TRƯỜNG NGUYỄN TẤT THÀNH XANH

 

Ngước nhìn ô cửa xanh cheo veo trên nền trời xanh thắm,

Lướt qua sắc áo đồng phục xanh không lẫn với ai trên mỗi nẻo phố phường

Thêm da diết nhớ tán bàng xanh tỏa bóng mỗi độ xuân hạ ghé thăm

Nhớ bản hòa tấu xanh của mái trường mang tên Bác

Xanh lời giảng của thầy gieo tình yêu khoa học

Xanh nốt nhạc vút bay tình yêu dân tộc

Xanh vần thơ muốn sang con hãy bắc cầu kiều

Xanh ước mơ của đàn chim tung cánh bay cao

Xanh tuổi đời hai mươi lăm năm thanh xuân rực rỡ

Trường Nguyễn Tất Thành trong tôi là tình yêu ngát xanh, xanh đến vô ngần.

(Phạm Sơn Bách - Lớp 7A4)

 

NẮNG

 

Ánh nắng trên cửa sổ

Trên ghế gỗ bảng đen

Trên bước chân tới lớp

Trên nụ cười dịu êm

 

Lúc nào cũng rực rỡ

Ánh nắng chiếu khắp nơi

Lấp lánh sân trường vắng

Chiếu thẳng vào tim tôi

 

Ngày nào cũng như vậy

Dưới mái trường nơi đây

Những mặt trời tỏa nắng.

Để yêu thương đong đầy…

(Hoàng Chúc An - 7A5)

 

BẦU TRỜI TRONG TÔI

Có một bầu trời biếc

Chẳng thắm xanh như ngọc

Chẳng trắng ngần áng mây

Chẳng bồng bềnh màu nắng

 

Có một bầu trời biếc

Xôn xao tiếng bạn bè

Ấm giọng thầy cô giảng

Ánh mắt ngời say mê

 

Bầu trời trong tim ấy

Tôi sẽ mãi mang theo

Mái trường bao khát vọng

Mai xa hẳn nhớ nhiều.

(Hà Gia Hưng – 8A1)

 

 

KHOẢNG TRỜI BÌNH YÊN

 

Trường em, em yêu lắm

Nguyễn Tất Thành mến thương

Hàng cây xòa xanh thắm

Chào đón em tới trường.

 

Yêu sao lời cô dạy

Yêu sao ánh mắt hiền

Chúng em say mê học

Một khoảng trời bình yên

 

Sân trường rực nắng vàng

Tiếng trống trường quen thuộc

Xôn xao tiếng học trò

Ánh mắt ngời mơ ước.

(Ngô Hoàng Ngọc Linh – 8A5)

 

NGÔI TRƯỜNG TÔI YÊU

 

Ngôi trường tôi yêu, Nguyễn Tất Thành

Ngôi trường tôi đó, giữa màu xanh

Của cây, của cỏ và hoa lá

Và của thiên nhiên rất trong lành

 

Tôi được nhận biết bao điều thương mến

Thầy dạy tôi yêu biết ghét thẳng ngay

Biết đồng cảm, biết sẻ chia, trắc ẩn

Để vững tin trong cuộc sống mai này

 

Màu bảng đen ngời trong sắc nắng vàng

Háo hức nhiều, bao ánh mắt dễ thương

Chúng tôi - lớp đầu xanh tuổi trẻ

Sẽ dần khôn, và lớn, dưới mái trường...

 

Tôi từng ước, từng mang bao hoài bão

Nhưng trước tiên, tôi hiểu một điều

Nguyễn Tất Thành - nơi thầy cô đã dạy

Sống trong đời, cần chia sớt tình yêu...!

(Nguyễn Thị Thanh Mai – 8A5)

 

CHƯA KỊP NÓI LỜI YÊU

 

Ủ ấp trong tim một bóng hình

Mỗi lần thu đến, mắt long lanh,

Mái trường xưa ấy - thời niên thiếu,

Kí ức hôm nao, giữ riêng mình.

 

Đây rồi lớp học, dãy hành lang,

Và cả bóng bàng đứng hiên ngang!

Khẽ ôm chùm nắng, nghiêng tay rót

Ô cửa thẫm xanh đẫm nắng vàng.

 

Đây giọng cô thầy bao thương mến

Bảng xanh, phấn trắng, trang vở quen

Ríu rít tiếng cười… Nôn nao nhớ

Nhớ thời áo trắng. Nhớ mắt hiền.

 

Thấm thoắt thời gian vụt trôi qua

Dịu dàng thương mến đã rời xa

Mái trường ngày ấy bao lưu luyến

Tôi còn chưa kịp nói yêu mà...

(Nguyễn Ngọc Bảo Linh – 8A7)

 

BẦU TRỜI VÀ TỔ ẤM

 

Ngày này năm ấy, tôi:

Là một đứa trẻ chập chững bước vào đời,

Là một tờ giấy trắng…

 

Ngày này năm ấy, tôi:

Như một chú ngựa non, háu đá

Như chú mèo con tự coi mình là hổ.

