của Nhật Bản giao cho học sinh nghiên cứu các dự án khoa học của riêng mình. Vào các buổi chiều, các học sinh trường Omiyaki có những buổi thảo luận theo nhóm để thực hiện sản phẩm nghiên cứu của mình. Đó không cần phải là những sản phẩm quá to lớn, có bạn nghiên cứu về “Phương pháp giảm stress bằng cách đọc sách”, có bạn lập “Biểu đồ nghiên cứu về các vùng chịu nhiều thiệt hại về địa chấn nhất tại Nhật”.

 

Các buổi thảo luận nghiên cứu khoa học giúp cho học sinh phát huy sức sáng tạo và tư duy


Cùng tạo nên những kỉ niệm đẹp với các bạn học sinh Nhật Bản

Vào những ngày cuối, các học sinh được đến tham quan các nhà máy sản suất các sản phẩm nông nghiệp tại tỉnh Miyaki. Các học sinh được tận mắt chứng kiến những quy trình sản xuất sản phẩm lên men, từ đó có thể đối chiếu với kiến thức mình đã được học.

Một chuyến đi chỉ vỏn vẹn năm ngày, nhưng cũng đủ để hai “sứ giả” của trường Nguyễn Tất Thành học hỏi và trao đổi kinh nghiệm về phương pháp học tập tiên tiến tại Nhật Bản. Bạn Đình Minh đã dành tặng những lời khen cho mô hình giáo dục tại Nhật Bản: “Đây là trải nghiệm học tập thú vị nhất từ trước đến nay của mình! Mô hình dạy học ở Nhật không chỉ hiện đại, thông minh mà còn gợi lên hứng thú học tập cho các học sinh. Điều mình thích nhất là mỗi tuần các học sinh Nhật chỉ học duy nhất về một chủ đề thôi, nhưng các bạn sẽ được học rất sâu về nó, nắm vững cả lí thuyết lẫn thực hành. Nên là, học đâu là nhớ đấy, không lo học trước quên sau. Mình hi vọng trong tương lai, giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục tại trường Nguyễn Tất Thành nói riêng cũng có thể thử nghiệm mô hình này để đem đến cho học sinh trải nghiệm học tập mới, đa chiều, dễ tiếp thu!”.

Trường cấp ba Omiyaki đã để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với hai đại diện học sinh của trường Nguyễn Tất Thành. Đây là một trải nghiệm tuyệt vời, một chuyến đi mở ra cánh cửa của nền tri thức mới. Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành còn rất nhiều các chương trình trao đổi học sinh với các đối tác quốc tế khác nhằm thúc đẩy tinh thần học tập và đẩy mạnh tinh thần giao lưu văn hóa giáo dục đa quốc gia cho các các bạn học sinh tại ngôi trường mang tên Bác.

Bài viết: Đồng Thúy Quỳnh (11N1)

Ảnh: Trịnh Đình Minh (11N1)