Cuộc thi Nhà sáng tạo trẻ 2016 đã thu hút rất đông sự quan tâm của các bạn học sinh đam mê nghiên cứu khoa học. Hôm nay, chúng ta sẽ tiếp tục gặp gỡ một trong nhiều gương mặt tiêu biểu, đại diện cho các “nhà sáng tạo trẻ” – nhóm học sinh chủ nhiệm đề tài “Công nghệ sản xuất bột thạch cao khan từ bã thải của nhà máy phân bón”.


Tác giả đề tài “Công nghệ sản xuất bột thạch cao khan từ bã thỉa của nhà máy phân bón”

PV: Rất vui vì được gặp bạn. Chúc mừng nhóm bạn đã lọt vào chung kết cuộc thi “Nhà sáng tạo trẻ”. Rất mong được lắng nghe những chia sẻ của bạn lúc này?

Phương Thanh: Khi được có mặt ở vòng chung kết, chúng tôi cảm thấy rất vui. Kết quả đạt được xứng đáng với công sức và thời gian chúng tôi bỏ ra. Chúng tôi cảm thấy tự hào vì mình là 1 trong 12 nhóm được vào vòng chung kết.

PV: Lí do bạn tham gia cuộc thi và chọn đề tài này là gì?

Phương Thanh: Sở dĩ, chúng tôi chọn đề tài về thạch cao vì được biết, chỉ một nhà máy DAP (nhà máy sản xuất phân bón Diamin phốt phát) ở Hải Phòng hàng năm thải ra bãi thải xấp xỉ 700.000 tấn chất thải mà chỉ một lượng nhỏ phế thải trong số này được sử dụng để làm phụ gia cho xi măng. Đây là sự lãng phí lớn. Chính vì vậy, chúng tôi muốn tận thu nguồn phế thải này nhằm hướng tới 2 mục tiêu, thứ nhất là tạo ra một vật liệu mới, thứ hai là giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

PV: Trong quá trình thử nghiệm, bạn có gặp khó khăn gì không và nếu có khó khăn, các bạn đã vượt qua như thế nào?

Phương Thanh: Trong khi thực nghiệm nghiêm túc một công trình khoa học, theo tôi, khó khăn là điều khó tránh khỏi. Trước tiên, về phía các thành viên trong nhóm, đôi khi chúng tôi có những bất đồng quan điểm, có to tiếng với nhau một chút, có tranh cãi một chút…, nhưng thật may, những tranh cãi ấy là trên tinh thần xây dựng. Cùng với đó, việc cân bằng giữa học tập trên lớp và thực nghiệm nghiên cứu cũng không phải là điều dễ dàng. Nhưng khó khăn lớn nhất của chúng tôi chính là thực nghiệm trên nguyên liệu sao cho sản phẩm làm ra tối ưu nhất và luôn luôn đồng nhất.

PV: Với dự án này, bạn và các thành viên trong nhóm có dự định gì trong tương lai?

Phương Thanh: Hiện tại chúng tôi muốn đề tài của mình được đi tiếp ở những vòng sau. Nếu đề tài thành công, chúng tôi sẽ đăng ký bản quyền, tìm nhà tài trợ để đề tài của mình đi vào thực tiễn, tận dụng được những nguyên liệu sẵn có, đồng thời góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

PV: Bạn có lời khuyên gì cho các bạn cũng có niềm đam mê khám phá, sáng tạo khoa học, đặc biệt là với các bạn nữ?

Phương Thanh: Sau một khoảng thời gian làm thí nghiệm cùng nhóm, tôi muốn gửi lời đến tất cả các bạn có niềm đam mê sáng tạo khoa học rằng: Cái đích của ước mơ sẽ thật gần nếu bạn sẵn sàng đổ mồ hôi, nước mắt, công sức và thời gian cho nó. Còn về việc các bạn nữ đam mê khoa học, tôi nghĩ, ước mơ là thứ không phân chia giới tính.

PV: Rất cảm ơn bạn vì cuộc chuyện trò thú vị. Chúc nhóm các bạn tiếp tục thành công trong vòng thi chung kết sắp tới!

Nguồn: SPC Club