 

Cũng ngày này năm ấy, tôi lần đầu:

Như một viên ngọc thô dưới bàn tay người nghệ sĩ:

Được mài giũa, chạm khắc, đánh bóng tỉ mẩn,

Được nâng niu trân quý,

Được tỏa sáng,

Được lấp lóa dưới bầu trời ngát xanh.

 

Tôi bây giờ:

Như chú cá nhỏ vẫy vùng trong nước,

Như con chim sơn ca cất cao tiếng hót đón bình minh

Như đóa hoa dưới nắng vàng rực rỡ đã vươn mình

Tôi thấy nơi lồng ngực trái tim khe khẽ hát

(Phùng Quốc Hưng – 11A2)

 

NGÔI TRƯỜNG CỦA EM

 

Ngôi trường như chiếc tổ

Đầy ấm áp, yêu thương

Nuôi những đôi cánh nhỏ

Chờ ngày bay bốn phương.

 

Bầu trời thật rộng lớn

Đầy ắp điều diệu kì

Nhưng cũng nhiều hiểm nguy

Chờ chú chim non nớt.

 

Khi còn là chim nhỏ

Trong chiếc tổ thân quen

Học tập và rèn luyện

Đôi cánh dần lớn lên.

 

Rồi một ngày mới đến

Sải cánh bay đi xa

Vẫn không quên trường cũ

Nhìn về mắt lệ nhòa.

(Phạm Khánh Hà – 7A1)

 

TỔ ẤM

 

Bầu trời thì vời vợi

Mái ấm lại thân thương

 

Em có cả bầu trời

Trong xanh và tươi mát

Em có cả mái ấm

Dịu hiền và bao dung

Em mãi yêu bầu trời

Và biết ơn tổ ấm

 

Tổ ấm khi ở nhà

Là cha hiền mẹ đảm

Tổ ấm lúc ở trường

Là vòng tay tình cảm

Là bài giảng cô thầy

Vẽ bầu trời mơ ước

 

Khoảng sân lưu kỉ niệm

Lớp học dệt yêu thương

Thầy cô là ánh lửa

Nâng bước em tới trường.

(Hoàng Kim Ngân - 11D4)

 

Tổ ấm thân thương

 

Hàng cây che bóng mát

Mướt xanh ngôi trường em

Con sẻ nào khẽ hát

Góc mái xinh êm đềm

 

Thân thương tiếng “tổ ấm”

Trường in dấu tuổi thơ

Trưởng thành và vụng dại

Kỉ ức không phai mờ

 

Tôi lớn khôn nhờ thầy

Gửi vào hồn trong sáng

Bao bài học đầu đời

Nhuốm màu những trang thơ

 

Tôi yêu ngày đi học

Yêu bước chân đến trường

Yêu phấn trắng bảng đen

Tiếng trống trường quen thuộc.

(Lê Anh Thư – 8A4)

 

THU VỀ

 

Tia nắng cuối cùng mùa hạ

Vương nhẹ trên tóc em

Chú sẻ lông xù mắt sáng

Nghiêng đầu ríu rít trước thềm

 

Mùa thu về ngang phố

Trời trong, nắng sóng sánh vàng

Dãy nhà lô nhô cao thấp

Vươn mình chào đón mùa sang

 

Khung cửa xanh thân thương ấy

Mở ra vời vợi khoảng trời

Cây bàng bốn mùa thay lá

Thu về xanh đến chơi vơi

 

Ấm áp tiếng thầy cô giảng

Trong veo đôi mắt học trò

Biết bao nhiêu điều mới lạ

Sáng bừng trang vở thơm thơ

 

(Khánh Nguyễn - cựu HS)

 

KHOẢNG TRỜI VÀ TỔ ẤM

Nắng dịu dàng bao bọc lấy tán lá rung rinh trước gió, tôi nghiêng đầu thu trọn cái ấm áp ấy nơi đáy mắt. Mây ngả mình tự do trôi giữa nền xanh vô tận như cách tôi lười biếng nằm trên chiếc ghế gỗ góc sân trường. Tôi thích lắm cái cảm giác thoải mái lại chẳng phải nghĩ suy khi buông mình ở nơi đây. Hòa với nắng khi mà trái tim chẳng thể cất lời, yên với cây khi bộn bề tứ phương khiến tôi mỏi mệt. Bởi lẽ, chiếc ghế gỗ dưới tán cây bàng lại chính là nơi giản đơn cho tôi cái nhìn hoàn toàn khác về mái trường này.

Nếu là nắng, người ta nói vạn vật sẽ mang cảnh sắc rực rỡ và chói chang. Tuy vậy, khi nằm trên ghế và tầm mắt len lỏi qua từng nhánh cây, tôi lại thấy khác. Bầu trời khi có nắng lại chẳng có mây, sẽ chỉ độc một màu xanh dịu dàng, nhàn nhã. Bầu trời khi có nắng cùng với mây lại là một khung cảnh dễ chịu tựa như tiếng hát ngân nga ru ta vào giấc ngủ. Bầu trời khi có nắng cùng với tán bàng chính là cảm giác nơi thôn quê, khi trưa hè nóng nực có mẹ quạt cho ngủ. Bởi vậy, nắng ở Nguyễn Tất Thành là một cái nắng riêng biệt, bầu trời ở Nguyễn Tất Thành là một màu xanh mới và chính cái khác biệt ấy tô điểm cho chính nơi này – tổ ấm của tôi suốt 1000 ngày.

