Đáp ứng nguyện vọng của các bậc phụ huynh và học sinh, kì thi thử đại học đợt I vừa qua đã được tổ chức vào hai ngày 4 và 5 - 1 nhằm chuẩn bị tinh thần và kiến thức cho các sĩ tử trước kì thi đại học quan trọng sắp tới.

Kì thi diễn ra với 6 môn: toán, văn, anh, lý, hoá, sinh đáp ứng nhu cầu thi các ban thi chính của đại học như A, A1, B, D. Như mọi năm, nhà trường luôn mời những giáo viên có trình độ và kinh nghiệm thi đại học ra đề thi nhằm tạo điều kiện cho các sĩ tử được thử sức với đúng trình độ của mình. Kì thi diễn ra hết sức nghiêm túc với quy chế thi “3 không”, mỗi phòng có 1 – 2 giám thị, số lượng học sinh thi một phòng không quá 30, mỗi học sinh ngồi cách nhau trung bình khoảng một mét để tránh gian lận và quay cóp. Tham dự kì thi không chỉ có tất cả học sinh khối 12 trong trường đăng kí mà còn có sự thử sức từ các học sinh trường bạn như Lương Thế Vinh, Chuyên Sư Phạm,… Thời gian làm bài kéo dài từ 90 – 180 phút tùy từng môn. Kết quả bài thi được giả về từng học sinh theo lớp sau một tuần chấm bài kĩ lưỡng và chặt chẽ.

Với mục tiêu đánh vào tâm lý học sinh, kì thi thử đại học đợt 1 thường được đánh giá là có mức độ đề ra khó nhất trong ba kì, nhiều “bẫy” và “mẹo” hơn so với đề đại học để học sinh nhận thức được giới hạn trình độ của mình và tránh suy nghĩ chủ quan bỏ qua những chi tiết nhỏ. Năm nay, nội dung thi được đánh giá là dễ hơn so với mọi năm, song lại đòi hỏi kĩ năng cao hơn.

Với môn Toán, các kiến thức căn bản đủ để học sinh làm bài được 8 điểm, nhưng phần lớn điểm chỉ dao động ở mức 6, 7 bởi những sai sót nhỏ về trình bày hay tính toán. Khác với kì thi học kì, học sinh được đảm bảo quyền lợi về điểm nếu như những sai sót nhỏ không thực sự ảnh hưởng đến kết quả toàn bài thì ở đây, cách chấm chặt chẽ hơn theo đúng biểu điểm thi đại học của Bộ Giáo dục: chỉ tính điểm tới phần làm bài đúng, bắt đầu có sự sai sót thì toàn bộ phần sau mất điểm. Sự khác biệt này khiến nhiều sĩ tử đã dự đoán sai số điểm của mình, đồng thời tự nhận thức được cần phải nâng cao kĩ năng trình bày sao cho ngắn gọn, dễ “ăn điểm” nhất.

Với môn Văn, phần lớn học sinh đều bị bất ngờ bởi nội dung đề ra thi vào kịch – phần được ít học sinh chú ý nhất. So sánh với nội dung ôn thi của Bộ giáo dục, đề ra hoàn toàn chuẩn mực với ba câu, cụ thể:

Câu 1(2đ): Tái hiện kiến thức về nội dung một chi tiết trong một tác phẩm đã học, phân tích chi tiết đó

Câu 2(3đ): Nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí

Câu 3(5đ): Nghị luận văn học về một tác phẩm đã học trong chương trình lớp 11 và lớp 12 (Được chọn ban cơ bản và ban nâng cao)

Môn Văn được đánh giá là khó kiếm điểm 8 bởi không chỉ cần có kiến thức đầy đủ để đạt điểm tối đa câu 1 đề thi mà còn cần kĩ năng phân tích, liên tưởng phong phú để có nội dung bài viết câu 2 và câu 3 hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, các học sinh cũng phải biết ước lượng được giới hạn thời gian viết dành cho mỗi câu hỏi, tránh bị tâm lý hoang mang viết bài không kịp giờ.

Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm nên chủ yếu học sinh cần có phương pháp làm bài phù hợp chung là câu nào dễ làm trước, làm nhanh các câu hỏi vừa tầm khả năng trong thời gian ngắn nhất có thể ( tầm gần 1 phút) để dành thời gian suy nghĩ cho các câu hỏi khó. Khả năng phản xạ cũng là yếu tố quan trọng để học sinh có thể đạt điểm cao với dạng đề này. Kết quả đợt thi vừa rồi, nhiều bạn không đạt điểm cao bởi tâm lý vào phòng thi quên mất những lưu ý trong tính toán, trong những trường hợp đề bài khác nhau.

Kết quả thi thử đại học đợt I năm nay được đánh giá là cao hơn so với mọi năm với nhiều điểm tổng trên 20 điểm, đặc biệt là có sự đột phá của một số gương mặt với tổng điểm lên đến 26, 27. Hy vọng rằng trong 2 kì thi thử đại học tiếp theo, các sĩ tử sẽ có những kinh nghiệm làm bài hiệu quả hơn để đạt được số điểm mong muốn, để khẳng định được bản thân mình và sẵn sàng một tâm lý ổn định trước khi bước vào kì thi đại học thật sự 2014. Chúc các bạn thành công!


Nguyễn Thu Thảo 12D1 (CLB Phóng viên)