Tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” là một truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay của người Việt Nam ta. Tình yêu thương giữa người với người không phân biệt giàu nghèo, không giới hạn bởi khoảng cách, mà được thể hiện qua sự quan tâm, sẻ chia và đồng cảm từ trái tim. Nhằm lan tỏa truyền thống cao quý này của dân tộc ta, thứ Hai (20/01/2025) vừa qua, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đã tổ chức giờ sinh hoạt dưới cờ với chủ đề: “Hoạt động “Vì cộng đồng”: Mang yêu thương, trao nụ cười”. Chương trình được thực hiện bởi ba tập thể lớp 10A4, 10D3 và 10D5.
Hoạt động từ thiện - Xây dựng một cộng đồng đoàn kết
Trong chuỗi hoạt động “Vì cộng đồng”, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đã tích cực tổ chức nhiều dự án từ thiện đa dạng, phong phú, giàu ý nghĩa như: “Hội chợ xuân”, “Mùa thu yêu thương”,... nhằm giúp học sinh không chỉ phát huy năng lực, bồi dưỡng nhân cách, giáo dục học sinh biết sống trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, mà còn đem đến những trải nghiệm đáng nhớ bên gia đình, thầy cô và bạn bè.
Video tổng kết hành trình tổ chức các hoạt động xã hội - gây quỹ “vì cộng đồng” của Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành
Truyền thống “tương thân tương ái” - Sự ấm áp trong trái tim mỗi người
Có lẽ, ai trong mỗi chúng ta đều khao khát có một cuộc sống đủ đầy tình yêu thương, sự đồng cảm, sẻ chia từ những người xung quanh, nhưng không phải ai cũng đủ may mắn để có được điều đó. Đặc biệt, trái tim của những em bé mồ côi có những lúc đủ mạnh mẽ, dũng cảm vượt qua khó khăn nhưng đôi khi nó cũng biết yếu mềm, muốn buông bỏ. Vì vậy, để khơi dậy tấm lòng ấm áp, tình yêu thương, tập thể lớp 10A4 đã mang đến cho học sinh toàn trường tiết mục múa “Đến giờ cơm - Điều tuyệt vời”. Những tà áo trắng tung bay kết hợp điệu múa nhẹ nhàng, uyển chuyển như muốn gửi gắm niềm hi vọng của những đứa trẻ phải sống xa cha mẹ về một cuộc sống đầy đủ tình thương, sự chăm sóc và vỗ về.
Tiết mục múa “Đến giờ cơm - Điều tuyệt vời” kết hợp tiểu phẩm về cô bé nhỏ mồ côi đầy xúc động và sâu lắng của tập thể lớp 10A4
Bên cạnh đó, trong cảnh núi rừng, non nước yên bình, tươi đẹp là thế, biết bao ước mơ, hoài bão còn đang dang dở của các em trên vùng cao về một ngày được đến trường vì những thiếu thốn, khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng trên hành trình xây dựng con đường đến trường thêm vững mạnh, thầy và trò cùng các bậc cha mẹ học sinh của Trường THCS và THPT Nguyễn Tất luôn chung tay, góp sức để núi rừng không chỉ đẹp bởi hoa mà còn được thắp sáng bởi nụ cười, ánh mắt sáng ngời của những mầm non tương lai đất nước.
Mash-up “Nấu ăn cho em - À lôi” được trình diễn bởi tập thể lớp 10D3 với thông điệp hướng về những em bé trên vùng cao
Với truyền thống “lá lành đùm lá rách”, dân tộc Việt Nam đã vượt qua biết bao thăng trầm lịch sử, hiểm nguy và thiên tai. Trong mọi thử thách, hoạn nạn, những người con mang dòng máu Lạc Hồng đã không ngừng cố gắng, nỗ lực, vượt lên nghịch cảnh và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau để xây dựng một dân tộc đoàn kết, vững mạnh. Tiết mục múa “Cùng nhau ta thắp sáng - Máu đỏ da vàng” của tập thể lớp 10D5 không chỉ làm nổi bật tinh thần đoàn kết, đùm bọc của dân tộc Việt Nam mà còn khơi dậy niềm tự hào về một quốc gia vững mạnh, kiên cường.
Tiết mục “Cùng nhau ta thắp sáng - Máu đỏ da vàng” của tập thể lớp 10D5 đã khép lại chương trình với giai điệu hào hùng, thể hiện niềm tự hào dân tộc
Là một học sinh tham gia thực hiện giờ chào cờ, Lê Bá Thái Sơn (lớp 10A4) chia sẻ: “Khi nhận chủ đề cho giờ chào cờ, lớp mình đều rất tích cực và hào hứng tìm hiểu và tập luyện. Chúng mình hiểu rằng các tiết mục không chỉ mang ý nghĩa lan tỏa lòng nhân ái mà còn truyền tải thông điệp yêu thương, khơi gợi sự đồng cảm và nuôi dưỡng tấm lòng sẻ chia, quan tâm trong mỗi học sinh của mái trường mang tên Bác”. Thật vậy, tấm lòng yêu thương của con người nằm ở sự nhận lấy và cho đi. Cho đi tình yêu thương, sự quan tâm, sẻ chia, đồng cảm giữa con người với con người là sự cho đi vô giá, bởi ta nhận về sự hoàn thiện trong phẩm chất, cốt cách và nâng cao giá trị con người. Sau khi tham dự chương trình, chắc hẳn học sinh trường Nguyễn Tất Thành đã phần nào hiểu hơn về giá trị cốt lõi “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam, từ đó, biết trân trọng, nâng niu mọi niềm hạnh phúc dù nhỏ bé và lan tỏa tấm lòng nhân ái, sẻ chia với nhiều hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Bài viết: Ngô Thị Thảo (10A1)
Ảnh: Lê Minh Ngọc (7A4) - Nguyễn Thuỳ Chi (11A1)