Nếu là mưa, người ta sẽ bỏ chạy khi thấy đám mây đen còn tôi lại muốn ngồi yên và tận hưởng cảm giác mát mẻ, sảng khoái ấy mãi thôi. “Mưa phiền phức lắm, đi học chẳng khác gì đi lội sông, lội suối.”, “Mưa sẽ kẹt xe, tắc đường chẳng thích chút nào!”, ấy là người khác nói thế nhưng tôi lại thấy đám mây đen hay sấm sét cũng có cái đẹp riêng của nó. Bầu trời khi mưa sầu bi lắm, lại mang vẻ thần bí không thôi. Bởi trường tôi dường như cũng nhuộm một nét buồn bã theo cơn mưa ấy. Tí tách hay ầm ầm, gió thoảng hay cơn giông, nếu có nắng sẽ có mưa, nếu có trời xanh sẽ có mây đen kéo đến, ngày buồn ở Nguyễn Tất Thành sẽ chẳng da diết tha thiết như cơn giông đâu vì nó sẽ yên bình, bình tâm đến lạ, chỉ khi ta ngắm nhìn nó bằng con mắt khác. “Trời mưa rồi kìa ra ngắm mưa đi các cậu ơi!”, “Dạo này nắng quá, già mà có chút mưa cho mát nhỉ!”, tôi vẫn còn nhớ cảm giác mỗi lần buồn bã đến mức muốn khóc, ghé đầu tựa vào lan can ngoài hành lang rồi để mặc cơn mưa xối xả vào mặt đến ướt cả tóc. Khi mưa, con người ta khóc sẽ chẳng có ai biết đâu, bởi nước mưa đã giấu nhẹm giọt nước mắt ấy vào trong. Ấy vậy mà cơn mưa ấy như hét lên mọi tâm tư trong tôi, thoải mái vô cùng. Giữa con mắt lẫn lộn cảm xúc ấy, mái trường Nguyễn Tất Thành như nhòe đi, nhưng thật lạ kì hình ảnh đó lại in sâu vào tâm trí tôi, bởi lẽ khi ấy bốn bức tường như ôm lấy tôi vậy.

Nếu là bầu trời thu trong vắt chẳng chút xanh cũng chẳng chút nắng, ngôi trường sẽ trở lại dáng vẻ giản đơn nhưng cũng hào nhoáng của chính nơi này. Gió thu đưa đẩy tán lá bàng rung rinh. Gió thu len lỏi qua từng sợi tóc tôi mang đến sự dễ chịu trong âm thầm. Lòng tôi xốn xang: hóa ra cần thật nhiều thời gian để gây dựng nên một ngôi trường như vậy. Hóa ra để tôi nhàn nhã ngồi ngắm nghía ngôi trường này thì nó đã hóa thân biết bao nhiêu lần qua 25 năm qua. Thời gian là bằng chứng cho nét hoàng kim của bầu trời Nguyễn Tất Thành, của tổ ấm Nguyễn Tất Thành và thật may mắn khi trong thời gian đằng đẵng ấy, tôi là một phần của mái trường này.

Xào xạc, tán cây bàng nhoè đi trước mắt. Chói chang, ánh nắng kia chẳng chút bận tâm chiếu thẳng vào đôi mắt đang mơ ngủ. Tôi nheo mắt vào xem, hoá ra mình lại ngủ thiếp trong khi tận hưởng cảm giác thư thái ấy. Sau hết thảy, giấu kín trong đôi mắt, không phải tán bàng cũng không phải ghế gỗ nơi góc sân, bầu trời Nguyễn Tất Thành mới chính là điều tôi yêu quý. Bởi lẽ, khoảng trời ấy chính là nền xanh tô điểm cho vạn điều ở nơi đây. Thì ra tán cây đó như phát sáng giữa khoảng trời trắng bông, thì ra nắng kia chỉ chói chang khi bầu trời chẳng chút mây vương, thì ra cơn mưa chỉ dữ dội khi bầu trời tối đen, mù mịt. Và sâu trong đôi mắt tôi, Nguyễn Tất Thành dịu dàng, ấm áp như bầu trời khi xế chiều, khi ánh nắng và bầu trời quyện lại thành một màu kẹo bông hồng hào.

Nguyễn Tất Thành của quá khứ hay Nguyễn Tất Thành của 25 năm sau có lẽ vẫn như vậy, vẫn là một khoảng trời yên bình, tự do và vẫn là tổ ấm của biết bao thế hệ học sinh trở về.

