Nếu ngày mai phải ra đi

Ta sẽ để lại gì ?

- Nhiên ơi, tớ chất đồ đâu vào đấy cả rồi, cậu lên xe đi!

Một giọng nam rắn rỏi vang lên từ trong chiếc xe khách, chiếc biển nho nhỏ treo lủng lẳng trước xe ghi bốn chữ vàng rực: Hà Nội - Hải Phòng. Chàng trai đó hình như chỉ gọi duy nhất tên của một cô gái, nhưng sau đó có đến ba, bốn cô cùng đáp lại: “ Ờ, lên liền!” rồi rồng rắn kéo nhau len vào chiếc xe nhỏ chật hẹp có những chiếc ghế với lớp vải bọc đã sờn cũ theo năm tháng.

Cậu trai cao lớn, tóc chạm trần xe thở dài nhưng khóe môi vẫn nhếch lên nụ cười quen thuộc, nhẹ nhàng dúi vào tay cô bạn chỉ cao đến ngang ngực cậu ta chiếc túi chứa những quả cam mọng nước:

- Cam tớ và Trang mới mua sang nay. Cậu ăn cho đỡ say. Nếu có say quá thì cứ lấy bao nilon tớ kẹp sau ghế mà dùng.

Cô gái tên An Nhiên cười tít mắt, đáp:

- Cám ơn hai cậu nhé, tớ nhớ rồi. Chắc tớ sẽ ăn hết chỗ cam này trước khi đến bến xe mất.

- Nhiên à, bọn tớ rất tiếc. Lần này không thể về thăm cậu ấy được mất rồi. Cậu thay bọn này làm nốt phần việc còn lại nhé, nhớ nhắn với cậu ấy rằng Tết bọn này nhất định sẽ về, hứa đấy!

Cô bạn vừa cất lời có nước da trắng trẻo và thân hình bụ bẫm. Bình thường vẫn tỏ ra trẻ con là thế, nhưng giờ đôi mắt lại đang như chứa nước, cảm giác chỉ cần chạm nhẹ thôi cũng sẽ trào ra lênh láng. Thấy bạn như vậy, ba con người còn lại cũng theo đó mà sụt sùi.

Tiếng bác tài ở đầu xe văng vẳng vang lên thông báo xe sắp chuyển bánh. Vẫy tay chào tạm biệt bạn mình, dõi theo ba cái đầu nhấp nhô rồi khuất hẳn trong dòng người đông đúc bên kia đường, Nhiên mới cho phép mình đặt lưng xuống ghế, mắt vẫn hướng ra ngoài cố nắm bắt những bóng dáng quen thuộc lần cuối.

- Cháu ơi, cháu có thể cho bà để nhờ túi vải này được không? Vải nặng quá, bà không xách nổi, mà người ta thì không cho để vải lên tủ đồ.

Một bà cụ tầm sáu mươi tuổi, tóc hoa râm được búi cao lên bằng chiếc trâm hình cánh phượng, vẻ mặt phúc hậu khẽ hỏi:

- Dạ được ạ. Bà để cháu xách giùm cho.

Vừa nói, cô vừa nâng túi vải trên tay bà cụ đặt lên đùi mình. Mùi vải thơm thế này, chắc cũng phần nào giúp cô bớt say.

- Cảm ơn cháu nhé. Cháu tốt quá. À, mấy cô cậu lúc nãy là bạn cháu phải không? Cháu thật thật may mắn khi có những người bạn tốt như thế.

Làm bạn với nhau suốt thời trung học phổ thông, không thể phủ nhận rằng tình bạn giữa bốn đứa thực sự rất bền chặt. Dù ra trường đã ba năm nhưng vẫn thường xuyên ghé nhà nhau chơi, lâu lâu lại rủ nhau đi xem phim, uống nước chuyện trò, kể cho nhau nghe những câu chuyện về cuộc sống, con người nơi mình đã đến và trải nghiệm, cùng khóc, cùng cười và an ủi lẫn nhau. Đúng rồi, chẳng phải cô được như bây giờ là nhờ cậu ấy cả sao? Cậu ấy….

- Này cháu, cháu gì đó ơi, cháu về quê thăm bố mẹ à?

