Trong thời đại công nghiệp hiện nay, rác thải được sinh ngày càng nhiều bởi nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của chúng ta. Điều này có nghĩa là lượng tiêu thụ sản phẩm của con người càng nhiều thì lượng rác thải ra môi trường sẽ càng tăng cao.

Trong số 6,3 tỉ tấn rác thải nhựa được thải ra trên toàn thế giới, chỉ có khoảng 9% được tái chế, 12% được xử lí bằng phương pháp thiêu đốt, và có tới 79% nằm lại tại các bãi rác hoặc thải trực tiếp ra môi trường. Còn tại Việt Nam, có đến 60-70% lượng rác thải sau khi thu gom sẽ được xử lí bằng cách chôn lấp ở những bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, theo số liệu 2018 của Ngân hàng Thế giới. Tình trạng bãi rác quá tải là một hiện thực trước mắt, không còn là nguy cơ, và thậm chí sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Bởi theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, dự kiến Việt Nam sẽ thải ra 54 triệu tấn rác thải sinh hoạt vào năm 2030. Không chỉ làm ô nhiễm không gian sống, sự thất thoát của rác thải ra môi trường còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến muôn mặt cuộc sống con người.

Việt Nam, rất nhiều người có thói quen gom tất cả các loại rác – bao gồm thực phẩm thừa, vật dụng hỏng,… đều được bỏ chung một túi/ thùng rác. Chúng ta vốn nghĩ rất đơn giản rằng vứt rác vào thùng là xong. Nhưng thực tế thì không phải vậy! Một khi các bãi rác đã quá tải thì chính chúng ta sẽ gánh chịu trực tiếp những ảnh hưởng tiêu cực hàng ngày, hàng giờ. Trẻ em đang mất dần những không gian trong lành, người lớn không còn nơi để tập thể dục hay tản bộ mỗi sớm chiều. Những tác động của các bãi rác quá tải không chỉ ảnh hưởng tiêu cực lên không gian sống mà còn lên sức khoẻ và tâm lí của người dân địa phương, đặc biệt là những khu dân cư gần khu vực bãi rác lộ thiên. Những nỗi lo về nước ô nhiễm ngấm vào nước ngầm, mùi hôi hay những hiểm hoạ về bệnh tật vẫn luôn hiện hữu.

Vì vậy, chắc chắn rằng việc phân loại tại nguồn chính là hành động cần thiết nhằm giảm thiểu nguồn rác thải, do đó chúng ta sẽ tiết kiệm được chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác. Đồng thời, phân loại rác tại nguồn góp phần giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường.

Rác thải hiện nay được chia thành 03 loại chính: Rác hữu cơ, Rác vô cơ và Rác tái chế. Trong đó:

Rác hữu cơ: là loại rác dễ phân hủy và có thể tái chế để đưa vào sử dụng cho việc chăm bón và làm thức ăn cho động vật. Nó có nguồn gốc từ phần bỏ đi của thực phẩm sau khi lấy đi phần chế biến được thức ăn cho con người; phần thực phẩm thừa hoặc hư hỏng không thể sử dụng cho con người; các loại hoa, lá cây, cỏ không được con người sử dụng sẽ trở thành rác thải trong môi trường.

Rác vô cơ: là những loại rác không thể sử dụng được nữa cũng không thể tái chế được mà chỉ có thể xử lí bằng cách mang ra các khu chôn lấp rác thải. Nó bắt nguồn từ các loại vật liệu xây dựng không thể sử dụng hoặc đã qua sử dụng và được bỏ đi; các loại bao bì bọc bên ngoài hộp/ chai thực phẩm; các loại túi nilong được bỏ đi sau khi con người dùng đựng thực phẩm và một số loại vật dụng/ thiết bị trong đời sống hàng ngày của con người.

Rác tái chế: là loại rác khó phân hủy nhưng có thể đưa vào tái chế để sử dụng nhằm mục đích phục vụ cho con người. Ví dụ như các loại giấy thải, các loại hộp/ chai/ vỏ lon thực phẩm bỏ đi,...

Vì vậy, để bảo vệ môi trường, chúng ta nên hạn chế sử dụng các loại rác này.


Để thực hiện việc phân loại rác, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành sẽ thay đổi cấu trúc thùng rác ở mỗi tầng học. Nhà trường đã bố trí 8 thùng rác ở các góc hành lang gồm hai màu xanh lá xanh và màu vàng. Những chiếc thùng màu xanh sẽ được dùng để chứa rác thải hữu cơ gồm: đồ ăn, thức uống, hoa…. bị hỏng. Cùng với đó, những rác thải vô cơ như giấy báo, nilon, chai lọ… sẽ được bỏ vào thùng màu vàng, hoặc thùng rác riêng trước cửa các lớp học. Việc bố trí thêm 2 loại thùng rác hữu cơ và vô cơ như vậy chắc chắn sẽ giúp cho việc phân loại rác được thực hiện dễ dàng hơn.



Học sinh Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành vứt rác vào thùng phân loại

Chỉ với vài hành động đơn giản như phân loại rác, các bạn học sinh đã góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường. Các bạn hãy cùng CLB Môi trường xanh GEC chung tay xây dựng một Trái Đất xanh - sạch - đẹp bằng những việc làm nhỏ mỗi ngày, các bạn nhé!


Thành viên CLB Môi trường xanh GEC tuyên truyền về phân loại rác


Cùng nhau thực hiện phân loại rác, các bạn nhé!

Bài viết: Nguyễn Hoàng Ngân (11A1 – CLB Môi trường xanh)

Ảnh: Sưu tầm