(Bùi Thị Chúc Linh – 11D4)

 

HÀNH TRÌNH KHỞI ĐẦU TẠI NGÔI TRƯỜNG MANG TÊN BÁC

Mái trường luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong lòng mỗi người. Đó là nơi lưu giữ những kỷ niệm đẹp đẽ nhất thời học trò. Sau những năm tháng được cha mẹ che chở, mái trường chính là ngôi nhà thứ hai bao bọc tuổi thơ của chúng ta.

Riêng với tôi, những ngày tháng theo học tại ngôi trường mang tên Bác Hồ kính yêu chắc chắn là những kỷ niệm không thể nào quên. Đó là khoảng thời gian tôi được vui chơi bên bạn bè, được các thầy cô dìu dắt và truyền đam mê học tập. Tuy nhiên, con đường học vấn ấy của tôi cũng không phải là một chặng đường bằng phẳng. Nó cũng đầy những khó khăn, thử thách mà tôi đã phải vượt qua.

Ngày đó, vào một ngày hè oi ả tháng 7 năm 2021, khi những đóa phượng đỏ rực rỡ đang thu mình trong cái nắng chói chang, đường phố trống lặng vắng vẻ vì đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Ngồi một mình trong góc phòng thân thuộc, tôi nhớ da diết tiếng cười đùa rôm rả của bạn bè, nhớ ánh mắt hiền từ của thầy cô. Mong sao dịch bệnh sớm đi qua, để lại được quay về mái trường thân yêu. Bỗng đâu, tiếng gọi của mẹ như đưa tôi về thực tại. Chạy đến bên mẹ, giọng trìu mến mẹ nói, con ngồi xuống đây cùng tâm sự với mẹ chuyện học hành. Lúc đó, tôi hồn nhiên nghĩ đơn thuần là sẽ chia sẻ cùng mẹ về những chuyện ở trên trường, lớp như bao ngày hai mẹ con vẫn thường tâm sự. Tuy nhiên, khi thấy sắc mặt mẹ nghiêm túc hơn mọi lần tôi dự cảm rằng những điều mẹ quan tâm, chia sẻ sắp tới là vô cùng quan trọng.

Mẹ mở đầu câu chuyện bằng một câu mà tôi vẫn nhớ như in đến tận bây giờ: “Con à, giờ con đã sắp hoàn thành năm học cuối cấp. Mẹ biết chuyện này chắc chắn sẽ làm con buồn, nhưng mẹ muốn nói với con rằng sắp tới, mẹ muốn cho con chuyển sang học tập và hoàn thành năm cuối cấp ở trường Nguyễn Tất Thành. Mẹ biết việc này có thể sẽ làm con bất ngờ và có chút khó khăn ban đầu, nhưng mẹ tin rằng đây sẽ là môi trường tốt để con phát triển và chuẩn bị bước vào chặng đường mới của quá trình học tập. Vậy nên, con có đồng ý với quyết định của mẹ không? Mong con hãy suy nghĩ thật kỹ nhé! Dù thế nào đi nữa thì mẹ cũng luôn ủng hộ và đồng hành cùng con”.

Cùng với những lời mẹ nói là hàng loạt cảm giác khó tả ập tới tâm trí tôi. Lúc đó, với tâm lý không muốn xa trường, xa thầy bạn đã gắn bó gần 4 năm qua nên tôi đã nhất quyết từ chối lời đề nghị của mẹ về việc chuyển trường. Với tôi việc phải chia xa những người bạn thân thiết vào năm cuối cấp để đến một ngôi trường mới hoàn toàn xa lạ không hề quen biết ai, thực sự khiến tôi lo lắng và hoang mang. Tôi sợ mình lạc lõng, sợ không thể làm quen được với những bạn mới, những thầy cô mới... và sợ không thể hòa nhập được trong môi trường mới. Đó quả thực là thử thách lớn với tôi lúc bấy giờ.

Nhưng rồi trong lúc đang cảm thấy bế tắc và phân vân nhất, tôi đã nhận được lời khuyên đến từ cô Thu Anh, nguyên Hiệu trưởng trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành đã giúp tôi thay đổi suy nghĩ. Cô nói: “Dù thế nào thì lên lớp 10 con cũng sẽ phải xa những người bạn đã đồng hành cùng mình suốt những năm tháng tuổi học trò. Thế nên bây giờ điều con cần làm là nhìn về tương lai và chọn cho mình ngôi trường phù hợp nhất để thuộc về”. Nghe xong, tôi đã ý thức được mình cần phải suy xét thấu đáo hơn. Và rồi, tôi quyết định sẽ khoác trên mình màu áo đồng phục màu xanh đặc trưng của mái trường mang tên Bác, chính thức trở thành một phần của nơi đây.

Tuy nhiên, đến với ngôi trường mới lạ lẫm, vốn không quen biết ai từ trước, tôi thực sự gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc phải học online vì dịch bệnh càng khiến tôi ít có cơ hội làm quen với mọi người. Nỗi nhớ trường, nhớ bạn cũ dâng trào, không ít lần tôi đã khóc thầm một mình, tự hỏi không biết mình có thể vượt qua những khó khăn này được hay không.

