Để có được những thành công ngày hôm nay của ngôi trường mang tên Bác, có rất nhiều thầy cô giáo đã mang tình yêu đối với các thế hệ học trò và sự tâm huyết với nghề trồng người âm thầm cống hiến. Một trong những thầy cô giáo đã góp sức góp công với trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành từ những ngày đầu thành lập là cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà - giáo viên bộ môn Giáo dục công dân.
Nơi niềm vui bắt đầu
Năm 1998, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà chuyển công tác từ trong Nam ra ngoài Bắc. Vốn là Tổ trưởng Tổ xã hội của Viện ngôn ngữ học, khi đến với ngôi trường mới thành lập – trường Nguyễn Tất Thành – cô có nguyện vọng giảng dạy môn Ngữ Văn. Song, trong cuộc sống của mỗi người, không phải bao giờ lên kế hoạch trước cũng có thể thoả mãn hoàn toàn. Con đường cô đang đi rẽ ngang sang một ngả khác hoàn toàn với chuyên môn của cô. Năm 2000 – năm thay sách đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nghành giáo dục, thầy Dương Vương Minh là Hiệu trưởng nhà trường thời bấy giờ đã đề nghị cô Thu Hà dạy môn Giáo dục công dân vì sự thiếu hụt về nhân lực giáo viên trong bộ môn này. Cô tâm sự rằng cô đã khá buồn khi lựa chọn theo con đường đó. Nhưng rồi cô đã bén duyên với bộ môn mới mẻ này từ bao giờ không hay. Có lẽ là từ khi được gặp “thần tượng” của mình - PGS.TS Nguyễn Văn Cư, PGS.TS Vũ Hồng Tiến, được các thầy động viên, chân thành khuyên nhủ, đã thắp lên cho cô niềm đam mê với con đường mình đã chọn. Cô cũng cho rằng mình thật may mắn khi được làm việc với đội ngũ giáo viên giỏi và tâm huyết như cô Nguyễn Thị Thu Anh, cô Trần Thu Hảo, cô Võ Thị Hải… từ những ngày đầu tiên khiến cô có nhiều động lực để cố gắng. Cô chăm chỉ học và đọc thật nhiều, không ngừng cố gắng, không ngừng học hỏi và luôn tự đúc kết cho riêng mình những bài học quý giá nhất. Sau đó, thầy Vương Dương Minh đã gửi cô đi học văn bằng hai về chính trị. Không phụ lòng mong đợi của mọi người và chính bản thân, cô được sự tin cậy giao nhiệm vụ là giáo viên cốt cán làm sách giáo khoa thí điểm năm 2001. Đánh dấu một bước tiến thành công nữa của cô là khi nhận nhiệm vụ làm chủ nhiệm lớp cấp 2 duy nhất trong trường học chương trình thí điểm. Với lứa học sinh này, cô thủ thỉ rằng không phải tất cả các em đó đều có phẩm chất tốt và học lực giỏi, trở thành niềm tự hào cho nhà trường như ngày hôm nay. Để có được kết quả ấy là nhờ sự rèn giũa, chỉ bảo tận tình, chu đáo của cô trong suốt những năm theo học tại trường. Sự tiến bộ của các em thực sự đã mang lại niềm vui, niềm tự hào khôn xiết cho cô. Cô hào hứng khi nhắc lại rằng, lớp cô đã đại diện cho nhà trường thực hiện việc quay phim các bài giảng theo chương trình học mới để làm tư liệu tham khảo cho các trường của tỉnh bạn, cho sinh viên thực tập. Nhờ có những bước đi đầu tiên khó khăn, vất vả của cô và đồng nghiệp mà ngày nay, mái trường mang tên Bác đã gặt hái được nhiều thành công lớn trong công tác dạy và học, khẳng định được vị trí và tầm thế của mình ở cả trong và ngoài nước.
Cô giáo Thu Hà trong ngày Lễ Khai giảng năm học mới
Bản thân cô, với bao nỗ lực và cống hiến, cô đã nhận được trọn vẹn sự tin tưởng của nhà trường, đồng thời cũng gặt hái nhiều thành tích. Là Tổ trưởng tổ chuyên môn Giáo dục công dân, cô đã hai lần được Bộ trưởng Bộ Giáo dục tặng bằng khen. Cô cũng được trường Đại học Sư phạm Hà Nội công nhận chiến sĩ thi đua cấp Bộ. Và sắp tới đây, Hội đồng thi đua Quận Cầu Giấy đã có đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11. Cô bày tỏ: “Những thành tích đó với cô là một vinh dự lớn nhưng cũng là lời nhắc nhở cô tiếp tục phấn đấu hoàn thiện bản thân trở thành một tấm gương sáng”.
Thế nào là giáo dục thẩm mĩ cho học sinh?
