Sự kiện trường THPT dân lập Lương Thế Vinh công bố không có học sinh nào  lựa chọn môn Sử làm môn thi tốt nghiệp đang thu hút sự tham gia chú ý và bàn luận sôi nổi của những người dùng mạng Internet. Sự kiện  dễ làm liên tưởng tới sự việc trước đó khi học sinh một trường ở phía nam hò reo xé đề cương môn Sử khi nó không được chọn làm môn thi tốt nghiệp. Nên nhìn nhận kết quả và thái độ này của học sinh như thế nào?


Trắng trời học sinh xé đề cương môn lịch sử (Ảnh: nguồn internet)

Đứng ở lập trường  học sinh mà xét thì lựa chọn môn nào để thi là quyền lợi chính đáng theo đúng quy định của Bộ giáo dục. Tốt nghiệp là kì thi quan trọng. Hãy tưởng tượng một học sinh đèn sách 12 năm trời mà lại không may thi trượt trong kì thi tốt nghiệp thì điều gì sẽ xảy ra? Môn Sử với tư duy dạy, học và ra đề thi như hiện tại sẽ khiến cho học sinh cảm thấy lo ngại khi lựa chọn. Lối dạy và học chú trọng ghi nhớ  “biên niên sự kiện” và áp đặt sự bình luận, giải thích lịch sử theo quan điểm của sách giáo khoa và người dạy khiến học sinh chán nản. Một khi môn học bị biến thành trò chơi của trí nhớ với những con số và sự kiện thì đương nhiên học sinh sẽ lo sợ  khi đó là “kì thi nghiêm túc”. Trừ những học sinh nào thi khối C (Văn, Sử, Địa) lựa chọn môn Sử vì “nhất cử lưỡng tiện” số còn lại chắc không ngần ngại “nói không với môn Sử”.


Thầy giáo Nguyễn Quốc Vương và học sinh Nguyễn Tất Thành

Nhưng sự tính toán trong thi cử nói trên chỉ là một trong nhiều lý do học sinh tránh xa môn Sử. Nó chỉ là lý do biểu hiện bên ngoài. Sâu xa hơn là sự  quay lưng của học sinh với môn Sử. Xin nhấn mạnh ở đây là môn Sử chứ không phải là lịch sử. Rất có thể những học sinh không thích học sử lại là những người quan tâm tới những vấn đề lịch sử và có tư duy lịch sử tốt. Những gì trường học không dạy sẽ được các em tìm kiếm trong đời sống thực tiễn hàng ngày. Nghĩ sâu một chút, sự khủng hoảng của giáo dục lịch sử trong trường học hiện nay cũng chỉ là một biểu hiện của cơn đại khủng hoảng của nền giáo dục đã quá lạc hậu và đứng bên lề của dòng chảy thời đại. Và nữa, giáo dục lại nằm trong tổng thể những vấn đề trầm trọng và toàn diện của đất nước. Xét trong suốt chiều dài lịch sử thì thấy KHÔNG CÓ MỘT CUỘC CẢI CÁCH GIÁO DỤC TOÀN DIỆN NÀO LẠI TÁCH RỜI MỘT CUỘC CÁCH MẠNG XÃ HỘI. Nói một cách khác dễ hiểu hơn: cải cách giáo dục nảy sinh từ nhu cầu thay đổi xã hội và nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi ấy. Nếu một cuộc cải cách giáo dục nào đó cho dù quy mô đến đâu, trống dong cờ mở đến cỡ nào nhưng nếu xa rời nguyên lý trên rốt cục cũng thất bại. Cải cách giáo dục kiểu đó chỉ giống như viên thuốc an thần, giảm đau trong chốc lát cho người đang chịu đựng căn bệnh nan y. Vì vậy, có thể thấy lô-gic của một cuộc cải cách giáo dục đúng nghỉa phải bắt đầu từ hình ảnh xã hội mơ ước và hình ảnh con người mơ ước có khả năng tạo ra và bảo vệ xã hội ấy  với những phẩm chất và năng lực cần hình thành từ đó tính toán đến việc xây dựng triết lý giáo dục, nội dung, phương pháp, hành chính giáo dục… cho phù hợp. Một cuộc cải cách giáo dục lấy việc thay đổi sách giáo khoa hay đổi mới phương pháp dạy học làm điểm khởi đầu hay trọng tâm  cũng giống như xây một căn nhà bắt đầu từ cửa sổ.


