Bảo vệ và gìn giữ môi trường sống là vấn đề vô cùng bức thiết đối với toàn nhân loại. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức thấu đáo và có hành động kịp thời.


Ảnh: Google Images

Vì sao tất cả chúng ta, với tư cách là một loài sinh sống trên Trái Đất, cần phải bắt đầu có thái độ nghiêm túc với trọng trách bảo vệ môi trường?

Trên thực tế, lí do vô cùng đơn giản: hành tinh mà chúng ta đang sinh sống, thực chất hoàn toàn không cần sự bảo vệ của loài người. Khẳng định này có vẻ đi ngược lại với tinh thần đã được xác định ở trên, nhưng nếu chúng ta xét về quá trình hình thành và phát triển của sự sống trên Trái Đất, ta sẽ thấy rằng tuy nhân loại là một giống loài rất đặc biệt nhờ trí tuệ phát triển, chúng ta vẫn chỉ vô cùng nhỏ bé. Cho dù chúng ra có đủ vũ khí hạt nhân để thổi bay bề mặt Trái Đất đi chăng nữa, sự sống sẽ luôn luôn tìm được cách tồn tại (tuy nhiên điều này không có nghĩa là chúng ta có thể yên tâm với những phát minh tai hại này). Thực chất, từ khi sự sống mới hình thành, đã có tới không phải một, mà là năm sự kiện tuyệt chủng lớn trên quy mô toàn hành tinh, và tất cả chúng đều xảy ra do những nguyên nhân khách quan. Chúng ta hoàn toàn có lí do để tin chắc rằng một sự kiện như thế này sẽ lặp lại trong tương lai, cho dù có thể còn rất xa, thậm chí là sau khi loài người hoặc là đã biến mất hoàn toàn, hoặc là đang không chỉ sinh sống trên quê hương Trái Đất. Nói tóm lại, loài người không phải là mối lo đối với thiên nhiên, mà ngược lại, chính thiên nhiên mới có toàn quyền định đoạt vận mệnh của những thứ sống trong nó, bao gồm toàn thể nhân loại. Và tuy ta nói rằng loài người bảo vệ môi trường, thực chất, chúng ta làm thế không vì mục đích nào khác ngoài để bảo vệ chính bản thân mình, hay cụ thể hơn là để đảm bảo nhân loại không tự kết liễu chính mình bằng cách phá hủy môi trường sống của mọi loài mà trong đó không thể quên kể đến chính chúng ta.

Những quy luật chung đều đã được khái quát, giờ là lúc chúng ta nhìn vào thực tế xung quanh chúng ta. Và khi nói về “xung quanh chúng ta”, tôi thực sự mong các bạn nhìn xung quanh nơi mình sinh sống chứ không nhất thiết phải tưởng tượng ra một cánh rừng nguyên sinh đang bị chặt phá với tốc độ chóng mặt ở nơi nào đó khác trên Trái Đất (trừ khi bạn sống gần một khu rừng như vậy). Bởi đó là nơi gần các bạn nhất, là nơi các bạn có thể trực tiếp quan sát thực trạng, cảm nhận tác động của nó, và quan trọng hơn cả là làm điều gì đó với những điều quan sát, cảm nhận được.

Là một người học sinh có quê hương ngay tại Hà Nội, khi nhìn quanh, tôi thấy một Thủ đô đông đúc, người và xe luôn tấp nập. Thế nhưng mỗi khi đi dạo trên vỉa hè, tôi vẫn có thể tìm cho mình một bóng mát dưới tán lá cây nào đó để làm chốn nghỉ chân. Và chính những tán lá xòe rộng, những thân cây to lớn ấy cũng là lá phổi của thành phố. Chúng luôn luôn cần mẫn cung cấp oxi và giữ sạch bầu không khí vốn dĩ vô cùng bụi bặm của đô thị để người dân Hà Nội không phải hứng chịu cảnh ô nhiễm không khí khủng khiếp và đáng báo động như những thành phố lớn ở Trung Quốc. Như không biết bao nhiêu thế hệ người dân thủ đô, tôi biết ơn từng chiếc cây ấy. Và như họ, giờ đây mỗi khi đi trên không ít con phố Hà Nội, tôi cảm thấy một sự trống vắng khó tả. Trống vắng chút bóng râm mát rượi để trú thân trong những ngày nắng gay gắt. Trống vắng chút không khí trong lành ở giữa rừng bê tông. Và trống vắng một thứ gì đó đã trở nên quá đỗi quen thuộc tới mức ta khó có thể tin là chúng đã biến mất mãi mãi.


Trong mắt tôi, đường Nguyễn Chí Thanh chưa hẳn là “Con đường đẹp nhất Việt Nam” như người ta vẫn gọi. Giờ đây, tôi nhận ra trước đây nó đã từng đẹp hơn biết nhường nào. Ảnh: Google Images

Ai có thể nói rằng một chiếc cây ở giữa thành phố không đáng quý, đáng bảo vệ như bao chiếc cây khác trong một khu rừng chứ? Chẳng phải chính chúng cũng góp phần vào cuộc sống của biết bao cá thể động vật, của chúng ta, như những chiếc cây trong rừng hay sao? Chỉ có điều, không một con thú rừng nào lại đi phá hủy chính nơi sinh sống của mình. Còn chúng ta?


Hà Nội sẽ còn được như thế này trong bao lâu nữa? Ảnh: Bùi Anh Quân

Thực trạng chưa bao giờ rõ ràng hơn và hậu quả cũng sẽ chỉ ngày một nhân lên. Chúng ta đã được thấy, và cũng đã và đang phải hứng chịu. Đã đến lúc chúng ta làm điều gì đó, bởi ta hoàn toàn không còn thời gian để chần chừ nữa, nếu không phải là đã quá muộn.

Bùi Anh Quân – 11D2 (CLB Phóng viên)