Học lịch sử qua những cuộc trò chuyện với những con người đã từng làm nên lịch sử, qua việc nhìn tận mắt những hiện vật của một thời đã qua… không còn là ước mơ của học sinh trường Nguyễn Tất Thành. Với chúng tôi, những trải nghiệm như thế là có thật. Chúng tôi – những học sinh khối 6 đã có buổi học lịch sử tại Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam như thế.


Kiến trúc cổ kính của Bảo tàng

Hôm nay chúng tôi sẽ tìm hiểu về văn hóa Đông Sơn, thời kỳ Bắc thuộc, triều Lý và thời kì chống quân Nguyên Mông để phục vụ cho chủ đề “Kể chuyện các anh hùng dân tộc trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm thời phong kiến”. Vì thế, dù Bảo tàng rất rộng với rất nhiều hiện vật quý giá và gợi không ít tò mò nhưng chúng tôi đành tiếc nuối bỏ qua.

Những ánh mắt chăm chú ngắm nhìn hoa văn trên chiếc trống đồng Ngọc Lũ - một trong những bảo vật của Việt Nam đã đủ nói lên sự yêu thích lịch sử của các bạn học sinh. Đến với khu trưng bày các hiện vật thời kỳ Bắc thuộc với những chiếc trống đồng, phù điêu cảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận hay ảnh đền thờ Phùng Hưng, Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn và tượng đầu rồng của triều Lý…, chúng tôi có cảm giác như đang tự tay lật giở đầy trân trọng từng trang lịch sử hào hùng của dân tộc.


Cô hướng dẫn viên đang giới thiệu trống đồng Đông Sơn

Khu trưng bày hiện vật thời kỳ Bắc thuộc


Phiên bản tượng A-di-đà ; Chuông đồng Vân Bàn


Khu trưng bày dụng cụ thời nguyên thủy


Các cọc gỗ trong chiến tranh Nguyên Mông - Đại Việt


Cuộc chiến chống quân Nguyên Mông

Giọng nói của cô hướng dẫn viên từ tốn đưa chúng tôi quay trở về ngày đầu dựng nước. Chúng tôi cùng nghe các câu chuyện lịch sử, trầm trồ thán phục sự tài giỏi của các vị tướng trong thời kì đấu tranh giành độc lập. Mỗi khi cô hướng dẫn viên đặt ra một câu hỏi, các bạn học sinh đều rất tích cực giơ tay, và hầu như ai cũng trả lời chính xác. Vì thời gian không nhiều, chúng tôi chỉ được đi lướt qua nên ai cũng trân trọng từng phút giây. Và nếu như có ai không cầm máy ảnh để ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời này, thì quả thật là đáng tiếc!

Phần tiếp theo của buổi học là làm bài kiểm tra nhỏ về những điều chúng tôi vừa thu nhận. Thật thoải mái và thích thú khi chúng tôi được tự do thảo luận theo nhóm. Tiếp đến, trò chơi lịch sử mang tên “Tìm đất đóng đô” cũng thật vui và ý nghĩa. Chúng tôi được nhập vai nhân vật lịch sử một thời, được lựa chọn, cân nhắc và quyết định, để rồi thấy trân trọng hơn cái tâm, cái tầm của Lí Công Uẩn thuở xưa; đồng thời thấy được trách nhiệm của một công dân Hà Nội trong tương lai. Trong phần giao lưu, chúng tôi đã được nghe câu chuyện lý thú về Mai Thúc Loan do cô bạn Chu Ngọc Thùy Linh lớp 6A3 kể. Câu chuyện lịch sử khá quen thuộc, nhưng Thùy Linh, bằng giọng nói và cảm xúc của mình, đã đem đến cho chúng tôi những trải nghiệm thật mới mẻ.



Hào hứng tham gia trò chơi “Tìm đất đóng đô”

Những giờ ngoại khóa như thế này thật thú vị! Qua những buổi học như thế này, chúng tớ thấy việc học lịch sử thật nhẹ nhàng” – Tâm sự của Thảo Linh cũng là tâm sự của rất nhiều bạn khi được trải nghiệm buổi học này. Với sự dẫn dắt của các thầy cô, chúng tôi lại hào hứng với “mỗi ngày đến trường” bởi đó chắc chắn “là một ngày vui”.


Nguyễn Thị Phương Anh - 6A5 (CLB Phóng viên)