Vốn là một đứa vốn luôn sống vui vẻ và tích cực, thế nên khoảng thời gian đó quả thực là vô cùng đáng sợ đối với tôi vì đã không ít tôi nghĩ rằng mình sẽ không thể chịu nổi cảm giác: mỗi một ngày trôi qua đều bắt đầu bằng việc mở chiếc máy tính lên, chuẩn bị cho lớp học và kết thúc bằng việc đóng chiếc máy tính lại.

Nhưng dần dần, tôi đã thích nghi hơn. Tình cảm của thầy cô và sự giúp đỡ của bạn bè qua chiếc màn hình máy tính đã tiếp thêm động lực cho tôi. Thời gian trôi qua, dần dần tôi đã quen với những thứ mới mẻ xung quanh mình. Tôi tìm được niềm vui nho nhỏ trong những cuộc trò chuyện cùng thầy cô và những người bạn mới, mặc dù chưa từng có cơ hội gặp gỡ nhau ngoài đời. Những lúc làm việc nhóm với bạn bè qua màn hình máy tính, tôi vẫn cảm nhận được sự động viên, giúp đỡ chân thành từ mọi người. Những lời nhắc nhở khi tôi sai sót từ thầy cô là động lực để tôi cố gắng hơn. Đặc biệt, tôi cảm thấy may mắn và ấm lòng khi luôn có cô chủ nhiệm Lê Thị Thanh Huyền, người mẹ hiền lúc bấy giờ luôn bên cạnh, động viên và theo sát từng bước đi nhỏ của tôi. Tất cả những điều đó là nguồn động lực to lớn thúc đẩy tôi phải cố gắng nỗ lực hơn từng ngày.

Bên cạnh đó, gia đình cũng luôn sát cánh cùng tôi, chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ. Chính sự quan tâm chân thành ấy đã giúp tôi cảm thấy mình không hề cô đơn, có thể vững vàng vượt qua mọi thử thách trên hành trình mới. May mắn khi đại dịch qua đi, tôi có cơ hội đến trường học trực tiếp cùng các bạn. Dù chỉ được 2 tháng ngắn ngủi học tập và vui chơi tại đây, nhưng đó là những kỷ niệm đẹp nhất với tôi. Lần đầu tiên, tôi cảm nhận được tình cảm ấm áp của thầy cô và bạn bè Nguyễn Tất Thành dành cho mình. Đó cũng là lúc, một suy nghĩ vô cùng chắc chắn xuất hiện trong tâm trí tôi: “Mình phải tiếp tục cố gắng để trở thành học sinh của Nguyễn Tất Thành thêm một lần nữa”. Để rồi chỉ một tháng sau đó, cô học trò nhỏ vốn ban đầu tưởng chừng rằng mình sẽ mãi mãi chẳng hợp với nơi này, giờ đây lại vui sướng và hào hứng kể với bạn bè rằng: mình là học sinh của trường Nguyễn Tất Thành, nơi sẽ tiếp tục gắn bó 3 năm thanh xuân đẹp nhất của tuổi học trò.

Nguyễn Tất Thành - nơi của những cái đầu tiên, đẹp đẽ và lãng mạn nhất trong tôi. Đến bây giờ, mỗi khi nghĩ lại về những câu chuyện năm xưa, tôi lại thầm cảm ơn bản thân vì đã có cho mình những quyết định thực sự phù hợp và đúng đắn. Hi vọng rằng khoảng thời gian còn lại dưới mái trường mang tên Bác sẽ là khoảng thời gian rực rỡ, tươi thắm nhất của tuổi học trò mà tôi có thể có được. Để rồi dù mai này khi không còn được khoác trên mình chiếc áo đồng phục đến trường nữa thì Nguyễn Tất Thành vẫn sẽ mãi in đậm trong tâm trí, khắc sâu trong trái tim của tôi.

                                                                                                            (Đỗ Ngọc Mai - 11D5)

 

BỐN MÙA YÊU DẤU!

Nhật kí thương mến!

Cậu có biết, cảm giác khi quay đầu và nhìn lại bản thân, rồi nhận ra, theo thời gian, cậu đã khác rồi là như thế nào không? Chà, tuyệt vời đến khó tả! Cảm giác ấy đến bất chợt, đến vào ngày đầu tiên của mùa thu, đến vào một đêm khó ngủ của tớ. Trăn trở mãi với chiếc đồng hồ sinh học lâu lâu lại chập chờn, ánh mắt tớ lướt qua chiếc gương trên tường rồi bỗng dừng lại ở đấy thật lâu, thật lâu. Kìa, trông hay nhỉ? Ngắm thật nhiều, nhưng hình như không bao giờ đủ, nhiều cái “lạ lạ” cứ dần hiện ra: Hình như hôm nay tớ đã khác.

Và có lẽ mọi sự bắt đầu từ ngày tớ bước chân vào ngôi trường mới, lớp học mới - tập thể A7 trường Nguyễn Tất Thành. Bốn năm dưới mái trường mang tên Bác đã thực sự mở ra một bầu trời và cho tớ một tổ ấm, cùng với những năm tháng ấy là biết bao đổi thay! Đúng là “Thời gian tạo thành hết thảy, lại cũng là thay đổi hết thảy.” Bốn năm ấy, tớ từ rụt rè thành tự tin, từ bị động thành chủ động, và đặc biệt hơn cả, từ trẻ con thành người lớn rồi đấy!

