Trách người quân tử bạc tình
Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao

Câu ca dao trên nay vẫn được người dân Bắc Ninh truyền tai nhau, cho rằng đó là lời trách cứ của Lý Chiêu Hoàng với người chồng cũ Trần Cảnh. Tại sao lại có lời trách cứ trên? Cuộc đời Chiêu Hoàng từ thân phận công chúa sống trong nhung lụa đã dần chuyển màu bi ai từ khi gặp Trần Cảnh, mặc dù giữa hai người đã từng có mối tình đẹp. Với sự thấu hiểu về thân phận của Lý Chiêu Hoàng, Câu lạc bộ Lịch sử (CLB AHC) quyết định lấy đề tài “Lý Chiêu Hoàng - Cánh hoa trôi giữa hoàng triều” để thực hiện buổi sinh hoạt giữa các thành viên tại phòng 405 vào chiều 26/10 vừa qua.


Poster hấp dẫn về chủ đề sinh hoạt tháng được thiết kế bởi Ban Media của CLB

Lý Chiêu Hoàng là hoàng đế thứ 9 và cuối cùng của triều đại nhà Lý. Bà là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Bà được chính vua cha của mình là Lý Huệ Tông ra chỉ truyền ngôi, dù bên trong là sự sắp đặt của Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ, lúc ấy đang nắm quyền lực trong triều đình nhà Lý.

Năm 1225, sau cuộc hôn nhân lịch sử dưới bàn tay đạo diễn của Trần Thủ Độ, Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng mình là Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông sau này), triều đại nhà Lý cai trị Đại Việt hơn 200 năm đã chính thức kết thúc. Sau khi nhượng vị, Chiêu Hoàng trở thành hoàng hậu của Thái Tông cho đến khi bị phế truất vào năm 1237, vì bấy giờ bà không sinh được con nối dõi. Quá buồn và chán nản, Chiêu Thánh xuất gia đi tu. Sau 21 năm sống cuộc đời cô độc và buồn thảm, một biến cố lớn đến trong cuộc đời nhưng cũng là niềm an ủi, hạnh phúc những năm tháng cuối đời bà. Sau năm 1258, bà tái giá lấy Lê Phụ Trần, một viên tướng có công cứu giúp Thái Tông trong kháng chiến chống quân Mông Cổ lần thứ nhất. Hai người sống với nhau và sinh được 2 người con. Đến năm 1278 thì bà qua đời.

Như vậy, từ khi sinh ra đến khi từ biệt cõi đời, biết bao biến cố đã khiến bà trở thành một người có nhiều danh vị khác nhau: Công chúa, Nữ đế, Hoàng hậu, Sư cô, Phu nhân tướng quân. Chuyện đời và chuyện tình thấm đượm nỗi buồn, u uất của vị nữ đế duy nhất đã được hai báo cáo viên Lê Phương Thảo (11D1) và Nguyễn Thế Trung (10N2) trình bày đầy lôi cuốn trong buổi sinh hoạt.


Các thành viên CLB chăm chú dõi theo phần trình bày của báo cáo viên

Nhờ những thông tin đầy thú vị mà Phương Thảo và Thế Trung đem đến, các thành viên trong CLB đã có thêm những hiểu biết bổ ích về một người phụ nữ đặc biệt trong lịch sử triều Lý. Học sinh Trương Xuân Tùng (lớp 12A1) - thành viên CLB chia sẻ: “Qua buổi sinh hoạt em không chỉ biết đến chuyện tình buồn của Lý Chiêu Hoàng mà còn biết thêm cả những nỗi buồn suốt cuộc đời bà. Thực sự, Lý Chiêu Hoàng đã trải qua những sự tuyệt vọng cùng cực nhất của cuộc đời. Từ đó, em cũng hiểu thêm về thân phận của người phụ nữ thời phong kiến, họ bị ép, gả cho những người khác mà không được theo ý mình”.


Các thành viên CLB hứng khởi tham dự buổi sinh hoạt

Hi vọng từ sự khởi đầu này, CLB AHC sẽ có thêm nhiều buổi sinh hoạt với các chủ đề thú vị hơn nữa. Để từ đó CLB không ngừng phát triển, truyền thêm ngọn lửa đam mê quá khứ tới các thế hệ học sinh dưới mái trường mang tên Bác.

Bài viết: Thầy giáo Trần Thanh Quang (Tổ Lịch sử)

Ảnh: CLB Lịch sử