Phan Huy Chú, nhà sử học lớn của Việt Nam thời trung đại từng ca ngợi: “Làng nho nước Việt, trước sau chỉ có một ông, các người khác không ai so sánh được”. Ấy là Chu Văn An - người thầy của muôn đời. Với mục đích tưởng nhớ thành kính đến thầy Chu Văn An, cũng như để nhìn nhận rõ hơn về vai trò của ông trong lịch sử triều Trần, vào chiều 26/12/2018 vừa qua, tại phòng 405, câu lạc bộ Lịch sử (AHC) tổ chức buổi sinh hoạt chủ đề: “Chu Văn An - Người thầy của muôn đời”.
Sinh thời, Chu Văn An là một thầy thuốc, một quan viên nhưng trên tất cả, người đời nhớ về ông với tư cách một nhà giáo vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Cuộc đời thanh bạch và tiết tháo của ông là tấm gương sáng của thời phong kiến Việt Nam. Ông là một trong số rất ít bậc hiền nho được thờ ở Văn Miếu. Sự nghiệp của ông cũng gắn liền với sự thịnh suy của vương triều Trần trong thế kỉ XIV.
Poster về chủ đề sinh hoạt tháng 12: “Chu Văn An - Người thầy của muôn đời”
Hai báo cáo viên Vũ Đỗ Anh Hào (10D1) và Bùi Hiền Minh (10D2) đã trình bày đầy lôi cuốn chủ đề sinh hoạt qua ba phần rõ ràng:
PHẦN I: TIỂU SỬ
Trong phần I, hai báo cáo viên giới thiệu những nét cơ bản về thân thế và sự nghiệp của thầy giáo Chu Văn An, từ những năm tháng ấu thơ tại thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội), đến khi trưởng thành trở thành một thầy thuốc, quan viên rồi một nhà giáo vĩ đại dưới thời Trần.
PHẦN II: HỌC TẬP VÀ CON ĐƯỜNG CÔNG DANH
Phần chính của buổi sinh hoạt bắt đầu từ nội dung của phần II mang tiêu đề: “Học tập và con đường công danh”. Công danh lẫy lừng của thầy giáo Chu Văn An manh nha ngay từ lúc còn nhỏ, khi cậu bé người thôn Văn ở huyện Thanh Đàm đã xác định được cho mình mục đích đúng đắn của việc học: học để hiểu biết, “kinh bang tế thế” (trị nước cứu đời). Tư tưởng vĩ đại ấy đã bước đầu thành công khi ông đỗ Thái học sinh dưới thời vua Trần Minh Tông. Sau đó, bằng sự dạy dỗ bài bản của mình, thầy Chu đã sản sinh ra những thế hệ học trò làm quan to, đóng góp cho sự thịnh trị của triều Trần như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát…
PHẦN III: “THẤT TRẢM SỚ” - CÁI KẾT CỦA TRIỀU TRẦN
Đây là vấn đề không còn xa lạ nhưng lại thu hút sự quan tâm nhất với những thành viên tham gia buổi sinh hoạt. “Thất trảm sớ” là tờ sớ được thầy Chu Văn An dâng lên vua Trần Dụ Tông để xin chém 7 tên nịnh thần. Trong phần này, hai báo cáo viên làm rõ lí do việc tại sao vua Trần Dụ Tông lại không nghe theo lời thầy Chu Văn An, sau đó, phân tích rõ hậu quả: Người thầy của muôn đời - Chu Văn An treo áo mũ từ quan về quê dạy học; là bàn đạp cho việc tiếp tục ăn chơi sa đọa của vua Trần Dụ Tông, tin dùng nịnh thần, làm cho nhà Trần đầy biến loạn và dẫn tới sự sụp đổ vào năm 1400.
Xen giữa mỗi phần là trò chơi giải mã ô chữ, các câu hỏi thảo luận, trao đổi ý kiến để các thành viên cùng làm rõ một số vấn đề như: “Vai trò của thầy Chu Văn An với việc đào tạo đội ngũ trí thức Nho học thời Trần”; “Suy nghĩ về hành động từ quan về ở ẩn của Chu Văn An”; “Chu Văn An trong cách nhìn nhận của hậu thế”,…
Hai báo cáo viên Vũ Đỗ Anh Hào (10D1) và Bùi Hiền Minh (10D2)
Các thành viên CLB hào hứng với phần giải mã ô chữ
Đặng Nguyễn Uyên My (11D4) - thành viên CLB, từ sự tìm hiểu kĩ lưỡng của bản thân đã nêu quan điểm khá sâu sắc về hành động từ quan của thầy giáo Chu Văn An: “Đứng trên một góc độ nào đó, việc từ quan về quê ở ẩn của Chu Văn An sau khi Thất trảm sớ dâng lên vua Dụ Tông không được thực hiện, khiến cho nhà vua càng lún sâu vào vũng bùn hưởng lạc, xa rời thế sự, từ đó dẫn tới sự sụp đổ của vương triều, như vậy, gián tiếp, phải chăng thầy Chu Văn An cùng các bậc nho sĩ lìa bỏ chốn quan trường phải chịu trách nhiệm phần nào về bi kịch cuối triều Trần?”.
Còn Nguyễn Công Khánh (7A4) và Trương Tuấn Minh (10N2) đều tỏ ra rất hài lòng về buổi sinh hoạt của CLB khi giúp các em “thấy được vị trí và vai trò quan trọng của thầy giáo Chu Văn An - một cá nhân xuất chúng trong giai đoạn cuối của nhà Trần”. Và tất cả đều mong rằng, CLB sẽ tiếp tục tổ chức những buổi sinh hoạt thú vị trong năm mới 2019, để các thành viên được mở rộng tầm hiểu biết và bày tỏ những quan điểm cá nhân.
Bài viết: Thầy giáo Trần Thanh Quang (Tổ Lịch sử)
Ảnh: CLB Lịch sử