Vị thành niên là một giai đoạn thay đổi lớn về mặt tâm sinh lí mà bất cứ bạn học sinh nào cũng phải trải qua. Đứng trước sự thay đổi đó, các bạn cần có một sự chuẩn bị tâm lí thật tốt và cha mẹ, thầy cô chính là những người bạn luôn đồng hành và giúp các bạn vượt qua khó khăn. Vậy các bậc phụ huynh cần phải làm gì để thấu hiểu và chia sẻ với con? Hiểu được tâm lý này, Ban Giám hiệu trường Nguyễn Tất Thành đã tổ chức buổi sinh hoạt CLB Cha mẹ học sinh khối 6 mang tên “ Hiểu con- Làm bạn với con” vào lúc 8h30’ ngày 12/10/2014 tại phòng Hội đồng 107.
Đến tham dự buổi sinh hoạt gồm có: thầy Đỗ Danh Bích – Phó Hiệu trưởng nhà trường, thầy Nguyễn Văn Thiện – Trợ lý Hiệu trưởng về quản lý các hoạt động ngoài giờ lên lớp, cô Nguyễn Thị Thu Hà – Tổng chủ nhiệm khối THCS và cũng là người trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm trong buổi sinh hoạt, các giáo viên chủ nhiệm khối 6 cùng một số lượng lớn các bác phụ huynh học sinh.
Có thể nói buổi sinh hoạt CLB cha mẹ học sinh là một hoạt động thường niên của nhà trường, tuy nhiên trong mỗi lần được tổ chức, đây giống như một buổi trò chuyện rất thoải mái giữa phụ huynh học sinh và các thầy cô giáo. Tuy vào sáng chủ nhật nhưng các bác phụ huynh vẫn sắp xếp thời gian đến tham dự buổi sinh hoạt rất đúng giờ và đầy đủ, điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt với con cái của các bậc làm cha mẹ.
Cô Thu Hà với những chia sẻ tâm đắc
Những chia sẻ dựa trên trải nghiệm thực tiễn với hơn 20 năm dạy học và tiếp xúc với học sinh, cô Thu Hà đã cố gắng đem đến những nội dung chân thực và gần gũi nhất với đối tượng là học sinh khối 6:
I. Khái niệm trẻ em vị thành niên
II. Đặc điểm tâm lý đặc trưng của tuổi vị thành niên
III. Đặc điểm phát triển về sinh lý
IV. Đặc điểm phát triển về tâm lý
V. Con đường dẫn đến ứng xử tiêu cực
VI. Biện pháp làm giảm hành vi tiêu cực
Trong đó mục V- “Con đường dẫn đến ứng xử tiêu cực” và mục VI- “Biện pháp làm giảm hành vi tiêu cực” được cô đặc biệt chú trọng.
Theo đó, độ tuổi vị thành niên được quy định ở Việt Nam là từ 10-18 tuổi, ở giai đoạn này trẻ em thường gặp phải một số vấn đề sinh lý như: nhu cầu hiểu biết về cơ thể của bản thân; hiểu biết những vấn đề về quan hệ nam nữ; tò mò, muốn khám phá về đặc điểm sinh lý bản thân; nhu cầu tìm hiểu về tình dục đồng giới và khác giới. Ngoài ra, cô Hà còn chia sẻ các vấn đề về tình bạn, tình yêu của tuổi vị thành niên. Bên cạnh đó, cô đặc biệt chú trọng phân tích các con đường dẫn đến ứng xử tiêu cực ở độ tuổi này như: để thu hút sự chú ý, thể hiện quyền lực, muốn trả đũa bạn bè... Bằng kinh nghiệm của mình, cô rút ra những nguyên nhân sau: thiếu kĩ năng; muốn được chú ý, được khen; do người lớn vô tình củng cố hành vi tiêu cực; do chưa đánh giá đúng về bản thân; áp lực học tập; môi trường sống và cuối cùng là do văn hóa xã hội thủ nghịch (trái chiều).
Qua đó có những biện pháp khắc phục như:
- Khích lệ động viên con cái với nguyên tắc: tìm ra điều con làm đúng thay vì tập trung vào điều sai; khẳng định và khen việc cụ thể; khen và sau đó bổ sung góp ý; chân thành, để lại cảm xúc tích cực và nhất là phải khen ngay lập tức.
- Tôn trọng nhân cách con cái
- Xây dựng bầu không khí: được yêu thương, được có giá trị, được tôn trọng, được an toàn và được thấu hiểu.
Các bác phụ huynh chăm chú lắng nghe những chia sẻ bổ ích
Khi cô kết thúc bài chia sẻ cũng là lúc những tràng vỗ tay hưởng ứng của các bác phụ huynh vang lên giòn giã. Một số vị phụ huynh đặt ra những câu hỏi về kinh nghiệm nuôi dạy con đúng đắn và khoa học. Những câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng không phải bất cứ bậc phụ huynh nào cũng biết như: cách làm bạn với con, cách giúp con giữ vệ sinh cá nhân, giúp con có kinh nghiệm sống và suy nghĩ đúng đắn. Người giải đáp những câu hỏi này là cô Thu Hà và thầy Thiện, với vốn sống và sự thấu hiểu tâm lý học sinh, thầy cô đã có những chia sẻ hết sức tận tình và sâu sắc.
Cô Thu Hà với nụ cười đầy tự tin
Khi được hỏi rằng nhờ đâu mà cô có thể có được những kinh nghiệm quý báu giúp cô tự tin chia sẻ với các bậc phụ huynh cũng như việc làm bạn với các em học sinh trong thời gian lên lớp, cô Thu Hà vui vẻ nói rằng cô đã phải dày công tìm hiểu những suy nghĩ và hành động của các em học sinh, ngoài ra cô còn chú trọng tới những thông tin khác trên các trang Internet và qua các chuyên gia tâm lý học đường. Trong quá trình làm công việc này, đôi khi cô cũng gặp phải một vài khó khăn như sự không hợp tác từ phía phụ huynh học sinh do cái tôi của họ quá lớn và không dễ dàng chấp nhận những tác động đến cách nuôi dạy con cái của họ. Tuy nhiên, cô cho rằng khi làm bất cứ việc gì cũng không thể tránh khỏi những vấp váp, khó khăn và chỉ cần có sự yêu nghề, tận tâm và chân thành thì nhất định khoảng cách giữa học sinh – phụ huynh- giáo viên nhất định sẽ được rút ngắn.
Các bác phụ huynh sau giờ sinh hoạt câu lạc bộ
Buổi sinh hoạt tuy chỉ gói gọn trong khoảng 2 tiếng nhưng dư âm mà nó để lại thật là sâu đậm và ý nghĩa. Phụ huynh của em Nguyễn Phú Anh Quân lớp 6A3 chia sẻ rằng qua buổi sinh hoạt này cô đã rút ra được rất nhiều điều hay và có ích để nuôi dạy con tốt nhất, nhằm giúp con đạt được kết quả cao nhất trong học tập và cuộc sống. Và hy vọng rằng sau buổi sinh hoạt này, không chỉ có cô mà tất cả các vị phụ huynh đều có được những kinh nghiệm hay để trở thành những người bạn thân thiết và thấu hiểu con cái mình hơn.