Giọng nói của bà cụ kéo Nhiên ra khỏi mông lung suy nghĩ. Cô giật mình, nhưng kịp lấy lại bình tĩnh, tươi cười trả lời:

- Không phải đâu ạ. Cháu về thăm bạn, bà ơi!

- Người bạn đó rất đặc biệt với cháu có phải không?

An Nhiên không trả lời câu hỏi ấy của bà cụ, vì ngay thời điểm mà câu hỏi được đặt ra, những dòng kí ức về người đã làm thay đổi cả cuộc đời cô sau này bất chợt ùa về và quấn lấy cô, nhấn chìm cô, ào ạt nhưng đượm buồn…

-------o0o--------

Ai cũng nói An Nhiên thời còn đi học và An Nhiên bây giờ là hai người hoàn toàn khác nhau.

An Nhiên thời còn đi học luôn mang một bộ mặt rầu rĩ và thảm thương đến sợ. Mái tóc đen như chưa từng được chải chuốt kĩ lưỡng buông xõa ngang vai, đôi mắt thâm quầng do nhiều đêm mất ngủ và gò má thì hốc hác tưởng như cô chỉ ăn mì gói để sống qua ngày. Chiếc váy cô mặc luôn ở trong tình trạng nhàu nát đến nỗi bất cứ giáo viên vào nhìn vào cũng chau mày. Thầy cô nhắc nhở cô, cô không hề để tâm tới. Bạn bè quan tâm lo lắng hỏi han cô, cô cũng coi như chẳng hề nghe thấy. Cô ghen tức với họ, những người bạn hằng ngày vẫn được cha mẹ đưa đón tới trường, mua bánh mì cho ăn, dúi vào tay con những chai sữa đậu nành nóng hổi và hôn lên má con. Cô cứ mãi tự trách ông trời sao mình không thể được may mắn như bạn bè. Chẳng phải mỗi đứa trẻ sinh ra trên đời đều cần lắm đến sự yêu thương, quan tâm của cha mẹ hay sao? Nhưng sao cô không thể có được. Những người mà cô đã từng cất tiếng gọi là cha, là mẹ lại bỏ rơi cô, họ từ lâu đã không hề quan tâm đến đứa con ấy. Họ ra đi tìm hạnh phúc khác cho riêng mình, tìm những đứa con khác có thể giúp họ xoa dịu bớt đi nỗi buồn đau của mối tình trước, mà không có cô. Họ có biết không, rằng mỗi tối cô đều bật dậy khỏi giường, mồ hôi đầm đìa khi cố thoát khỏi những cơn ác mộng bám lấy hằng đêm. Lúc đó cô chỉ ước sao họ trở về bên cô, cha cô ngồi bên giường hôn lên trán cô, mẹ cô ôm cô vào lòng vỗ về : “Không sao đâu con, không sao đâu.” Nhưng tất cả chỉ là ảo tưởng. Và chiếc chăn đêm ấy lại ướt đẫm nước mắt.

Cô chỉ đang cố gắng tồn tại. Cố gắng bám víu lấy những mộng tưởng cuối cùng.

Cho đến khi cô gặp cậu. Người bạn cùng lớp mà cô chưa từng để mắt đến. Ngay đến cái tên cậu cô cũng không biết. Nhưng cô biết, cậu đã không màng đến tính mạng mình mà lao ra bồng đứa bé sắp bị chiếc xe ô tô đâm phải. Em bé vẫn bình an, nhưng cậu đã phải đánh đổi chính cuộc sống và tương lai mình để giữ lấy sinh mạng nhỏ bé đó. Cậu bị chấn thương não, những chức năng trên cơ thể dần yếu đi, cậu phải ngồi xe lăn và bác sĩ nói rằng cậu sẽ không sống được lâu nữa.

Cậu ngồi đó, dưới gốc phượng vĩ già, ngắm nhìn hoa rơi và mân mê những cánh hoa mỏng dính màu đỏ thẫm đầu tiên ấp lên vai. Da mặt cậu giờ tái nhợt thay cho nước da hồng hào trước đó, đôi mắt từng tràn đầy sức sống giờ đây thường nhìn xa xăm vào cõi mông lung, nghĩ ngợi thật lâu. Cậu nói với cô rằng cậu sẽ không hối hận đâu, khi đã cứu đứa trẻ đó. Giấc mơ của cậu là được trở thành một bác sĩ giỏi, chữa bệnh cứu người. Nếu ngay cả sinh linh bé nhỏ trước mặt cũng không cứu được thì cậu còn mặt mũi nào mà khoác tấm áo blues trắng lên người nữa.