Ngược dòng thời gian, trở về thời điểm xuất phát, cái cách tớ đến với ngôi trường này cũng thật khác lạ! Tớ còn nhớ, những ngày mải miết mang theo từng quyển vở kẻ ô li, chờ bố gọi dậy đi học mỗi sáng, cặm cụi chép từng bài văn tả cây bàng, cây phượng... Tớ tưởng rằng, sau này, tớ sẽ tiếp tục đi học ở trường cấp 2 gần nhà, tiếp tục ngồi sau xe bố, tiếp tục gắn bó với những đứa bạn hàng xóm! Nhưng không nhé! Chính bố mẹ tớ đã gieo cho tớ một tình yêu nho nhỏ, một chút ngưỡng mộ, một chút hi vọng, một chút háo hức với Nguyễn Tất Thành! Và rồi, tớ bắt đầu ước mơ, bắt đầu chạy đua với những kiến thức mới, với quyết tâm ôn luyện miệt mài... Với ước mơ về mái trường mang tên Bác ấy, tớ thật sự đã rất nỗ lực! Có lẽ “May mắn là món lãi của mồ hôi”, cái thần kì mà bao ngày mong mỏi đã đến với tớ! Ngày khoác lên mình chiếc áo đồng phục, bước chân vào cổng trường, người tớ như đang bay vậy, cái cảm giác lâng lâng khó tả, vui đến không nói thành lời ấy, có lẽ tớ sẽ không quên được!

Không hiểu sao, nhưng tớ có một suy nghĩ “lạ lùng” thế này: 4 năm của tớ cứ như 4 mùa ấy!

Năm học lớp 6 là một mùa xuân e ấp. Như những mầm non mới nhú, những bông hoa chớm nở, tớ mang theo nhiều hi vọng bước vào một môi trường mới, như một làn gió mới thổi qua. Cùng với đó là một chút rụt rè, nhen nhóm một chút sự trốn tránh khi những ánh nắng mới làm đôi mắt tớ chói lóa: Những điều tớ sợ đã xảy đến, tớ thực sự chỉ là một chú cá nhỏ bé giữa đại dương bao la, những thứ tớ phải rất khó khăn mới có thể làm được, trong mắt các bạn chỉ là chuyện đương nhiên. Kiến thức, kỹ năng, ... mọi thứ của tớ dường như kém xa với các bạn. Rồi những cơn mưa phùn kéo đến, liên tục, ngập lụt: Tớ dẫm vào một vũng nước sâu đọng lại sau cơn mưa, mà khi nhìn xuống, chà, tớ tự ti lắm! Có những lúc tớ luôn cảm thấy, có lẽ tớ không thuộc về nơi này. Phải chăng cố chấp bước vào đây là một quyết định sai lầm? Tớ cũng không biết nữa nhưng hi vọng rằng mình sẽ dần quen thôi! Quả nhiên, sau cơn mưa dông dài đằng đẵng, cầu vồng và nắng ấm đã xuất hiện kìa! Từ không thể nói chuyện với ai, nay tớ đã có bạn, có bè, từ rụt rè, e ngại, tớ đã mạnh dạn hơn, có thể phát biểu mà không nói lắp cơ đấy! Tuy vẫn có những cơn mưa kéo theo sự nóng ẩm khiến người ta khó chịu, mùa xuân của tớ, khởi đầu mới của tớ, vẫn rất tuyệt! Trôi nhẹ, trôi nhẹ, năm đầu tiên của tớ đã qua như vậy đấy!

Nhẹ nhàng xuân qua, mùa hè sôi động – mùa của trải nghiệm cũng đã đến! Năm lớp 7 của tớ là đến lớp, đến trường qua chiếc máy tính vì dịch bệnh. Những tia nắng chói chang kéo đến, làm tớ bỡ ngỡ, chẳng kịp làm quen: Học kiểu mới, làm bài kiểu mới, thi kiểu mới! Mọi thứ thay đổi theo nhịp điệu biến động của xã hội, như một bản hòa ca của những tiếng ve râm ran liên tục hối thúc, tớ chạy theo chẳng kịp. Nắng gay gắt, nắng đến khó chịu: Tớ áp lực chứ! Tớ chẳng thể làm gì ngoài cố gắng, rồi tớ cũng mệt mỏi vì có quá nhiều thứ phải làm, phải nghĩ. Đã có những khi tớ muốn bỏ cuộc, mặc kệ mọi thứ mà né tránh đi ánh nắng ấy! Nhưng sự mời gọi của bầu trời trong xanh đến mê hồn, của những áng mây bồng bềnh, của quả thơm trái ngọt như gợi dậy “ý chí chiến đấu” trong tớ. Tớ đối đầu với những thử thách mới, đốc thúc bản thân tham gia những trải nghiệm mới, đáng quý nhất trong số đó có lẽ là kỳ thi tranh biện của tớ. Tuy vất vả, nhưng nhờ nó, tớ đã có được những người bạn tuyệt vời, tiếp thu thêm những kỹ năng mới. Vượt lên tất cả, dáng vẻ mạnh dạn hơn đã biến thành tự tin lúc nào không hay! Khởi đầu gian nan là thế, nhưng cũng cảm ơn vì tớ đã có một mùa hè siêu đáng nhớ!