Bạn gặp cô giáo Thu Hà mỗi ngày chứ? Bạn có đồng ý với tôi rằng cô luôn thật trẻ trung, vui tươi trong những bộ trang phục “bắt mắt” và lịch sự không? Vậy thì bạn cũng sẽ ngạc nhiên như tôi khi nghe cô tự nhận rằng, ngày xưa cô “không biết cách ăn mặc”. Nhưng rồi dần dần, cô nhận ra rằng việc quan tâm đến vẻ ngoài của người giáo viên có ý nghĩa rất lớn là hướng tới giáo dục thẩm mĩ cho học sinh. Trang phục của giáo viên sẽ tác động nhanh nhất vào nhận thức của học sinh về phong cách ăn mặc lịch sự. Nói dễ hiểu hơn, có thể xem thầy cô giáo chính là “tấm gương” để học sinh soi ngắm và học tập trên mọi phương diện. Khi nói đến vấn đề này, cô tủm tỉm: “Không phải cô tự nhận thức được điều này đâu”. Người đầu tiên “giác ngộ” cho cô chính là cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Anh. Có thể nói, đây là người đầu tiên đã tác động tích cực đến nhận thức thẩm mĩ của cô. Cô Thu Anh đã tận tình góp ý với cô về việc làm đẹp, rằng “bắt kịp thời trang là bắt kịp hơi thở của thời đại”, và giáo viên Giáo dục công dân thì càng cần đi đầu trong việc bắt kịp thời đại. Điều đó không đồng nghĩa với việc “chạy theo mốt”, mà có nghĩa là luôn thay đổi phù hợp theo hoàn cảnh.
Và bây giờ, bất cứ khi nào đến trường, bạn cũng sẽ bắt gặp hình ảnh một cô giáo dạy bộ môn Giáo dục công dân tuy đã có tuổi nhưng luôn mang trong mình đầy sức sống, thể hiện qua những nụ cười rạng rỡ, những bước chân khoẻ khoắn và những bộ trang phục thật sự ấn tượng.
Cô và trò
Trong giảng dạy, cô vừa là một người thầy, vừa là một “đối tác” với học sinh. Trên lớp, ngoài truyền đạt các kiến thức cơ bản trong chương trình, cô thường xuyên đưa ra các ví dụ thực tế để cô và trò cùng thảo luận, đề ra hướng giải quyết rồi đúc kết bài học. Để học sinh hiểu bài một cách có khoa học, không “thuộc tủ”, cô kiểm tra bài cũ bằng cách đặt các câu hỏi về những vấn đề thời sự mới nhất liên quan đến bài học thay vì đơn thuần kiểm tra lý thuyết sách vở. Bên cạnh đó, cô còn tổ chức một số buổi học nhóm nộp báo cáo hay đóng kịch để các em có cơ hội tự mình tìm hiểu các vấn đề pháp luật trong cuộc sống. Với phương pháp dạy và học như vậy, kiến thức môn học Giáo dục công dân với chúng tôi vốn khô khan, khó nhớ nay đã dễ dàng thấm dần vào trong tiềm thức một cách thú vị. Giáo dục công dân là một môn học bổ ích có tính ứng dụng thực tế cao và cung cấp cho các em học sinh một tiền đề đạo đức vững chắc. Vì vậy, người dạy bộ môn Giáo dục công dân cũng phải là một hình tượng kiểu mẫu chuẩn mực nhất cho học sinh noi theo. Hiểu được điều này, cô Hà khẳng định: “Cô là một người trung thực, luôn có một tinh thần và tình cảm tích cực”. Cô cũng nhận định rằng khi dạy bộ môn này, giáo viên phải là người luôn luôn năng động và sáng tạo cả về tri thức lẫn cách thức giảng dạy. Chính vì vậy, trong suốt cả quá trình dạy học, cô đã không ngừng học hỏi, đổi mới bản thân thể hiện qua việc sử dụng các công cụ thiết bị dạy học hay thiết kế sơ đồ tư duy cho bài giảng. Để có được những kết quả đó, cô không ngần ngại khi thừa nhận mình không chỉ là “thầy” mà còn là “trò”. “Trò” với các thầy cô khác trong trường. Cô học môn Tin học với thầy Hải Tiệp, luyện tập cách sử dụng các chương trình phần mềm nhằm hỗ trợ giảng dạy. “Trò” với ngay chính học trò của mình. Cô trao đổi kiến thức Tiếng Anh với học sinh, dự một số giờ học Tiếng Anh khi không có tiết lên lớp. Mặc dù đã có tuổi, đã có một vị trí uy tín trong công việc nhưng cô không lấy đó làm cái đích cuối cùng cho sự cố gắng, sự học của mình. Điều đó làm tôi liên tưởng tới một câu nói quen thuộc: “Học, học nữa, học mãi”. Tinh thần học hỏi không ngừng của cô khiến tôi thật khâm phục.
Nụ cười rạng rỡ quen thuộc của cô Thu Hà khi giảng bài cho học sinh
Tôi chưa được chứng kiến cách cô chủ nhiệm lớp, chưa từng trò chuyện với học sinh lớp cô chủ nhiệm nhưng khi nhìn vào ánh mắt từng trải ấy, nghe những lời tâm sự chân tình của cô, phần nào tôi đã hiểu được sự hy sinh to lớn của cô dành cho những học sinh thân yêu, và tin chắc rằng các em học sinh cũng yêu quý cô lắm. Về phía bản thân mình, bảy năm theo học cô đã cho tôi đủ để tôi có thể cảm nhận được tấm lòng của cô với công việc, với học trò sâu sắc, mãnh liệt như thế nào. Cô dạy cho chúng tôi tri thức, cô dạy cách ứng xử xã giao và còn là người bạn tâm giao thân thiết của chúng tôi. Cô luôn tôn trọng học sinh, sẵn sàng lắng nghe những lời góp ý để hoàn thiện bản thân mình.
Tôi mong rằng sau này khi ra trường, trở về với lớp học xưa sẽ gặp lại cô vẫn luôn nhiệt huyết như bây giờ, vẫn tiếp tục dìu dắt lớp đàn em trong hành trình hoàn thiện nhân cách. Chúc cô ngày càng vững bước, thành công trong cuộc sống và trong công việc, góp phần tỏa sáng thương hiệu Nguyễn Tất Thành!