Chiều ngày 6/9/2014, Câu lạc bộ NTT Science Club – Câu lạc bộ Khoa học – đã tổ chức buổi sinh hoạt đầu năm học – và đồng thời cũng là buổi gặp mặt đầu tiên của các thành viên trong câu lạc bộ.
Ý tưởng thành lập Câu lạc bộ Khoa học đã được nhen nhóm từ lâu, song đến tháng 4/2013, NTT Science Club mới chính thức ra đời. Khi mới thành lập, CLB có sự tham gia của khoảng 30 thành viên. Nhưng cho đến bây giờ, số lượng thành viên trong CLB đã cán mốc 150 và có thể sẽ còn hơn thế nữa. Tuy mới ra đời được hơn 1 năm, nhưng CLB đã tổ chức rất nhiều cuộc thi khoa học thú vị như chế tạo tên lửa nước, thả trứng,... Bên cạnh đó, các thành viên còn có cơ hội tham gia cuộc thi Nghiên cứu Khoa học thành phố, thi đua với nước bạn Singapore,... và giành được nhiều giải thưởng cao.
Nói đến CLB Khoa học, chúng ta không thể không nhắc đến thầy Nguyễn Tiến Long – Chủ tịch CLB. Từng là học sinh giỏi xuất sắc theo học tại trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (thầy Tiến Long đỗ Thủ khoa Khoa Vật Lí trường Đại học Khoa học Tự nhiên), thầy rất thấu hiểu mong ước của những học sinh đam mê nghiên cứu khoa học. Thầy Long là người có vai trò quan trọng trong việc thành lập và phát triển CLB; NTT Science Club được như ngày hôm nay có sự đóng góp rất lớn công sức của thầy. Có thể nói thầy đã góp phần tạo nên một sân chơi lớn cho toàn thể học sinh yêu thích khoa học.
Trước khi buổi sinh hoạt diễn ra, không khí trong phòng 405 – nơi hội tụ những học sinh đam mê khoa học của mái trường mang tên Bác – khá sôi nổi. Mỗi người một sắc thái, song tất cả mọi người đều cảm thấy hồi hộp và phấn khích.
Trong bầu không khí ấy, cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Anh đã có những chia sẻ thân tình với các thành viên của CLB. Những định hướng rõ ràng mà dí dỏm của cô khiến các bạn học sinh bật cười mà lại càng thấm thía hơn.
Tiếp đó là đến phần phát động cuộc thi Nghiên cứu Khoa học của thầy Đỗ Danh Bích - Phó Hiệu trưởng nhà trường. Thầy bày tỏ mong muốn được thấy học sinh trường Nguyễn Tất Thành so tài với học sinh nước bạn. Thầy cũng giục các bạn nhanh chóng chọn đề tài nghiên cứu để còn tham gia các cuộc thi lớn như cuộc thi Khoa học – Kĩ thuật TP Hà Nội và Giao lưu khoa học với học sinh Singapore.
Thầy Đỗ Danh Bích phát động cuộc thi Nghiên cứu Khoa học
Ngay sau đó, tất cả thành viên CLB háo hức làm bài test nhanh của thầy Nguyễn Tiến Long. Mục đích của bài test là tìm ra những “tư tưởng lớn” đang ẩn mình trong hơn một trăm bạn ngồi đây. Đề bài gồm 3 phần: Khảo sát ý kiến học sinh, gợi ý đề tài nghiên cứu và test nhanh kiến thức. Sau khi nhận đề, các thí sinh nhanh chóng bắt tay vào làm.
Không khí say sưa tại phòng 405 trong thời gian làm bài test
Bên cạnh những câu hỏi test nhanh kiến thức khoa học, các thí sinh cũng có dịp thư giãn với những câu hỏi đố vui hài hước. Thí sinh làm bài với thái độ vui tươi, thỉnh thoảng thoáng xuất hiện một nụ cười khi đọc những câu hỏi “chuối cả nải” trong đề.
Các thí sinh chăm chú làm bài
Sau khi đã nộp hết bài, các thí sinh vui mừng chào đón sự xuất hiện của PGS-TS Nguyễn Quỳnh Lan với nụ cười hết sức thân thiện. Ngày hôm nay, cô đã mang đến cho buổi sinh hoạt “một cơn gió” của ngành Vật Lí Thiên Văn. Cô giảng giải cho lớp về vũ trụ, thiên hà rộng lớn, về Hệ Mặt trời của chúng ta,... Bên cạnh lời giảng trầm ấm, những slide minh họa của cô Lan cũng rất sinh động và dễ hiểu.
PGS-TS Nguyễn Quỳnh Lan và bài thuyết trình về Vật lý Thiên văn
Học sinh chăm chú lắng nghe
Kết thúc bài thuyết trình, có rất nhiều câu hỏi được đưa ra chờ cô Quỳnh Lan giải đáp. Những câu hỏi khá “hóc”, có lúc làm cô bối rối, có khi lại phải cầu cứu chính những bạn học sinh khác, và giả thuyết của các bạn xem chừng cũng tương đối hợp lý. Tưởng chừng như màn hỏi – đáp này sẽ không thể dừng được!
Chân dung những tác giả ham học hỏi với những câu hỏi “hóc”
Thầy Bích và cô Lan hết lòng giải đáp thắc mắc của các bạn.
Vậy là kết thúc phần lý thuyết. Nhưng học cần phải đi đôi với hành, nên ngay sau đó thầy Tiến Long đã bước lên công bố danh sách những bạn học sinh may mắn được đặt chân tới đài thiên văn của trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Sau khi đã tập hợp đông đủ, thầy và trò cùng “hành quân” tới đài quan sát, để được chiêm ngưỡng chị Hằng qua kính viễn vọng.
Cùng “diễu binh” đến đài thiên văn
Quang cảnh nhìn từ trên đài viễn vọng
Chiếc kính viễn vọng đầu tiên được mang ra rồi!
Khó có thể miêu tả niềm vui của các bạn học sinh khi lần đầu tiên trong đời được ghé mắt vào kính viễn vọng
Quan sát với chiếc kính thứ 1 và thứ 2...
...và chiếc thứ 3.
Ai bảo giám sát viên chỉ được đứng nhìn?
Ngắm chị Hằng
Vậy là buổi sinh hoạt đầu tiên của CLB Khoa học đã kết thúc với những niềm vui tràn ngập của các bạn thành viên. Chúng tôi ra về mà vẫn còn tiếc nuối, và háo hức chờ đợi những buổi sinh hoạt tiếp theo. Chúc CLB Khoa học của chúng ta ngày một trưởng thành vững mạnh!