Ngày 21/05 tại hội trường tầng 2 nhà K thuộc ĐHSP Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Điều chỉnh kế hoạch dạy học ở trường TH theo định hướng phát triển năng lực học sinh” do Vụ Trung học phổ thông (Bộ Giáo dục và Đào tạo), trường ĐHSP Hà Nội và trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành đồng tổ chức. Thành phần tham gia hội thảo là các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về chương trình phổ thông, các cấp quản lí của hai trường, các giảng viên các khoa của trường ĐHSP Hà Nội, cùng đông đảo giáo viên NTT.


PGS.TS Nguyễn Văn Minh- Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Để triển khai Đề án xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) sau 2015, Bộ GD & ĐT đã giao quyền tự chủ cho trường Nguyễn Tất Thành và 4 trường Thực hành khác gắn với ĐHSP trọng điểm của cả nước tiến hành xây dựng và thể nghiệm đổi mới theo Đề án riêng, phục vụ cho đổi mới CTGDPT sau 2015. Trường Nguyễn Tất Thành nói riêng và các trường Thực hành nói chung gắn với ĐHSP có chỗ dựa là các khoa sư phạm tương ứng, việc lựa chọn này vừa huy động được trí tuệ của các giảng viên, các nghiên cứu khoa học vào việc thiết kế và góp ý cho chương trình đổi mới, vừa để các trường ĐHSP nhập cuộc sớm, đón đầu xu thế từ đó đổi mới công tác đào tạo thế hệ giáo viên tương lai phù hợp. Có thể nói, đây là hướng đi đúng đắn, khả thi phát huy tối đa nguồn nhân lực vốn có và đặc biệt có cơ sở thực tiễn từ chính những người trực tiếp giảng dạy. Trường Nguyễn Tất Thành được Bộ giao cho việc tiến hành thực hiện đổi mới chương trình vừa là một vinh dự to lớn cũng là trách nhiệm nặng nề.

Hội thảo là bước quan trọng đầu tiên có ý nghĩa định hướng, thông suốt nhận thức, tư tưởng về chủ trương, mục đích, cách thức, nội dung thử nghiệm chương trình mới cho các giảng viên trường ĐHSP Hà Nội và giáo viên Nguyễn Tất Thành. Với mục đích này, hội thảo đã diễn ra trong không khí cởi mở, sôi nổi nhất là ở phần trao đổi với chuyên gia, rất nhiều ý kiến đưa ra thể hiện sự tâm huyết và trăn trở của giáo viên đối với nền giáo dục nước nhà, đối với thực trạng giảng dạy và họ quan tâm nhất là nội dung, cách thức cụ thể của sự đổi mới chương trình lần này.


Thầy giáo Lê Đình Cương- trường Nguyễn Tất Thành đề xuất ý kiến

Có 6 báo cáo được trình bày trong hội thảo. Đầu tiên là báo cáo “Thử nghiệm đổi mới cấu trúc chương trình dạy học phổ thông theo định hướng phát triển năng lực” của PGS. TS Đỗ Ngọc Thống – Phó Vụ trưởng Vụ GD trung học, Đặc trách về đổi mới chương trình và sách giáo khoa sau 2015.


PGS. TS Đỗ Ngọc Thống phát biểu ý kiến

Trong bản báo cáo của mình phó GS tập trung nói rõ mục tiêu giáo dục mới, gợi ý các nội dung thử nghiệm cụ thể; dự thảo CTGDPT tạm xác định 8 năng lực chính và quan trọng nhất là định hướng về cách thức cấu trúc lại chương trình dạy học nhằm phát triển năng lực cho học sinh. Đây là báo cáo quan trọng thể hiện rõ mục đích và tinh thần của hội thảo “Điều chỉnh kế hoạch dạy học ở trường TH theo định hướng phát triển năng lực học sinh” – Kế hoạch dạy học của chương trình giáo dục mới là phát triển năng lực học sinh. Nội dung thử nghiệm hiện tại: là vẫn bám sát những định hướng lớn đã thống nhất và ổn định của CTGD nhưng điều chỉnh và cấu trúc lại chương trình theo định hướng phát triển năng lực để phù hợp với thực tế, trình độ nhà trường.

Bản báo cáo thứ 2 của TS Nguyễn Anh Dũng “Đề xuất chủ đề liên môn cấp THCS & PT theo quan niệm tích hợp”. Bản báo cáo đưa ra cấu trúc nội dung tích hợp: lĩnh vực khoa học xã hội, lĩnh vực khoa học tự nhiên; nguyên tắc xây dựng chủ đề và gợi ý các chủ đề liên môn. Thiết kế dạy học tích hợp theo các chủ đề liên môn là một một hình thức quan trọng để phát triển năng lực mà trước đây ít được chú ý và đề cập.