Lớp 11D thương cậu, ngày nào cũng có đứa mang nào là bánh, nào là kẹo thơm phức lên lớp, dấm dúi suốt giờ học, có đứa đói chảy cả nước dãi cũng cố kìm lại để đợi đến giờ ra chơi đưa cho cậu. Thế là ngày nào lớp cũng phải cử một, hai đứa đưa cậu về, đứa thì đẩy xe lăn, đứa thì xách kẹo.

Cậu nói muốn đi thăm hết thảy nhà tất cả những đứa trong lớp để sau này “đi nơi khác” còn có cái để kể cho bạn bè nơi đó nghe. An Nhiên cũng bị kéo đi. Là cậu muốn thế. Nhưng vì cậu nên cô không nói gì mà chỉ ậm ừ lẽo đẽo đi theo. Nhà thằng Hà nghèo nhất lớp. Ngày nào đi học về nó cũng phải tất tả xách xe đi lấy nước gạo cho mẹ. Sáng tinh mơ đã cùng mẹ ra chợ bày hàng để bán. Bố nó mất lâu rồi, mất từ hồi nó còn bé xíu. Nó luôn bảo phải cố gắng học hành, sau này có cái nghề kiếm tiền đỡ mẹ. Gia cảnh nhà cái Trang cũng không hơn Hà là mấy. Bố Trang ốm liên miên, mẹ nó còn phải thế chấp nhà để lấy tiền thuốc thang cho bố nó. An Nhiên ngạc nhiên lắm khi biết được còn có người giống cô. Đó là Ngọc. Bố mẹ nó cũng li hôn, bỏ đi khi nó mới lên năm, thế là nó sống với bà từ đó đến giờ. Bà Ngọc giờ đã già yếu, đến nỗi mỗi khi bà muốn đi đâu cũng phải nhờ nó đỡ đi. Nó và bà sống nhờ vào tiền trợ cấp của huyện, cực lắm.

Đi mới biết, nhìn mới biết đâu phải mỗi cô là người đau khổ nhất. An Nhiên biết mình còn có ngôi nhà tử tế để ở, có cô chú thường xuyên đến thăm, có bác giúp việc ngày nào cũng làm cơm đợi cô về. Vậy mà cô lại đi ghen tị với bạn bè, những người đang phải sống và chiến đấu hàng ngày, với người bạn vẫn đang chống chọi với cái chết rình rập từng giây, từng phút mà con tim vẫn tràn đầy tình yêu và lòng nhân ái.

Một lần, An Nhiên dồn hết can đảm đề nghị với lớp về giải bóng đá cấp chi đội. Đơn giản vì cậu thích bóng đá, cô biết điều đó vì tình cờ đọc được những trang nhật kí còn đang viết dang dở của cậu. Điều đó tưởng chừng sẽ không bao giờ thực hiện được với cậu bé phải chôn mình trên chiếc xe lăn, nhưng cô biết, nếu là cô và cả lớp, nhất định, nhất định ước mơ đó hoàn toàn không phải là viển vông. Giải bóng đá được chuẩn bị bí mật chỉ trong một tuần, được thầy chủ nhiệm ủng hộ hết mình và được các lớp khác giúp đỡ nhiệt tình. Ngày An Nhiên đẩy chiếc xe lăn của cậu ra dưới hàng phượng vĩ đỏ rực, cũng là lúc cậu bật khóc như đứa trẻ con. Cô cũng khóc. Có lẽ, đây là lần cuối cùng lớp cô và 11D có thể được chơi đùa cùng cậu. Họ khoác cậu lên hai vai, chuyền cho cậu những quả bóng và reo hò mừng rỡ khi quả bóng yếu ớt cuối cùng cũng lăn được vào lưới. Quả bóng đó, giờ cô vẫn còn giữ lại. Cô cũng không biết vì sao. Nhưng mỗi khi nhìn thấy quả bóng tròn còn in những vết chân và những giọt mồ hôi ấy, cô lại nghĩ đến những con người khi đang đối mặt với cái chết, cho dù họ biết thần chết có thể tóm lấy và mang họ đi bất cứ lúc nào, họ vẫn chiến đấu, điều đó, chẳng phải rất tuyệt hay sao?