Thầy giáo Nguyễn Quốc Vương

Trở lại với giáo dục lịch sử, ở đây, tôi sẽ phân tích tỉ mỉ hơn một chút để giải đáp câu hỏi: “tại sao học sinh chán học lịch sử?”. Lý do sâu xa của sự bế tắc này nằm trong sự bế tắc tổng thể ở trên. Xét ở góc độ hẹp “giáo dục lịch sử thuần túy” có thể liệt kê ra vài lý do khiến học sinh chán môn lịch sử như sau.

Thứ nhất là sự thiếu vắng hay nói cách khác là lệch lạc của “triết lý giáo dục lịch sử”. Nói ngắn gọn  đó là tư duy trả lời cho câu hỏi “học lịch sử để làm gì?”. Một câu hỏi vô cùng quan trọng nhưng nó cũng là câu hỏi mà ít có giáo viên và cuốn sách giáo khoa nào làm hài lòng học sinh. Ở Việt Nam khi đặt ra câu hỏi này người ta dễ dàng đáp một cách thuộc làu: “học lịch sử để nuôi dưỡng lòng yêu nước”, “học lịch sử để biết truyền thống dân tộc,  nguồn gốc tổ tiên”, …. Nghe có vẻ có lý. Nhưng nếu ai đó vặn lại là “thế những ai không được học  lịch sử là thiếu đi lòng yêu nước?”, “tôi không yêu nước tôi vẫn sống bình thường, giàu có, tại sao tôi lại phải học lịch sử để yêu nước?’… thì người bị hỏi sẽ lúng túng. Những cuốn giáo trình dành cho sinh viên sư phạm lịch sử cũng không giải đáp thấu đáo được câu hỏi này. Thực ra “giáo dục lịch sử để bồi dưỡng lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống dân tộc, nguồn gốc tổ tiên” là một quan niệm-một lối tư duy đứng trên lập trường “chủ nghĩa dân tộc”. Nghĩa là đứng từ phía “quốc gia”, lợi ích “quốc gia” (nhà nước)  mà lý giải. Tư duy này nghe có lý nhưng trong thực tế thiếu đi tính thuyết phục bên trong đối với từng cá nhân học sinh bởi cơ cấu “dân tộc chủ nghĩa” từ thập kỉ 70 của thế kỉ XX đã không còn là cơ cấu chủ đạo để giải thích và tiếp cận lịch sử. Thứ nữa, “con người  là động vật hoạt động vì lợi ích” vì vậy, học sinh sẽ không học lịch sử một khi nó không đem lại lợi ích thiết thực cho cuộc sống hàng ngày. Vậy thì, giải đáp câu hỏi này thế nào? Có nhiều cách luận giải khác nhau nhưng xu hướng coi giáo dục lịch sử có vai trò quan trọng trong việc giúp người học “tái xác định Identity của bản thân” (mình là ai, mình từ đâu tới, mình ở đây để làm gì), “cải thiện mối quan hệ giao tiếp với môi trường” (hiểu biết về đa giá trị trong môi trường đa văn hóa, toàn cầu hóa) và “hình thành phẩm chất công dân” trong xã hội dân chủ đang là dòng chảy chính trên thế giới. Chừng nào giáo dục lịch sử Việt Nam còn chưa hòa vào dòng chảy này, chừng đó sẽ còn lúng túng.

Thứ hai là sự “độc quyền chân lý” của chương trình và sách giáo khoa. Ở việt Nam hiện tại học sinh ở các trường phổ thông từ tiểu học đến trung học sử dụng duy nhất một bộ sách giáo khoa lịch sử do Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam phát hành. Sách giáo khoa này được biên soạn bởi những tác giả do bộ giáo dục chỉ định. Nội dung sách được xây dựng trên khung chương trình duy nhất của bộ giáo dục. Phương thức này gọi là “chế độ sách giáo khoa quốc định”. Nhìn một cách tổng quát trên thế giới có mấy phương thức, biên soạn sách giáo khoa là quốc định, kiểm định (nhiều nhà xuất bản làm sách, bộ giáo dục thẩm định và cấp phép) và tự do (sách giáo khoa được xuất bản và bán như sách thông thường). Những nước dùng phương thức sách giáo khoa quốc định là Việt Nam, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên… Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, …dùng sách giáo khoa kiểm định.  Các nước bắc Âu như Thụy Điển, Thụy Sĩ chấp nhận và bảo đảm tự do biên soạn sách giáo khoa. Nhược điểm lớn nhất của sách giáo khoa quốc định là “độc quyền chân lý” và “chủ nghĩa liệt kê”. Hệ lụy mà nó tạo ra là cả người dạy, người học, người quản lý đều coi sách giao khoa là “thánh thư” là “chân lý bất biến”. Học sinh thậm chí cả giáo viên coi tất cả lịch sử nằm hết trong sách giáo khoa, chỉ cần nhớ những gì sách giáo khoa viết là …ổn. Và vì thế, trên thực tế hầu như tất cả những gì giáo viên “sáng tạo được” chỉ là sự “vẽ rắn thêm chân” khi đưa vào những chi tiết làm sinh động, cụ thể hơn sự kiện, nhân vật trong sách giáo khoa hay sử dụng các kĩ thuật, công cụ hỗ trợ để giúp học sinh dễ hiểu, dễ ghi nhớ nội dung được viết trong sách giáo khoa. Vì vậy, ở Việt Nam cho dù ở Bắc Bộ hay Nam Bộ, Tây Nguyên, 1000 giáo viên nếu cùng dạy một bài thì bài giảng đó giống nhau đến 90%. Những ghi chép của học sinh trong giờ học cũng giống nhau đến ..kinh ngạc.