Phần báo cáo của PGS. TS Đào Thái Lai – Viện khoa học Giáo dục Việt Nam.

Đề xuất phương án tổ chức dạy học phân hóa ở trường THPT 2015” là báo cáo của PGS. TS Đào Thái Lai – Viện khoa học Giáo dục Việt Nam. Bản báo cáo nhấn mạnh về một số hình thức tổ chức dạy học phân hóa trong CTGDPT nhằm phát triển năng lực đó là phân ban kết hợp với tự chọn. Tự chọn theo hướng cho HS tự chọn học các môn/ chủ đề phù hợp năng khiếu, khuynh hướng nghề nghiệp của mình. Phương án tổ chức dạy học phân hóa triển khai đúng lộ trình sẽ góp phần đặc biệt trong phát triển năng lực chung và năng lực chuyên biệt của học sinh.

Sau các báo cáo của chuyên gia là ba bản báo cáo “Xây dựng kế hoạch dạy học ở ba môn học Toán học, Ngữ văn, Lịch sử” của Ths Nguyễn Sơn Hà; Ths Phạm Thị Thu Hiền; Ths Lê Thị Thu của trường Nguyễn Tất Thành.


Phần báo cáo của Thạc sĩ Phạm Thị Thu Hiền- Tổ Văn THPT trường Nguyễn Tất Thành

Ba bản báo cáo là kết quả của trí tuệ và tinh thần làm việc nhiệt tình, tâm huyết, sáng tạo, trách nhiệm của BGH nhà trường, của tập thể giáo viên mỗi tổ bộ môn trường Nguyễn Tất Thành trong suốt một thời gian dài. Trên tinh thần chỉ đạo của Bộ, cả ba môn đã tiến hành xem xét, ra soát lại chương trình và sách giáo khoa hiện hành, từ đó cắt những phần nội dung trùng lặp, kiến thức khó, không cần thiết và đã cũ; đồng thời sắp xếp lại và bổ sung nội dung dạy học theo chủ đề trên nguyên tắc: phù hợp, cần thiết nhằm phát triển năng lực học sinh. Có ba nội dung cơ bản được đặt ra trong ba bản báo cáo: thứ nhất là nêu các bước thực hiện; thứ 2 là cấu trúc lại nội dung dạy học theo chủ đề; thứ 3 là đề xuất một số kiến nghị để tiến hành thử nghiệm đạt hiệu quả. Có thể nói, chính thực tiễn giảng dạy đã cho giáo viên nói chung, giáo viên Nguyễn Tất Thành nói riêng những kinh nghiệm quý báu, thiết thực để góp phần xây dựng chương trình mới có tính hợp lí và khả thi cao, tránh được tính hàn lâm, xa rời thực tế mà sách giáo khoa hiện hành đang mắc phải.


GS Đinh Quang Báo- Nguyên Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội

Tổng kết hội thảo, GS Đinh Quang Báo kết luận: “Thành công của hội thảo là ở chỗ chúng ta đã cùng nhau chỉ ra được những điều chúng ta chưa biết. Cụ thể đó là nghịch lí hầu như giáo viên không nắm rõ chương trình, chỉ quan tâm và đọc mỗi cuốn sách giáo khoa. Nói vậy nghĩa là chương trình chưa giúp ích gì, chưa thực sự đi vào thực tiễn hoạt động dạy học: chưa có những hướng dẫn thao tác chi tiết để giáo viên thực hiện mục tiêu giáo dục, thiếu sự kết dính giữa các phân môn. Sắp tới, Đề án CTGDPT mới phải hình thành mô hình, cấu trúc logic năng lực; cấu trúc logic năng lực bộ môn. Tuy nhiên điều này chỉ thành công khi có sự gia công rất lớn của người thầy.”

Hội thảo thu được nhiều kết quả đáng mừng, đó là những ý kiến, những tranh luận, những ý tưởng, những đề xuất, những thực tiễn được phân tích, soi rọi ở nhiều góc nhìn của những người trực tiếp thực thi xây dựng và thể nghiệm kế hoạch dạy học mới. Với cách thức và tinh thần đồng tâm hợp lực của nhiều cấp bậc đồng thời vào cuộc, nhất là lấy ý kiến đóng góp và tham gia trực tiếp xây dựng chương trình của giáo viên ngay từ đầu, chúng tôi tin tưởng sâu sắc thử nghiệm đổi mới cấu trúc chương trình dạy học phổ thông lần này sẽ có kết quả tốt đẹp. Hội thảo hôm nay là bước chuẩn bị đầu tiên cần thiết cho một lộ trình dài để triển khai đề án CTGDPT sau 2015 diễn ra hiệu quả.

Cô giáo Lê Thị Cẩm Tú