Sau hôm đó, cái hôm mà cả lũ có thể nằm dài ra sân bóng, cùng cười với nhau và cùng ngắm ánh mặt trời đang tỏa sáng rực rỡ, cũng là lúc cậu phải nằm viện suốt. Mỗi khi cô đến thăm, cậu đều than thở rằng cậu nhớ lớp, nhớ bạn bè lắm, cậu muốn được đi đá bóng với mọi người thật nhiều, nhiều hơn nữa. Cậu vui vẻ kể với cô về những cô y tá, vị bác sĩ trong bệnh viện, những người đã tốt với cậu đến mức nào. Cậu giới thiệu với cô những đứa trẻ hay vào thăm và chơi đùa cùng cậu. Lúc nào cũng vậy, cậu luôn tươi cười như thế, huyên thuyên như thế, giống như cậu chỉ là một bệnh nhân bị què chân và vui sướng muốn vào bệnh viện để được nghỉ học. Nhưng cô biết chứ, cô biết đằng sau bộ mặt ấy của cậu cốt muốn làm cô vui, là những giọt nước mắt đớn đau mà hàng đêm cậu phải chịu đựng bởi thuốc men, hóa trị, và bởi chính khát khao được sống của cậu nữa.

Có lần cô đã buột miệng nói với cậu: “Uớc gì mình có thể chết đi để cậu được sống. Cậu còn ông bà, bố mẹ những người yêu thương và chăm lo cho cậu. Cậu còn bạn bè, những người vẫn đợi cậu về. Còn mình thì…”. Lúc đó cậu chỉ cười. Nụ cười hiền như thiên thần. Nụ cười ấy làm cô bất giác đỏ mặt. Về sau, cô không hề đề cập đến những điều ấy nữa. Và cậu cũng vậy.

Trong đời An Nhiên, chưa từng phải trải qua những ngày buồn thảm kéo dài đến như thế. Nó còn đau gấp vạn lần khi cha mẹ bỏ rơi cô. Cậu đã đi mất rồi. Chưa kịp chào từ biệt 11D. Cậu ra đi vào một ngày mưa tầm tã, mẹ cậu gọi điện báo tin đến lớp và lũ trẻ chỉ biết ôm nhau khóc. Những ngày tang cậu, cô thấy gương mặt mẹ cậu hốc hác đi rất nhiều, đôi mắt bác sưng húp. Cô đến và ôm bác vào lòng, bác cũng ôm lại cô, cô và bác lại cùng khóc. Ông trời có lẽ bị chìm đắm trong cảnh tang ấy mà sinh rầu rĩ, vì những ngày mưa to như trút nước kéo dài rất lâu, cho đến một vài ngày sau tang mới ngừng hẳn.

Ai cũng bảo An Nhiên bây giờ khác xa ngày xưa nhiều lắm. Cô không còn lủi thủi một mình như trước, giờ đây bên cạnh cô luôn có những người bạn, những người mà cô muốn bảo vệ và cầu mong họ hạnh phúc. Cô không còn đi trên con đường sỏi đá mà người khác ép cô phải đi, cô chọn cho mình một con đường và vững tin bước trên con đường ấy, vì cô biết, cậu vẫn ngày ngày mỉm cười dõi theo…

-------o0o-------

Nghĩa trang Lam Sơn buổi chiều vắng bóng người. Cô tìm đến ngôi nhà màu trắng nơi cậu nằm, đặt tại đó một cành hoa màu đỏ và những trang thư và các bạn lớp 11D viết cho cậu. Cậu ở nơi đó chắc đang hạnh phúc lắm, bởi cô cũng đang sống thực sự rất hạnh phúc…

An Nhiên luôn thầm cảm ơn cậu, và cảm ơn cuộc đời đã mang cậu đến với cô. Dù khoảng thời gian đó chỉ như một tích tắc, nhưng cô sẽ mãi trân trọng tích tắc nhỏ nhoi đó. Cô cũng không giữ riêng cho mình đâu, mà cô sẽ mang tặng chúng cho những bệnh nhân của cô, để họ biết được rằng những tích tắc tuy bé nhỏ nhưng kì diệu có thể làm thay đổi cuộc đời của họ đến nhường nào.

24/08/2013.


Nguyễn Diệu Trinh 11D2