Thứ ba là sự bế tắc và nhầm lẫn của “đổi mới phương pháp dạy học lịch sử”. Như một phong trào, cứ nhắc đến cải cách giáo dục là người ta hô hào “đổi mới phương pháp”. Trên thực tế, đó là cái bẫy chết người. Với lối tư duy người thầy là người truyền đạt tri thức cho học sinh thì càng đổi mới phương pháp (dùng tranh ảnh, ứng dụng công nghệ thông tin, đưa học sinh tới bảo tàng…) để tăng hiệu ứng “truyền đạt” càng làm….học sinh chán học lịch sử và càng giết môn Sử nhanh hơn. Trong những giờ học lịch sử như vậy, học sinh đơn thuần là đối tượng tiếp nhận tri thức và quan điểm lịch sử của ông thầy hay sách giáo khoa tức là những chân lý bất biến và đã được quyết định. Cảm xúc và lý trí của học sinh không được đánh thức và dẫn dắt để sáng tạo. Lẽ ra trong giờ học lịch sử HỌC SINH PHẢI ĐƯỢC ĐÓNG VAI TRÒ LÀ NHÀ SỬ HỌC TÍ HON  để tìm kiếm tư liệu,  phê phán xử lý tư liệu, thiết lập giả thuyết để rồi tiến tới thảo luận bác bỏ hay khẳng định giả thuyết. tức là học sinh có cơ hội được tái khám phá chân lý dưới sự hướng dẫn của thầy. Bởi thế giờ học lịch sử hiện nay ở các trường phổ thông đơn thuần chỉ là trò chơi của trí nhớ, của diễn giải và hỏi đáp đúng-sai. Sự đa dạng của nhận thức lịch sử không được thừa nhận.

Lý do cuối cùng nằm ở sự sai lầm trong “kiểm tra đánh giá”. Với tư duy dạy và học sử như trên, kết quả tất yếu là các đề kiểm tra, đề thi đều rơi vào dạng thử thách khả năng ghi nhớ của học sinh. Theo lối tư duy này, những học sinh nào thuộc bài, nhớ nhiều, nhớ chính xác là học tốt. Đôi khi cũng có một vài câu hỏi ra theo kiểu so sánh giữa hai sự kiện hoặc là khái quát một giai đoạn lịch sử nào đó nhưng về bản chất đó cũng chỉ là sự kiểm tra trí nhớ. Hậu quả là lãng phí tài năng của người học và không chọn được nhân tài thực sự.

Có người hỏi tôi “học sinh không chọn môn sử, anh có buồn không?”. Tôi đáp: “Không!” Thậm chí là ngược lại. Tuổi trẻ thông minh và nhạy cảm hơn người lớn tưởng. Giữa chán học môn sử trong trường và quan tâm tới lịch sử, có ý thức lịch sử mạnh mẽ hay không lại là chuyện khác. Những gì tôi thu nhận được từ phản hồi của học sinh khi tôi thử nghiệm một vài ý tưởng tại trường học càng giúp tôi củng cố niềm tin ấy. Trong công cuộc tái khai sáng quốc dân mà các trí thức đầu thế kỉ XX đang tiến hành dang dở thì những thanh niên thuộc làu lịch sử  học trong  nhà trường và tin rằng đó là chân lý bất biến lại có nguy cơ trở thành những hòn đá cản đường. Cái bi hài của dân tộc Việt nó  nằm ở chỗ ấy. Và nữa,  biết đâu nếu như 100% học sinh cả nước không chọn môn Sử làm môn thi tốt nghiệp, môn Sử sẽ lại hồi sinh.

01/03/2014

ThS Nguyễn Quốc Vương