Mùa thu dịu dàng, ân cần đã đến bên cô bé lớp tám. Tớ bật mí cho cậu một bí mật nhé: Hai năm vừa rồi, tớ cực kỳ “giản dị” luôn! 365 ngày đi học, ngày nào cũng là tớ với mái tóc đuôi gà lởm chởm buộc chặt đằng sau, là đứa con gái với phong cách tomboy, gương lược bỏ trong góc cặp. Cậu biết vì sao không? Tớ sợ, sợ mọi người sẽ để ý đến sự thay đổi của tớ, sợ mọi người sẽ ngạc nhiên mà nói ra nói vào. Nhưng năm nay thì không nhé! Chiếc lá mùa thu đổi màu, đủ mọi sắc: Con bé đó đã thả tóc, biết chải chuốt, biết soi gương, biết để ý đến ngoại hình nhiều hơn, đã sợ xấu rồi kìa! Cơn gió lạ thoang thoảng mùi hoa cúc dịu nhẹ thổi đến: Trầm trồ nữa, con bé đó hình như hiền lành hơn, hay ngại hơn thì phải? Mẹ của tớ hay đùa rằng, “con gái” mẹ nay thành “em gái” mẹ rồi kìa! Mùa thu của tớ biến động ghê lắm! Mùa thu ấy khiến tớ tự tin hơn, khiến tớ thấy, chà, mình cũng thật tuyệt!

Sự dịu dàng qua đi, mùa đông dữ dội đến rồi đây! Đây có thể sẽ là năm cuối của tớ ở mái trường này rồi! Vẻ e ngại, rụt rè của con bé lớp 6 đã biến mất hoàn toàn, thay vào đó là bản sắc cá nhân, là sự tự tin tuyệt đối của tớ. Tớ đã thoải mái thể hiện bản thân mình, làm theo những gì tớ thực sự giỏi, thực sự thích. Quan trọng nhất, tớ đã trưởng thành rồi! Sinh nhật 14 tuổi, tớ đã có chiếc căn cước đầu tiên trong đời! Tớ đã có thể làm những việc mà tớ luôn cho là “của người lớn”. Tớ đã có thể tự lập kế hoạch cho mình, đã có thể vẽ lên tương lai của bản thân! Tớ đã chủ động hơn trong mọi việc, đã tìm ra được đam mê của tớ với môn Sinh học. Có lẽ những cơn gió bấc rét buốt đã thổi đi từng ngọn cỏ cành cây, giúp tớ tìm được chính tớ! Mùa cuối cùng của tớ cũng đang dần trôi qua rồi đấy!

Vô vàn thay đổi đã đến với tớ: buồn, vui, hờn, giận, ... Tất cả những cung bậc cảm xúc ấy đến với tớ, khiến tớ càng gắn bó, càng thân quen hơn với ngôi trường Nguyễn Tất Thành đầy yêu thương. Đồng hành trên từng chặng đường trưởng thành chính là sự lặng thầm đầy bao dung của mái trường mang tên Bác mến yêu! Qua 4 năm - 4 mùa, tớ càng thêm chắc chắn về niềm tin yêu, tự tin, kiêu hãnh khi khoác lên mình chiếc áo đồng phục xanh xanh đặc trưng ấy. Ngày ngày, tiếng trống trường gióng giả vang lên như thúc giục tớ và cả những người bạn của tớ trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

(Nguyễn Yến Lê – 9A7)

 

NƠI THANH ÂM VÚT BAY

Tôi ở một nơi thật cao, cũng chưa phải cao nhất, nhưng ai tìm tôi cũng phải ngước nhìn lên. Tôi là kẻ hay gây thanh động, nhưng khi tôi lên tiếng, dường như mọi người thường chậm bước lại mà lắng nghe tiếng tôi. Tôi chẳng muốn khoe mẽ, nhưng cũng không thể giấu mình được với ai. Bởi những âm thanh từ tôi, tiếng đàn tranh dìu dặt, những thanh âm cao vút của tiếng sáo, giọng nguyệt cầm trong trẻo, da diết cứ vươn mãi ra khoảng trời xanh mây trắng kia. Đó là tôi đấy - căn phòng 506 trên trên góc nhỏ tầng 5 tòa nhà N3.

Tôi 8 tuổi rồi.

Tôi đã đi từ những bước chập chững đầu tiên cho đến nay đã vững vàng là một phần của ngôi trường này, chứng kiến sự thay đổi của ngôi trường 25 tuổi. Tôi lớn lên cùng bao thế hệ học sinh, cất giữ tiếng lách cách đàn Tơ-rưng, tiếng tình tính tang của đàn Nguyệt và âm vang hào hùng của dàn Trống.

