Đâu đó có lần tôi đã được nghe một câu danh ngôn: "Không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình". Điều đó quả thật rất đúng với những giáo viên đầy tình yêu nghề đến từ ngôi trường mang tên Bác – trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành. Bước chân vào trường chưa được bao lâu, nhưng những “người đưa đò qua dòng sông tri thức” tràn trề nhiệt huyết nơi đây đã thực sự để lại nhiều dấu ấn trong tôi bởi sự say mê với nghề và tận tâm với trò. Trong đó, có một người thầy đã gây ấn tượng mạnh với tôi ngay từ lần đầu gặp mặt và đến bây giờ, tôi vẫn dành cho thầy rất nhiều tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ - thầy Đỗ Thành Trung.


Thầy Trung với tủ sách “khủng”

Thầy sinh ngày 1 tháng 11 năm 1985. Tốt nghiệp từ khoa Sinh học - trường Đại học Sư Phạm Hà Nội vào năm 2008, thầy đã giảng dạy ở trường từ năm 2009 đến nay. Thầy là một tấm gương sáng cho học sinh về việc phấn đấu trong học tập. Sinh ra ở mảnh đất Điện Biên xa xôi, tuổi thơ của thầy khá vất vả. Nhưng vượt lên trên sự khó khăn ấy, thầy đã dành được giải 3 quốc gia môn hóa năm lớp 12, tốt nghiệp cao học và có bằng Thạc Sĩ.

Còn nhớ tiết học đầu tiên của tôi ở Nguyễn Tất Thành chính là tiết Sinh học của thầy. Thầy bước vào lớp và đưa chúng tôi đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Bất ngờ đầu tiên là ở cách thầy cúi chào học sinh. Mỗi thầy cô có cách chào khác nhau, nhưng riêng thầy luôn cúi người 90 độ. Lần đầu dạy lớp, thầy dành tặng chúng tôi hai bài hát mà thầy thích. Thầy rất thích hát, trong mỗi bài hát của thầy đều chứa đựng tình cảm thương yêu, trìu mến. Điều bất ngờ thứ hai là “thẻ”. Tấm thẻ của chúng tôi là lá bài có chữ ký của thầy. “Ai làm mất thẻ hay quên thẻ là phải lên bảng kiểm tra bài cũ đấy!”. Sợ mất thẻ, quên thẻ, cả lớp tôi đứa nào cũng lo cất thật kỹ và học bài cũ thật cẩn thận để đề phòng trường hợp “quên thẻ”. Việc đó tưởng chừng đơn giản nhưng thực ra lại rất thiết thực, quân bài đó làm cho chúng tôi không thể lười học bài, không thể lười ôn kiến thức cũ dù đã có điểm kiểm tra miệng.


Thầy rất vui tính nhé!

Lên cấp ba, chúng tôi không còn được nhởn nhơ như những ngày cấp hai nữa. Những môn học thuộc như Sinh, Sử, Địa, GDCD không hề “dễ nhằn” tí nào. Hiểu được tâm lý ấy, thầy Trung luôn biến những tiết học lý thuyết cứng nhắc trở nên vui vẻ, đầy tiếng cười. Thầy rất vui tính, và mỗi bài học của thầy luôn có những câu truyện cười nho nhỏ, vừa giúp chúng tôi hiểu bài nhanh hơn, vừa xóa tan sự căng thẳng. Chúng tôi thường gọi thầy bằng biệt danh “thầy Minh béo” vì thầy rất giống diễn viên hài này. Những nét riêng trong tiết học của thầy đã tạo nên một hình ảnh người thầy vô cùng đặc biệt trong tôi – một người thầy gần gũi và tâm huyết với nghề.

Một người thầy sâu sắc là thế, vậy mà lần đầu tiên được nghe tiếng gọi “thầy” cũng làm cho thầy vô cùng xúc động và ghi nhớ đến tận bây giờ. Kỉ niệm đẹp đó xảy ra trước cái ngày thầy chính thức vào dạy ở Nguyễn Tất Thành, khi đang đi dạo trong khuôn viên nhà trường, thầy đã nghe thấy tiếng chào của một cô bé học sinh – “em chào thầy ạ!”, cứ ngỡ cô bé ấy chào giáo viên khác nên thầy định đi tiếp nhưng khi cô học trò cất tiếng chào một lần nữa thì thầy đã thực sự vui mừng và hạnh phúc. “Chắc đó mới là ngày thầy chính thức bước chân vào cái nghề cao quý này, lời chào ấy cũng chính là giấy xác nhận dành cho một giáo viên như thầy.” – thầy Trung xúc động chia sẻ.


Khi được hỏi về cảm nhận đối với những cô cậu học trò trường Nguyễn Tất Thành, thầy đã không giấu nổi niềm hạnh phúc và phấn khởi để chia sẻ về những tình cảm dành cho những đứa con đã mang đến cho thầy sự tươi trẻ và cũng là nguồn động lực để thầy thêm yêu nghề, cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người. Với suy nghĩ và cảm nhận vô cùng đặc biệt, thầy cho rằng mỗi lớp học sinh là một mối tình đầu, vì thầy quan niệm, cuộc tình đầu luôn là cuộc tình đẹp nhất, nó sâu lắng và khó phai như những cô bé, cậu bé mà thầy may mắn được dạy dỗ. Chỉ nhiêu đó thôi cũng đã cho ta hiểu được tình cảm đối với học trò của thầy to lớn và đáng quý biết nhường nào.

Chỉ một cuộc trò chuyện ngắn nhưng rất đỗi chân thật, tôi đã hiểu thêm được phần nào về người thầy mà tôi luôn ngưỡng mộ, tình cảm yêu mến, kính trọng của tôi dành cho thầy càng nhiều hơn, và tôi tin chắc rằng, không chỉ tôi – một cô học sinh may mắn được nhận sự dạy dỗ của thầy, mà còn nhiều học trò khác nữa sẽ có cùng cảm nhận với tôi. Kết thúc cuộc nói chuyện, chia tay với thầy Trung, chúng ta hãy cùng chúc cho thầy sẽ luôn thành công trong cuộc sống, luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và đặc biệt sự nghiệp trồng người của thầy sẽ đạt được như mong muốn.

Đào Ngọc Anh 10D4 và Ngô Thu Hằng 10D1