Bạn biết tôi đến từ đâu không?

Tôi đã ra đời từ khát vọng mãnh liệt của một chàng sinh viên trường âm nhạc yêu truyền thống dân tộc mình. Đó là khát vọng có một dàn nhạc dân tộc ngay trong một trường phổ thông. Chà, tôi là kết tinh của bao nhiêu tình yêu đó: tình yêu đất nước, tình yêu âm điệu dân tộc, tình yêu mái trường và tình yêu nghề, yêu con trẻ… Để giờ đây, “cha đẻ” của tôi đã trở thành một nhà giáo cùng thầy cô giáo khác không chỉ dạy chữ nghĩa, dạy kĩ thuật, nghệ thuật chơi nhạc cụ dân tộc cho các bạn học sinh, mà còn giáo dục tinh thần yêu mến, tự hào về âm nhạc dân tộc cho thầy và trò trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành. Với sứ mệnh cao cả đó, tôi được sinh ra để họ luôn cố gắng lưu giữ cái nét văn hóa truyền thống, đồng thời phát triển cái hồn dân tộc ấy thành một niệm tự hào, thành một nét văn hóa độc đáo, đẹp đẽ không thể thiếu trong ngôi trường mang tên Bác.

Ngược dòng thời gian trở về 8 năm trước, khi tôi còn là căn phòng trống được bao phủ xung quanh là chiếc rèm vàng cũ và chẳng chứa bất kì nhạc cụ nào. Trải qua thời gian, trong tôi xuất hiện sự góp mặt của các loại nhạc cụ và bộ bàn ghế làm bằng nứa mà đến bây giờ tôi vẫn còn giữ. Vài năm gần đây, tôi được khoác lên mình bộ quần áo mới với 2 mặt cửa kính và chiếc rèm kéo hiện đại. Với tôi, mùa hè – quãng thời gian mà học sinh không qua thăm tôi nữa chính là quãng thời gian khốc liệt nhất bởi những cây đàn vì không thể chịu được sức nóng của thời tiết, cái thì vỡ làm đôi, cái thì đứt dây, cái thì tuột hết các bộ phận,…đau đớn đến nhường nào. Rồi trước khi vào năm, hình ảnh người thầy nhỏ bé, tận tụy vừa ngồi tâm sự, thủ thỉ cùng tôi vừa dính, sửa lại những chiếc đàn bằng keo dán, bằng kinh nghiệm và tình yêu của thầy. Đối với tôi, chính những vết nứt đấy để lại cho các em học sinh như là sự đánh dấu của thời gian, của kỉ niệm. Giây phút đó đã cho tôi cảm nhận được sự cống hiến hết mình của người thầy, đồng thời là lời thông báo rằng một năm học mới lại đến và tôi cần phải tiếp tục đứng vững ở đây như là chỗ dựa tinh thần cho thầy và trò tiếp tục thực hiện hóa ước mơ của mình.

Tôi thường hay bị mấy anh phòng học hàng xóm nhắc nhở vì hay gây mất trật tự vào giờ nghỉ trưa của mọi người. Chậc, tôi cũng chẳng biết phải làm thế nào, kể cả khi tôi biết phòng nghỉ của giáo viên ở cách đó không xa. Đành chịu thôi, chấp nhận có buổi trưa, khi chúng tôi đang tập luyện rất hăng say thì một cô giáo chủ nhiệm từ phòng trên xuống gõ cửa phòng vì mấy cô cậu chơi đàn gõ trống quá ầm ĩ. Nhưng tôi vẫn dung túng cho lũ trẻ, tôi co mình lại cho nhỏ, nhỏ hơn nữa để âm thanh giảm xuống tối đa. Dù trong lòng tôi biết, những giai điệu dặt dìu vẫn cứ vang vọng trong không gian im ắng của giờ nghỉ trưa.

Tôi chấp nhận để mọi người chê tôi ồn ào. Nhưng tôi hiểu rằng những âm thanh ấy đều bắt nguồn từ tình yêu, sự tự hào đầy kiêu hãnh của đám học sinh có cùng niềm đam mê với nhạc cụ dân tộc. Như một thói quen, cứ đến giờ nghỉ trưa, bọn trẻ lại đến chỗ tôi để tập luyện, nào là chuẩn bị đón đoàn khách quốc tế, nào là diễn mở màn cho các sự kiện lớn nhỏ của trường hay chỉ đơn giản là gặp thầy Bắc để mượn cây sáo. Các giai điệu chúng chơi, qua từng lớp học sinh, tôi thuộc làu làu không sai một nốt nào. Tụi trẻ cứ như vậy, trải qua những lần diễn chung với nhau mà thành lập nên đại gia đình TMIC – Câu lạc bộ Nhạc cụ Dân tộc của trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành. Cứ mỗi mùa sự kiện đến, tôi không chỉ là nơi tập nhạc mà còn là nơi sáng tạo nghệ thuật của các bạn học sinh...

                                                                                                                        (Bùi Thu An – 11D3)